Hôm nay,  

Buồn Vui Hội Nhập

22/07/200000:00:00(Xem: 4988)
Trong tiến trình hội nhập vô xã hội Úc, người Việt gặp không biết bao nhiêu chuyện vui buồn, mà mỗi kinh nghiệm vui buồn đó luôn luôn là bài học cho những người tỵ nạn, di dân chọn Úc Đại Lợi làm quê hương thứ hai. Bài dự thi nhan đề "Buồn Vui Hội Nhập" của anh Nguyễn Thanh dưới đây sẽ giúp qúy độc giả có cơ hội sống lại những kỷ niệm ban đầu khi đặt chân đến Úc. Cùng với bài viết, ông Nguyễn Thanh còn có nhã ý gửi đến tòa soạn tấm hình chụp trong bữa tiệc Noel 25/12 năm 1999, ở ngay trung tâm thành phố Perth. Theo lời trình bầy của ông trong thư, số người tham dự bữa tiệc hôm đó có trên 800 người bao gồm đủ mọi sắc dân thành phần. Bữa tiệc do Perth City Mission tổ chức, mà đối tượng là bất cứ cá nhân hay gia đình nào thấy cô đơn trong ngày Noel là có quyền tham dự mà không phải đóng góp tiền bạc hay công sức gì. Tòa soạn Sàigòn Times chân thành cảm ơn ông Nguyễn Thanh, và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài dự thi của ông.

*

Chuyến bay Quantas đầu tháng 8/1983 đã đưa 36 người tỵ nạn chúng tôi từ Mã Lai đến Adelaide vào một sáng thật sớm giữa đông. Phi cơ đang hạ dần độ cao để đáp xuống phi trường. Xuyên qua cánh cửa kính trên phi cơ, cả nhóm người chúng tôi bắt đầu nhốn nháo, chồm lên, dõi những cặp mắt xuống phía dưới để nhận ra hàng hà sa số các ngọn đèn điện đủ màu đang thắp sáng cả một vùng đất khá rộng, đủ cho mọi người những cảm giác hớn hở, trầm trồ, với những cái tắc lưỡi: "Ồ, một thế giới mới với đầy hứa hẹn đang chào đón chúng tôi - những con người vừa trải qua bao chịu đựng khổ đau, nguy hiểm, với những lòng dũng cảm để đi tìm một con đường tươi sáng cho tương lai.

Điều đầu tiên khi bước xuống phi cơ đã làm chúng tôi nhớ mãi và cũng qua đó tạo cho chúng tôi cảm giác tự tin lại, là nước Úc tiếp nhận những người tỵ nạn với những nụ cười ân cần, niềm nở và thật nhã nhặn của những nhân viên có trách nhiệm phụ trách về mặt di trú và kiểm dịch ở phi trường. Thật không bù cho trước đó chỉ độ nửa ngày, cả tốp chúng tôi đều đã khép nép tuân lệnh răm rắp sự hướng dẫn thủ tục rời trại của các nhân viên bên trại tỵ nạn với những cái nhìn từ họ lúc nào cũng nghiêm khắc, không lộ chút vui tươi nào, như thể: "Các người rời trại càng sớm thì càng bớt gánh nặng nhân đạo của chúng tôi".

Rồi chúng tôi được tạm cư ở trung tâm Pennington (nghe đâu lúc trước là trại lính), với những phòng ốc rất sạch sẽ, ngăn nắp, rộng rãi với tất cả tiện nghi căn bản cho sinh hoạt của từng dạng gia đình từ cá nhân đến nhiều người.

Một tuần lễ với những bữa ăn ngày 3 lần đủ thứ bổ dưỡng với sự cung cấp mỗi ngày luôn nhiều hơn nhu cầu, đã làm chúng tôi nhớ lại những lúc lãnh đồ cứu trợ của Liên Hiệp Quốc mà đã bị vài anh chủ thầu Mã Lai làm giầu theo kiểu "phi gian bất phú" đã làm cho các hộp bò, hộp gà trở thành các lon đồ hộp có một không hai trong kỹ nghệ này.

Sau một tuần ở hostel thì có các ông Tây bà đầm đến gõ cửa phòng để giúp thay những tấm trải giường, hút bụi và làm những việc linh tinh trong mỗi phòng. Vài người đã khôi hài: "Bây giờ đã được làm các ông Hoàng, bà Chúa". Nhất là các đấng nhi đồng là những nhân vật may mắn nào đó trong các truyện thần tiên. Bấy giờ thấy đời sao đẹp thật! À không, chỉ thật đẹp, mọi bề đối với những gia đình nào đầy đủ, còn không ít chúng tôi bấy giờ mới thấm cảnh cô đơn, lo âu và hoang mang: "Anh hỏi em, anh hỏi em, bao giờ gặp lại"...". Bao giờ đoàn tụ, thì chỉ còn biết cầu xin Thượng Đế cho số mình may nhiều rủi ít thôi!

Làm vua được ít tuần thì thấy là sướng thì có sung sướng thật; nhưng háo quá, lại chân ướt chân ráo mới đến thì giành dụm, tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu để còn đáp ứng được nhu cầu khác trước mặt. Hơn nữa, người mình nếu thiếu những món quốc hồn, quốc túy lâu thì chịu không được. Cứ nghĩ đến số tiền chênh lệch giữa làm vua và đi chia phòng ở ngoài Hostel cộng với cái thèm nước mắm, cá kho, bạc hà, giá sống, bánh xèo, phở, bún bò Huế... thì chưa dọn ra bên ngoài được, nhưng các điều ấy, thứ ấy nó cứ canh cánh bên người.

Với ý nghĩ vậy, tôi đã tung cánh về Footscray rồi Springvale (Melbourne) qua những lời ca tụng của những người định cư trước là những nơi ấy có nhiều người mình sinh sống, cửa hàng Việt Nam cũng nhiều hơn cộng với điều thật quan trọng, đó là Melbourne là một trong hai thành phố kỹ nghệ lớn của Úc với việc làm đủ mọi lãnh vực lúc nào cũng sẵn. Vậy bay qua Melbourne thật là hợp lẽ. Và từ ngày ấy những kỷ niệm vui, buồn, hài hước, dở khóc dở cười trong việc hội nhập với người Tây, kể cả với người phe ta (xin phép được mở ngoặc chỗ này: người viết bài này vì đi solo nên trong 6 năm trời chờ đoàn tụ đã phải đi chia phòng cũng trèm trèm 10 chỗ, và cuộc sống hội nhập với nhau cũng đủ mọi hình thái từ hỉ, nộ cho đến ái, ố... các bạn nào đáng là chủ nhà cho chia phòng hay là người đi chia phòng đều có nỗi khổ riêng về việc này. Đúng vậy chứ, thưa các bạn") cũng ngày một rôm rả hơn, nhiều cái hãnh diện, nhiều cái thật vui, nhưng cũng không thiếu những cái "quê 2, 3, 4 cục" hoặc những cái kinh nghiệm của "chú khờ ra tỉnh". Việc có 8, 9, 10 người ở chung một căn nhà thuê 3, 4 phòng thật cũ rất là chuyện thường tình lúc bấy giờ. Ba người nam ở một phòng khách cũng là chuyện không hiếm. Người Việt tỵ nạn ở Úc khi ấy chưa đông lắm. Ngoài ít bạn bè đến nhau thường xuyên, chúng tôi cũng tìm cách làm quen với những người Úc láng giềng. Trước là để tạo thân tình với họ hầu tìm thêm sự vững tin trong việc tập nói tiếng Anh cho quen trong cuộc sống mới thật bỡ ngỡ này.

Mỗi lần đi chợ chúng tôi thường đi chung với nhau, cuốc bộ từ nhà đến shop không xa, và cứ lần nào gặp vợ chồng người Ăng Lê hàng xóm là chúng tôi tươi cười, lên tiếng chào xã giao, để rồi chỉ vài lần "hello" thì có một hoạt cảnh đối thoại sau:

- Hello Ba (tên của anh bạn tôi), hello Son (tên của vợ anh bạn tôi là Sơn)

- Hello Cháu (Charles)

Tuổi của chúng tôi khi ấy chỉ độ gần bằng tuổi các con của cụ nhưng vì giọng phát âm của người Anh rất dễ thương nên đã làm chúng tôi phải nhịn cười mãi. Lại nữa, cụ cứ bị tiếng Anh của đám tỵ nạn này coi mình như là "Cháu" không bằng. Sau vài lần thấy chúng tôi tủm tỉm nhịn cười như thế, vốn sẵn thẳng tính và có cảm tình với những người mới định cư, cụ hỏi có gì lạ mà vui thế, để rồi từ đấy vợ anh bạn tôi có tên là Núi, anh bạn thì là Tam, còn cụ thì được gọi bằng tên lót. Rồi cụ khen xã giao một câu: "Tiếng Việt của các bạn thật phong phú và rộng nghĩa như là con người của các bạn với tình hàng xóm vậy".

Chúng tôi biết là khen xã giao nhưng vì sẵn mến hai cụ nên vài bữa sau có dịp giỗ chạp, anh chị bạn của chúng tôi liền mời hai cụ qua để giới thiệu ít món ruột của phe ta để thêm tình bằng hữu và cũng là để "ẩm thực giao lưu".

Sau hơn nửa năm ở căn nhà thuê đầu tiên trên đất Úc, vì hoàn cảnh riêng nên có người phải đi chỗ khác, còn lại 7 người chúng tôi lại đi kiếm thuê một căn khác, chia tỷ lệ trả tiền phù hợp với số người và số phòng và lại có một chuyện vui với đôi vợ chồng Úc trẻ cạnh bên. Sẵn chúng tôi, là những người mới đến Úc và cũng là hàng xóm mới mẻ nên một tối lúc mới ấy, chúng tôi mời hai vợ chồng này qua dùng cơm tối. Bữa cơm ngày ấy tuy ngồi trên thảm ở phòng khách - đã được dọn dẹp cho rộng nhưng ấm cúng, đủ chỗ cho 5 người lớn và cặp vợ chồng Úc rất hòa đồng. Tiếng Anh của 5 người phe ta chưa ai nghe và nói khá cả nên đành dùng thêm cả động từ "to quơ" lẫn "body language" để chuyện trò với phía bạn. Người Úc cũng như người mình, khi mời họ ăn tối, họ cũng đem theo chút đỉnh quà cáp để nhập tiệc cho vui. Vợ chồng Úc đem theo 6 lon bia, và khi đã có chút men, dù chút ít thôi, người mình hôm ấy cũng hứng khẩu, khoái cảm cho tình bạn mới này, liền lấy ly lên cụng và nói tiếng Việt: "Trăm... trăm". Anh bạn Úc cũng nâng ly, cũng nói tiếng Việt "trăm...trăm". Phe mình tỏ lòng hiếu khách nên làm liền một hơi cạn. Còn anh bạn chúng tôi chỉ nhấm có một ngụm rồi đặt ly xuống. Phe mình ngạc nhiên, để rồi nhờ động từ "to quơ", "to chỉ, to chỏ" thì mới vỡ lẽ ra: anh bạn hàng xóm cũng học được một vài chữ tiếng Việt từ chủ nhà thuê trước, cũng nói "trăm...trăm" cho hòa đồng nhưng vì phát âm hai chữ "chậm...chậm" chưa được giống người Việt, nên mới vui thế. Thật là tình "tỵ nạn và Úc" tuy mới nhưng thật hay hay.

Nếu hội nhập ở xứ người mà chỉ gặp những cái vui vui, những cái dí dỏm, ngồ ngộ ấy thì đời cũng tạm quên đi được đôi phút nhớ nhà, nhớ quê của người mình; nhất là cho những người đang độc thân dù nam hay nữ đang từng ngày mong ngóng tin vui từ Bộ Di Trú cho biết ngày đoàn tụ. Để rồi một bữa nọ, trong năm 1984 con gái anh chị bạn mới 12, 13 vào mua mấy con tem ở bưu điện Springvale (VIC), khi trả tiền xong, ông Tây bán tem thấy cháu bước thẳng đi ra liền nói:

- Chữ "thank you" cháu để đâu rồi"

- Dạ! Ông nói gì ạ"

- Chữ "thank you" cháu quên rồi à" Cháu đến Úc bao lâu"

- Dạ hơn 6 tháng. Ở Việt Nam không có ai nói cám ơn khi trả tiền cho má cháu hết!

- Ở Úc, cháu nên nói cho giống những người khác nhé, được chứ"

Cô bé kể lại cho chúng tôi nghe về việc chưa quen tiếng Anh ấy lại phải đi vội về nhà nên quên hai chữ ấy mà nét mặt vẫn chưa hết "quê" cho sự xung đột giữa hai tập quán này.

Lại một chuyện nọ khi còn ở chia phòng tại Footscray (Vic): Khi đã tạo sự thân mật được với những người chung quanh rồi, đôi lúc có những buổi chiều cuối tuần, tán gẫu với hàng xóm chúng tôi nói đủ chuyện, từ chuyện quê hương đến chuyện đến Úc bằng những sự đối đầu với thần chết bằng những con thuyền nhỏ bé, mong manh trên đó chất đầy người, đến chuyện học Anh văn đọc mãi không xong hai chữ "bin" và "bean" với những người tóc vàng và thường là tóc vàng, để hiểu thêm về Úc cũng như kiếm thêm chút đỉnh gì mới học nơi họ, mà nhiều lúc cho đến tận bây giờ chúng tôi thật ra vẫn nghĩ là thật rất nhiều lúc vẫn khớp hoặc lạ với những tập quán nơi họ. Chuyện nọ với một cụ bà Úc tóc vàng là:

- Người Việt Nam tỵ nạn chúng cháu mới đến vùng này ở có gì lạ không, thưa bác"

- Ồ, không có gì lạ mà là tốt lắm chứ. Hồi xưa vùng này không sầm uất như ngày nay. Bây giờ đi dạo quanh vùng Footscray chúng tôi cũng thấy được nhiều cái lạ, cái hay, cái đa dạng mà nhiều người tỵ nạn ở nhiều nước đã đem đến đây. Bác có quen nhiều gia đình VN thì thấy họ rất hiếu khách, "dễ làm quen và lại dễ thân tình". Họ rất cần cù, chăm chỉ trong mọi công việc, lại còn khiêm tốn nữa, nhất là các đứa trẻ rất lễ phép và hiếu học.

- Dạ! Ý cháu muốn nói ý khác.

- À, người VN bác thấy chỉ có một điểm thắc mắc là sao chúng cháu nói to quá. Nhiều lúc bác cứ ngỡ là nhà bên cạnh bác cãi cọ, sắp có vụ gì lớn xảy ra"

Chúng tôi ở được ít lâu, thì mùa "Pham" lại đến. Tôi và anh em bạn cùng nhà xưa được 2 chỗ xe "chở người cho các pham" đi bẻ cà rốt ở Linhdale, cách Springvale độ 50 cây số. Dù chưa biết cây cà rốt ở pham nó như thế nào, nhưng cứ nghĩ đến những người đi trước cho biết mỗi ngày họ làm trên dưới $60 thì mình được một nửa số ấy cho 10 tiếng làm việc để có được một số trên thì cũng hăng hái lắm. Và để rồi ngày đầu làm pham này, lúc chiều tối về nhà liền được chào đón bằng một câu của vợ anh bạn:

- Thưa hai bác có đi lộn nhà chăng"

Chả là, lúc ấy cả hai chúng tôi mặt mũi thì hom hem sương gió, lưng thì còng, còn cặp chân bước đi như đạp phải gai. Mà tiền thì sau khi trừ tiền xe, mỗi người chúng tôi chỉ còn được $16 đồng cho 10 tiếng vặt cà rốt. Hôm ấy đã gặp "pham" thất mùa, không biết chủ xe muốn thử tay nghề của hai chúng tôi xem có kiên nhẫn hay không, hay là vì mình là ngày đầu lính mới nên bết bát thế. Có lẽ cả hai ý đều đúng. Chúng tôi không nản, vì dẫu sao ngày hôm ấy cũng làm được ba con gà quay lớn rồi. Tâm niệm: "Vạn sự khởi đầu nan", nhưng vì sức khỏe không tốt bằng các bạn trẻ làm "pham" khác, nên mỗi tuần cũng chỉ "đánh" được có vài ngày cho hết mấy tháng ấy. Dầu sao, tuy cực về tay chân nhưng thật là thoải mái cho tinh thần mà các lãnh vực làm việc khác cũng ít có. Các bạn đang làm pham chắc cũng đồng điểm này" Nhất là lại được tha hồ chuyện trò những lúc hái, vặt cây trái này. Lại còn được cho đem chút sản phẩm về nữa. Khi có chút đỉnh dằn túi để chờ ngày được gọi đóng tiền vé máy bay cho việc đoàn tụ với gia đình từ VN qua thì chúng tôi liền đi tìm chỗ trú mưa, trú nắng để kiếm tiền và từ đấy mỗi người chúng tôi tự đi tìm các hãng xưởng quanh vùng để "cày".

Ở những nơi làm việc ấy lại thỉnh thoảng có một vài điều vui cũng như buồn cho những ngày đầu ở hãng xưởng này: Một hôm anh bạn cùng phòng vừa từ hãng về cho biết là đã bị đuổi việc. Số là anh bạn tôi làm ở hãng mộc mới được 2 tháng, gặp năm ấy (1985) lại có dịch cúm nặng, anh bạn đi bác sĩ được cấp giấy cho nghỉ 2 ngày. Nhà không có điện thoại, anh bạn lại không gọi điện thoại báo cho hãng biết, cứ nghỉ ở nhà trước, trong lúc hãng đang rất bận công việc, nên khi trở lại làm, ông cai đưa lên gặp chủ và kết quả là được trả cho một chi phiếu để về đi tìm hãng khác. Buổi đầu không rành tiếng Anh nên thường đưa đến việc "ngại gọi điện thoại" và có kinh nghiệm này.

Bây giờ dù ở Úc được một thời gian dài, nhưng chuyện hội nhập vào quê hương mới này, mỗi ngày chúng tôi có thêm, học thêm được những kinh nghiệm mới, lại thêm đôi lúc nếu có bạn người di dân ở các sắc tộc, các quốc gia khác đến định cư ở Úc này thì việc hòa đồng với họ đôi khi cũng cho chúng tôi những niềm vui hoặc những bỡ ngỡ mới. Xứ sở miệt dưới này đúng là một đất nước may mắn, đa văn hóa và thật ý nghĩa là vậy. Xin cảm ơn.

Nguyễn Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.