Hôm nay,  

Tìm Hiểu Hoạt Động Quốc Hội: Điều Trần Khác Tường Trình?

05/11/200500:00:00(Xem: 6299)
- Ngày 26-10-2005 vừa qua, tại quốc hội Hoa Kỳ có tổ chức một cuộc tường trình về tình hình tự do tôn giáo cho Việt Nam.

Cuộc tường trình khá thành công và gây được sự chú ý rộng rãi trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Chính vì sự quan tâm đặc biệt này, chúng tôi xin có chút chia sẻ kiến thức về ngành lập pháp trong guồng máy chính trị của Hoa Kỳ, nhất là tại quốc hội.

Những hoạt động hữu ích mà người Mỹ gốc Việt có thể ảnh hưởng đến chính sách Hoa Kỳ qua ngả quốc hội thường là: vận động đạo luật, lập phái đoàn chuyên viên quốc hội đi Việt Nam tham sát tình hình, lên tiếng với hành pháp, v.v..

Tuy nhiên có hai hoạt động chúng ta có tham dự và thường nói tới, nhưng cộng đồng thường lẫn lộn không phân biệt được rõ ràng đó là hearing tức là điều trần và briefing tức là tường trình.

Về hình thức cả hai hoạt động này cùng giống nhau ở những điểm sau:

- Tổ chức và chủ toạ bởi một nhóm dân cử.

- Trình bày sự việc bởi một số người chuyên môn được mời.

- Được tổ chức tại một văn phòng thuộc các building của hạ viện hay thượng viện

- Người muốn dự thính được vào cửa tự do.

Tuy nhiên về tầm ảnh hưởng trên khía cạnh vận động các công ích cho đất nước Việt Nam của chúng ta thì hai hoạt động này hoàn toàn khác xa nhau:

- “Hearing” hay điều trần: là một hoạt động chính thức của quốc hội Hoa Kỳ do một cơ cấu chính thức của quốc hội thực hiện. Vì vậy tất cả các dữ kiện do các chứng nhân trình bày, nhận định đều được tồn trữ chính thức trong hồ sơ quốc hội và sẽ được toàn thể dân cử hay nhân viên quốc hội tham khảo trong việc lập pháp hay theo dõi vấn đề chấp pháp các đạo luật đã được ban hành.

Vì tầm quan trọng của các cuộc điều trần, chỉ có các chủ tịch hoặc phó chủ tịch các Ủy Ban định chế (tức là các cơ cấu chính thức trong guồng máy hành chánh của quốc hội) mới có quyền điều động và tổ chức.

- Khác với điều kiện trên, “briefing” không là hoạt động chính thức của quốc hội. đây có thể được xem như những buổi đàm đạo, chia sẻ lẫn nhau về một vấn đề mà những người tham dự cùng quan tâm. Ví dụ như buổi tường trình ngày 26-10 vừa qua, bốn dân biểu chủ tọa cũng như những người thuyết trình đều quan tâm đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Vì không có tính cách pháp lý, các dữ kiện được trình bày tại buổi “briefing” (tường trình) không được tồn trữ chính thức trong hồ sơ quốc hội và do đó không ảnh hưởng bao nhiêu đến tiến trình lập pháp hay chấp pháp. Do đó chúng ta có thể khẳng định: tầm ảnh hưởng của diều trần (hearing) rộng hơn, mạnh hơn, sâu đậm hơn tầm ảnh hưởng của tường trình (briefing) rất nhiều.

Cũng xin nhấn mạnh các tổ chức Caucus. Ví dụ “Congressional Caucus on Vietnam “ (CCV) hoặc “The Congressional Human Rights Caucus” (CHRC) [hai caucus đã tổ chức buổi tường trình ngày 26-10 vừa qua] không phải là cơ cấu pháp lý chính thức của quốc hội Hoa Kỳ. Tổ chức Caucus chỉ là tập hợp các dân cử cùng quan tâm một vấn đề chung. Nói nôm na dễ hiểu thì Caucus cũng như một hội thân hữu. Nhấn mạnh điều này để nói lên lòng biết ơn đối với các dân biểu có lòng yêu tự do dân chủ, đã và đang quan tâm đến tình trạng đất nước đau thương của chúng ta. Tuy nhiên, các vị này khi dùng quyền lực chủ tịch hay phó chủ tịch tại các ủy ban của mình trong quốc hội thì họ có quyền tổ chức buổi hearing. Nhưng nếu các vị dùng địa vị mình trong một Caucus thì các vị lại không có quyền tổ chức hearing (điều trần) mà chỉ có thể điều hợp một buổi tường trình (briefing) mà thôi.

Nói tóm lại, tổ chức ngày 26-102005 vừa qua là buổi tường trình (briefing) chứ không phải là buổi điều trần (hearing). Bằng chứng hiển nhiên nhất là ngay trên bản thông báo chính thức của ba dân biểu đứng ra tổ chức Zoe Lofgren, Tom Lantos, và Frank Wolf đã ghi rõ lời mời:

“Congressional Caucus on Vietnam (CCV) &

The Congressional Human Rights Caucus (CHRC)

Joint Members’ Briefing:

Vietnam:

“Ongoing Religious Freedom Violations”

Wednesday, October 26, 2005

4-5:30 p.m

2200 Rayburn House Building”

Kính thưa quí vị, chúng tôi muốn giải thích rõ ràng vấn đề ở đây, vì chắc chắn quí đồng hương cũng đồng ý với chúng tôi: muốn thành công chúng ta phải hiểu đúng và thấu đáo vấn đề. Biết người biết ta. Chuyện quốc gia đại sự thì đâu thể “mờ mờ nhân ảo như người đi đêm”"

Tuy nhiên, cũng xin nhấn mạnh, nếu những quí đồng hương nào trước đây có hiểu lầm ý nghĩa và mức độ quan trọng giữa điều trần và tường trình thì cũng xin đừng áy náy; vì theo nhận xét của chúng tôi, một vài phóng viên, những người có căn bản hiểu biết vấn đề hơn chúng ta, mà có khi còn lẫn lộn về hai ý nghĩa này, thì những người bình thường như chúng ta có hiểu sai thì cũng là chuyện “không có gì mà ầm ĩ”.

Chúng ta đã lẫn lộn, nay đã phân biệt rõ ràng nên chúng ta sẽ nhớ kỹ hơn và chắc chắn sẽ xử dụng chính xác hơn trong tương lai.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.