Hôm nay,  

Những Cây Cọ Dại

24/02/200100:00:00(Xem: 4217)
(Đọc Gió Ngược của Lâm Chương và Tình Ca Con Dúi của Nguyễn Thị Thảo An)

Lời người viết:
Những Cây Cọ Dại, The Wild Palms, của Faulkner, gồm hai truyện viết song song, bề ngoài tưởng không có gì liên hệ, và chắc chắn chẳng có gì liên hệ với hai truyện ngắn của hai tác giả Việt Nam nêu trên.

Duyên do là như thế này: Thuở mới tập tành, người viết rất mê Faulkner, và mỗi khi “ngứa ngáy” muốn viết, là phải mở ông thầy ra đọc, để tìm hứng! Ở đây, người viết thử bắt chước Faulkner, thay vì viết, đọc cùng lúc hai truyện ngắn tưởng chừng không liên hệ, một viết về những ngày tù ở trong trại cải tạo, và một, về một chuyến trở lại thăm quê nhà của một Việt kiều.

Đa số độc giả chắc đã ít nhiều quen biết Lâm Chương, một tác giả nổi tiếng ở hải ngoại. Ông sinh năm 1942 tại Gò Dầu Hạ, Tây Ninh; cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Tù cải tạo 1975-1985. Vượt biển năm 1987. Hiện định cư tại Hoa Kỳ. Tác phẩm đã xuất bản: Loài Cây Nhớ Gió (thơ, nhà xb Khai Phá, Sài Gòn, 1971), Đoạn Đường Hốt Tất Liệt (nhà xb Văn Mới, Hoa Kỳ, 1998ø), Lò Cừ.

Dưới đây là một số thông tin về Nguyễn Thị Thảo An mà người viết có được, qua một bạn văn:

Subject: NTTA.
Date: Thu, 8 Feb 2001 17:37:11 -0800

From:
To:Năm 1974, dự thi văn chương trên nhật báo Đuốc Nhà Nam (Sài Gòn) được giải nhì. Bắt đầu cầm viết trở lại năm 1996, và có tác phẩm trên các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu.[NTTA nhờ nhắn: Có lẽ anh nên đọc hai truyện ngắn của tôi VIẾT VỀ VIỆT NAM, Tình Ca Con Dúi (Văn số Xuân Tân Tỵ), và Bức Phù Điêu Khắc Cạn (gửi kèm đây). Cám ơn đã quan tâm.]Subject: NTTADate: Fri, 9 Feb 2001 07:12:43 -0800

From:
To:

Thêm một số thông tin về TA.
Tên thật: NTTA.
Sinh năm 1959, Sài Gòn. Trước 1975, đi học. Sau 1975, đi dậy. Sang Mỹ năm 1982 và định cư tại Atlanta, Georgia.

Tập truyện đầu tay mới xuất bản: Bức Phù Điêu Khắc Cạn (Địa chỉ liên lạc: P.O. Box 440081, Kennesaw, GA 30144 – USA).

Liệu chăng, đây là chân lý: Chỉ đi xa, mới tìm lại được quê nhà" Và là một quê nhà thực sự"Hoặc: Một vấn nạn về quê nhà, chỉ thực sự nhức nhối, và thật sự cấp bách cần được giải quyết, nếu nó được nhìn từ một vị trí bên ngoài" [Gợi ý từ một tư tưởng của Martin Heidegger, do George Steiner trích dẫn trong Errata: Qui pense grandement doit errer grandement (Kẻ nào suy nghĩ lớn, kẻ đó phải lầm lạc nhiều). Và Steiner bàn rộng ra: Những người ‘suy nghĩ nhỏ’ cũng có thể lầm lạc nhiều. Đó là dân chủ của ân sủng, hay của đoạ đầy. (Ceux qui ‘pensent petit’ peuvent aussi errer grandement. Telle est la démocratie de la grâce, ou de la damnation.)]

Những Cây Cọ Dại, The Wild Palms, còn có một cái tên khi ở dạng đánh máy, và sau đó bị bỏ đi: “If I Forget Thee, Jesuralem” (Nếu tôi quên Em, Jerusalem). Câu này trích từ Psalm 137, Verse 5, nguyên văn như sau: “If I forget thee, O Jerusalem, let my right hand forget her cunning”. Theo Michael Millgate, tác giả cuốn “The Achievement of Faulkner”, đây là cái tên mà Faulkner thích, vì nó liên quan tới tình yêu và lòng trung thủy của Wilbourne đối với Charlotte; tới sự trì hoãn quyết định thực hiện ca phá thai, có thể do Wilbourne đã lụt nghề, cuối cùng gây ra cái chết cho Charlotte. Nhưng khó mà biết, Wilbourne đúng hay sai, khi ngần ngại không thực hiện ca phá thai" Liệu thất bại này liên quan tới thất bại của ông, về quan niệm cuộc đời, như Charlotte mơ tưởng và ông không làm sao thực hiện được" Ông muốn đứa trẻ được sinh ra, và mọi người đều nhìn thấy đứa bé, như là bằng chứng về cuộc tình tội lỗi giữa hai người. Faulkner thường sử dụng sự mang thai và ra đời của hài nhi như là những hình ảnh về tái sinh, thành thử quyết định phá thai của Charlotte cho thấy, quan niệm cuộc đời như bà mơ tưởng, là mang tính vô sinh (sterile). Charlotte không muốn có đứa bé là bởi vì “chúng làm đau, làm đọa đầy”. Không phải chỉ vì sự sinh đẻ, tự nó, đã là một cơn đau quá lớn lao để mà chịu đựng, nhưng trẻ con, chính chúng nó, đặc biệt hơn, những đứa con mà bà bỏ lại đằng sau cho người chồng, chúng là một nỗi đau triền miên. Ở đây, bà như phản bội ngay cả ý tưởng của bà về cuộc đời: “rằng yêu đương và khổ đau, là như nhau (same thing), và giá trị của tình yêu là những gì bạn phải trả để có được nó, và một khi bạn mua nó bằng một giá hời, như vậy là bạn tự lường gạt chính mình.” Như vậy, khi quyết định phá thai, bà muốn một giá hời, trong cuộc tình, và từ đó, là cái chết., như một hậu quả.

“Những Cây Cọ Dại” là đề tài gây tranh luận, bởi vì nó được viết kèm với “Ông Già” (Old man), và độc giả khó có thể đọc cả hai, như một toàn thể. “Ông Già” được viết kỹ hơn, dễ đọc hơn, quyến rũ hơn, nhưng như tác giả cho thấy, khi chọn tên Những Cây Cọ Dại, ông coi đây mới là “con thuyền chở đạo”, (nó chuyên chở ý nghĩa của cuốn sách). Ông cho biết, trong khi loay hoay tìm cách kể câu chuyện Charlotte và Harry, ông “đã bịa đặt ra một câu chuyện khác, hay là nửa còn lại của nó (its complete antithesis), được sử dụng như một “counterpoint” để có được sự cân bằng. Cũng có thể coi đây là một cuốn tiểu thuyết-kép, nếu đừng chi ly đến chuyện “nhất bên trọng” (The Wild Plams), “nhất bên khinh” (Old Man).

Ông Già (Old Man) là câu chuyện một người tù. Theo “Ghi chú của người Biên tập” (trong “The Portable Faulkner”, của Malcolm Cowley), vào đầu tháng Tư năm 1927, nước sông Mississippi dâng cao, và những tù nhân trong một trại tù tại đây đã được điều động nhằm chống đỡ trận lụt tại một khúc đê. Một tù nhân cao - để phân biệt với một tù nhân lùn, như ở trong truyện, mở ra như sau: Once (it was in Mississippi, in May, in the flood year 1927), there were two convicts. One of them was about twenty-five, tall… The second convict was short… [Hồi đó, (ở Mississippi, vào tháng Năm khi xẩy ra trận lụt năm 1927), có hai tù nhân. Một chừng 25 tuổi, cao… Người tù kia thấp….] - được phái đi, cùng với một chiếc thuyền, cứu hai nạn nhân của trận lũ, một đàn ông và một đàn bà. Đây là trận lụt tệ hại nhất trong lịch sử của con sông: trong vòng sáu tuần lễ, hơn 20 ngàn dậm vuông bị chìm vào cơn lũ, bao gồm trọn vùng châu thổ giầu có; 600 ngàn người bị mất nhà cửa; vài trăm con người bị chết đuối; cộng thêm 25 ngàn con ngựa, 50 ngàn gia súc, 148 ngàn heo, 1300 cừu, 1 triệu ba trăm ngàn gà, 400 ngàn mẫu hoa mầu bị tiêu hủy, cùng hàng trăm dậm đê điều. Vài tuần, sau khi nước sông đã rút, người tù trở về trại tù. “Cái thuyền ở đằng kia kìa”. “Còn đây là người đàn bà. Nhưng tôi không kiếm thấy thằng chả”.

Qua cuộc phỏng vấn dành cho nữ biên tập viên của tờ “Điểm Sách Paris”, Jean Stein (Malcolm Cowley trích dẫn trong cuốn sách ở trên), Faulkner cho biết: “Khi tôi viết tới đoạn chót của cái bây giờ là phần đầu của ‘Những Cây Cọ Dại’, bất thình lình tôi nhận ra, thiếu một cái gì đó; nó cần một nhấn mạnh; một điều gì để nhấc nó lên, giống như giai điệu phụ [tạm dịch từ counterpoint] ở trong âm nhạc. Do đó, tôi viết ‘Ông Già’… Rồi tôi lại ngưng ‘Ông Già’, ở cái đoạn bây giờ là cuối phần một…”

Từ “Ông Già”, liên quan tới Con Sông, theo Malcolm Cowley. Và đây là một đại tác phẩm về con sông Mississippi, tương đương với “Huck Finn”. Vẫn theo ông, ngoài lời giải thích của chính tác giả Faulkner như trên, theo đó, cứ mỗi lần câu chuyện này đạt tới đỉnh cao, và bắt đầu chìm xuống, là ông buông ra để bắt vào câu chuyện kia (Then I stopped the “Old Man” story at what is now its first section, and took up “The Wild Palms” story until it began again to sag. Then I raised it to pitch again with another section of its antithesis), Faulkner còn tạo được hiệu ứng tương phản: ở trong “Những Cây Cọ Dại”, một người đàn ông hi sinh tất cả cho tự do và tình yêu, và mất cả hai; ở trong “Ông Già”, người tù hi sinh tất cả, để trốn khỏi tự do và tình yêu, và để có lại sự an toàn không có đàn bà (the womanless security), ở nhà tù.
*
Trước khi đi vào hai tác phẩm của hai tác giả trên, người viết đề nghị một số cách đọc song song Tình Ca Con Dúi và Gió Ngược như sau:
Điểm (point): hải ngoại.
Diện (counterpoint): trong nước.
Điểm: Câu chuyện chính trong mỗi truyện ngắn.
Diện: Đoạn mở truyện.
Điểm: Tình Ca Con Dúi.
Diện: Gió Ngược.

Hoặc ngược lại, nghĩa là đổi vị trí, giữa “điểm” (point) và “diện” (counterpoint).

(còn tiếp)
Nguyễn Quốc Trụ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.