Hôm nay,  

Hoa Lục Tranh Quyền, Vn Lo Ngại

31/07/200400:00:00(Xem: 4617)
Kinh tế Trung Quốc đang bị nóng máy và cần hạ nhiệt. Nhưng việc đó lại gia tăng nhiệt độ xung khắc giữa các lãnh tụ. Một biến cố đáng chú ý….
Trong cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ, người dân công khai chứng kiến những tranh luận về đường lối chánh sách. Thí dụ như nên tăng hay giảm thuế, cho ai, hoặc làm sao cắt giảm khiếm hụt ngân sách, hay làm sao xử lý nạn bội chi tất yếu trong quỹ An sinh Xã hội chẳng hạn. Chẳng riêng gì Hoa Kỳ mà các nước dân chủ đều có lối sinh hoạt ấy, để quốc dân chọn lựa. Chọn đúng hay sai thì người dân sẽ lãnh trách nhiệm, nhưng dù sao cũng chỉ trong một nhiệm kỳ nhất định. Nếu sai, lần sau sẽ sửa, bằng lá phiếu.
Phương thức thảo luận, thuyết phục và chọn lựa như vậy vẫn chưa có tại Trung Quốc. Như nhiều đảng độc tài khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng cửa thảo luận với nhau, và xoay ra trình bày trước quốc dân bộ mặt nhất trí. Bên trong là hàng trăm thủ đoạn đấu đá tranh giành quyền lực và quyền lợi, mà người dân không biết và không được biết. Lỡ biết mà nói ra hay nói vào, là có khi mang tội "gián điệp". Các nhà bất đồng chính kiến bị ra tòa có thể xác nhận điều đó.
Kinh tế Trung Quốc đang bị hiện tượng nóng máy, với đà tăng trưởng quá cao, nguy cơ lạm phát quá lớn và trái bóng đầu cơ đang thổi phồng. Vì vậy, giới lãnh đạo kinh tế phải có biện pháp hãm đà tăng trưởng, gọi là hạ nhiệt, để hạ cánh an toàn thay vì gãy cánh tan tành. Vấn đề chuyên môn đó có hậu quả chính trị rất lớn vì đảng viện dẫn quyền lực của mình ở thành tích kinh tế.
Sau Đại hội đảng 16 năm 2002, Giang Trạch Dân phải nhường chức Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước cho Hồ Cẩm Đào, nhưng vẫn vận động ngầm để giữ lại chức Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội, tức là lãnh đạo quân đội, và để cài thêm một số đàn em thân tín nhằm chia bớt quyền lực của Hồ Cẩm Đào và Tổng lý Quốc vụ viện (Thủ tướng) Ôn Gia Bảo. Sự miễn cưỡng thoái lui của họ Giang là điều được dư luận bên ngoài biết rõ, nhưng không ngờ là ông đang gây thêm rạn nứt trên thượng tầng đảng vì vấn đề hạ nhiệt kinh tế. Và ông dùng thế lực quân đội để làm việc đó.
Ngày 27 vừa qua, trong khóa hội thảo về lý thuyết chính trị của Giang, với thành phần tham dự là Chủ tịch Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, các Ủy viên Bộ Chính trị và tướng lãnh cao cấp, Giang mở màn tấn công. Ông khẳng định rằng Quân đội Nhân dân phải có phương tiện kỹ thuật tiên tiến, nhất là trong chiến tranh thông tin, và rằng Chính phủ phải nói thật và báo cáo tình hình thực tế.
Sở dĩ như vậy vì trước đó mấy ngày, Hồ Cẩm Đào có nêu một vấn đề ưu tiên cho tổ nghiên cứu của Bộ Chính trị.
Ông nói là cấp đảng viên lãnh đạo phải phát huy tinh thần phối hợp hài hòa giữa hai mục tiêu xây dựng quốc phòng và xây dựng kinh tế. Nói theo bạch văn: Trung Quốc nên ưu tiên phát triển kinh tế thay vì đòi mở ra một cuộc chiến với Đài Loan. Mà nói đến quốc phòng là ông mặc nhiên dẫm chân lên vùng cấm địa của Giang. Vì vậy mới có vụ phản pháo.

Họ Giang còn đay nghiến thế hệ lãnh đạo mới là không nắm vững thực tế, nhân dịp một kinh tế gia trong Cục Thống kê cho biết là phải điều chỉnh một số dữ kiện về tình hình tăng trưởng. Việc đó trực tiếp liên hệ đến nhu cầu hạ nhiệt kinh tế.
Từ ít lâu nay, trong nội bộ lãnh đạo, người ta đã thấy nổi lên nhiều lời đả kích từ "cánh Thượng Hải" thân Giang Trạch Dân hướng vào Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Hai ông chủ trương phẩm hơn lượng, nhắm vào tốc độ phát triển cao, nhưng phải được phân phối đồng đều cho các địa phương. Họ còn muốn cải cách vùng Đông-Bắc, cái nôi của nền kỹ nghệ nặng thời chủ quan duy ý chí ngày xưa, nay là vùng hoang phế của các doanh nghiệp nhà nước lỗ lã kinh niên. Khi chấn hưng vùng Đông Bắc, họ sẽ xây dựng một nền móng quyền lực mới và ra khỏi vòng kiềm tỏa của vùng Bắc Kinh Thượng Hải, thành đồng vách sắt của Giang Trạch Dân và thế hệ lãnh đạo cũ.
Tranh giành quyền lực và tranh luận về cũ mới vì vậy bao trùm lên việc chính quyền có nên mở rộng can thiệp vào sinh hoạt kinh tế - thí dụ tiết giảm khối tín dụng và chống lại nạn đầu cơ - để hạ nhiệt hay không.
Từ ít lâu nay, người ta đã thấy Trung Quốc phải hãm đà tăng trưởng nhưng chưa rõ là lãnh đạo xứ này có làm nổi hay không với guồng máy quản lý còn quá thô thiển. Giờ đây, nhu cầu chuyên môn đó lại bị ô nhiễm bởi những động lực chính trị có tính phe đảng. Nhiều phần, họ sẽ thất bại, và kinh tế sẽ hạ cánh thiếu an toàn. Trường hợp đó mà xảy ra, toàn khu vực Đông Á sẽ lãnh họa.
Đã vậy, người ta còn phải kể thêm yếu tố Đài Loan.
Mâu thuẫn nội bộ tại Bắc Kinh khiến Giang Trạch Dân lấy rủi ro rất lớn khi uy hiếp Đài Loan và gây phản ứng mạnh từ phía Hoa Kỳ. Họ Giang tin rằng chính quyền Bush đang ở vào cảnh tứ bề thọ địch nên không thể làm gì để ngăn ngừa thách đố của Bắc Kinh và ông sẽ gặt hái thắng lợi đó ở bên trong. Ông cho thấy mình mới là người dứt khoát bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, và lại được hậu thuẫn rất mạnh của quân đội và các tướng lãnh, đa số là những người được ông gắn sao khi còn lãnh đạo.
Bên dưới tầng lớp lãnh đạo ấy, các đảng viên cao cấp đều tìm hiểu về hậu quả đối với quyền lợi và quyền lực của mình, để ngả theo phe này hay phe kia, theo Giang hay theo Hồ. Khi tranh luận bùng nổ thành xung đột, vì khủng hoảng kinh tế hay vì Đài Loan, đảng sẽ hết nhất trí. Và Trung Quốc có khi gặp loạn.
Vì vậy, thà chịu đựng những màn đấu tranh chính trị trong mùa bầu cử tại Mỹ còn hơn là có sự ổn định trên bề mặt như tại Trung Quốc. Hay tại Việt Nam. Hãy theo dõi tin tức từ trong nước (không phải từ báo đảng) thì rõ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.