Hôm nay,  

Như Cơn Gió Thoảng

31/07/200100:00:00(Xem: 4126)
Hội nghị ASEAN tuần qua ở Hà Nội đã kết thúc. Qua đi như cơn gió thoảng chẳng để lại dấu vết nào đáng kể. Lần đầu tiên ASEAN và Diễn đàn An Ninh ARF họp ở thủ đô của một nước Cộng sản, quy tụ nhiều nước lớn từ bên ngoài như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước trong khu vực rộng lớn Á châu-Thái Bình Dương và cả Ấn Độ cùng 15 nước Liên Âu, lại diễn ra vào đầu thế kỷ 21 như bước qua một mốc thời gian mới, các nước ASEAN đã chuẩn bị khá kỹ và đặt kỳ vọng vào vận hội này rất nhiều, kể cả nước chủ nhà Việt Nam.

Kết quả của màn dựng cờ gióng trống ầm ỹ vẫn là một con số không đáng buồn. Trong phần thứ nhất là cuộc họp nội bộ của 10 nước ASEAN, không có quyết định nào xứng đáng với cuộc họp lớn, ngoài một bản tuyên ngôn cần phải thâu hẹp khoảng cách giữa các nước giầu và nghèo, và cần phải xúc tiến hội nhập để phát triển. San bằng giàu nghèo là một ước mơ muôn thủa của loài người, bất cứ ai cũng nói lên được nhưng không phải bất cứ ai cũng có khả năng và thiện chí làm được. Còn hội nhập là một khẩu hiệu mơ hồ, hội nhập cái gì và nếu chưa thỏa thuận được nguyên lý cơ bản và các cơ cấu định chế hội nhập, đó vẫn chỉ là những khuyến cáo rỗng không, nói lên cho vui mà thôi. Chẳng hạn cái gọi là bộ luật hành xử ở Nam Hải để tránh những xung đột ở Trường Sa, chính các nước ASEAN cũng chưa thỏa hiệp được với nhau, nói chi lôi cuốn nước bên ngoài vào chuyện này.

Phần thứ hai là cuộc họp của Diễn đàn An ninh (ARF), không mấy ai chờ đợi những gì ngoạn mục có thể xẩy ra, bởi vì đây chỉ là cuộc họp để các phe tham dự nói lên quan điểm của mình mà không có thảo luận hay nghị quyết. Diễn đàn là nơi để trao đổi ý kiến, nhưng bên lề Diễn đàn cũng có thể có những cuộc gặp gỡ song phương hay tam phương làm đầu mối phá vỡ bế tắc. Về ước vọng này cũng không có gì mới lạ. Ngay cả họp song phương lần đầu giữa Ngoại trưởng Mỹ Colon Powell và Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Di Niên vào đúng lúc Quốc hội Mỹ sắp biểu quyết bản thương ước Việt-Mỹ, cũng không thấy có gì mới, ngoài chuyện đãi bôi. Một cuộc họp song phương khác được chú ý đến nhiều hơn là giữa Powell và Ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Toàn, nhưng người ta đã thấy đây chỉ là chuyện dọn đường cho Powell đến Trung Quốc lần đầu. Ông này đến Bắc Kinh cuối tuần qua và nói sự bất đồng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thu hẹp. Thu hẹp như thế nào"

Sự thật kết quả cuộc họp ở Bắc Kinh chỉ là việc hai bên “đồng ý trên nguyên tắc tiếp tục họp tham khảo ở cấp chuyên gia về vấn đề lan tràn vũ khí giết người hàng loạt”. Ngoài ra Trung Quốc đồng ý tiếp tục thảo luận với Mỹ về vấn đề nhân quyền. Ngoại trưởng Đường Gia Toàn nói Trung Quốc có ý định “xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhưng vấn đề chính không phải chỉ là “ý định” hay “sẵn sàng làm việc”, mà có tìm được đất để thỏa hiệp hay không. Chẳng hạn Trung Quốc có mềm mỏng thái độ chút nào về lá chắn phi đạn của Mỹ hay không, không thấy được nói đến. Trong tình hình đó mà nói “đã thâu hẹp được bất đồng” chỉ là câu nói gượng ép. Bởi vì bất đồng vẫn còn nguyên, người ta chỉ bằng lòng nói chuyện về bất đồng mà thôi.

Cuộc họp ở Hà Nội của ASEAN không chỉ là số không, mà còn là số âm. Các Ngoại trưởng ASEAN họp với các cường quốc trên thế giới lần này là muốn lấy lại vai trò đáng tin cậy của mình trên sân khấu quốc tế vào lúc tình trạng của tổ chức này đã suy đồi. Chúng tôi đã có lần viết ASEAN ngày nay chỉ là một căn nhà đã tàn tạ, so với thời huy hoàng của nó trong thập niên 80. Vào lúc đó ASEAN đã nhìn thấy trước mắt một tương lai đầy khích lệ. Nó đang trở thành một đầu máy đầy uy lực và năng động để kéo theo sự phát triển của khu vực Á châu-Thái Bình Dương và có thể cả thế giới. Vậy mà ngay nay, ASEAN đứng trước một nội bộ vô cùng phức tạp, với những biến cố mất ổn định tại Indonesia và Phi Luật Tân, những chia rẽ nội bộ vô phương giải quyết và viễn ảnh một sự xuống dốc kinh tế khó lòng thoát khỏi trước sự vươn lên của con khủng long có tên là Trung Quốc ở ngay sát nách. Tại sao có tình trạng này"

ASEAN được thành lập cuối thập niên 60 giữa cuộc tranh lạnh, cuộc chiến Việt Nam đến hồi gay gắt. Đó là một hiệp hội trước hết và trên hết chống lại sự bành trướng của Cộng sản, nhưng lại không dám nói ra mà chỉ có ước vọng khiêm tốn là đứng ngoài cuộc chiến tranh lạnh. Chính vì mục đích này ASEAN đề cao chủ trương “không can thiệp vào việc nội bộ của nước khác”, vì sợ cộng sản len lỏi vào gây du kích chiến như đã manh nha ở Mã Lai, Thái Lan và Indonesia lúc đó. Thập niên 80, nhờ được rảnh rang phát triển kinh tế, ASEAN đã tạo ra những “tiểu long kinh tế” để sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, nó trở thành một khu vực phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới. Chủ trương “bất can thiệp” đã cứu được nó, nhưng cũng chủ trương này đã làm hại nó, đưa đến việc tạo ra những chế độ độc đoán di họa về chính trị.

Giữa thập niên 90, ASEAN ước mơ mở rộng và bắt đầu chấp nhận thêm những nước hội viên mới: Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Đây là lỗi lầm lớn nhất của ASEAN, vì nó đã rước vào nhà những mầm mống chia rẽ phức tạp. Đến năm 1997, ASEAN lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính phát sinh từ những tập đoàn kinh tế lũng loạn và những chế độ tài chính thiếu công khai minh bạch. Đến nay ASEAN vẫn chưa ngóc đầu lên được thì lại gập suy thoái kinh tế toàn thế giới. Nó vẫn không có khả năng tự sửa lại cơ cấu đã lạc hậu. Bởi thế thay vì hiên ngang đứng lên lấy lại được uy thế cũ, ASEAN chỉ còn cách ngửa tay đi xin viện trợ quốc tế. Đó cũng là một bài học lịch sử

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.