Theo tài liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên Sài Gòn, trong năm 1999, nơi này đã nhận gần 13,000 đơn ghi danh xin việc làm, trong đó có hơn 40% người có nguyện vọng làm việc ở các văn phòng của các công ty nước ngoài, thế nhưng chỉ giải quyết được 4.8% tức là 252 người. Được nhận vào làm trong các công ty này đã khó nhưng giữ công việc được ổn định, lâu dài lại càng khó hơn. Trong thời gian làm việc, họ có những nỗi khổ tâm riêng như ghi nhận của một phóng viên báo Phụ Nữ qua trích đoạn dưới đây.
Một đặc điểm chung mà hầu hết các nhân viên làm việc tại các công ty nước ngoài đều thừa nhận là sự không ổn định. Thời gian làm việc trung bình của một nhân viên chỉ khoảng 3-4 năm. Nói chua chát như chị Hồ Thúy L., hiện đang làm cho một công ty của Mỹ: Từ khi làm cho nước ngoài, tôi không còn khái niệm thâm niên nữa, được ngày nào hay ngày đó. Bạn bè gặp nhau chỉ hỏi bây giờ cậu làm cho công ty nào. Anh Nguyễn Minh K thì khẳng định như đinh đóng cột: hễ làm cho nước ngoài tức là không ổn định, đặc biệt là các công ty của Đài Loan, Hàn Quốc. 6 năm kể từ ngày ra trường, anh K đã làm qua 7 công ty và anh cũng chẳng biết công ty thứ 8 anh hiện đang làm có phải là bến đỗ của mình chưa.
Có hàng trăm nguyên nhân để chuyển đổi chỗ làm, nhưng phần lớn xuất phát từ cách cư xử của các ông chủ nước ngoài. Chị N.L.A tâm sự: Nhiều người vẫn tự cho mình cái quyền được điều khiển, mắng chửi nhân viên không khác gì nô lệ. Bạn Minh Anh làm trong một công ty dệt của Malaysia kể: “Chỉ trong vòng 2 tháng tôi làm việc, đã chứng kiến 6 người nộp đơn xin nghỉ vì không chịu đựng được tánh hách dịch của bà sếp người Malaysia. Theo tôi muốn làm việc trong công ty nước ngoài được lâu dài là phải biết nhẫn nhục. Chỉ cần bạn cãi lại với sếp thì nguy cơ thất nghiệp sẽ xuất hiện ngay.” Một số công ty nước ngoài không ngại trả đầy đủ các khoản bồi thường để bạn có thể biến ra khỏi công ty của họ ngay lập tức. Theo đúng luật, các công ty phải báo cho người lao động trước một tháng, nếu muốn cho họ nghỉ việc. Nhưng các ông chủ sẵn sàng bo cho bạn một tháng lương để ngày mai bạn không cần phải đến văn phòng nữa.
Một nguyên nhân khác đã khiến cho chị Ngô thị Mỹ Hà, làm việc tại một công ty Mỹ, đã ngậm ngùi tự làm đơn xin nghỉ việc. Chị tâm sự: “Tôi vào làm từ ngày đầu tiên công ty đặt chân vào Việt Nam. Bao năm qua tôi vẫn cố gắng tốt nhiệm vụ của mình, để rồi bây giờ phải nhận lấy một sự thật phủ phàng. Lý do đơn giản là họ không muốn phải trả lương cho nhân viên cao như vậy.” Vị trí giám đốc kinh doanh của chị được một cô bé mới ra trường vài năm thay thế, với mức lương chỉ bằng 1/2 lương của chị. Trong trường hợp của chị Hà, hầu như tất cả các kế hoạch của chị đề ra đều bị bác bỏ, nhân viên dưới quyền dần dần bị điều đi bộ phận khác, thay vào đó là những người mới toanh. Cuối cùng, vì lòng tự trọng, chị buộc phải tự nghỉ việc.
Bạn,
Đó là chuyện của những người có trình độ học vấn cao, còn những bác bảo vệ, lao công, những anh tài xế cũng có nổi khổ riêng. Báo Phụ Nữ kể lại câu chuyện về một chị lao công của một công ty Đức, chị đã bị ông chủ bắt làm việc tới khuya, mà không có tiền ngoài giờ. Làm xong chị phải đấm bóp cho ông ấy đến khi ngủ say và luôn bị chưởi mắng mỗi khi ông chủ không vừa ý. Nói đến làm việc đa năng phải kể đến tài xế của các ông chủ nước ngoài. Anh Vũ An, làm việc cho một công ty Hàn Quốc, kể cho phóng viên biết công việc làm của anh: vừa là tài xế, anh phải kiêm luôn quét dọn, pha trà. Trong công ty, thậm chí còn lãnh cả vai người nhà ông chủ mà lương chẳng được cộng thêm đồng nào!