Hôm nay,  

Dương Thu Hương, Không Lay Chuyển

13/02/200600:00:00(Xem: 5606)
- LE MONDE DES LIVRES 09.02.06

Đến phút chót Dương Thu Hương sợ không đến được Paris. Giấy tờ, hộ chiếu, giấy xuất cảnh, tất cả đều như hợp lệ để bà có thể đến Pháp theo lời mời của nhà xuất bản ngày thứ sáu 27-01-2006 thì thình lình: Vỡ ùm! Ngày rời Hà Nội, công an còn tính ngăn chặn nữ tiểu thuyết gia 59 tuổi, tại hành lang phi trường, vì tội sử dụng hộ chiếu ăn cắp. Cái hộ chiếu “ăn cắp” đó, là của bà, nhưng bị chính đám người này tịch thu, vì tội chống đối, và vừa mới trả lại. Hiểm họa sau cùng tránh được, nhờ quyết tâm của bà và sự hỗ trợ của tòa đại sứ Pháp. Nhưng vụ việc cho thấy, mức độ nhà cầm quyền Hà Nội đối xử với bà: Đây là một loại bom đối với chế độ.

Người đàn bà thanh nhã, điệu đàng này phạm tội gì, để bị quản chế mười năm, ở ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội" Tội từ chối không cúi đầu trước quyền lực; không muốn cất ngòi viết, cái lưỡi của mình vào trong một góc tủ. Tiểu thuyết gia, tác giả của nhiều bài khảo luận chính trị danh tiếng ở Việt Nam, Dương Thu Hương, là nỗi ám ảnh dai dẳng, nhức nhối, của những nhà cầm quyền tiếp nối nhau tại Việt Nam từ những năm 1970.

Bằng cách này cách khác, tất cả đều muốn bà im miệng, nhưng không thể được: Dương Thu Hương giống như một loại dung dịch có tính cách xoi mòn cực kỳ mạnh, nó không thể ở trong một loại chai nào, dù to lớn, dù hào nhoáng (người ta đã thử dụ bà bằng danh dự, bằng nhà cửa cấp bộ trưởng.) Những gì người khác gọi là “số phận” thì bà gọi là nghịch cảnh hoặc đơn giản là thực tại – dung dịch đó không phải là một sức mạnh đời đời, không làm sao huỷ diệt, hoán chuyển, được xác định một lần là cứ như thế hoài hoài, nhưng đây là một dòng chảy nhẹ nhàng hơn, mềm dẻo hơn, có thể uốn nắn, đôi khi không thể đổi qua trút lại được. Sinh trưởng tại miền Bắc và đối diện với những khủng hoảng, những điên rồ của cuộc chiến, với chế độ độc tài, bà không để những từ “số kiếp phũ phàng, định mệnh đã an bài, cái nước mình nó như thế” len vào trong đầu, mọc mầm mọc rễ, tạo thành một cái tổ nho nhỏ ở trong đó. Lúc nào cũng sẵn sàng lên tiếng để nói “sự thật,” bà viết những kịch bản với các nhân vật chiến đấu với số phận. Dưới cái nhìn thơ mộng và dữ dằn, các nhân vật oằn mình để đối diện với cuộc đời của họ.

Đứng thẳng

Dù định mệnh gần như khép lại trên cuộc đời của họ, một vài người vẫn đứng thẳng được. Các nhân vật trong Chốn Vắng thấy cuộc đời họ đảo điên trong một loại địa ngục tâm hồn, vào một ngày đẹp trời tháng sáu. Thảm kịch diễn ra qua nét mặt của Bôn, một cựu chiến binh bị bệnh “sốt rét kinh niên,” ảnh hưởng của chất độc da cam người Mỹ dùng trong chiến tranh và nhất là các kỷ niệm của thời chiến tranh. Trở về làng sau vài năm bị cho là đã chết, Bôn tìm lại Miên, vợ cũ nay đã lấy một người đàn ông giàu có và yêu say đắm ông này. Từ đầu dây mối dợ này, cũng như sáu tiểu thuyết khác của bà, Dương Thu Hương viết lên một câu chuyện thật, kể một thảm kịch dài dựa trên sự chọn lựa khó khăn của tâm hồn.

Khác với các thảm kịch ngày xưa, ẩn hiện đây đó là một cái bóng, dù ma quỉ, dù thần quyền, ở đây không có dấu vết của định mệnh phũ phàng, trời bắt sao thì đành chịu vậy. Bởi vì theo tác giả đưa ra, số phận con người không phải chỉ do bên trên đưa đến. Nó còn do các thành kiến, các ảo tưởng, các móc xích mà con người sáng chế ra để kiềm giữ xung lực của nó. Mô tả rất kỹ nhưng không bao giờ nhàm chán, bằng rất nhiều những giai thoại, những nhân vật phụ, tuy thứ yếu, nhưng thực là đậm đà, cuốn tiểu thuyết được viết ra trên một cái nền của những phong tục, tập quán, trong có cả những hủ tục, chúng giống như những thân xác từ đó, những “định kiến” mọc rễ nẩy mầm. Ngược lại, có những giấc mơ, những ước muốn và những đoạn tả thiên nhiên mà tầm rộng lớn, phong phú và đôi khi khắc nghiệt phù hợp với tâm trạng của các nhân vật và phản ảnh phần nào tự do của họ.

Số phận làm được gì" Rất nhiều, bởi vì nó đã làm đổ vỡ đời của Bôn – chiến tranh, trớ trêu thay, làm nên những trang viết thật là tuyệt vời của cuốn tiểu thuyết này -, nhưng dĩ nhiên còn nữa: Miên và người chồng thứ nhì có thể tìm một lối thoát cho tình yêu của họ, cho thấy từng cá nhân có thể làm một cái gì để bảo vệ quyền lợi của họ trước các phê phán độc đoán của tập thể. Nhưng phải trả cho cái độc lập này với một giá rất cao – Dương Thu Hương biết, một chút gì đó, về điều này.

Raphaelle Rérolle

Tin Văn - Tanvien.net

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.