Hôm nay,  

Cứu Trợ Và Truyền Giáo

11/01/200500:00:00(Xem: 4793)
Thiên tai này cực kỳ bi thảm. Cú đánh sóng thần diễn ra lớn chưa từng có trong lịch sử. Phần còn lại của thế giới trong nỗi tận cùng xúc động đã mời gọi nhau quyên góp cứu trợ. Chuyện xảy ra rất tự nhiên. Nhiều nước nạn nhân sóng thần đã rất là hạnh phúc đón nhận làn sóng cứu trợ đầy từ tâm của nhân lọai tòan cầu. Nhưng tình hình này cũng đang vẽ lại bản đồ truyền giáo vùng Á Châu. Và với một số nhà truyền giáo nhiệt tâm thì xen lẫn trong đó là cơ hội rao giảng đức tin.

Điều thuận lý chính là, truyền thống cứu trợ trước giờ phần lớn vẫn xuất phát từ các tổ chức tôn giáo. Thế cho nên, một cách tự nhiên, các tổ chức tôn giáo đã hứa là sẽ góp mặt lớn lao trong chiến dịch cứu trợ và tái thiết khổng lồ.

InterAction, liên minh lớn nhất của các tổ chức ngòai chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ, tường trình rằng trong 55 tổ chức hội viên liên minh đang cứu trợ nạn nhân sóng thần, thì 22 tổ chức là tổ chức tôn giáo.
Điều cần ghi nhận rằng, hầu hết các tổ chức từ thiện tôn giáo, trong đó có các hội như Hồng Thập Tự (Red Cross), Hội Người Mỹ Do Thái Giáo Phục Vụ Thế Giới (The American Jewish World Service), và hội Tin Lành Lutheran Cứu Tế Thế Giới (Lutheran World Relief), đều có luật riêng trong hội chống lại việc truyền giáo [kèm theo cứu trợ].

Từ thiện là từ thiện, cứu trợ là cứu trợ. Còn truyền giáo là chuyện khác. Người Việt thuyền nhân từng ở các trại tị nạn trên bờ Thái Lan, Mã Lai, Indonesia chắc chắn vẫn còn nhớ tới các hội từ thiện từng giúp đỡ thuyền nhân và làm hồ sơ bảo trợ định cư, trong đó nổi bật là Hội USCC của từ thiện Công Giáo và một số của từ thiện Tin Lành. Sự giúp đỡ thuyền nhân lúc đó, cuối thập niên 1970s cho tới khi kết thúc trang sử thuyền nhân vào đầu thập niên 1990s thực sự không hề đặt điều kiện về cải đạo. Hoặc nếu có, thì sự truyền giáo chỉ mang tính cá nhân và chỉ xảy ra cho trường hợp cá biệt nào đó.

Tuy nhiên, có một thực tế ai cũng nhìn thấy, khi đã chịu ơn thì tất nhiên phải trả ơn. Đối với một số người thọ ơn, sự tiếp cận này dần dần cho họ hiểu nhiều hơn về các tôn giáo mới, và một số đã theo các đức tin mới này.

Nói chữ "mới" thực sự cũng không hòan tòan chính xác. Bởi vì một số hội từ thiện địa phương vẫn tiếp cận cứu trợ theo cách riêng của họ, nhưng ai cũng biết không thể nhiều phương tiện như các hội từ thiện tôn giáo Hoa Kỳ.

Thí dụ, tổ chức từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ Catholic Relief Services đã hợp tác với từ thiện Công Giáo tòan cầu Caritas trong 40 năm qua như ở Aán Độ, Thái Lan, Sri Lanka… thì cũng kể như là từ thiện bản xứ rồi. Nhưng Catholic Relief Services từ lâu đã rất là vất vả khi vào Indonesia, đất nước có khối dân Hồi Giáo đông nhất thế giới và cũng nhiều phen xô xát giữa các nhóm dân khác đức tin - chủ yếu giữa tín đồ Hồi và Công Giáo.

Aán Độ Giáo và Hồi Giáo cũng có nhiều hội từ thiện trước giờ, nhưng để tạo thành một mạng lưới nổi tiếng tòan cầu thì chỉ có Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (The Red Crescent) nhưng chủ yếu được biết tên là nhờ Hội này thường xuyên hợp tác chung với Hội Hồng Thập Tự, và nhiều nơi làm việc chung dưới tên gọi là International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies (Liên Minh Quốc Tế Hồng Thập Tự - Hồng Khuyết Nguyệt). Nhờ thế mà từ thiện Hồi Giáo lâu nay nổi tiếng ở tầm vóc tòan cầu, và giúp thế giới tiếp cận được cả những nơi theo các luật lệ Hồi Giáo nghiêm ngặt nhất.

Từ thiện Phật Giáo thực sự cũng nhiều hội đòan, nhưng nổi tiếng ở tầm toàn cầu chỉ có Hội Từ Tế (Tzu Chi Foundation), bản doanh từ Đài Loan nhưng có chi nhánh họat động ở nhiều nứơc. Dĩ nhiên, truyền thống từ thiện Phật Giáo theo nguyện lực từ bi vô lượng, từ trong tâm vô ngã ban vui cứu khổ, cho nên hòan tòan không có chuyện móc nối từ thiện vào việc truyền giáo. Cho nên, khi Thầy Thích Nguyên Thảo ở Canada bán một ngôi chùa để góp 500,000 đô cứu trợ cho Hồng Thập Tự, thì thấy rõ là Thầy hoàn toàn không có ý muốn truyền đạo cho ai.

Vấn đề là, một số tổ chức truyền giáo Cơ Đốc tại Á Châu, trong đó có Hội Đồng Truyền Giáo Quốc Tế Của Tin Lành Báp-Tít Miền Nam (Southern Baptists' International Mission Board), Hội Phúc Aâm Cho Á Châu (Gospel for Asia), và Liên Minh Cơ Đốc và Truyền Giáo (The Christian and Missionary Alliance), nói rằng Kinh Thánh luôn luôn thúc giục họ đi cải giáo ngừơi khác. Và họ không giấu gì nhiệt tâm này.
"Thiên tai này là một trong những cơ hội lớn nhất mà Thiên Chúa đã cho chúng ta chia sẻ tình yêu của ngài với con người," theo lời K.P. Yohannan, chủ tịch Gospel for Asia, bản doanh ở Texas. Trong một cuộc phỏng vấn, Yohannan nói rằng 14,500 nhà truyền giáo bản xứ của hội ở Aán Độ, Sri Lanka và quần đảo Andaman Islands đang phân phát cho những nạn nhân sống sót sau sóng thần các ấn bản Kinh Thánh và các tập sách nhỏ về "làm cách nào tìm ra hy vọng trong thời này xuyên qua Lời Chúa," theo nhật báo The Philadelphia Inquirer hôm chủ nhật 9-1-2005.

Còn tại Krabi, Thái Lan, một nhà thờ thuộc Hội Thánh Tin Lành Báp-Tít Miền Nam trước đó đã "cầu nguyện để xin giúp cho cách nào truyền giáo" vào một sắc dân thiểu số hành nghề ngư phủ, theo lời kể của nhà điều hợp cứu trợ Pat Julian thuộc Hội Thánh này. Thế rồi đột nhiên sóng thần tới, một "cơ hội bằng vàng" (nguyên văn: "a phenomenal opportunity," cơ hội khổng lồ hy hữu) đã cho nhà thờ cơ hội cứu trợ và truyền giáo, theo lời Julian nói với tờ báo Baptist Press của Hội Thánh Mỹ.

Tại Aán Độ còn đồ sộ hơn nữa: ở Andhra Pradesh, người ta đang thiết lập 1 kế họach xây "các cộng đồng Ky Tô Hữu" để thay thế các ngôi làng ven biển bị hủy diệt. Trong một bản tin gửi về cho tổ chức truyền giáo có tên Focus on the Family, đăng trên trang web Family.org, nhà truyền giáo James Rebbavarapu thuộc hội India Christian Ministries cho biết rằng một nhóm kỹ sư Mỹ đã đồng ý giúp vẽ kiểu các ngôi làng trong đó mỗi làng có 400 căn nhà, "với một nhà thờ xây ngay giữa làng." Thực tế, khi được trao tặng một căn nhà do kỹ sư Mỹ xây cất, có ngư dân nào mà không cảm động"

Dĩ nhiên, không phải nhà truyền giáo nào cũng đồng ý với các kỹ thuật như thế. Mục sư Franklin Graham, chủ tịch hội Samaritan's Purse và là con trai của nhà truyền giáo lừng danh Billy Graham, nói, "Không thích hợp tí nào trong cơn khủng hỏang thế này mà lại lợi dụng những người đang tổn thương và đau khổ."
Hội Samaritan's Purse đã đưa liền 4 triệu đô la trị giá các vật dụng vệ sinh, thực phẩm, y tế và gia cư cho các chi nhánh hội ở Sri Lanka và Indonesia. Mục sư Graham, trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thọai từ bản doanh ở North Carolina nói với phóng viên Jim Remsen của hãng thông tấn Knight Ridder Nrewspapers, rằng không có kế họach đưa các tài liệu truyền giáo kèm với hàng cứu trợ, "Có thể là một ngày khác, khi họ hỏi vì sao tôi tới, tôi sẽ nói, 'Tôi là một Ky Tô Hữu và tôi tin là Kinh Thánh bảo tôi làm thế này'. Nhưng bây giờ chưa phải lúc. Chúng ta phải cứu sinh mạng trứơc đã."

Mục sư Graham cũng biết, luật và phong tục một số vùng đất có thể cấm việc truyền giáo. Các kế họach của Samaritan's Purse và một số hội truyền giáo khác đi kèm với nỗ lực tái thiết tại Iraq trong năm 2003 đã gây quan ngại rằng họ vi phạm luật cấm do Hồi Giáo đưa ra không cho truyền giáo, và mặt khác lúc đó (năm 2003) đã làm thiệt hại cho nỗ lực Hoa Kỳ trong việc cải thiện quan hệ với thế giới Hồi Giáo.
Nhà truyền giáo K.P. Yohannan thì kể rằng các viên chức Sri Lanka "cực kỳ giận dữ" với việc Cơ Đốc truyền giáo và "muốn ra lệnh cấm truyền giáo." Trên thực tế, chỉ có một vài viên chức thôi. Đất nứơc Sri Lanka với gần 20 triệu dân hiện có khỏang 70% Phật Giáo, 15% Aán Giáo, 8% Ky Tô Giáo, 7% Hồi Giáo, nhưng là đất nước có công gìn giữ đầy đủ cổ bản các Kinh Luận Phật Giáo thuộc Tạng Pali (ngôn ngữ Nam Phạn), cho nên cảm xúc một số ngừơi bài ngọai là dễ hiểu.

Yohannan còn nói về trừơng hợp một số tiểu bang Miền Nam Aán Độ đã ra luật cấm cải giáo - luật này cấm đổi đạo kiểu hù dọa lừa gạt, ông này thêm, "Tôi không có thể nói với bạn rằng có một địa ngục đang chờ đón bạn bởi vì như thế sẽ bị diễn dịch ra là 1 kỹ thuật gây sợ hãi [để cải giáo]," nhưng một trong các tiểu bang này, Tamil Nadu, mới đây đã bỏ luật này, và các tiểu bang khác thì không thực hiện luật đó.

Còn Indonesia, nơi bị thiệt hại sóng thần lớn nhất, thì không cấm truyền giáo, theo lời Riaz Saehu, phát ngôn nhân Tòa Đại Sứ Indonesia ở Washington DC.
Mặc dù Indonesia, nơi có 238 triệu dân (theo thống kê tháng 7-2004), thì có đa số theo Hồi Giáo - 88% theo Hồi Giáo, 5% Tin Lành, 3% Công Giáo La Mã, Aán Giáo 2%, Phật Giáo 1%, theo ước tính tôn giáo của năm 1998. Saehu nói, ở Indonesia, "người ta có thể làm bất cứ những gì để tìm cách ảnh hưởng ngừơi khác."

Tất nhiên, nhà ngoại giao thì phải nói thế. Nhưng cư dân tại một số địa phương có thể không hài lòng. Saehu nhìn nhận là cư dân tỉnh Aceh là Hồi Giáo nghiêm ngặt, họ "không chấp nhận các sinh họat truyền giáo, bất kể luật pháp ra sao."

Yohannan thì kể thêm, một số người Hồi Giáo, Aán Giáo cực đoan đã từng làm lễ đốt Kinh Thánh và đánh đập các mục sư trong các hội thánh của ông.
Thế là, cứu trợ với truyền giáo hiển nhiên không hẳn đi với nhau, nhưng không hẳn đã lìa xa nhau. Duy có một điều không ai giải thích nổi, tại sao Thượng Đế nhân từ lại đôi khi nổi cơn sóng thần giận dữ như thế… Giỏi lắm, người ta cũng chỉ có thể thuyết phục nổi ngừơi còn sống, nhưng không ai thuyết phục nổi cho 155,000 người đã chết rằng họ cần phải hy sinh cho một kế họach thiên khải nào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.