Hôm nay,  

Trí Thức Quốc Nội Tiễn Biệt Nhà Văn Vũ Huy Cương

06/12/200000:00:00(Xem: 5829)
HANOI (VB) - Phong trào dân chủ VN vừa tiễn biệt nhà biên kịch Vũ Huy Cương, người bị bắt oan vụ Xét lại chống Đảng nhưng vẫn liên tục đòi CSVN mở cửa dân chủ. Bài do Nhóm Nối Kết gửi ra hải ngoại như sau.

(Anh em Nối kết xin mượn bài Điếu văn do nhà văn Hoàng Tiến đọc trong ngày tang lễ của nhà biên kịch Vũ Huy Cương - và hai câu đối viếng của ông Hà Sĩ Phu gửi từ Đà Lạt - gửi đến các bạn để cùng tiễn biệt người bạn đấu tranh kiên cường bất khuất cho ấm no hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển dân chủ đất nước.)

*

Kính thưa ......

Chúng tôi xin thay mặt gia đình và bạn bè của ông Vũ Huy Cương, xin có lời cảm ơn tất cả quí vị có mặt tại đây, đã đến tiễn đưa ông Vũ Huy Cương về cõi vĩnh hằng.

Ông Vũ Huy Cương hưởng dương 68 tuổi, đã vĩnh biệt chúng ta vào lúc 9h25 phút sáng ngày 23 tháng 11 năm 2000 tại bệnh viện Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội .

Có mặt trong lúc ông hấp hối gồm các em ruột, em dâu, các cháu, các họ hàng ở thị xã Hoà Bình, các họ hàng ở quê nội Thái Bình, và các bạn bè thân thiết của ông. Chắc vong hồn ông khôn thiêng đã chứng kiến, và chắc ông cũng thấy ấm lòng khi giờ phút từ biệt cõi dương thế đầy vất vả cực nhọc này, lại được mọi người thương yêu đến thế.

Ông sinh trong 1 gia đình cách mạng, thuở nhỏ học ở thị xã Hoà Bình, rồi được cách mạng cho sang học trường Sư phạm Khu học xá TW ở Nam Ninh - Trung Quốc, về nước làm giáo viên, rồi làm phóng viên báo Tiền Phong và Thiếu Niên Tiền Phong, rồi đi học biên kịch điện ảnh VN khoá đầu tiên, và về làm biên tập kịch bản ở Xưởng phim Hoạt Hình VN. Sau đó ông bị bắt oan trong vụ Xét lại chống Đảng, bị đi cải tạo đến 2 lệnh (mỗi lệnh 3 năm) Không có án. Khi về ông mất hết tất cả. Chỉ là phó thường dân. Không có một tiêu chuẩn gì.

Ông lao động để sống. Như mọi người dân thường. Ông dịch sách (những tư liệu từ tiếng Nga sang tiếng Việt). Ông làm công việc in lưới, in các nhãn hiệu, các huy hiệu, in các loại quảng cáo, cả việc in sách, sắp xếp cách "tay" sách, ông có chuyên môn về công việc này . Một thời gian người ta đã mời ông vào làm công việc in ấn cho Viện Mác- Lê Nin. Ở đây có các máy in hiện đại . Nhưng rồi "cảnh giác", người ta lại không dám dùng ông. Ông bị tai nạn xe máy đâm gẫy chân.

Sau phẫu thuật và điều trị, ông cà nhắc cà nhót đi dạy các nơi kiến thức in lưới để kiếm tiền nuôi thân. Có người thương ông, mời ông vào làm cố vấn cho 1 cơ sở in ấn của Thương binh Xã hội, hồi ấy ở phố Nam Ngư . Nhưng cũng chỉ được 1 thời gian, rồi vì "cảnh giác" đất nước, người ta lại phải thôi ông.

Kể ra thì cũng đã có khi, cơ quan Đảng trả trợ cấp cho ông, nhưng ông khẳng khái từ chối, với lý do là ông không phải đảng viên, làm sao lại đi nhận trợ cấp của Đảng.

Ông sống vất vưởng. Sống nhờ sự đùm bọc của họ hàng và bạn bè. Ông không vợ không con. Ở 1 gian nhà 1 mái, hẹp như 1 căn bếp, lủng củng những đồ đạc, trong 1 chiếc sân sau của khu nhà 52 Bà Triệu . Trời mưa, nước chảy thành vũng trong nhà. Ông lọ mọ nấu lấy ăn. Ngày 2 bữa . Buồn. Nên uống rượu . Bạn bè thương tình nên hay mang rượu đến cho ông. Và nhất là lớp trẻ, chúng đến thăm ông vì tò mò, vì hiếu kỳ, vì thương ông. Một ông già gầy gò, mảnh khảnh, yếu ớt, như được cấu tạo bằng thép.

Ông không phàn nàn, kêu ca, oán thán gì đời . Ông sống chan hoà với mọi người - sống dưới đáy xã hội, như ông thường nói - nên ông biết được nhiều thứ, hiểu được nhiều thứ, mà những người khác không thể hiểu, không thể biết. Ông chịu khó nghe đài, đọc báo chí, học Anh văn. Ông nói: "Chúng ta phải phá cái xiềng ngoại ngữ, để mắt nhìn rộng hơn, tai nghe xa hơn". Ông là một người cập nhật với thời cuộc trong nước và thế giới . Nhiều người thích đến ông, để nghe những kiến giải của ông về thời cuộc. Ông chủ trương, còn sống thì còn học, và còn làm những điều có ích cho đời . Ông cổ vũ các văn nghệ sĩ sáng tác, quen biết nhiều văn nghệ sĩ, lớp già, lớp trẻ, và có điều kiện là giúp đỡ tận tình như việc in tập thơ "Gà trống đẻ" của nhà thơ Tú Sót, tập truyện ngắn "Những người rách việc" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn .v.v... Vì thế anh em văn nghệ rất quí mến ông.

Ông là hiện thân của sự đày ải và sống kiên cường trên dương thế!

Bạn Vũ Huy Cương thân mến,
Bạn đã đi xa, về cõi vĩnh hằng. Cuộc đời của bạn là 1 cuốn tiểu thuyết chưa in, nhưng nhiều người đã được đọc, nhiều người đã được biết. Qua đó chúng tôi ghi nhận được biết bao bài học cho mình: sự đau khổ, trí thông minh, tính kiên cường bất khuất, niềm lạc quan yêu đời, lòng tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của đất nước.

Không! Bạn không chết! Nhiều người sẽ còn kể về cuộc đời của bạn, và người ta sẽ không quên bạn. Tức là bạn còn sống với mọi người, và sẽ sống vĩnh hằng với đất nước đang đổi mới đi lên.

Những con đường đi hẹp sẽ dẫn tới thiên đàng, còn đường đến địa ngục thì phẳng phiu lát toàn vàng bạc. Nhớ đến 1 câu thơ của ai đó đi viếng người đã khuất:

Những con người
chọn những đường đi hẹp
Về bên ấy
có nhiều điều để nói
Những lời ấy
âm vang dội lại
Cho thế gian
bừng nở hoa hồng.

Bạn Vũ Huy Cương thân mến,
Bạn đã làm xong việc đời nặng nhọc. Bạn đã được giải thoát. Linh hồn bạn khôn thiêng xin phù hộ độ trì cho các bạn bè, những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo, nhà điện ảnh, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, có mặt ở đây ngày hôm nay, xin phù hộ độ trì cho đất nước được phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Bạn Vũ Huy Cương thân mến,
Bạn đã sống xứng đáng một cuộc đời người . Mong bạn hãy yên lòng ra đi, thanh thản ra đi!
(Người đọc điếu văn: Nhà văn Hoàng Tiến)

*

"Một phút ra đi thê tử không màng duyên thế tục
Trăm năm là mấy nước non chưa trắng nợ tang bồng".
(câu đối viếng của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.