Hôm nay,  

Tiến Vào Rừng Cấm

21/09/199900:00:00(Xem: 5564)
Lần đầu tiên, liên quân quốc tế võ trang nặng đã tiến vào giữa một khu rừng cấm có tên là ASEAN. Võ trang nặng có nghĩa là tiến quân để tác chiến chớ không phải để làm công tác nhàn hạ canh gác hòa bình, vì có hòa bình đâu mà giữ. Một ngày trước khi liên quân đến, tin tức cho biết các toán “dân quân” thân Indonesia tiếp tục dùng tiểu liên và mã tấu khủng bố dân tị nạn.
Một khu trục hạm của Anh và một khinh hạm hộ tống của Úc - mang phi đạn điều khiển đường bay - đã lãnh đạo một hạm đội gồm 9 chiến hạm xuất phát từ hải cảng Darwin Úc tiến đến Đông Timor, qua biển 300 dậm. Đoàn quân tiền phong đã đổ bộ với vị Tư lệnh liên quân là tướng Peter Cosgrove, một cựu chiến binh có nhiều kinh nghiệm chiến trường Việt Nam và cũng là người quân nhân có nhiều huy chương nhất nước Úc. Sự chuẩn bị tác chiến đã quá rõ và sự biểu dương lực lượng đó cũng là một lời cảnh cáo cho những kẻ còn muốn chơi luật rừng.
LHQ đã có mặt tại Cam Bốt năm 1993, nhưng đó chỉ là những quan sát viên tổ chức cuộc bầu cử chớ không phải lính có súng dẹp loạn. Người ta đã biết cuộc bầu cử Cam Bốt có quốc tế giám sát đã đưa đến những thảm cảnh như thế nào chỉ vì quốc tế thiếu cây súng. Trước đó cũng có những nơi có lính LHQ gìn giữ hòa bình đã phải nổ súng, nhưng từ ngày có vụ Kosovo, lần đầu tiên lực lượng LHQ do NATO cầm đầu đã nổ súng dẹp loạn trước khi tiến quân vào đó. Nếu có những người ở Đông Nam Á hễ cứ nghe thấy nói đến chữ Kosovo đã là đã phát hoảng, đó cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Và bây giờ liên quân quốc tế tiến vào Đông Timor sẵn sàng nổ súng.
Nhưng tại sao nói Đông Nam Á là khu rừng cấm" Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập năm 1967 vào giữa lúc tình hình chiến sự Việt Nam đang đến độ gay go với sự tham dự trực tiếp của Hải Lục Không quân Mỹ. Phía Cộng sản Bắc Việt đã có Liên Sô và Trung Quốc yểm trợ cả người (cố vấn) và vũ khí hiện đại từ trước ngày Mỹ can thiệp, trận chiến trở thành ngang ngửa. Các nước Đông Nam Á lúc đó trong thâm tâm thực sự là lo sợ hiểm họa bành trướng của cộng sản từ Việt Nam, muốn liên minh với nhau lại tìm thế ỷ dốc mà chống, nhưng trước viễn tượng đáng sợ là hai khối khổng lồ Cộng sản và Thế giới tự do có thể đụng độ với nhau trực tiếp, ASEAN tìm cách né đã rút vào thế trung lập có tên là “không liên kết” do Ấn Độ khởi xướng. Thập niên 80, ASEAN phát triển kinh tế mạnh, thế “không liên kết” đó biến thành bàn đạp để tạo ra khu thương mại riêng cạnh tranh với Tây Âu và Bắc Mỹ.

Từ đó ASEAN 6 đã có đủ tự tín để bành trướng, biến thành ASEAN 10 sau khi tóm thâu 4 nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Di sản của chủ nghĩa “không liên kết” tạo ra cho ASEAN cái ảo tưởng là một khối có sức mạnh kinh tế riêng, không thế lực bên ngoài nào được can thiệp vào việc riêng của họ về chính trị, quân sự và kinh tế. Và để đề cao chủ thuyết không can thiệp đó, chính các nước trong khối ASEAN cũng cam kết với nhau không nước nào được can thiệp vào việc nội bộ của nước khác. Nó có nghĩa đây là khu rừng cấm với luật lệ riêng để trở thành đầu máy lãnh đạo phát triền kinh tế toàn cầu. Ảo tưởng đó đã lung lay khi Trường Sa nổi sóng với bóng dáng của các chiến hạm Trung Quốc. Nó đã bể ra từng mảnh sau khi các nền kinh tế ASEAN gập khủng hoảng, phải nhờ đến sự “can thiệp” của đồng đô la từ bên ngoài. Và nay luật không can thiệp vào việc nội bộ của nhau cũng sụp đổ.
Vấn đề Đông Timor là một thử thách lớn cho ASEAN ngay chính trong tổ chức của nó. Mối quan hệ giữa các nước ASEAN rất lỏng lẻo, ngoài kế hoạch ràng buộc với nhau về thương mại để lập ra một “khu Thương mại Tự do ASEAN”, những nước này không dính líu gì với nhau về quân sự và chính trị vì đã có di sản “không liên kết”. Như vậy nếu có một quyết định gì về chính trị hay ngoại giao, khối ASEAN phải có sự đồng ý của tất cả 10 nước hội viên nghị quyết chung mới thành hình. Sau khi xẩy ra vụ biến loạn ở Đông Timor, ASEAN dễ dàng tạo được quyết định chung không can thiệp, vì đó là chuyện nội bộ của Indonesia.
Hai nước hăng say nhất trong việc chống can thiệp hiển nhiên là hai anh lính mới Việt Nam và Miến Điện, nhưng cũng có một anh lính già đã sáng lập ra ASEAN từ 30 năm trước là Mã Lai Á, nước này cũng đang có chuyện đàn áp đối lập trong nước. Vậy tại sao 3 nước này không lên tiếng chống việc đưa quân quốc tế đến Đông Timor" Mã Lai Á rút cuộc đã phải miễn cưỡng đưa khoảng 10 người “tượng trưng” gia nhập liên quân quốc tế ở Đông Timor. Còn Việt Nam và Miến Điện không tham gia, hiển nhiên đã chống đối. Nhưng khi Thái Lan nói toàn thể các nước ASEAN đã đồng ý với nghị quyết LHQ, tại sao Việt Nam và Miến Điện không dám ho he lên tiếng cải chính"
Thái Lan lấy quyền Chủ tịch đã bất chấp ý kiến của hai nước hội viên chống đối. Sự kiện này có nghĩa là người ta đã có thể ép buộc nhau về đường lối chính trị và ngoại giao. Luật lệ “phải có sự đồng ý của tất cả” đã tan biến, nó dọn đường đưa đến một luật nội bộ mới. Đó là luật có thể can thiệp vào việc nội bộ của nhau... nếu cần. Không chấp nhận luật mới này ASEAN sẽ tan vỡ. Một thử thách ghê gớm.
Nhưng đau khổ nhất là cho Việt Nam. Đây là lúc nên nhìn vào tình hình nội bộ của nước này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.