Hôm nay,  

Vui Buồn Người Ở Lại

19/05/200100:00:00(Xem: 6512)
Thưa các chị,

Đàn ông xưa nay là chúa tham lam. Một bà vợ với vài đứa con họ đã kham không nổi, nhưng nếu có điều kiện, họ vẫn sẵn sàng ôm thêm một vài bà là chuyện thường. Em chẳng biết ở ngoại quốc, đàn ông Việt Nam có còn sống cảnh vợ nọ con kia không, chứ còn ở Việt Nam vào cái thời đại kinh tế mở cửa này, thì chán mớ đời, chuyện đàn ông có năm bảy cô đào là chuyện không có hiếm hoi gì, các chị ạ.

Các chị ở ngoại quốc theo dõi tin tức VN trong thời gian gần đây, chắc các chị cũng đã biết, kể từ đầu tháng 6 này, cả nước VN, ai đi xe gắn máy cũng phải đội mũ an toàn. Cũng vì chuyện này, nên tuần rồi, có một ông tuổi đã ngoài 50, nhưng tướng tá bệ vệ, đẹp trai, có gương mặt giống hệt Hùng Cường, ổng vô một cửa tiệm bán mũ an toàn, mua một hơi 8 chiếc. Người bán hàng cứ ngỡ ông mua cho công ty, sau hỏi ra mới biết, ông ta mua mũ cho 3 bà vợ và 5 đứa con. Cứ theo lời ông kể, thì ông đã sống cảnh "thân già vẫn xẻ làm 3" (nguyên văn lời của ông ta) đã được 28 năm, tức là trước hồi 1975 lận. Vậy mà các bà chỉ biết ngược, không biết xuôi, các chị nghĩ vậy ông ta có giỏi không. Biết ngược nghĩa là bà vợ ba biết ông có bà cả, bà hai. Bà hai biết ông có bà cả. Còn không biết xuôi là bà hai không biết ông có bà ba, còn bà cả không biết ông có bà hai lẫn bà ba.

Ông NVT này còn hé lộ, trong công ty của ông, có 8 ông trưởng phòng, 2 ông chánh sở thì 7 ông có vợ bé. Ông còn nói, thời đại mở cửa bây giờ, làm lớn như ổng mà không có vợ bé thì làm sao ăn nói, giao thiệp, buôn bán được. Vợ cả biết điều thì cứ ở nhà lo chăm sóc nhà cửa, nuôi nấng con cái cho đàng hoàng thì còn có nhà có cửa, có chồng có con lại có tiền tiêu sài. Còn như ghen tuông tùm lum, thì chỉ có nước mất tất cả trong một sớm một chiều.

Mới đây, báo pháp luật ở Sàigòn còn thông tin về chuyện một lão ông có cả hàng chục vợ ở ngoài miền Trung. Hay như một xóm đạo ở Tràng Bảng, Tây ninh, cũng có khu nhà ngói 5 căn dành cho 5 bà vợ của một ông chủ nhà máy xay. Còn những ông vợ 3 vợ 4 thì nghe đồn... nhiều không kể xiết. Nhiều ông nghe thông tin về những "điển hình" trên, cứ tấm tắc tỏ lòng bái phục, thậm chí... thèm muốn. Duy chỉ có những người trong chăn mới hiểu rõ là mình đang... có "rận".

Sau đây, em xin giới thiệu với các chị bài viết của anh Nguyễn Thiện mô tả những "con rận" trong đời sống đa thế của qúy đàn ông Việt Nam, để sau khi đọc xong, các chị so sánh xem đàn ông VN ở ngoại quốc "dở" hơn hay "hay" hơn so với đàn ông VN ở quê nhà...

*

"Tôi là người đàn ông có số đào hoa, nên đi tới đâu cũng có nhiều người để ý. Tôi biết là phaỉ sống một vợ, một chồng mới đúng luật. Nhưng ở đời, người ta thương mình mà mình thờ ơ, tôi có cảm giác mình cũng... áy náy thế nào ấy. Rủi họ thương mình quá, rồi làm liều nhảy xuống sông... có phải mình là người tàn nhẫn" Thôi, cái số đa đoan đường vợ con, cãi sao được. ý trời mà!" - anh M.X.H. (phường Đa Kao, Q.1), một công nhân lành nghề của ngành điện lực tự hào giải thích như vậy, khi nghe nhiều bạn hữu hỏi về lý do nhiều vợ của mình. Điệp khúc "số phận" của mấy ông được lặp đi lặp lại đến quen thuộc, tuy nhiên, ai cũng biết đó là sự nguỵ biện để bào chữa cho cái "nghiệp" đa thê của mình.

Thật ra những con người "đa đoan", bề ngoài có vẻ đầy tự hào ấy, bên trong lại là một hoả diệm sơn, khiến họ ngày đêm đứng ngồi không yên. Ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh nhiều người đã nhìn anh T. 48 tuổi, chung sống cùng lúc với hai vợ hẳn hoi, bằng một ánh mắt rất... thán phục. Ngày khai trương quán cà phê làng của mình, anh chở cả hai vợ lên quán. Chiều, anh chở một người về, một người ở lại trông nom công việc. Sáng hôm sau, anh lại chở người kia lên quán, chiều rước người nọ về. Cứ vậy mà đều đặn mỗi ngày. Cảnh đầm ấm ấy khiến người ngoài cứ tưởng anh là con người hạnh phúc, nhưng hoá ra ngược lại hoàn toàn.

Được anh cán bộ xã giới thiệu, tôi mon men đến quán, đúng lúc anh T. đang chuẩn bị đồ nghề đi câu cá rô đồng, tôi bèn ngỏ lời xin cùng theo để học "kinh nghiệm". Mãi đến gần đúng ngọ, anh mới chân tình tâm sự: "Khổ lắm ông ạ! Vợ mình bị vô sinh, thương mình, bả nhiều lần đề nghị mình tìm người khác để kiếm con nối dõi cho vui cửa vui nhà. Tới chừng kiếm được người, bả lại lên cơn ghen dữ dội, doạ thưa mình ra toà về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng, nếu mình sống hẳn với bà sau. Mà bà sau cũng "ác", cứ vin vào chuyện tương lai thằng con "của chúng ta", sắp chào đời, để nhất quyết không rời mình nửa bước. Nghèo lại nghèo thêm. Thật là tiến thoái lưỡng nan".

Điều tai hại hơn là nhiều ông không xác định được đâu là lòng trắc ẩn, còn đâu là nghĩa trăm năm. Chính vì vậy nên cụ ông T.Đ.C 63 tuổi ở xã Phước Lộc, Nhà Bè, đã phải nhọc thân già với 3 vợ ở ba nơi trong cùng một huyện. Hôm dự buổi xét nhà tình thương của ấp, biết ông là người có trách nhiệm với vợ thứ ba (nhỏ hơn ông gần hai con giáp), tôi bắt chuyện làm quen. Vưà quấn thuốc rê vừa ho rũ rượi, nhưng ông vẫn chí tình cởi mở tấm lòng như để biện minh:

- Bả mồ côi cha mẹ, chẳng có ai nương tựa, lại mấy lần uống thuốc rầy vì qua. Tội quá, qua đành phải gần gũi để kiếm lời an ủi, nhưng bả cứ lần lượt cho hết đứa này tòi ra lại đến đứa khác lọt lòng. Đến nay đã có 6 thằng con, qua hỏi chú em mày như vậy làm sao mà bỏ cho được, dù sao tụi nó cũng con qua mà.

Nhà thơ T. hiện đang công tác tại một cơ quan trung ương, đóng trên địa bàn TP này, có tổng số các bà vợ đã lên tới... nửa lố. Anh đưa ra lý do để "thanh minh" với bạn bè về kiếp nhiều vợ của mình, nghe như một câu nói đùa: "Mấy bà thích... thì mình chiều, chết thằng Tây nào mà mình sợ!"

Hậu vận sờ sờ...

Đúng là không chết thằng Tây nào, nhưng chính nhà thơ trên thì cứ khổ sở dài dài, đến nỗi dù vẫn hay khoe mình là một người "điếc không sợ súng", nhưng cuối cùng anh cũng phải chào thua. Thậm chí, có lần anh tình nguyện bỏ TP về tuốt văn phòng đại diện của cơ quan dưới miền Tây, để trốn các bà vợ của mình. Vậy mà vẫn không yên thân. Bà thứ 6 vẫn phát hiện được, xuống tận nơi làm ầm ĩ, lôi về. Có hôm tôi đi uống rượu giải sầu cùng anh tới khuya. Khi về tự nhiên anh đề nghị bác taxi cho anh xuống ngay ngã tư Phú Nhuận (trong khi nhà các bà vợ của anh mà tôi biết đều không ở trong khu vực này). Hỏi thì anh nhất định không trả lời.

Mấy hôm sau gặp lại, anh cười như mếu: "Thú thật với cậu, hôm đó tớ cũng không biết về nhà bà nào cả. Nghe hơi rượu, mấy bả cứ im ỉm trong nhà, cứ tưởng làm như thế rồi mình sẽ đi qua nhà bà khác. Nhưng chẳng bà nào ngờ rằng có nhiều lần mình phải lang thang suốt đêm". Nhiều người trong cơ quan cùng thời như anh, người tệ nhất cũng tậu được cho mình chiếc đờ-rim, còn anh đến nay vẫn cà tàng chạy chiếc Honda đam đã 30 tuổi thọ có dư! Anh phân bua: "Mỗi tháng tớ phải còng lưng gom cho được ít ra là 5 triệu đồng để nộp cho các bà".

Nhưng buồn hơn có lẽ là cụ ông Hồ Văn N. 68 tuổi, ngụ ở Thủ Thiêm, Q.2. Dù đã ở tuổi này, nhưng ngày ngày ông vẫn phải "cày" như thời trai tráng. Từ 6g sáng ông đã phải lặn lội bộ gần chục cây số để xin khiêng đất đắp đường kiếm tiền nuôi 6 thằng quý tử của bà vợ đời thứ ba. Ông tâm sự: "Có hôm, mưa gió khiến thân già sốt mấy ngày liền... rêm cả mình mẩy. Vậy mà vẫn phải lụm cụm... ra công trường kiếm chút tiền mua mắm mua rau... Không làm lấy gì nuôi đám ròng ròng""

Một lần, tôi ngồi chung băng đá trong căng tin Toà án TP với bác tài Lê Văn Nh, nhà ở P. Long Trường, Q.9. "Anh" ngồi đó, thất thần, tay cứ quậy ly cà phê đen sủi bọt mãi hồi lâu mà không uống. Theo lời"anh" kể thì đầy là lần thứ 8 anh đi hầu toà, cũng chỉ để làm chứng cho cuộc ẩu đả giành miếng đất mà "anh" định làm nghĩa trang gia tộc, giữa hai bầy con của hai bà vợ "đời cũ" đã quá cố của mình.

Nói chuyện với "anh" một hồi lâu mà tôi vẫn không biết phải gọi bằng "anh" hay bằng "ông "cho phải đạo. Vì theo lời tự sự của "anh", thì "anh" mới tròm trèm 45 tuổi, nhưng nếu căn cứ vào đầu tóc, da mặt và nhất là hàm răng thì "anh" đúng là bậc lão dạng "gần đất xa trời". Cái bệnh lao do 20 năm trời cầm vô lăng xe tải đời cũ, khiến cho cái lưng của con người hào hoa như anh oằn xuống một cách đáng thương. Đã thế, anh còn cho biết thêm, ngoài hai bầy con đã nhiều lần làm phiền phức đến cái "thân già háp", thì anh còn có ba bốn tiểu tử như vậy nữa. Hiện chúng đang "rải rác" ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyện ra Toà của anh Nh. không phải là cá biệt. Tại khuôn viên này, tôi từng chứng kiến biết bao điều thương tâm khác của những người thuộc dạng "một kiếng nhiều quê" như vậy. Nhiều người vẫn không quên cảnh dở khóc dở cười của ông Trần Văn D. ở đường Chu Văn An, P.12, Q. Bình Thạnh. Hai bà vợ lớn kiên quyết không chấp nhận bà vợ thứ ba của ông tồn tại trước mắt họ, nên hè nhau bám sát ông tới cùng. Ông đi học Anh văn ban đêm, bà lớn đứng chờ ngoài cổng lớp. Ông đi học cơ quan, bà Hai tới nơi làm việc của ông nằm đợi tới khuya... khiến đường công danh sự nghiệp của ông một thời điêu đứng.

Giờ đây, dù đã chuyển công tác xa, nhưng đầu óc ông lúc nào cũng căng ra để đối phó và dàn xếp chuyện giữa các bà. Cũng may, các bà vợ của ông chưa có bà nào có con, nếu không thì cũng khó tránh cảnh ẩu đả vì bất đồng trong việc phân chia tài sản giữa các bầy con, như trường hợp của gia đình ông T.V.A ở khu Cây Sộp, P. Đông Hưng Thuận, Q.12, mà trước đây Báo Phụ Nữ có lần đề cập.

Kiếp sau xin nhớ... nhé!

Khách quan mà nói, đây một là vấn đề có tính chất "tự nguyện" của đôi bên vợ chồng. Nên sẽ không công bằng nếu không đề cập đến yếu tố lỗi nơi người phụ nữ. Vì nhiều lý do, có những người phụ nữ đành chấp nhận kiếp chồng chung, khi sự việc nằm trong tư thế... đã rồi. Nhưng thực tế lại không ít trường hợp, nhiều phụ nữ biết người đàn ông đã có vợ con đàng hoàng mà vẫn nhắm mắt làm liều... Điều này khiến nhiều ông không nỡ nhắm mắt làm ngơ, khi gặp phải tình huống "mỡ trước miệng mèo".

Tuy vậy, dù bất kỳ lý do nào chăng nữa, thì tật "ham của lạ" của mấy ông chính là kẻ thù giấu mặt, âm thầm gây bao tai hại của đời người nhất là khi tuổi xế chiều. Phạm luật Hôn nhân gia đình là điều hiển nhiên đối với những người đàn ông đa thê, nhưng điều tệ hại hơn vẫn là chuyện để vợ con trong gia đình nheo nhóc và trở thành gánh nặng cho xã hội. Đó là chưa nói đến những mặc cảm tự ti của con cái, như cô T.M. sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Luật, đã tâm sự với bạn bè: "Tớ chán lắm, đi đâu tớ cũng nghe người ta dèm pha, chê cười ông bố nhiều vợ của mình!"

Tôi xin trích nguyên lời nói chân thành của một người đàn ông bị "xiểng niểng" suốt một thời gian dài vì cuộc chiến "tam quốc" khốc liệt giữa ba bà vợ, khi tiếp xúc với tôi trước cửa Toà án Q. Bình Thạnh cuối tháng vừa rồi, để kết thúc bài viết của mình: "Chán mấy bà quá, kiếp sau tớ hổng dám... ham vui nữa đâu!". Với lời tâm sự chân tình này của anh, tôi tin rằng những người có lương tâm, hiểu trách nhiệm, biết suy nghĩ sẽ không bao giờ chọn "một phút huy hoàng... rồi chợt tắt" như vậy nữa!

Nguyễn Thiện

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.