Hôm nay,  

Thái Bình Dương: Sôi Động

28/07/201700:00:00(Xem: 5451)

Tình hình Á châu Thái bình dương trong hạ tuần tháng 7 năm 2017 vô cùng sôi động. Sôi động từ bắc chí nam, trên biển lẫn trên trời. Mỹ tăng gia yểm trợ đồng minh và đối tác. Chỉ có CSVN không có lá chắn của Mỹ, TC bảo gì làm nấy.

Tại Hawaii, tiểu bang giữa Thái bình dương của Mỹ, Tư lệnh Lực Lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris đưa vào sử dụng khu trục hạm tân kỳ nhứt là USS John Finn. Ông đánh giá đây là một tín hiệu cho các đồng minh và kẻ thù của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, rằng Mỹ có lợi ích riêng của mình ở khu vực này của thế giới. USS John Finn là một hải hạm có nhà chứa máy bay trực thăng, hệ thống điều khiển hỏa lực Mk.99 và hệ thống phóng hoả tiễn thẳng đứng Mk.41 có thể phóng các hoả tiễn SM-3. Khu trục hạm này còn được lắp đặt hệ thống thông tin Baseline 9 phiên bản mới nhất và rađa AN/SPY-1 giúp điều khiển các máy bay chiến đấu Aegis.

Còn tại nước nhà Mỹ, ở Norfolk, TB Virginia, TT Trump ngày 22/7/2017 khánh thành, đưa vào hạm đội Hải Quân Mỹ, hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford tối tân, Ông nói nó sẽ khiến các kẻ thù của Mỹ phải “run rẩy vì sợ hãi” khi thấy bóng dáng từ chân trời.

Giá sản xuất của nó cao vô địch, cả 13 tỷ Mỹ kim, vô địch về kỹ thuật, có hệ thống gián điệp bảo vệ tàu, nhiều máy bay chiến đấu nhứt, vũ khí tân tiến nhứt, vũ khí laser mỗi phát bắn laser chỉ tốn vào khoảng vài USD.

Tại Phi luật tân sau những màn giận lẫy TT Obama, bay qua Bắc Kinh tuyên bố ly khai với Mỹ, tổng thống Rodrigo Duterte hồi tâm chuyển ý thấy Mỹ là đồng minh gắn bó giúp Phi khi Phi hữu sự bị phiến quân nổi dậy chiếm một thành phố. Ngày 14/07/2017, Ông thừa nhận là Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho chính phủ Philippines để chống lại quân khủng bố Maute tại thành phố Marawi. Trước phái đoàn ngoại giao của các nước, Ông còn tuyên bố tại thành phố Davao, Phi không thể tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự mới nào, vì Phi có hiệp ước quân sự lâu đời giữa Mỹ và Philippines, có từ mấy thập niên qua.

Tại Hàn Quốc, tân Tổng Thống Hàn Quốc nhắc lại rằng ông sẵn sàng gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, để bàn bạc hai miền Triều Tiên phải tránh có các hoạt động thù địch dọc theo biên giới. Nhưng Kim Jong-un khẳng định không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử sau khi thử nghiệm thành công hoả tiễn liên lục địa ngày 04/07.

Còn Trung Quốc hôm 17/07/2017 lên tiếng phản đối Mỹ sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua một dự luật cho phép các chiến hạm Mỹ được ghé thăm Đài Loan. Trước đó TC cũng phản đối Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan gần cả 1 tỷ rưỡi Mỹ Kim. TC ra tay dằn mặt Đài Loan, cho máy bay ném bom Tây An H-6 (Xian H-6) của Trung Quốc nhiều lần bay qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Philippines và Đài Loan và eo biển Miyako của Nhật Bản vào tuần trước.

Nhật phản ứng mạnh, điều chiến đấu cơ đến khu vực, đề phòng chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập không phận Nhật Bản.

Còn Mỹ, Bộ Quốc Phòng thấy tình hình căng thẳng quá nên ngày 18/07/2017 kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông và Hoa Đông và tránh những hành vi khiêu khích. Nhưng TT Trump đã chuẩn y xong kế hoạch hành động cụ thể do bộ Quốc Phòng Mỹ trình, quyết định tuần tra nhiều hơn, sâu hơn nhằm thường xuyên thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Còn trên miền bắc ACTBD, chánh quyền Mỹ sẽ cấm công dân Mỹ đến Bắc Triều Tiên.

Và Úc phản đối Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông. Ngày 18/7 Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tuyên bố, "Chúng tôi tiếp tục phản đối hành động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông.


Nhưng TC tìm cách hù doạ Mỹ, tin truyền hình FOX News thân Cộng Hoà cho biết hai máy bay Trung Quốc áp sát một máy bay dọ thám của Hải quân Mỹ tại Biển Hoa Đông trong cự ly nguy hiểm, quá thiếu chuyên nghiệp gần như khiêu khích, chiều ngày 23/7, suýt gây tai nạn nếu phi công không điêu luyện đối phó tinh thế nguy nan.

Ở Biển Đông TC cũng làm thế, Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) ngày 24/7 xác nhận 4 máy bay ném bom H-6K từ miền nam Trung Quốc bay sát bên ngoài Vùng Nhận diện Phòng không Đài Loan khi tiến vào Eo biển Bashi.

Hầu hết các nước ở Bắc, ở Trung, ở Nam Á châu Thái bình dương đều có phản ứng đối với chiến dịch thị oai trên biển và trên không của TC trong hạ tuần tháng 7, 2017. Chỉ có CSVN là tuân thủ lịnh của TC ngoài Biển Đông. Tin Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/7 kêu gọi dừng khoan dầu ở một địa điểm tranh chấp thuộc Biển Đông. Địa điểm được nhắc đến là nơi hãng dầu Repsol của Tây Ban Nha lâu nay có hoạt động hợp tác với Việt Nam. BBC cũng nhắc lại hôm 24/7 Bắc Kinh đã cảnh báo hồi tuần trước với Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục. Thế là theo tin của BBC, Việt Nam đề nghị công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí ở vùng tranh chấp trên Biển Đông.

Phân tích thời sự và sự kiện cho thấy, TC chưa có chuẩn bị dùng chiến tranh vũ khí, qui ước, đưa quân lực qua tấn công VN trên biển. Nhưng TC đang trực tiếp bao vây VN ngoài biển ở phía đông. TC đã thôn tính, sáp nhập quần đảo Hoàng sa thành huyện Tam sa vào tỉnh Hải Nam của TC. Còn quần đảo Trường sa của VN, ngoài khơi Saigon thủ đô kinh tế của VNCS bây giờ, TC đã bồi lấp xây cất khu quân sự có quân cảng tàu lặn ghé được, có phi đạo dài 3100 mét mọi chiến đấu cơ lên xuống được, có trọng pháo khiến Mỹ phản đối, cho tuần tra vì Mỹ xem đây là một vi phạm quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế. Tờ Hoàn Cầu thời báo của TC trước đây có đăng bài hăm CSVN, TQ chỉ cần 2 tiếng đồng hồ từ những chuỗi đảo quân sự hoá thành hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm, là TC có thế tiến chiếm Saigon.

Còn trong đất liền phía Tây của VN không còn yên tĩnh nữa. Tại biên giới Việt Miên của hai nước có nhiều tiền cừu hậu hận, TC đã dùng chiến thuật “phóng tài hoá thu nhân tâm” mua chuộc nhà cầm quyền Hun Sen và “tá tha nhân chi thủ” mượn tay TT Hun Sen thường xúi dân quân cán chính Miên gây bất ổn trên biên giới Việt Miên tại cột mốc 203, của tỉnh Long An ngang với tỉnh Svay Rieng.

Nhưng thực tế tình hình ở hiện trường thì không thấy có triệu chứng chiến tranh giữa TC và VC. Về các cuộc đụng chạm, CS Trung Quốc và CS Việt Nam chỉ đánh giặc miệng với nhau thôi. Như trong biến cố 2014, TC đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế VN. Tàu của TC và tàu của VC lượn qua lượn lại, vòi rồng bắn qua bắn lại, có lúc cọ quẹt nhau, có người bị thương nhẹ. Nhưng không xung đột bằng vũ khí sát thương.

TC cũng không cần đánh VN làm gì vì TC xấm chiếm biển đảo của VN mà nhà cầm quyền CSVN vẫn bất động, trừ những lời tuyên bố sáo mòn về chủ quyền mà thôi. CSVN biết khi bị TC đánh VN, Mỹ không thể giúp như đối với Phi vì VN và Mỹ không có hiệp ước phòng thủ hỗ tương. Nên CSVN “một câu nhịn chín câu lành” để được yên thân hầu “thu vén cuối đời” được bao nhiêu hay bao nhiêu, được bao lâu hay bao lâu./.(VA)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.