Hôm nay,  

Biển Đông: Thượng Viện Đòi TT Obama Tích Cực Hơn

09/05/201600:00:00(Xem: 5312)

Tin VOA, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Bob Corker, mới đây đã lên tiếng yêu cầu chính quyền của Tổng thống Obama thực hiện những hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hơn ở Biển Đông nhân khi Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken ra điều trần trước quốc hội. TNS Corker phát biểu như sau,"Cả những tuyên bố lẫn những hoạt động tự do hàng hải đều không răn đe được hoặc làm chậm lại những hoạt động bồi đắp, cải tạo đất của Trung Quốc, kể cả việc đưa những khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo. Hơn thế nữa, các chuyên gia quân sự nói, ngày càng có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông và Trung Quốc có thể sẽ thực hiện thêm những hành động gây bất ổn, nếu phán quyết của toà án quốc tế đi ngược với quyền lợi của Trung Quốc như dự kiến."

Nhà lập pháp cao cấp này của đảng Cộng Hoà cũng đã cùng với các bạn đồng viện đưa ra một dự luật đòi cơ quan hành pháp báo cáo với quốc hội về các kế hoạch hành quân tự do hàng hải và những hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.

Tại cuộc điều trần nói trên, Thứ trưởng Ngoại giao Blinken cho biết con số những hoạt động tự do hàng hải mà quân đội Hoa Kỳ tiến hành ở Biển Đông đã gia tăng trong những năm gần đây và những hoạt động này sẽ tiếp diễn.

Trong khi đó báo Washington Post và Wall Street Journal, cho biết Trung Quốc có lẽ đang xem xét tới việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo khác nữa ở bãi cạn Scarborough mà Philippines cũng tuyên bố có chủ quyền. Bãi này là rất quan trọng, nằm trong tam giác chiến lược, giữa Phi, Đài Loan và TQ, có thể kiểm soát con đường TQ ra Thái bình dương gần hơn, không cần qua Eo Biển Mã Lai mà TQ nghi ngại có thể bị Mỹ phong toả khi TC đụng chạm với TQ.

Phản ứng của TC. Ngô Khiêm phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc kênh kiệu tuyên bố việc Mỹ tuần tra không làm cản trở nước này mở rộng đảo nhân tạo. Mỹ không ngăn được "quyết tâm và ý chí" của hải quân TQ trước việc "bảo vệ chủ quyền" ở Biển Đông.

Hoàn Cầu Thời báo, một phiên bản nặng tinh thần thượng tôn Hán tộc của Nhân dân Nhật báo, tiếng nói của Đảng CS Trung Quốc tô lục chuốt hồng rùm beng lời của phát ngôn viên Ngô Khiêm nói trên trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Nội dung chánh là phản bác việc nghị sĩ Mỹ thúc giục Toà Bạch Ốc cho tuần tra thường xuyên ở Biển Đông.

Lâu nay và mới đây Trung Quốc ngang ngược yêu sách chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các nước như Việt Nam, Philippines. Ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã chiếm 7 thực thể, cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo, xây sân bay, hải đăng, trạm radar. Trung Quốc cũng chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974. Việt Nam đã nhiều lần phản đối hoạt động phi pháp của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn Ông Tập Cận Bình, Chủ Tịch Đảng Nhà Nước và quân uỷ trung ương của TC thì quả quyết không chấp nhận quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Ông tuyên bố chỉ tham gia giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại giữa các nước có liên quan và không chấp nhận có sự can thiệp của bên ngoài! Ông Tập đưa ra tuyên bố này ngày 28 tháng Tư trong một diễn đàn an ninh quốc tế đang diễn ra ở Bắc Kinh và trong khi cả thế giới đang chờ đợi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan đối với vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.


Bắc Kinh còn ra sức vận động chia rẽ các nước ASEAN có tranh chấp khi tuyên bố chỉ đàm phán song phương với từng nước. Ngoại Trưởng TQ nói trên Tân Hoa xã và Truyền hình trung ương của TC, rằng Miên, Lào, Brunei đã “đồng thuận” với TQ rằng vấn đề tranh chấp Biển không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhưng sau đó Bộ Trưởng Ngoại Giao Miến đính chánh nói không phải vậy. Các nước thành viên ASEAN quyết định chỉ giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc trên tinh thần cả khối chung.

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền phi lý gần như toàn bộ Biển Đông và đang tăng cường quân sự hóa khu vực này. Các nước ASEAN và nhiều nước khác, trong đó có Hoa Kỳ phản đối hoạt động gây hấn này của Bắc Kinh. Philippines là nước đầu tiên kiện Trung Quốc ra tòa án ở The Hague phản đối tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Mỹ, Úc, Nhật, Anh và nhiều nước ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Trung Quốc tẩy chay phiên tòa ở The Hague. Nhưng toà vẫn xử vào đầu tháng 6 và khi phán quyết được đưa ra, Bắc Kinh sẽ mất uy tín.

Tin tức mới đây cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã phái chiến đấu cơ tới gần bãi cạn Scarbourough ở mạn tây Philippines, nơi mà người ta tin là Trung Quốc đang tiến hành các cuộc khảo sát để chuẩn bị xây đảo. Trung Quốc phản đối kịch liệt.

TC đang vận động và lôi kéo Nga và Ấn độ ủng hộ lập trường của TC là không quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, chỉ giải quyết tranh chấp trên nguyên tắc song phương mà thôi. Nga còn giúp TC bằng cách tranh chấp đảo Kuril với Nhật để Nhật phải bớt liên kết và giúp các nước Đông Nam Á và rút lực lượng về đối phó tranh chấp của Nga.

Nga còn liều lĩnh thách thức Mỹ bằng cách cho máy bay chiến đấu bay chận ngang máy bay và tàu chiến Mỹ. Tin CNN của Mỹ, một giới chức quốc phòng Mỹ cho biết một loạt biến động trong tuần, trong đó có sự kiện vào hôm 12/4, khi một máy bay Su-24 Nga bay chỉ 9 m bên trên tàu khu trục Mỹ USS Donald Cook. Cách phi cơ Nga sà xuống, bay ngay trên boong tàu Mỹ giống như kiểu bay được sử dụng khi tấn công.

Trường hợp Nga đi với TC dễ hiểu vì Nga đang bị Mỹ và Liên Âu trừng phạt qua vụ Nga cưỡng chiếm và thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine. Nhưng thái độ của Ấn khó hiểu vì TC là tiền cừu hậu hận của Ấn qua chiến tranh biên giới. Nhất là gần đây Ấn “đông tiến” ra Biển Đông và giúp VN về quân sự như cho vay 100 triệu Mỹ kim lợi tức ưu đãi để Hà nội mua hoả tiễn của Ấn.

Tin căng thẳng mới nhất, chính TC không cho chiến hạm của Mỹ ghé Hồng Kông như hồi trước tới giờ.

Tháng 5 TT Obama công du VNCS, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ ủng hộ Mỹ bán vũ khí sát thương cho Hà nội. Thượng Viện đưa ra dự luật khuyến cáo Hành Pháp tăng cường tuần tra Biển Đông làm cho CSVN thấy Mỹ, Hành Pháp lẫn Lập Pháp đều muốn dấn thân nhập cuộc sâu sát hơn trong việc ngăn đà bánh trướng của TC. Nhưng cái bóng đè của TC quá lớn và nặng, phe CSVN thân TC đang nắm đảng quyền và guồng máy cai trị, Mỹ khó lôi kéo CSVN./.(Vi Anh)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.