Hôm nay,  

Bài Học Từ Vn Sẽ Giúp Mỹ Chiến Thắng Ở A Phú Hãn

07/10/200100:00:00(Xem: 3772)
Bất cứ lúc nào quân đội Hoa kỳ được gởi đi để tham chiến trong một phần tư thế kỷ vừa qua, câu nói quen thuộc vẫn là: Đừng giống Việt Nam! Nhưng câu nói này đã không được nghe thấy gần đây, chắc chắn là vì sự nghiêm trọng của tình hình hiện tại. Thế nên, chúng ta sẽ làm được việc nếu chúng ta nhớ lại bài học Việt Nam, không phải là lý do để trốn tránh, mà chính là bài học sẽ giúp chúng ta làm thế nào để thành công.

Cũng giống như tại Việt Nam ngày xưa, Hoa Kỳ ngày nay đang phải đối diện với một lực lượng du kích - những tên lính rừng xuất hiện như những cái bóng, tung một đòn hiểm độc rồi rút lui và trà trộn vào đám thường dân vô tội.

Trên một phương diện, tổ chức al Queda là kẻ thù ít nguy hiểm hơn Việt cộng - vì tổ chức này nhỏ hơn, nhiều lắm là vài ngàn du kích, không phải vài trăm ngàn như quân Cộng sản Việt Nam.

Nhưng trên một phương diện khác, al Queda là một kẻ thù nguy hiểm hơn. Quân Cộng sản của Hồ Chí Minh chỉ cô lập trong một vùng: Đông Nam Á. Trái lại, du kích quân của Osama bin Laden hoạt động trên lãnh thổ của 60 quốc gia, gồm cả Hoa Kỳ. Không ai có thể tưởng tượng được điều Việt cộng tới Mỹ, tấn công New York, giết hại thường dân vô tội; al Quada đã làm việc đó, mà chúng đã làm một cách ngoạn mục.

Để đánh bại những tên du kích toàn cầu như thế, đòi hỏi Hoa Kỳ phải có một cái gì khác với những trận chiến thông thường. Điều đáng buồn là, quân đọâi Hoa kỳ, như trận chiến tại Việt Nam cho thấy, không được chuẩn bị cho những trận chiến nhùng nhằng như vậy. Chiến lược Powell, được đặt tên theo ngoại trưởng Hoa kỳ, một chiến lược đánh mau, đánh mạnh, rút sớm - không hợp lý để đối phó với những "trận chiến với khủng bố" hay "trận chiến với ma tuý". Thật vậy, những khí giới đắt tiền của Ngũ Giác Đài - từ chiến xa M1 cho đến oanh tạc cơ F-15 - sẽ chứng tỏ, chỉ hữu dụng chút ít đối với bin Laden.

Điều đáng mừng là quân đội Hoa kỳ luôn luôn có những đơn vị, chính yếu là Thuỷ quân Lục chiến, và Lực lượng Đặc biệt, được huấn luyện và sẵn sàng cho những trận chiến đòi hỏi xử dụng những hành động chính xác đến mức tối đa.

Cả hai loại trận chiến đã được thể hiện tại Việt Nam. Chiến lược áp đảo được chọn bởi tướng Westmoreland là một trận chiến thông thường ở mức tối đa.

Tướng Westmoreland tung quân ồ ạt vào rừng rú và ruộng lúa với mục đích để "lùng và diệt". Không quân Hoa Kỳ đã thả nhiều bom hơn là Đệ Nhị Thế Chiến, tàn phá khủng khiếp - nhưng chẳng mang lại chiến thắng.

Trung tá Paul Vann, một cố vấn quân sự, đã viết năm 1963 "Chiến tranh du kích cần phải tiêu diệt thật chính xác. Bất cứ lúc nào một người dân vô tội bị giết, chúng ta sẽ mất lòng dân". Đây là lời cảnh báo cần được ghi nhớ, khi quân đội Hoa kỳ sửa soạn đổ bộ xuống A Phú Hãn.

May mắn thay, quân đội Hoa kỳ đã chứng tỏ được khả năng kềm chế, uyển chuyển, và tinh nhuệ cần có để đánh bại những đạo quân du kích. Trong những năm của đầu thế kỷ 20, quân đội Hoa kỳ đã dẹp tan những lực lượng du kích từ Phi Luật Tân cho đến Haiti. Ngay cả tại Việt Nam, trận chiến đã đem lại thất bại cho quân đội Hoa Kỳ, nhiều chiến lược của quân đội Hoa kỳ đã được coi như là mẫu mực trong trận chiến chống lại quân du kích.

Một trong những chiến lược hữu hiệu nhất là chiến dịch Phượng Hoàng, một chiến dịch tình báo hỗn hợp của CIA và tình báo của Việt Nam Cộng Hoà, nhằm vào mục đích xác định và gạn lọc thành phần Cộng sản nằm vùng tại Nam Việt Nam. Chiến dịch Phượng Hoàng bị nhóm phản chiến coi là một chiến dịch càn quét giết người tập thể, nhưng trên thực tế, phần lớn quân Cộng sản nằm vùng bị bắt hoặc bỏ hàng ngũ trở về với chính nghĩa, chứ không bị giết. Chiến dịch này đã tiêu diệt 26,000 ngàn Cộng quân nằm vùng, bắt sống 33,000 và chiêu hồi 22,000. Tướng Trần Độ, sau này đã thú nhận là chiến dịch Phượng Hoàng "quá tàn khốc".

Một chiến dịch khác cũng được coi như hữu hiệu để chống lại quân du kích là chiến dịch Combined Action Platoon (CAP). Chiến dịch này, được tung ra năm 1965, tổng hợp Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa kỳ và Địa Phương Quân của Quân đội VNCH. Cùng nhau hợp tác, lực lượng này đã đánh chiếm lại những làng bị VC thôn tính. Không giống như những lực lượng quân sự khác của Hoa kỳ, CAP không dùng những vũ khí hạng nặng; họ đánh bằng súng trường, không cần xe tăng hay phi cơ.

Mặc dù, hay bởi vì, với sự khiếm khuyết của vũ khí hạng nặng, họ lại thành công. Không có một làng nào được bảo vệ bởi CAP bị VC tái chiếm.

Sự thành công của CAP và những chiến dịch khác có thể đem áp dụng vào A Phú Hãn. Quân đội Taliban, cũng như bất cứ quân du kích nào, rõ ràng chiếm ưu điểm khi chống lại Hoa Kỳ trên chính đất nước của họ. Ưu điểm này có thể được xoá bỏ nếu Hoa Kỳ tuyển dụng và kết nạp dân địa phương để làm chiến sĩ hay chỉ điểm. Hoa kỳ có thể huấn luyện và giúp đỡ Liên minh Miền Bắc, cùng hợp tác để chống lại quân đội Taliban và đồng minh À rập của họ.

Trong khi đó, với một chiến dịch mới như chiến dịch Phượng Hoàng, CIA và Lực Luợng Đặc Biệt có thể hợp tác với các cơ quan tình báo bạn trên toàn thế giới để xác định và tiêu diệt những thành phần Hồi Giáo quá khích.

Quân đội Hoa Kỳ đã từng đỗ lỗi cho sự thất bại tại Việt Nam là do sự giới hạn trên lãnh vực chính trị. Quan điểm này có một phần đúng, nhưng dù cho Hoa Kỳ có chiếm được Hànội (như người Pháp đã từng làm) cũng chưa đủ để đánh bại đoàn quân du kích của Hồ Chí Minh. Cũng giống như vậy, đánh chiếm Kabul, sẽ không chấm dứt "trận chiến chống khủng bố".

Điều này không có nghĩa là trận chiến này hoàn toàn tuyệt vọng. Quân du kích, mặc dầu có thể lúc ẩn lúc hiện, không phải là bất tử. Vì vậy, Osama bin Laden và đám thuộc hạ của y có thể bị tiêu diệt, miễn là chúng ta một lần nữa đừng mắc phải lỗi lầm của tướng Westmoreland ở Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.