Hôm nay,  

Ruby: Hồng Bảo Ngọc

20/11/199900:00:00(Xem: 9695)
Sau một số bài viết về kim cương, tôi dự định viết về cẩm thạch để cung cấp kiến thức phổ thông cho đồng hương vốn rất yêu chuộng cẩm thạch, nhưng hiểu biết quá ít về loại đá quý này! Ai cũng tự thấy mình hiểu biết cẩm thạch và có thể tự mình đến tiệm nữ trang để mua cẩm thạch hoặc để trang sức hoặc để làm tài sản đắt giá... lại gần như khá bối rối khi có người hỏi thế nào là cẩm thạch, thế nào lại ngọc thạch, thế nào là ngọc tỷ, ngọc bội, làm sao biết được loại nào là thiên nhiên, nhân tạo, giả và loại nào được chích màu, nhuộm màu v.v.." Và nếu hỏi thêm làm sao để định giá trị từng loại cẩm thạch thì thật là điều khá rắc rối, nếu không có kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp.
Tôi xin được nói đến các vấn đề này sau. Còn bài viết này, tôi xin nói về ruby (hồng bảo ngọc), một loại ngọc rất quý giá, có thể sánh được với kim cương mà nước ta lại may mắn tìm được với những phẩm chất đặc biệt có thể so sánh được với bất cứ loại ruby nào trên thế giới. Tôi thấy cần nói đến Ruby ngay cũng do một bài báo đăng trên Việt Báo về viên Ruby Việt Nam cân nặng 3 kgs, có giá trị hàng chục triệu đô la!... Tôi cũng muốn nói đến Ruby đặc biệt là Ruby Việt Nam để chúng ta cùng chia xẻ với nhau về loại tài nguyên quý giá được tạo hóa dành sẵn cho dân tộc Việt Nam một cách đầy hãnh diện và tự hào.
Chúng ta có dầu hỏa và chúng ta cũng có đá quý nữa. Dầu hỏa thì đã và đang khai thác với trữ lượng lớn. Còn Ruby và các loại đá quý khác thì sao" Chúng ta đã thực sự khai thác và đánh giá thật đúng về loại tài nguyên này chưa" Tại sao" Chúng ta sẽ lần lượt giải đáp các câu hỏi này.
Nhiều người gọi Ruby là Hồng Ngọc, là loại ngọc có màu đỏ. Nhưng để phân biệt với một loại đá màu đỏ khác là Garnet, nên người ta thêm chữ “Bảo” có nghĩa là quý giá thành “Hồng Bảo Ngọc”. Hồng Bảo Ngọc để chỉ Ruby được các nhà chuyên môn đồng tình hơn là Hồng Ngọc. Và cũng để phân biệt cho rõ, tránh bất cứ ngộ nhận nào, đá Garnet được gọi là Ngọc Lựu vì màu đỏ thẩm của nó rất giống màu đỏ của hạt lựu. Ngọc Ruby thời cổ La Mã gọi là rubeus, có nghĩa là màu đỏ. Đây là loại ngọc chẳng những có đặc điểm về màu sắc mà còn có đặc điểm khác là độ cứng. Ruby có độ cứng gần như kim cương nên rất bền bĩ, rất khó bị trầy sướt, giữ được màu sắc và độ trong suốt rất lâu dài tương tự như kim cương. Ruby được xếp loại Ngọc quý giá đứng hàng thứ nhì, sau kim cương và có một số viên Ruby đặc biệt lại vượt qua kim cương về giá trị. Vì nếu nói về vẻ đẹp và tính hiếm hoi thì chính Ruby chứ không phải kim cương là loại ngọc đẹp và hiếm nhứt. Tìm một viên kim cương vài ba carats có chất lượng cao dễ dàng hơn tìm một viên Ruby nặng vài ba carats có chất lượng cao.
Người Pháp gọi Hồng bảo ngọc là Rubi rồi sau đổi thành Rubis. Ruby là tên goị Hồng bảo ngọc của người Anh. Và tên Rubeus không còn được thông dụng nữa. Ngày nay từ Ruby được gọi thông dụng khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt nam. Giới mua bán đá quý ở Việt Nam thường gọi loại đá quý này là Ruby rất lớn khi gọi là Hồng ngọc hay Hồng bảo ngọc.
Kể từ khi Ruby được khám phá ở nhiều nơi như Lục Yên (Hoàng Liên Sơn), Quý Châu, Quý Hợp (Nghệ An)... với nhiều chủng loại khác nhau, chất lượng không thua kém loại Ruby nào trên thế giới, kể cả Ruby Miến Điện, thậm chí có những viên Ruby trị giá hằng triệu đô la thì Ruby trở nên quen thuộc ở nước ta. Quen thuộc không có nghĩa là có kiến thức, có hiểu biết khoa học về loại ngọc này. Quen thuộc chỉ có nghĩa là biết đất nước Việt Nam có Ruby đắt giá, biết loại ngọc naỳ cả thế giới đều yêu chuộng. Nếu trước đây, người ta chỉ biết đến kim cương, cẩm thạch, ngọc trai thì nay biết thêm được loại ngọc màu đỏ tuyệt đẹp là Ruby. Còn Ruby có những đặc tính gì, làm sao phân biệt được, viên nào là ruby thiên nhiên, nhân tạo, giả và làm sao để tính giá trị Ruby thì rất ít nguời biết rõ, kể cả một số cơ quan nhà nước có chức năng khai thác, chế tác và mua bán đá quý nói chung và Ruby nói riêng. Lý do rất dễ hiểu là loại kiến thức này không được phổ cập trong nhà trường. Do đó, việc cung cấp phổ cập loại kiến thức này rất cần vừa để biết cách mua sắm vừa để không bị lầm lẫn đáng tiếc đưa đến hậu quả nặng nề về tiền của. Hằng trăm câu chuyện lầm lẫn tai hại đã xảy ra ở Việt Nam. Hằng trăm trường hợp mất mát do thiếu hiểu biết đã xảy ra trước đây và có thể còn tiếp diễn ở nước ta.
I. Vài đặc tính căn bản của Ruby
Nếu kim cương được cấu tạo bằng carbon, đơn tố thì Ruby thuộc nhóm oxyt kim loại là oxyt nhôm (Al2O3), cũng gọi là cương thạch corundum. Cương thạch conrundum đựơc cho màu bằng các oxyt kim loại khác như oxyt sắt, oxyt silie, nhứt là oxyt crom vì chính oxyt crom mới làm cho corundum có màu đỏ và mới trở thành Ruby. Ở dạng tự nhiên Ruby thường được cấu tạo thành tam diện, lục diện... Thường thấy nhứt là dạng lăng trụ thon và lăng trụ có hai đầu nhọn hoặc không nhọn, dạng phiến bảng và cả dạng sạn sỏi v.vv.. Tinh thể Ruby Việt Nam, nếu còn nguyên vẹn, thường có dạng lăng trụ, gồm có 6 mặt rất rõ rệt. Ruby rất ít khi được kết tinh thành tinh thể to đến hằng trăm carats như các loại đá qúy khác. Vì vậy, một tinh thể to đến 3kgs là một hiện tượng lạ, một loại báu vật thuộc loại vô giá, chứ không phải 5 hay 10 triệu đô la đâu! Trước đây tôi cũng có dịp nhìn tận mắt, sờ tận tay một khối Sapphire có trọng lượng đến gần 3kgs, nhưng khối đá này không có độ trong suốt. Vậy mà cũng thuộc của lạ trời cho, thuộc loại để chưng bày trong viện bảo tàng cho mọi người chiêm ngưỡng... Hai loại Ruby và Sapphire ở nước ta đã đang và sẽ là đề tài thú vị cho những nhà ngọc học trên thế giới!
Chẳng những Ruby có các màu đỏ rất đặc biệt, lại có độ cứng đến 9 Mohs, một loại độ cứng chỉ đứng sau kim cương mà thôi, Ruby lại còn có độ phản chiếu ánh sáng cả bên trong lẫn bên ngoài thu hút và làm mê hoặc người xem một cách vô cùng kỳ bí khó tả. Ruby nhân tạo cũng làm được màu sắc, độ trong suốt rất đẹp, cũng cứng đặc biệt, nhưng không thể nào tạo được ánh chiếu kỳ ảo của Ruby thiên nhiên. Ruby Douros nhân tạo làm theo phương pháp nuôi tinh thể của Hy Lạp đã tạo được nhiều nét thiên nhiên rất khó nhận diện cũng không thể tạo nổi ánh chiếu vô cùng diễm tuyệt của Ruby thiên nhiên. Chính đặc điểm vế ánh chiếu pha trộn giữa ánh thủy tinh và ánh kim cương đã tạo cho Ruby một sức hấp dẫn kỳ lạ, không có bất cứ loại đá quý nào sánh kịp, kể cả kim cương. Và chính lý do này đã khiến cho nhiều người cho rằng phải xếp Ruby lên trên kim cương về phương diện giá trị và vẻ đẹp...
Có điều là ruby loại có chất lượng cao lại có trọng lượng lớn quá hiếm hoi nên không dễ dàng tìm kiếm một viên Ruby cân nặng 2 carats để thủ đắc làm tài sản. Vào năm 1996, một nhà chuyên mua bán ngọc Ruby ở Thái Lan, qua Việt Nam để cố tình tìm một viên Ruby có trọng lượng vài ba carats, chất lượng cao, hàng tuần lễ vẫn không sao tìm được. Lúc bấy giờ, tại một tiệm kim hoàn lớn có một viên cân nặng 1,75 carats, đề giá 3.200 đô la, bà dự định mua thì ngay sau đó viên Ruby lại nằm trong tuí của một thương gia người Mỹ! Cuối cùng bà quay về Thái Lan, không mua được viên Ruby nào!
Nói lên câu chuyện này để chứng minh rằng chính đá Ruby chứ không phải kim cương mới là loại báu vật hiếm hoi, khó tìm. Vậy mà nước ta có loại báu vật này! Vậy mà sự hiểu biết của chúng ta về báu vật này chưa được sâu, chưa được rộng, nếu không muốn nói là quá hạn chế!!
II. Việc tìm kiếm đá Ruby
Tại nhiều nơi trên thế giới như ở Ấn Độ, Miến Điện... Ruby được tìm thấy ở các lòng suối, lòng sông, ở các triền đồi, các thung lũng. Có trường hợp không phải là đào bới, có trường hợp phải đào bới sâu đến vài mét mới tìm thấy đá Ruby. Loại tìm thấy ở lòng sông, lòng suối thường không còn dạng nguyên thủy. Loại đá được đào bới sâu dưới đất, hình thể kết tinh mới còn nguyên vẹn. Đá Ruby thường cộng sinh với nhiều loại đá khác như: Spinel, Garnet, Thạch anh và cộng sinh với cả kim loại quý nữa.

Ở Ấn Độ, Ruby ở trong các bãi cát, trong sạn sỏi của đất phù sa, dọc theo các con sông. Còn ở Miến Điện, Ruby được tìm sâu trong các hầm đá vôi, sâu dưới đất và ở các vùng đất phù sa của các sông ngòi. Miến Điện được xem là nơi sản xuất nhiều Ruby đẹp có giá trị quốc tế. Ở Thái Lan, Sri-Lan-Ka, Afghanistan, Australia, Hoa Kỳ cũng là nơi tìm thấy đá Ruby đẹp.
Ở Việt Nam, Ruby cũng được tìm thấy ở nhiều nơi: Hoàng Liên Sơn, Nghệ An, Lâm Đồng v.v.. Nhưng Ruby đẹp nhất tìm thấy ở xã Quỳ Châu (Nghệ An). Tại đây, có những viên Ruby có độ trong suốt cao, có màu sắc đạt tiêu chuẩn, có ánh chiếu và ánh lửa nhấp nháy, có cân lượng khá lớn... Nhiều thương nhân ngoại quốc đặc biệt quan tâm loại Ruby này. Họ đã mua được nhiều nên Ruby có chất lượng cao, giá lại rất thấp, do sự thiếu hiểu biết của người bán. Trong số này, thương gia Thái Lan được hưởng thụ nhiều quyền lợi nhứt. Họ làm cả việc thuê người đổ đá Ruby giả xuống các vực Ruby để tạo ra sự lầm lẫn, vàng thau lẫn lộn, khiến cho người ngoại quốc e ngại khi mua Ruby tại Việt Nam. Họ nói: “Muốn tìm Ruby Việt Nam phải đến Thái Lan, chớ không phải đến Việt Nam!”
Ruby Việt Nam được tìm thấy không quá sâu trong lòng đất. Tại các dòng sông, suối, tại những bãi đất phù sa, Ruby cộng sinh với nhiều loại đá quý có màu sắc đẹp khác. Nhiều nhà khảo cứu cho rằng trữ lượng của Ruby đẹp tại Việt Nam còn nhiều tiềm ẩn"
III. Ruby nhân tạo hay cũng gọi là Ruby giả
Bất cứ loại đá quý nào cũng có loại thiên nhiên, nhân tạo và giả hay nói vắn tắt là cũng đều có loại thật và loại giả. Do màu sắc đẹp, có độ bền cao, lại hiếm hoi, đắt giá, nên Ruby thật rất ít có mặt ngoài thị trường. Những viên Ruby đặc biệt thường được cất giữ cẩn thận làm của gia bảo hoặc chỉ dành riêng cho một thiểu số thật giàu có trang sức. Còn ở thị trường rất khó tìm thấy, chỉ thấy loại giả với những màu sắc vô cùng sặc sỡ, lóng lánh mà thôi. Tất nhiên việc phân biệt một viên Ruby thật và viên Ruby giả cũng không phải là công việc đơn giản, bất cứ ai cũng biết. Ruby giả hiện được chế tạo hết sức tân tiến, nên không dễ gì chỉ xem bằng mắt hoặc bằng kính lúp 10X mà nhận diện cho ngay. Nếu sự nhận diện kim cương đòi hỏi thiết bị máy móc thì nhận diện Ruby cũng đòi hỏi thiết bị máy móc cộng với kiến thức và kinh nghiệm nữa.
Trước đây, người ta thường phân biệt thật giả bằng độ trong suốt, bằng hình tượng tự nhiên chứa đựng bên trong, bằng ánh chiếu, ánh lửa bên trong và bên ngoài. Cao hơn người ta phân biệt bằng cách xem tính phát quang... Nhưng tất cả những kiến thức này đều không đủ vì Ruby nhân tạo hiện nay đã có thể qua mắt hết tất cả những cách nói trên. Ở Việt Nam rất nhiều người giàu có nhờ đá Ruby và cũng rất nhiều người mất mát lớn lao cũng do đá Ruby mà mình chưa biết một cách thấu đáo. Nếu có viên đá Spinel màu đỏ được mua giá Ruby thì cũng có nhiều viên Ruby nhân tạo được nấu lại ở Thái Lan cũng được mua bán với giá Ruby thật. Còn Ruby nhân tạo loại nuôi tinh thể ở Hy Lạp thì được báo chí về ngành ngọc học nói là một thách thức mới dành cho các nhà ngọc học vì nó giống Ruby như đúc, rất khó mà nhận diện và phân biệt một cách đơn giản, không có sự trợ lực của máy móc, ngay cả đối với nhà ngọc học.
Nếu kim cương tạo ra sự nhầm lẫn thế nào thì Ruby cũng có thể tạo ra sự nhầm lẫn như thế mà còn có thể nhiều hơn nữa. Sự nhầm lẫn giữa kim cương thiên nhiên và kim cương nhân tạo hiện nay chưa tạo ra sự mất mát lớn lao. Còn sự nhầm lẫn giữa Ruby thiên nhiên và Ruby nhân tạo lại tạo ra sự mất mát rất to lớn vì hai loại này giá cả cách biệt rất xa. Một viên Ruby thật có chất lượng cao, cân nặng 1 carat giá trên 1000 đô la, trong khi cũng chất lượng như thế, cân nặng 1 carat thì Ruby nhân tạo giá chỉ bằng từ 1 đến 10 phần ngàn mà thôi!
IV. Hiện trạng về đá Ruby, Sapphire và các loại đá quý khác ở nước ta
Nước ta có Ruby, Sapphire và hầu hết các loại đá quý có màu sắc đẹp khác như : Spinel, Emerald, Topaz, Garnet, Amethest, Citrime, Zircon, Jade, ngọc trai, hổ phách, mã não v.v.. Tất cả đều đạt chất lượng trang sức, tức là đạt chất lượng về màu sắc, độ trong suốt, ánh chiếu, ánh lửa... từ Bắc chí Nam, hầu như nơi nào cũng có đá quý. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều thương nhân đã đến Việt Nam với mục đích tìm hiểu về nguồn tài nguyên này. Thái Lan cũng có một công ty đá quý lớn qua Việt Nam hợp tác với một công ty đá quý Việt Nam để khai thác đá quý. Nhà nước cũng đã cho ra đời một tổng Công ty đá quý và vàng... Nhưng nhìn chung, kỹ nghệ đá quý ở Việt Nam đã bắt đầu từ cuối thập niên 80, đến nay vẫn chưa phát triển được. Tư nhân thì không đủ điều kiện về vốn liếng, về kiến thức và cả thiết bị chuyên môn. Còn nhà nước thì “cha chung không ai khóc”. Nhiều “sãi không ai đóng cửa chùa” nên nếu có vốn liếng lại dùng vốn liếng cho việc khác, chứ không phải cho đá quý, như vụ cho vay ở Hải Phòng chẳng hạn! Lãnh vực dầu mỏ thì đã nhờ có sự tiếp sức của nhiều công ty ngoại quốc với những điều kiện cần thiết để khai thác nên đã cho nhiều kết quả cụ thể. Nhưng lãnh vực đá quý thì phải nhìn nhận là cho đến nay vẫn chưa khởi sắc, tuy thỉnh thoảng có phát hiện được một vài tinh thể Ruby hay Sapphire có giá trị lớn, như trường hợp viên Ruby cân nặng 3 kgs. Tài nguyên này đang tiềm ẩn, đang âm thầm che dấu dưới lòng đất, cũng có khả năng đem lại những quyền lợi lớn cho dân tộc, nếu biết điều chỉnh cách thức làm ăn, cách thức khai thác, nhứt là phải biết đầu tư về kiến thức về về thiết bị máy móc. Lãnh vực này chúng ta vốn thua kém nhiều nước, nên phải đi học mà thôi. Phải có ngay một kế hoạch đào tạo nhân tài cho ngành khai thác, chế tác vào kinh doanh đá quý thì tiềm năng thiên nhiên trời cho này mới giúp ích được cho sự giàu mạnh của một dân tộc vốn đang vô cùng khốn khổ lại cứ bị thiên tai dồn dập!
V. Tạm kết
Viết một bài về đá Ruby nhân đọc mẩu tin viên Ruby cân nặng 3kgs, giá trị hằng chục triệu đô la, mới được tìm thấy ở nước ta, để phổ biến một vài thông tin nghề nghiệp gọi là “mua vui một vài trống canh”. Với tư cách một người yêu thích và có chịu khó tìm hiểu học hỏi về lãnh vực đá quý nói chung và đá quý Việt Nam nói riêng, tôi rất muốn đóng góp một phần nhỏ mọn vào việc truyền bá kiến thức này ngay khi còn ở Việt Nam và bây giờ khi ở Mỹ. Tôi muốn viết những gì tôi biết để giúp cho mọi người đều hiểu tại sao đá quý lại được ưa chuộng, có giá trị cao, là loại tài sản đắt tiền, dễ cất giữ, nhưng lại rất dễ lầm lẫn! Ở Việt Nam và ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, đá quý cần được mua bán đúng giá trị như các loại hàng hóa khác. Ngày nào người mua còn e ngại bị mất mát do lầm lẫn thì ngày đó đá quý chưa thể xem là hàng hóa phổ thông, được trao đổi với nhau một cách dễ dàng...
Thị trường đá quý ở Việt Nam, ở Hoa Kỳ cũng như ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới cũng vẫn còn được xem là lãnh vực độc quyền của một thiểu số người. Một thiểu số người này tự xem như chỉ có mình mới được dành cho đặc ân thủ đắc, hưởng lợi về loại của cải quý giá, đẹp, bền, gọn, nhẹ, mang nhiều đặc tính kỳ bí này của tạo hóa! Mỗi quốc gia thường có một vài ông trùm về ngành mua bán đá quý với truyền thống cha truyền con nối. Còn đại đa số quần chúng yêu thích đá quý thường chỉ được thủ đắc những loại sản phẩm không đạt được các sản phẩm chất tự nhiên nếu không muốn nói là các loại sản phẩm nhân tạo với các kỷ thuật chế tạo tân tiến mà thôi. Riêng đá Ruby, loại “của lạ trời cho” dân tộc ta, mà có mấy ai thủ đắc được những viên có giá trị lớn về phẩm chất và trọng lượng" Trên 10 năm qua, nhiều viên Ruby cực kỳ quý giá của nước ta đã đội nón ra đi theo các thương nhân giàu có của nhiều nước trên thế giới mà lại còn nói là:” Muốn tìm Ruby Việt Nam phải đến Băng-cốc Thái Lan, chứ đừng tìm ở Hà Nội, Nghệ An và Saigon vì ở đó toàn là đá Ruby giả!” Chúng ta người Việt Nam suy nghĩ thế nào về lời phát biểu này, có thấy xót xa không"

(Ghi chú của tòa soạn: Độc giả cần tham khảo về kim cương, đá quý, có thể liên lạc thẳng với Giáo Sư Phạm Văn Chính ở số phone 714-839-2969)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.