Hôm nay,  

Tin Nước Úc

01/11/200900:00:00(Xem: 3262)

Tin nước Úc

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO CÔNG ÚC ACTU ỦNG HỘ NGƯỜI TẦM TỴ

CANBERRA: Lãnh đạo của các nghiệp đoàn lao công ở Úc (ACTU) đã nhóm họp hôm thứ Hai 26/10 vừa qua ở Canberra và cho công bố một bản thông cáo yểm trợ người tầm tỵ, với nội dung như sau: Nước Úc có một lịch sử đáng kiêu hãnh là một quốc gia đa văn hóa bao dung, đầy từ tâm và người từ đủ mọi nơi trên thế giới đã đóng góp thật đáng kể cho sự phát triển của chúng ta. Trong vài tháng gần đây đã có sự gia tăng về con số những người phải đào thoát khỏi những biến động rối loạn trên thế giới kể cả chiến tranh ở Iraq, A Phú Hãn và Tích Lan.
Sự kiện này đã dẫn đến sự gia tăng rất nhỏ những người dùng thuyền đến Úc xin tỵ nạn. Phải công nhận rằng, con số này quả thật rất nhỏ so với số người chạy đến các quốc gia khác hoặc so với số người đến Úc bằng phi cơ rồi ở lậu quá thời gian hạn định hoặc không tuân thủ theo điều kiện trên chiếu khán của họ (overstay or breach their visa requirements).
Phong trào công đoàn kêu gọi phải có hành động quốc tế để đạt được hòa bình, đạt được một sự phát triển đồng đều và việc làm tử tế cho tất cả mọi người để chấm dứt những nguyên nhân gây ra thảm trạng tỵ nạn hiện nay; và chúng tôi tái khẳng định niềm tin mạnh mẽ của chúng tôi: Những người tầm tỵ phải được đối xử trong sự tôn trọng nhân phẩm (respect and dignity). Chúng ta không được quay lại thời điểm ô nhục trong lịch sử của nước Úc khi trẻ con bị giam giữ trong các trại tạm giam và Úc lẩn tránh trách nhiệm quốc tế của mình bằng cách lập thủ tục xét đơn tỵ nạn ở ngoài khơi (processing refugees off shore). Chúng tôi không muốn thấy sự tái lập của loại chiếu khán di trú tạm thời vô nhân đạo (inhumane temporary migration visas) khiến cho nhiều gia đình tầm tỵ phải sống bấp bênh giữa chốn u minh trong sự quên lãng suốt nhiều năm trời.
Phong trào công đoàn Úc vô cùng thất vọng trước những xảo thuật từ ngữ rỗng tuếch được sử dụng để tạo thù hằn bôi bẩn (demonise) người tầm tỵ vốn đã phải trốn chạy khỏi những hoàn cảnh hiểm nghèo ở quê hương của họ và xin nước Úc giúp đỡ bảo vệ an ninh. Việc bôi bẩn và xách động chống người tầm tỵ để thủ lợi chính trị, hoặc việc chối bỏ nhiệm vụ quốc tế của Úc đối với người tỵ nạn không phải là một việc làm vì ích lợi của quốc gia; và gây thiệt hại lớn lao cho uy tín và vị trí của nước Úc trên diễn đàn quốc tế.
Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi phe trên chính trường Úc phải chứng tỏ bản lãnh lãnh đạo vững vàng của họ để đập tan những quan điểm nói trên và bảo đảm rằng quyền của người tỵ nạn được tôn trọng.
Trọng tâm của cuộc tranh luận về chính sách di trú không nên căn cứ vào con số rất nhỏ những người đến bằng thuyền mà phải là vai trò quyết định tương lai của dân số chúng ta và lực lượng người làm việc của chúng ta cũng như vai trò của Úc trong việc đáp ứng với những cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực. Một chương trình di trú công bằng, vĩnh viễn sẽ mang đến nhiều lợi ích cho toàn thể cộng đồng chúng ta và làm giầu thêm cho văn hóa và xã hội của chúng ta. Chương trình này cũng đóng góp một cách đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Công đoàn rất lo ngại về việc bóc lột lợi dụng những công nhân đến Úc với chiếu khán di dân tạm thời hoặc chiếu khán công nhân được mời (temporary migration visas or guest visas). Ở Úc, nhiều công đoàn đã chứng kiến quá nhiều những kẻ môi giới vô lương tâm cũng như những chủ nhân bất lương đã sử dụng chiếu khán di dân tạm thời để bóc lột người lao động với những chuyện gian xảo mánh mung như công nhân bị trả lương quá thấp, bị buộc phải trả tiền trọ trong khi nơi trú ngụ quá tồi tệ và bị buộc phải làm việc ở những nơi thiếu an toàn.
Các hành động nói trên chẳng những bất công mà chúng còn bào mòn đục ruỗng sự an toàn cùng với lương bổng và điều kiện làm việc của công nhân lao động Úc. Phong trào nghiệp đoàn Úc kêu gọi chính phủ phải có hành động kịp thời và hiệu quả để bảo đảm quyền lợi của người tầm tỵ và của tất cả mọi công nhân di dân được tôn trọng.

ADELAIDE: BĂNG ĐẢNG DU ĐÃNG THANH TOÁN NHAU

ADELAIDE: Cảnh sát Nam Úc đang muốn truy tìm một người vô danh có thể đang được điều trị vì một vết dao đâm sau cuộc đánh lộn gây tử vong ở Ottoway vào chiều Thứ Hai 26/10 vừa qua.
Tuy cảnh sát không tiết lộ bất kỳ một chi tiết nào về người đàn ông mà họ muốn tìm, nhưng cảnh sát cũng yêu cầu bất kỳ ai đã từng giúp đỡ trị thương tích hoặc  đã thấy một người bị thương, hãy liên lạc gấp với cảnh sát, càng sớm càng tốt.
Người đàn ông bị truy nã này liên quan đến cái chết của một người đàn ông 23 tuổi cư dân của vùng ngoại ô miền Bắc. Nạn nhân bị đâm chí mạng trong một cuộc ẩu đả tại sân banh của câu lạc bộ Wingfield Sports and Social Club khoảng 4g30 chiều Thứ Hai 26/10.
Một phát ngôn nhân của dịch vụ xe cứu thương cho biết lưỡi dao có vẻ đã cắt đứt một động mạch của nạn nhân. Anh được chở vào bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó đã chết.
Nhân viên cứu thương cũng chữa trị cho một người đàn ông khác bị thương trầm trọng ở lưng trước khi đưa ông này vào bệnh viện.
Một cậu bé 12 tuổi, nhân chứng của cuộc ẩu đả cho biết một nhóm bạn bè của cậu gồm 5 người, từ 12 đến 18 tuổi đang “ngồi chơi uống nước” trước câu lạc bộ trước khi xảy ra vụ tấn công này.
Cậu cho biết hai người đàn ông đến gần nơi họ ngồi và hỏi xin thuốc lá. Cậu kể lại: “Một thằng cầm cây dao thật lớn. Chúng tôi cho nó thuốc lá vì chúng tôi sợ nó. Nó bỏ đi.. sau đó, một đám tụi nó bước ra từ góc đường và tụi nó cầm nhiều cây gậy dã cầu và nhiều cây dao to”.
Theo nhân chứng này thì băng ấy có khoảng 8 hoặc 9 người bịt khăn đỏ lên đầu. Cậu kể rằng nạn nhân đứng lên tiến lại gần nhóm và hỏi họ làm gì. Cậu thuật lại: “Tụi nó bắt đầu đánh ảnh và đâm ảnh 3 nhát (cậu chỉ tay vào bụng) và một nhát vào cổ”.
Một cư dân gần đó cho biết ông ta gọi xe cứu thương và cảnh sát, sau khi thấy một người bị thương lảo đảo bước đến căn chung cư của ông trên đường Martin Place, đập mạnh vào cửa rồi ngã quỵ ngay trên đường lái xe vào khu chung cư, miệng la lớn cầu cứu và năn nỉ “làm ơn đừng để tụi nó giết tôi”.

TGM POWER: THÁI ĐỘ CỦA TT RUDD ĐỐI VỚI TỴ NẠN “GIỐNG HOWARD”

CANBERRA: Vị chăn chiên của của giáo phận Công Giáo ở Canberra và Goulburn, Đức Giám Mục Pat Power đã lên tiếng tấn công kế hoạch mà chính phủ Úc đã thương lượng với Nam Dương để đối phó với làn sóng người tầm tỵ chẳng khác gì Giải Pháp Thái Bình Dương của cựu thủ tướng Howard trước kia.
Ngài nói: “Đấy là trường hợp không thấy thì không cần suy nghĩ đến (out of sight, out of mind).
Giám Mục Power cho biết ngài vô cùng thất vọng với thái độ của thủ tướng Kevin Rudd và của quốc hội Úc. Ngài cho rằng trong vấn đề người tỵ nạn gốc Tamil thì dường như có một điểm quáng (blind spot) khiến không ai muốn nhìn thấy vấn đề một cách đúng đắn cả.  Ngài nói: “Cái việc họ luôn nói về chuyện bảo vệ biên phòng (border protection).. theo sự suy nghĩ của tôi, chỉ làm cho người ta không chú tâm đến những người thật sự cần giúp đỡ nhiều nhất”.
Giám Mục Power cũng đặt nghi vấn về việc có phải quốc hội Úc đã đánh mất lòng từ tâm xót thương dành cho người tỵ nạn hay không.  Ngài nhấn mạnh: “Chắc chắn rằng an ninh quốc gia là một vấn đề quan trọng và đấy là lý do vì sao chúng ta có một cơ cấu rõ rệt về việc xét đơn. Tuy nói như vậy, nhưng rõ rệt là chúng ta đang tìm cách quay lưng lại với những người đang cố trốn khỏi một cuộc sống bị đàn áp, ngược đãi, hành hạ, đặc biệt là ở Tích Lan”.
Tuy chỉ trích tất cả các chính trị gia Úc, nhưng Giám Mục Power lại ca ngợi riêng tổng trưởng Ngoại Giao Stephen Smith và lòng từ tâm của ông đối với vấn nạn của những người Tamil.

ĐA SỐ TẦM TỴ TỚI ÚC BẰNG PHI CƠ

CANBERRA: Mỗi ngày có ít nhất 13 người tầm tỵ đến Úc qua các phi trường. Con số này cao gấp 30 lần con số thuyền nhân được cho là đang “tràn ngập” vào lãnh hải Úc. Theo tuần báo The Sunday Telegraph hôm Chủ Nhật 25/10/09 vừa qua thì tổng cộng có 4768 “phi cơ nhân” đến Úc với chiếu khán du lịch, thương mại và những chiếu khán hợp lệ khác rồi xin tỵ nạn so với 161 người dùng ghe thuyền đến Úc trong cùng thời gian. Điều này có nghiã là hơn 96% tổng số những người nộp đơn xin tỵ nạn tại Úc là “phi cơ nhân”.
Và những “phi cơ nhân” này thường không phải là người tỵ nạn thực thụ bởi vì chỉ có 40-60% được cấp chiếu khán bảo vệ (protection visa) so với 85-90% thuyền nhân được chứng thực là người tỵ nạn thực thụ. Trong tài khóa 2007-08, có 3987 đơn xin tỵ nạn và 1930 đơn trong số này được chấp thuận.
Trong khi các thuyền nhân thì bị giam giữ tại đảo Giáng Sinh trong lúc chờ cho hồ sơ của họ được cứu xét thì các “phi cơ nhân” lại được thảnh thơi, ung dung tự tại sống giữa xã hội và được quyền đi làm chiếu theo những thay đổi chính sách của chính phủ Rudd.
Các chuyên gia cho biết rất ít người Úc hiểu được rằng con số thuyền nhân chỉ là một phần rất nhỏ trong số lượng người tỵ nạn mà Úc thâu nhận và những người tầm tỵ này thường là mục tiêu phỉ báng của bọn chính khách “thời cơ”.
Tuy chưa có con số chính xác về những “phi cơ nhân” cho năm 2009, nhưng một phát ngôn nhân của bộ Di Trú cho biết con số này rất có thể sẽ gia tăng với một tỷ lệ tương đương như tỷ lệ thuyền nhân đến Úc, vì sự gia tăng áp lực trong khu vực này, kể cả sự chấm dứt của cuộc nội chiến ở Tích Lan khiến cho rất nhiều người Tamil thiểu số phải trốn chạy né tránh sự khủng bố, ngược đãi của nhà cầm quyền. Số thuyền nhân đến Úc tăng vọt từ 161 lên 1799 kể từ năm ngoái.
Tờ Sunday Telegraph cho biết hồ sơ di trú người Tích Lan chiếm 28% số “phi cơ nhân” thành công trong việc xin được chiếu khán bảo vệ trong tài  khóa 2007-2008. Kế đến là người Hoa (26%), người Iraq (14%) và người Hồi Quốc (7.6%). Những phi cơ nhân bị thẩm định không phải là người tỵ nạn thực thụ gồm có người Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ và Trung Hoa.
Trong tài khóa 2009-2010, Úc sẽ nhận 13,750 người tỵ nạn trong chương trình nhân đạo, cao hơn tài khóa trước 250 người.
Người ta dự liệu rằng tỷ lệ người Tích Lan sẽ gia tăng trong chương trình nhân đạo mà những năm gần đây có rất nhiều người từ Miến điện, Iraq, A Phú Hãn, Sudan, Liberia, Congo và Burundi.
Theo một nhà chuyên gia về luật di trú là giáo sư Mary Crock thuộc phân khoa Luật của trường đại học Sydney thì việc giới chính khách thời cơ mê đắm trong sự mong muốn thủ lợi về vấn đề thuyền nhân đã che khuất sự thật về giòng người tỵ nạn đến Úc.  Bà nói: “Quả thật là khó hiểu khi người ta lại bực mình giận dữ về những chiếc ghe và quả thật là một sự thất vọng lớn lao khi ngài thủ tướng của chúng ta lại chơi trò chính trị cũ rích. Chúng ta chỉ có một con số rất nhỏ người đến Úc bằng ghe và gần như hầu hết những người đến đây bằng ghe đều là người tỵ nạn thực thụ”.

DÂN BIỂU ÚC CŨNG LÀ KHÁCH MUA MA TÚY"

SYDNEY: Theo tuần báo Sunday Telegraph ngày Chủ Nhật 25/10 vừa qua thì trong một quyển sổ tay của một tên buôn bán ma túy đã bị cảnh sát tịch thâu có tên của một chính khách thâm niên ở New South Wales và của một minh tinh điện ảnh.
Hai người này nằm trong số hàng loạt những nhân vật nổi tiếng có tên trong danh mục khách hàng của tên triệu phú buôn bán ma túy Richard Buttrose (hình trên), hiện đang bị giam giữ chờ ngày lãnh án sau khi thú nhận nhiều tội danh buôn bán ma túy với liều lượng lớn.
Tờ liệt kê sự kiện của cảnh sát được giap nộp cho tòa Downing Centre District Court trong cuộc xét xử Buttrose trong tuần qua cho thấy trong số những món đồ bị tịch thu từ chiếc Mercedes-Benz  của Buttrose có “một cuốn sổ tay gáy bằng giây kẽm ghi chép nhiều tên và nhiều con số”.
Cảnh sát khám phá được quyển sổ tay này cùng với 46 bao nhựa có thể đóng kín (resealable) và hai điện thoại Nokia trong xe sau khi y bị bắt quả tang đang bán cocaine trong các đường hẻm ở Woolhara hôm 25/02/09.
Ngay sau khi câu lưu y, cảnh sát đã khám xét căn phòng của y ở Paddington và tìm được hơn 51gram cocaine, cùng một cọc tiền giấy giá trị tổng cộng $50.000 Úc Kim giấu kin trong một bao thư cỡ A4 , nhét đàng sau một cái ba lô.  Ngày hôm sau thì cảnh sát biết được Buttrose còn một căn phòng khác ở Darling Point. Thế là họ xin trát tòa và trong lúc khám xét căn phòng ấy họ kiếm được 6kg cocaine và hơn $1,3 triệu Úc Kim tiền mặt.
Người dân biểu có tên trong quyển sổ tay thừa nhận có quen biết Buttrose nhưng phủ nhận việc mua hoặc sử dụng cocaine. Người dân biểu này nói: “Tôi chưa bao giờ mua cocaine từ Richard Buttrose cả. Tôi chưa bao giờ mua cocaine từ bất cứ ai hết. Đây quả là chuyện xúc phạm thái quá (outrageous)”. Dân biểu này cho rằng các mối quan hệ với gia đình Buttrose có thể giải tích được vì sao ông “lại có tên trong quyển sổ địa chỉ của hắn”.
Danh sách mà Buttorse nắm giữ có đủ mọi hạng người, từ giới truyền thông cho đến những khuôn mặt quen thuộc trong làng đua ngựa và có cả nhiều luật sư nữa.
Buttrose, cháu trai của bà Ita Buttrose, một người nổi tiếng trong giới truyền thông, sẽ bị một án khá nặng sau khi thú nhận ba tội danh cung cấp nha phiến. Y sẽ bị chánh án Robert Sorby của tòa District Court tuyên án vào ngày 4/12/09 tới đây.
Nguồn tin cảnh sát cho biết rất nhiều cuộc điều tra mới đã được tiến hành và vẫn còn đang tiếp diễn bắt nguồn từ chiến dịch Connell, điều tra về Buttrose.
Chuyện mà không ai biết được là Buttrose đã tiếp tay cho cảnh sát như thế nào, và những tên tuổi nào đã được y trao cho cảnh sát. Trong buổi luận tội về y (sentencing hearing) thì một bao thư xanh từ Ủy Ban Bài Trừ Tội Ác NSW (NSW Crime Commission) đã được trao cho tòa.
Buttrose hiện bị giam trong khu biệt giam có bảo vệ đặc biệt (special protective custody) cùng với những tù nhân nguy hiểm khác. Người ta tin rằng y đã hợp tác với cảnh sát về những tội phạm ở tầm vóc liên bang. 

CHI CẢ $100,000 THUỐC MEN CHO... CHÓ

BRISBANE: Trạng sư Simon Climento và Karinne, vợ ông, là bằng chứng rõ rệt, chứng tỏ tình yêu vô biên của con người dành cho chó. Trong vòng 6 năm qua, hai vợ chồng cư dân Brisbane này đã chi ra gần $100.000 Úc Kim chi phí thú y để chăm sóc cho hai con chó boxer già 12 tuổi của họ tên là Jake và Jeddah.


Thế nhưng, ông Cilento không hề hối tiếc một mảy may nào về chuyện này cả. Thậm chí, ông cho biết ông sẵn sàng bán luôn cả chiếc xe Porsche mà ông yêu quý để cứu mạng cho hai con chó trung thành của vợ chồng ông. Ông nói: “Tiền bạc không thành vấn đề. Chúng nó là con cái của tôi. Tôi có trách nhiệm luân lý để làm tất cả mọi chuyện mà tôi có thể làm cho chúng. Đấy là chuyện những người nuôi chó nên làm”.
Hóa đơn bắt đầu được gởi đến dồn dập từ năm 2003 khi con Jeddah được chẩn đoán có bệnh ung thư. Từ đó đến nay cô nàng chó may mắn này đã được đi 8 lần hóa học trị liệu, mỗi lần tốn $4.000 Úc Kim. Thêm vào đó thì nó cũng đã được mổ vô số lần để cắt bỏ những cục bướu nguy hiểm.
Xuyên suốt thời gian trị liệu của Jeddah tại Australian Animal Cancer Foundation thì Jake lúc nào cũng là người bạn đồng hành trung thành, theo cô nàng trong tất cả mọi chuyến đi chữa bệnh.
Thậm chí, hai vợ chồng ông Cilento còn mua luôn cả một chiếc xe thùng cũ để bảođảm rằng hai con chó cưng của họ được thoải mái trên đường từ nhà ở Paddiington đến bệnh viện cầm thú tại Albany.
Và bây giờ thì đến lượt Jeddah yểm trợ cho Jake sau khi chú ta được chẩn đoán mắc bệnh ung thư da. Ông Cilento nói: “Lỗ mũi nó chảy máu và vì nó già hơn nên chúng tôi chở nó đến ngay thú y sĩ. Trong suốt hai tuần qua ngày nào tôi cũng chở nó đến bệnh viện vào lúc 5g00 sáng và rước nó về lúc 3g30 chiều. Tôi không thích cái ý tưởng để nó tự động một mình đi ra ngoài với một người lạ”.

BỌN GIAN NHẮM MELBOURNE CUP

MELBOURNE: Các tổ chức tội phạm ngoại quốc đang chuẩn bị ăn hàng trong dịp lễ hội đua ngựa ở Flemington sắp tới đây. Tin tình báo của cảnh sát cho thấy một lũ lưu manh trộm cắp ăn mặc bảnh bao đã đến Melbourne hoặc đang trên đường đến để nhắm vào hơn 400,000 người được dự trù sẽ tham dự  vào cuộc lễ hội đua ngựa kéo dài suốt 4 ngày.
Các tay nhận tiền cá ngựa (bookies) với cặp táp đầy tiền mặt có thể  nằm trong số mục tiêu của bọn gian. Bọn gian cũng sẽ nhắm vào những cửa tiệm kim hoàn cũng như người đi lại trên đường phố hoặc trên các phương tiện chuyên chở công cộng.
Cảnh sát tin rằng những băng tội phạm này cũng là những băng đảng từ Nam Mỹ vốn đã từng đến Úc trong hai năm qua. Thanh tra Paul Pottage nói: “Tụi nó chẳng khác gì những cơn lốc xoáy. Chúng là những kẻ rất thiện nghệ và sẽ cuỗm bất kỳ thứ gì giá trị không được gìn giữ cẩn thận”.
Cảnh sát cho biết các băng đảng này thường xuyên xuất hiện tại những lễ hội quan trọng trên thế giới và gần đây đã gây nhiều thiệt hại ở Luân đôn. Chúng không bao giờ gởi cùng thành viên sang một nơi đến hai lần. Chúng thường sử dụng giấy tờ giả mạo và thay đổi chỗ ở hàng ngày. Cảnh sát cũng cho biết thêm là bọn chúng có đường dây địa phương để giúp chúng đi lại dễ dàng và thu hoạch tối đa trong chuyến làm ăn của bọn chúng.
Bọn gian với giọng nói sặc mùi Nam Mỹ đã từng bay sang Sydney rồi sau đó lái xe xuống Melbourne và qua đó, giảm thiểu cơ hội cho cảnh sát khám phá khi chúng đến nơi.
Một trong những mánh khoé thường được sử dụng nhất, và đã xuất hiện trong vài tuần qua ở Melbourne là chiêu dương đông kích tây. Một thành viên của băng sẽ làm đổ một thứ gì đó lên mình nạn nhân trước khi đồng lõa của y dở trò cuỗm móc. Thanh tra Pottage nói: “Chúng sẽ xin lỗi tới tấp và muốn giúp cho quý vị lau chùi vết bẩn trong lúc đồng lõa của chúng rút mất bóp của qúy vị”.
Cảnh sát sẽ có thêm nhiều đội tuần tiểu, đồng thời báo cho các ngân hàng cũng như quán nhậu để họ cảnh giác chuẩn bị. Cảnh sát cũng e ngại rằng các băng Lỗ Ma Ni chuyên gài đặt cơ quan thu lén chi tiết từ thẻ tín dụng  (card-skimming) và các băng móc túi từ Bảo Gia Lợi cũng sẽ đến Melbourne nhân dịp lễ hội đua ngựa và ở lại làm ăn suốt mùa hè.
Cảnh sát đã cảnh báo những người bookies luôn mang một số tiền mặt lớn rằng họ có thể là mục tiêu.  Đã có một số vụ xảy ra ở các tiểu bang khác khi bọn gian mua một cái cặp giống hệt như cặp của những tay bookie rồi sau đó đánh tráo để lấy cặp đựng đầy tiền.
Cảnh sát cho biết bọn trộm chuyên nghiệp được huấn luyện kỹ càng sẽ kiên nhẫn theo dõi con mồi cũng như có đội ngũ quan sát canh chừng sự theo dõi của cảnh sát để không bị bắt.
Thanh tra Pottage cho biết bọn gian không phải là những tên tội phạm dữ tợn, thích bạo động, nhưng là những tên trộm lanh lợi chuyên lợi dụng sự bận rộn tấp nập của thành phố để ăn hàng. Thông thường bọn chúng sẽ la cà trong ngân hàng hoặc gần các máy rút tiền, lựa chọn những nạn nhân vừa rút một số tiền lớn. Ông nói: “Chúng là những tên nhanh tay lẹ mắt và có khả năng đánh lạc hướng rất khéo léo”.
Ông cho biết bọn chúng cũng từng sử dụng cái trò xì bánh xe hơi, rồi trong lúc một tên giúp đỡ người lái xe thay bánh thì một tên khác nhẹ nhàng mở cửa phía bên kia của xe để ẵm đi xách tay, túi bóp, hoặc những vật giá trị. Thanh tra Pottage cũng cho biết thêm là bọn chúng tẩu tán tang vật rất nhanh chóng. Đồ vật cuỗm được sẽ được mang đến bưu điện và gởi thẳng về Nam Mỹ trong lúc tiền mặt sẽ được gởi về qua các công ty chuyển ngân, kể cả Western Union.

TRẺ CON ÚC THIẾU HOẠT ĐỘNG

CANBERRA: Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em trước tuổi đi học của Úc đã không hội đủ những tiêu chuẩn quốc gia về hoạt động thể lực (physical activity). Chỉ có 2.5% trẻ em tham dự trong một cuộc nghiên cứu quan trọng được cho là đã đạt đủ mục tiêu đặc biệt dành cho lứa tuổi của các em là 3 giờ hoạt động thể lực mỗi ngày. Thay vào chuyện hoạt động thể lực ấy thì cuộc nghiên cứu của đại học Deakin cho thấy trẻn con Úc bỏ ra 85% thời gian tỉnh thức của các em chỉ để ngồi yên hoặc đứng yên một chỗ mà thôi.
Bà Trina Hinkley, nghiên cứu gia về y tế thuộc đại học Deakin nói: “Kết quả của cuộc nghiên cứu của chúng tôi quả thật là một nỗi lo âu đáng kể. Mặc dù người ta tin rằng trẻ con lúc nào cũng tất bật lăng xăng, nhưng kết quả của cuộc nghiên cứu Healthy Active Preschool Years (Những Năm Mạnh Khỏe, Năng Nổ Trước Khi Đi Học) cho thấy một phần lớn thời gian chúng không hoạt động gì cả”.
Bảng chỉ dẫn “Get Up and Grow” do chính phủ liên bang ban hành trong tuần qua cũng đề nghị rằng trẻ con không nên xem truyền hình hoặc nếu có thì chỉ tối đa là một giờ mỗi ngày mà thôi.
Kết quả cho thấy thời gian trung bình mà 501 em bé dự phần trong cuộc nghiên cứu này xem truyền hình mỗi ngày là 97 phút. Đa số (63%) mỗi ngày xem hơn một giờ truyền hình trong lúc gần một phần ba (27%) xem truyền hình hơn hai giờ mỗi ngày.
Cuộc nghiên cứu nhắm vào trẻ em từ 3 đến 5 tuổi chưa đi học và sinh hoạt của các em được đo lường, quan sát trong 8 ngày liên tục khi các em đeo một cái máy dò trên người.
Cha mẹ của các em cũng điền một bản khảo sát về hoạt động của con em họ và những chuyện vốn dĩ ảnh hưởng đến những hoạt động thể lực của chúng.
Cuộc nghiên cứu cho thấy các em ở yên một chỗ 85% thời gian tỉnh thức của các em, có hoạt động rất nhẹ (đi bộ hoặc những hoạt động tương tự) 11% thời gian và chỉ có 4% thời gian dành cho những hoạt động cỡ trung hoặc mạnh (chạy bộ hoặc đạp xe đạp thật nhanh) mà thôi.
Bà Hinkey cho biết nhiều phụ huynh ghi nhận rằng con của họ “không năng nổ hoạt động như tôi khi tôi còn nhỏ”. Bà cho biết lý do chính yếu là “nỗi e ngại của phụ huynh về sự an toàn” trong xã hội cũng như ở những khu vực có nhà cửa đường xá, từ việc e sợ người lạ mặt cho đến lo lắng về xe cộ trên đường phố. Bà nói: “Thậm chí có phụ huynh cho biết họ lo âu ngay cả về việc con em họ chơi đùa ở sân sau của nhà khi họ không có mặt với chúng”.

ÚC THIẾU HỤT GIÁO VIÊN TOÁN

CANBERRA: Theo một bản tin trên nhật báo The Daily Telegraph hôm thứ Ba 27/10 vừa qua thì học sinh của gần 60% các trường trung học trên toàn nước Úc được giảng dạy bởi các giáo viên không chuyên ngành trong môn học mà họ giảng dạy, đặc biệt là môn toán.
Con số thật đáng lo ngại về những giáo viên phải dạy những môn ở ngoài khả năng chuyên môn của họ đã được phát giác trong một cuộc nghiên cứu tham khảo ý kiến 1473 hiệu trưởng trên toàn nước Úc.
Riêng tại NSW thì cứ 5 trường là có một trường cho biết họ có một giáo viên toán không hoàn toàn chuyên môn (not fully qualified). Những môn khác bị thiếu hụt giáo viên chuyên môn bao gồm kỹ nghệ, khoa học điện toán, các ngoại ngữ, khoa học, âm nhạc và giáo dục đặc biệt.
Con số thiếu hụt khả dĩ tạo ra một sự chấn động này được tiết lộ sau khi một nhà giáo dục toán học hàng đầu lên tiếng cảnh báo rằng Úc hiện đang tụt lại đàng sau các quốc gia khác về trình độ toán của học sinh.
Nghiệp đoàn giáo dục (Australian Education Union- AEU) cho biết cuộc nghiên cứu tham khảo ý kiến do họ thực hiện cho thấy học đường hiện đang phải đối phó với nhiều vấn nạn trầm trọng, trong đó có việc thiếu hụt giáo viên chuyên môn trong những môn học chính yếu và sự khó khăn trong việc tuyển mộ và lưu giữ giáo viên. Ông Angelo Gavrielatos, chủ tịch AEU (hình trên) nói: “Kết quả cho thấy sự thiếu hụt giáo viên này là lý do khiến cho 59% các trường trung học đã có giáo viên phải đảm nhiệm những môn học không thuộc ngành chuyên môn của họ. Chúng ta cần có một kế hoạch lâu dài để giải quyết những vấn nạn kinh niên về sự thiếu hụt giáo viên. Việc đưa ra những sáng kiến rời rạc riêng rẽ vốn không đáp ứng được vấn đề căn bản là cách thức mà chúng ta đánh giá và tưởng thưởng giới giáo chức là một việc làm vô bổ, thiếu giá trị bền lâu”.
Các hiệu trưởng dự phần trong cuộc nghiên cứu tham khảo cũng được hỏi họ nghĩ vấn đề nào nên là ưu tiên hàng đầu của chính sách giáo dục của chính phủ Rudd. 28% cho rằng nó phải là việc gia tăng con số giáo viên. Không một ai đề nghị nên cấp máy điện toán cho học sinh từ lớp 9 đến 12 dù đấy là một điểm quan trọng trong chính sách hiện nay của chính phủ.
Một học sinh đạt được điểm toán cao nhất tiểu bang NSW trong kỳ thi tú tài HSC năm 2008, cậu Ahmad Sultani của trường trung học Parramatta, cho biết môn toán cần có được một hình ảnh tốt đẹp hơn trong những năm đầu của trung học và cần được xiển dương mạnh mẽ hơn với học sinh.

PICNIC TRÊN HARBOUR BRIDGE

SYDNEY:  Hơn 6.000 người đã tham dự một bữa picnic trên cầu Harbour Bridge sáng Chủ nhật 26/10 vừa qua. Giữa tiếng nhạc nhịp nhàng, vui nhộn phát ra từ nhiều cây đàn accordion và hàng loạt kèn trumpet thì hàng ngàn người thong dong thả bộ bước qua thảm cỏ xanh mượt rậm rạp trải khắp cầu Harbour và sau đó tìm chỗ trống để ngồi xuống ăn picnic trên cầu.
Sáu ngàn người đi picnic này tay xách, nách mag nhiều giỏ xách đầy bánh sừng trâu và trái cây cho bữa ăn sáng thú vị này. Thêm vào đó, ban tổ chức cũng phân phát bánh mì mới ra lò, thơm phức cùng với nhiều lọ mứt trái cây và ya-ua.
Đấy quả thật là một cảnh tượng lạ lùng ít khi thấy trên cây cầu huyết mạch lúc nào cũng nườm nượp xe cộ. Độc đáo hơn nữa là trên cánh đồng cỏ phẳng lì, đầy người thanh thản ngồi nằm còn có nhiều chị bò cái thơ thới đứng gặm cỏ, trong lúc tiếng đàn dương cầm văng vẳng điệu nhạc honkytonk vui nhộn.
Bữa ăn sáng trên cầu Harbour độc đáo với phí tổn $1 triệu Úc Kim này là sự khai mạc của Crave Sydney (Khao Khát Sydney), một lễ hội kéo dài suốt một tháng đề xiển dương, quảng bá rộng rãi kỹ nghệ giải trí, thực phẩm và nghệ thuật của Sydney.  Thủ hiến Nathan Rees cho biết, tiếp theo sự thành công vượt bực của ngày Chủ Nhật vừa qua mà ông cho là trị giá $10 triệu Úc Kim cho kỹ nghệ du lịch, picnic trên cầu có thể sẽ được tổ chức hàng năm. Ông nói: “Chúng ta có những người đến từ những nơi tật xa xôi như Tamworth và Glenfield và Mt Druitt, St Ives, Collaroy.. ai cũng vui vẻ thoải mái cả”.
Trong số những người tham dự buổi picnic có một em bé mới tròn tháng, một người đàn ông cầu hôn cùng người yêu và một cậu thanh niên ăn mừng sinh nhật 19 tuổi.
Ông Don Fuchs, cư dân Ermington miền Tây Bắc Sydney cho biết ông thư thái bước dọc trên thảm cỏ dài. Ông nói: “Quả thật kinh ngạc lạ lùng khi nhìn cây cầu như thế này. Thông thường thì mình chỉ ngồi trên xe, chạy cái vèo ngang qua cầu, rồi thôi”.
Anh Luke Murphy, cư dân Wakeley ở miền Tây Sydney, ăn mừng sinh nhật 19 tuổi với cha mẹ và ông bà ngoại. Cả gia đình hạnh phục uống nước cam từ ly uống sâm banh và ăn quiches, bánh sừng trâu, bánh mì tây và trái cây. Luke thắng được cơ hội cho cả gia đình một kinh nghiệm hiếm có sau khi anh thắng được vé trong cuộc rút thăm dành riêng cho dân chúng NSW. Một người trong ban tổ chức cho biết có khoảng 190,000 người ghi danh để được rút thăm 6,000 vé.
Khoảng 40% thảm cỏ loại kikuyu với diện tích 10,260 thước vuông dùng trong buổi ăn sáng này sau đó được chở đến công viên ở Sydney Olympic Park. Phần còn lại sẽ được người cung cấp bán đi.

QLD TRÀN NGẬP CÁC HÀNG ĂN VẶT

BRISBANE: Theo tuần báo The Sunday Mail thì Queensland đã trở thành một trong những tiểu bang có nhiều hàng quán ăn vặt (fastfood outlets) nhất, với tỷ số là một cửa hàng cho 560 cư dân. Theo những con số của cơ quan phân tích thương nghiệp IBIS World thì tính đổ đồng, Queensland có số nhà hàng cao hơn số trung bình toàn quốc là 575 người mới có một nhà hàng. Điều này có nghĩa là Queensland đứng trên New South Wales, Tây Úc, Tasmania, và Lãnh Thổ Bắc Úc. Victoria có nhiều nhà hàng nhất cho mỗi người dân, với tỷ lệ là một hàng quán ăn vặt cho 505 người. Kế đến là Nam Úc và ACT.
Theo Sunday Mail thì một cuộc khảo sát 5 vùng ngoại ô nghèo nhất Brisbane và 5 vùng giàu có nhất Brisbane, cho thấy tại 5 khu vực nghèo khó có đến 6 cửa hàng ăn vặt của các công ty lớn (3 KFC, 2 McDonald’s, 1 Hungry Jack’s) trong khi đó, tại 5 khu vực giầu có thì không có một cửa hàng ăn vặt nào. Thay vào đó là những tiệm ăn sang trọng. Tiến sĩ Stanton nói: “Chúng tôi biết rằng người ta chỉ mua những gì sẵn có, những gì tiện lợi và những gì mà họ có thể đủ sức mua mà thôi”.
Kỹ nghệ fast-food trị giá khoảng $13,1 tỷ Úc Kim trên toàn quốc và riêng tại Queensland thì nó đã trị giá $2,36 tỷ, hoặc 18% tổng giá trị.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.