Hôm nay,  

Oscar Kỳ 81

08/03/200900:00:00(Xem: 1975)

Oscar kỳ 81 - Nhuỵ Nhã

LGT: Nhân dịp buổi lễ trao giải thưởng “Tượng Vàng Oscar Lần Thứ 81” được diễn ra vào tối ngày chủ nhật 22/2 vừa qua tại đại hý viện “Kodak Theatre” Los Angeles-Hoa Kỳ, với sự góp mặt hùng hậu của hơn 3,300 nam nữ minh tinh hàng đầu thế giới hiện nay cùng những nhà đạo diễn, ê kíp làm phim khét tiếng kinh đô điện ảnh Hollywood, chúng tôi xin được tạm gác đề tài “Văn Nghệ Á Châu” trong số báo này để gửi đến quý độc giả một số chi tiết liên quan đến giải thưởng uy tín và cao quý bậc nhất thế giới của nghệ thuật thứ Bảy.

*

Lễ trao giải thưởng “Tượng Vàng Oscar”, được biết đến qua danh xưng “Academy Awards Of Merit” hoặc vắn tắt hơn “Academy Awards”, là một sự kiện trọng đại nhất trong các chương trình sinh hoạt thường niên của nghệ thuật điện ảnh toàn cầu, được tổ chức qua chủ đề tổng kết thành quả và trao giải thưởng cho những tác phẩm màn bạc được đề cử trước đó. Đồng thời, Academy Awards còn là một biểu tượng đặc biệt trong suốt 80 năm qua của phim trường Hollywood, vốn là trung tâm điện ảnh quy tụ hầu hết các ngôi sao lừng danh thế giới và luôn cống hiến cho khán giả những cuốn phim đặc sắc qua đủ thể loại.
Qua hình thức vinh danh, khen thưởng công lao đóng góp của các diễn viên và đạo diễn trong những cuốn phim tạo được nhiều tiếng vang cũng như nhằm cổ xúy cho nền điện ảnh Hoa Kỳ trong thời kỳ phôi thai, Academy Awards đã được Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Điện Ảnh Và Khoa Học (Academy Of Motion Picture Arts and Sciences) tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16/5/1929 trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn Roosevelt ở Los Angeles. Đây chính là một sáng kiến độc đáo của Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Điện Ảnh Và Khoa Học, sau khi tổ chức này ra đời năm 1927 với 36 thành viên. Vị Hội Trưởng đầu tiên là nam diễn viên Douglas Fairbanks
Đương thời, những người nhận giải được thông báo từ khoảng 3 tháng trước đó kèm theo một thiệp mời đến dự tiệc. Người đầu tiên  được vinh dự nhận giải thưởng Academy Awards cho vai “nữ diễn viên chính xuất sắc” trong phim “Seventh Heaven” là nữ tài tử Janet Gaynor (tên thật là Laura Austa Gainor) đã phát biểu cảm tưởng trong buổi lễ trao giải thưởng kéo dài vỏn vẹn 15 phút rằng: “Cho dù từ đây về sau chúng ta có nhiều nỗ lực hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đến mấy đi chăng nữa, thì những thành quả đạt được cũng chỉ mang tính cách nội bộ”. Điều này đã phản ảnh thật rõ nét tình trạng cục bộ, đơn lẻ của Academy Awards vào thời điểm lúc bấy giờ.
Chính vì vậy, đến kỳ trao giải thưởng lần thứ hai, nội dung buổi lễ được trực tiếp truyền thanh tại địa phương và từ lần thứ 17 trở đi thính giả trên toàn quốc Hoa Kỳ đều có thể theo dõi chi tiết của Academy Awards qua các đài phát thanh. Từ đó, giải thưởng điện ảnh này càng thu hút thêm nhiều khán thính giả theo dõi và trở thành tiết mục giải trí hấp dẫn nhất của các binh sĩ ngoài tiền tuyến trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Academy Awards bắt đầu được phổ biến qua hệ thống truyền hình từ lễ trao giải thưởng lần thứ 45 do đài NBC phát sóng và lập tức tạo kỷ lục thu hút lượng khán giả theo dõi trực tiếp cao nhất so với các chương trình giải trí khác. Hiện nay, bản quyền trực tiếp truyền hình của Academy Awards đã được đài ABC mua lại.
Kể từ sau lần thứ hai, các buổi lễ trao giải thưởng thường sử dụng khách sạn Ambassador hoặc Biltmore làm hội trường tổ chức, nhưng vì lý do ngày càng có đông đảo quan khách tham dự nên từ lần thứ 22 trở đi, Academy Awards được tổ chức tại hý viện “Pantages Theatre” trong suốt 11 năm. Sau đó là tại các hội trường khác như “Civic Auditorium”, “Dorothy Chandler Pavillion”, “Shrine Auditorium”. Và từ lần thứ 74 đến nay hý viện “Kodak Theatre” đã trở thành hội trường chính thức của Academy Awards qua một bản hợp đồng thuê mướn trong 10 năm.
Trên căn bản, những nhà chuyên môn về điện ảnh Hollywood sẽ tuyển chọn và đề cử những tác phẩm được trao giải thưởng theo tiêu chuẩn phản ảnh trung thực hiện tình đất nước Hoa Kỳ hoặc đưa ra được những thông điệp phù hợp với trào lưu thịnh hành của thế giới, vì vậy các tác phẩm trúng tuyển không nhất thiết phải là những cuốn phim có giá trị nghệ thuật cao hoặc hoàn hảo về nội dung lẫn kỹ thuật theo quan điểm của một số giải thưởng phim quốc tế khác. Chẳng hạn như các phim trúng tuyển của  “Giải Điện Ảnh Quốc Tế Cannes” (Festival Internationale du Film de Cannes), “Giải Điện Ảnh Quốc Tế Berlin”, (Internationale Filmfestspiele Berlin), “Giải Điện Ảnh Quốc Tế Toronto” (Toronto International Film Festival) v.v…hầu như không được tuyển chọn. Sự khác biệt này vừa tránh được sự trùng lập với các giải thưởng khác khi tuyển chọn phim, vừa tạo được một sắc thái riêng biệt mang tính nghệ thuật đa dạng của Hollywood. Theo thông lệ, vào khoảng tháng Mười Một hàng năm sẽ có những buổi tuyển chọn các tác phẩm điện ảnh sản xuất trong năm và đến tháng Giêng năm sau danh sách các bộ phim được đề cử sẽ được công bố. Sang tháng Hai hoặc tháng Ba là thời điểm tổ chức lễ trao giải thưởng Academy Awards.
Đối với giới nghệ sĩ điện ảnh, bất cứ một diễn viên nào cũng mơ ước được sở hữu bức tượng vàng “Oscar”, được xem là môt phần thưởng vinh dự nhất trao tặng cho các bộ môn. Do đó, Academy Awards cũng được gọi là giải thưởng “Tượng Vàng Oscar” kể từ năm 1939 sau khi Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Điện Ảnh Và Khoa Học chính thức công nhận danh xưng “Oscar Annual Academy Awards”. Oscar là tên của bức tượng hình người đàn ông bằng đồng được mạ vàng, nặng 8.5 pounds (3.85kg), cao 13.5 inches (34cm). Tượng vàng Oscar nguyên thủy được nhà thiết kế Cedric Gibbons, một đạo diễn nghệ thuật người Hoa Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan, thực hiện từ năm 1928 với hình dáng của một kiếm sĩ Thập Tự Quân thời phong kiến Châu Âu tay cầm thanh gươm, chân đứng trên cuộn phim xòe ra năm cánh biểu hiện cho năm đối tượng được nhận giải thưởng là diễn viên, đạo diễn, nhà soạn kịch bản, ban kỹ thuật và nhà sản xuất. 
Tuy giải “Tượng Vàng Oscar” đã trải qua lịch sử hình thành gần một thế kỷ, nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa xác định được rõ ràng về nguồn gốc của danh xưng “Oscar”. Ngoài tài liệu cổ xưa nhất là các bài báo in năm 1933, tường thuật về lễ trao giải thưởng lần thứ 6 còn ghi lại từ ngữ “Oscar”, có ba giả thuyết sau đây được lưu truyền rộng rãi:
Thứ nhất, một nữ nhân viên của Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Điện Ảnh Và Khoa Học là Margaret Herrick khi nhìn thấy bức tượng vàng đặt trong phòng làm việc đã bảo rằng khuôn mặt của tượng giống y hệt ông bác tên Oscar của cô.
Kế đến, một ký giả tên Sydney Skolsky đã tự nghĩ ra danh xưng Oscar và ghi lại trong bài ký sự của anh viết về buổi lễ trao giải thưởng lần thứ 6 mang tựa đề “Oscar dành cho Katharine Hepburn” (Katharine Hepburn: nữ tài tử huyền thoại của Hoa Kỳ với thành tích là diễn viên duy nhất nhận được giải Oscar 4 lần).
Skolsky vốn là người thích khôi hài và rất say mê kịch nghệ nên có một lần trong lúc xem diễn kịch anh đã hướng về người nhạc trưởng tên Oscar đang chỉ huy dàn nhạc đệm và nói đùa: “Ông Oscar này, có muốn làm một hơi xì gà không"” Vì bị hỏi bất ngờ nên nhạc trưởng Oscar phân tâm và điều khiển sai nhịp khiến cho dàn nhạc không đệm đúng phân cảnh của vở kịch tạo cho khán giả những trận cười thú vị. Theo những lời lưu truyền thì khi được hỏi tại sao lại dùng từ Oscar trong tựa đề bài ký sự thì Skolsky trả lời: “Thay vì mang ý tưởng một cách trừu tượng về phần thưởng của giải Academy Awards, tôi muốn tạo một ấn tượng mang tính cách con người bình thường hơn”.
Cuối cùng, nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar năm 1935 qua bộ môn “nữ diễn viên chính xuất sắc” là Bette Davis khi được xướng danh trúng tuyển đã quay sang nhìn chồng cô là Harmon Oscar và nói lớn: “Oscar ơi! Em đoạt giải rồi!” Trên thực tế danh xưng “Oscar” đã có từ năm 1933 nên giai thoại về nữ tài tử Bette Davis chỉ là chuyện phiếm chung quanh đề tài “Oscar”.
Trải qua 81 năm, hiện nay giải “Tượng Vàng Oscar” đã trở thành một ngày lễ hội long trọng và có giá trị cao quý nhất trong thế giới điện ảnh đầy quyền uy của Hollywood. Vì vậy, giải “Tượng Vàng Oscar Lần Thứ 81” diễn ra trong suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ vào tối ngày 22/2/2009 đã lôi cuốn khoảng 5.800 người tại hội trường Kodak và trên 1 tỷ khán giả tại 150 quốc gia theo dõi trực tiếp qua màn ảnh truyền hình.
Từ con đường ngay trước cổng vào đại hý viện Kodak, các bức thảm đỏ rực rỡ được trải dài đến tận bên trong hội trường đã trở thành địa điểm lý tưởng để các nam nữ diễn viên dừng chân, phô trương những bộ áo thời trang lộng lẫy cho các nhiếp ảnh gia, phóng viên chụp hình. Thật đúng là:
“Dập dìu tài tử giai nhân
Oscar thảm đỏ trải sân đón mời
Kinh đô điện ảnh sáng ngời
Nam thanh nữ tú tươi cười sánh đôi”
Ngay từ giây phút đầu tiên, buổi lễ trao giải thưởng điện ảnh “Tượng Vàng Oscar” năm nay đã khiến khán giả thích thú tán thưởng qua phong cách giới thiệu vừa thông minh vừa duyên dáng, của nam diễn viên “Miệt Dưới” Hugh Jackman. Jackman là nam tài tử chính trong phim “X-Men”, từng mang lại niềm tự hào và vinh dự cho đất nước Kangaroo, mặc dù cuốn phim “Australia” trong năm do anh cùng Nicole Kidman thủ diễn vai chính đã không mang lại kết quả như mong muốn. Đặc biệt, trong phần mở đầu, sau khi Jackman biểu diễn màn ca hát và nhảy múa lả lướt cùng người đẹp Anne Hathaway, khán giả mới biết rằng ngoài tài năng diễn xuất anh còn là một hoạt náo viên dẫn chương trình rất xuất sắc. Chưa hết, Jackman còn đưa vào hội trường bầu không khí sôi nổi, náo nhiệt qua tiết mục giới thiệu bộ môn phim ca vũ nhạc kịch được minh họa bằng các liên khúc trong hai cuốn phim “High School Musical”, “Mamma Mia”, do chính anh cùng nữ ca sĩ Beyonce trình diễn thật sinh động. Đến đây, khán giả càng hứng thú hơn khi Jackman biểu diễn tài nghệ của một nam diễn viên có hạng xuất thân từ sân khấu ca nhạc kịch Broadway.
Khác với mọi năm, phần trao giải thưởng năm nay được thay đổi qua hình thức các cựu nam nữ minh tinh từng nhận giải cùng bộ môn trong quá khứ bất ngờ xuất hiện để giới thiệu diễn viên được đề cử và trao tặng tượng vàng Oscar cho nhân tuyển trúng giải. Vì vậy, khán giả còn có dịp tái ngộ những khuôn mặt kỳ cựu trong làng điện ảnh thế giới.


Tượng Vàng Oscar thứ nhất được trao cho Penelope Cruz, người thắng giải “nữ diễn viên phụ xuất sắc” trong phim “Vicky Cristina Barcelona” và trở thành nữ diễn viên người Tây Ban Nha đầu tiên được chạm tay vào tượng Oscar. Cô tỏ ra xúc động mạnh khi lên sân khấu nhận giải và trình bày cảm tưởng: “Có ai đang sắp ngất xỉu không" Có lẽ tôi là người đầu tiên rồi!…” Ở phần kết thúc lời phát biểu ngắn gọn, Cruz đã xin phép cử tọa dùng tiếng mẹ đẻ để cảm tạ những người liên hệ thực hiện cuốn phim. Qua tác phẩm “Vicky Cristina Barcelona” của đạo diễn Woody Allen, nữ diễn viên Penelope Cruz đóng vai một nhân vật bị giằng co trong mối quan hệ luyến ái tay ba với người chồng cũ và một phụ nữ Hoa Kỳ (do Scarlett Johanson đóng), đưa đến nhiều tình tiết éo le.
Kế tiếp, cố nam tài tử Úc Đại Lợi Heath Ledger được vinh danh ở giải “nam diễn viên phụ xuất sắc” trong cuốn phim Batman “The Dark Night”. Đây là một vinh dự xứng đáng dành cho Ledger mặc dù anh đã qua đời từ tháng 1/2008 do sử dụng thuốc quá liều, bởi vì không ai có thể phủ nhận được tài năng xuất chúng của anh trong vai nhân vật “Joker” luôn xuất hiện một cách thần bí với khuôn mặt hóa trang như một kép hề với những thủ đoạn hung ác nhưng rất thông minh, dí dỏm trong tư thế đối chọi với chàng hiệp sĩ của màn đêm là người dơi. Thân nhân của Heath Ledger đã đến tham dự buổi lễ với tư cách đại diện nhận giải và cha của anh là ông Kim Ledger nói: “Xin được cảm tạ Viện Hàn Lâm đã dành giải thưởng cho con trai tôi. Và tôi cũng xin được dành vinh dự này cho Christopher Nolan cùng tất cả quý vị hiện diện tại đây”. Christopher Nolan mà ông Kim Ledger đề cập ở đây chính là nhà đạo diễn thực hiện phim “The Dark Night”
Giải thưởng được khán giả nôn nao trông đợi phần tuyên bố kết quả nhiều nhất là bộ môn “nữ diễn viên chính xuất sắc”, đã thuộc về “đóa hồng Anh Quốc” Kate Winslet, nữ tài tử từng làm mọi người rơi lệ trong tác phẩm “Con Tàu Định Mệnh Titanic”. Chỉ cần nhìn qua danh sách được đề cử thuộc bộ môn này gồm toàn những khuôn mặt thượng thặng của Hollywood như: Anne Hathaway (trong phim Rachel Getting Married), Angelina Jolie (trong phim Changeling), Melissa Leo (trong phim Frozen River), Meryl Streep (trong phim Doubt), người ta cũng có thể cảm nhận được nỗi vui mừng đến mức độ nào của Kate Winslet sau khi cô được xướng danh trúng giải thưởng. Hơn nữa, trong quá khứ cô từng được đề cử 5 lần nhưng đều ra về trắng tay nên lần này niềm mơ ước trở thành hiện thực đã khiến cô nghẹn lời khi nhận tượng Oscar: “Tôi đang tưởng tượng như mình chỉ mới 8 tuổi và đang đứng trước tấm gương trong phòng tắm, còn bức tượng này sao giống chai dầu gội đầu của tôi quá. Nhưng… bây giờ nó đâu có phải là dầu gội đầu …”. Cuốn phim mang lại vinh quang tột đỉnh cho Kate mang tên “The Reader” do chồng của cô là đạo diễn Sam Mendes dàn dựng. “The Reader” là bộ phim đề cao tính nhân bản và phê phán mạnh mẽ sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, được lồng trong cuộc tình ngang trái giữa một nữ binh sĩ Đức Quốc Xã (do Kate Winslet thủ diễn) và chàng thanh niên người Do Thái.
Đối lại, về phía nam, ngôi sao Sean Penn đã đoạt bức tượng vàng Oscar của bộ môn “nam diễn viên chính xuất sắc:” qua cuốn phim mang tựa đề ngắn gọn “Milk”, sau khi đánh bại các đối thủ lợi hại cùng được đề cử như Brad Pitt (trong phim The Curious Case of Benjamin Button), Richard Jenkins (trong phim The Visitor), Mickey Rourke (trong phim The Wrestler), Frank Langella (trong phim Frost/Nixon). Trong vai một nhà hoạt động vì quyền lợi của những người đồng tính, Sean phản ảnh được những xung đột và cách nhìn tích cực theo khuynh hướng của xã hội Âu Mỹ hiện nay về cuộc sống hôn nhân và tinh yêu của giới đồng tính.
Đến phần tổng kết những bộ phim được đề cử trong năm thì cả hội trường đều hoan nghênh nhiệt liệt khi cuốn phim “Slumdog Millionaire” cùng lúc đoạt được 8 tượng vàng Oscar gồm các bộ môn: “phim xuất sắc”. “đạo diễn xuất sắc”, “quay phim xuất sắc”, “nhạc phim xuất sắc” (do A.R. Rahman biên soạn), “ca khúc trong phim xuất sắc” (bản Jai Ho, nhạc của A.R. Rahman, lời của Gulzar), “âm thanh tổng hợp xuất sắc”, “kịch bản chuyển thể xuất sắc”. Nhà đạo diễn 52 tuổi người Anh, Danny Boyle đã nhảy tung người lên sân khấu và cho biết lý do khi nhận bức tượng vàng dành cho cá nhân ông: “Tôi đã hứa với các con rằng nếu chuyện… điên rồ này xảy ra, tức nếu tôi trúng giải đạo điễn, thì tôi sẽ biểu diễn những điệu nhảy giống như chú cọp Tigger trong phim hoạt hình Winnie The Pooh. Xin được cảm ơn Viện Hàn Lâm đã quá hào phóng với chúng tôi đêm nay. Đây quả là một buổi lễ hội điện ảnh tuyệt vời".
Bộ phim “Slumdog Millionaire” nói về một cậu bé Ấn Độ sinh sống tại khu ổ chuột nghèo nàn ở thành phố Mumbai đã dành được chiến thắng trong cuộc thi mang chủ đề “Ai Là Triệu Phú” (Who Is Millionaire) sau những nỗ lực vượt qua mọi thử thách khó khăn. Khi ban ê kíp thực hiện phim và những diễn viên thanh thiếu niên Ấn Độ lên sân khấu nhận giải, ông Danny Boyle còn gửi đến khán giả thông điệp chính của bộ phim: “Chúng tôi hiểu rằng nếu có niềm tin thì mọi chuyện đều có thể thực hiện được”.
Trong khi đó, đối thủ nặng ký nhất của “Slumdog Millionaire” là phim “Curious Case of Benjamin Button” do nam tài tử ăn khách Brad Pitt thủ diễn vai chính tuy có số lượng đề cử tổng cộng đến 13 bộ môn nhưng chỉ đoạt được 3 giải: “chỉ đạo nghệ thuật”, “hóa trang” và “hình ảnh”.
Ngoài ra, một số bộ môn khác được trao tặng tượng vàng Oscar gồm có: Phim ngoại quốc xuất sắc: “Departures” của Nhật Bản. Đây là một tác phẩm lại niềm tự hào cho người dân xứ Phù Tang do đạo diễn lừng danh Takita Yojito thực hiện. Bởi vì sau khi giải “Tượng Vàng Oscar” chính thức dành một phần thưởng cho bộ môn “phim ngoại quốc” từ năm 1957, trong suốt nửa thế kỷ qua nền điện ảnh Nhật Bản chưa lần nào được vinh dự nâng cao bức tượng vàng trong niềm vui đoạt giải. Bộ phim đưa ra cốt truyện rất mới lạ nên gây được sự chú ý đặc biệt cho người xem: một nhạc sĩ chuyên sử dụng nhạc cụ thụ cầm (violoncell) trong dàn nhạc giao hưởng bị thất nghiệp nên chuyển sang nghề… mai táng, thiêu đốt tử thi. Chính vì vậy, “Departures” đã gây kinh ngạc cho khán giả khi được trao tặng tượng vàng Oscar.
“Departures” có tên gốc bằng tiếng Nhật là “Okuribito” (Người Đưa Tiễn), vốn đã nói lên đại ý của nội dung cuốn phim dẫn dắt người xem đi sâu vào thế giới nội tâm của những người hành nghề mai táng tại Nhật Bản gọi là Nokanshi (người làm nghi thức nhập quan). Nhân vật chính trong phim do nam tài tử Motoki Masahiro thủ diễn vai người nhạc sĩ vì bị giải tán ban nhạc nên phải bán đi chiếc thụ cầm yêu quý của mình để cùng gia đình trở về cố hương ở miền Bắc nước Nhật tìm kế mưu sinh. Từ đó, người nhạc sĩ đã ngộ ra được ý nghĩa tương thông giữa sự sống và cái chết qua vai trò của một người chuyên lo hậu sự, đưa tiễn vong linh người quá cố. Ngoài đề tài quá mới lạ, “Người Đưa Tiễn” còn miêu tả một cách trung thực bức tranh tổng thể của bối cảnh xã hội hiện đại đang trong cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng đưa đến khuynh hướng có nhiều người phải làm những công việc không phù hợp với khả năng được đào tạo của mình. Tuy nhiên, nổi bật hơn hết chính là thông điệp mà “Người Đưa Tiễn” muốn nhắn nhủ cùng mọi người: “Mọi ngành nghề đều có chân giá trị riêng của nó”.
Phim tài liệu xuất sắc” “Man Of Wire”. Bộ phim được đạo diễn người Anh James Marsh thực hiện dựa theo quyển sách của Philippe Petit, người đã thành lập kỷ lục đi trên dây được bắt ngang giữa 2 toà nhà Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (Twin Towers) tại thành phố New York, Hoa Kỳ vào ngày 7/8/1974. Philippe Petit sinh ngày 13/8/1949, được mệnh danh là “người đàn ông đi trên dây” lừng danh của Pháp Quốc qua kỹ thuật tay cầm thanh sắt giữ thăng bằng để đi trên dây cáp ở giữa không trung. Ông cũng từng chinh phục các độ cao của những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như: tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà “Notre Dame de Paris”, cầu “Sydney Harbour Bridge”, cầu trường có mái che “Louisiana Superdome”, tòa nhà “Hennepin County Government Center” v.v..
Phim tài liệu thể loại ngắn xuất sắc: “Smile Pinki”. Tác phẩm này nói về một có bé 5 tuổi bị sứt môi tên Pinki, sinh ra trong một gia đình nghèo khổ ở làng Mirzapur, Ấn Độ. Cuộc sống của gia đình bé Pinki và dân làng cơ cực đến nỗi họ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể yêu cầu hoặc nhận được một sự trợ giúp nào đó từ bên ngoài. Cho đến khi bé Pinki gặp được một người tên Panjak thì nụ cười từ lâu nằm trong tiềm thức của những giấc mơ hoang dại mới bắt đầu nở trên đôi môi của bé Pinki. Panjak là nhân viên thiện nguyện hoạt động xã hội chuyên đi khắp đó đây để giúp đỡ những bệnh nhân và những người bị thương tật bằng cách đưa họ đến bệnh viện Varanasi trong chương trình giải phẫu và chữa trị miễn phí hàng năm.
Phim hành động thể loại ngắn xuất sắc: “Spielzuegland” (Toyland) của Đức. Do đạo diễn Jochen Alexander Fraydank dàn dựng trong vòng 14 phút lấy bối cảnh mùa Đông năm 1942 tại một trị trấn nhỏ ở Đức, có một cậu bé nghĩ rằng gia đình người hàng xóm là nhà họ Jewish đang dự định đi đến “Toyland”, một vùng đất có nhiều điều kỳ lạ nhưng cũng rất nguy hiểm.
Phim hoạt họa xuất sắc: “WALL-E”. Sau danh tác “Finding Nemo”, đây là tác phẩm kế tiếp mang về bức tượng vàng Oscar cho nhà đạo diễn Hoa Kỳ 43 tuổi, Andrew Stanton. “WALL-E” là tên của một robot có nhiệm vụ giải quyết vấn nạn rác thải bừa bãi trên quả địa cầu với công việc ép nhỏ các đồ vật phế thải và chất lại thành đống. Bộ phim đưa khán giả đi vào thế giới tưởng tượng của thế kỷ thứ 29, khi con người rời bỏ trái đất bị ô nhiễm quá trầm trọng để di tản đến con tàu vũ trụ “AXIOM”. Lúc đó, trái đất chỉ còn lại “chàng” robot WALL-E vẫn luôn miệt mài làm công việc giải quyết rác thải mặc dù trải qua 700 năm kể từ khi loài người dọn đi. Cho đến ngày nọ, có một phi thuyền to lớn ghé đến địa cầu và một “nàng” robot tên EVE từ trong bước ra như đang bắt đầu công việc dọ thám quả đất. Sau những hiểu lầm khi va chạm lúc ban đầu, WALL-E và EVE đã trở thành đôi bạn thân thiết.
Phim hoạt họa thể loại ngắn xuất sắc: “Tsumiki No Ie” của đạo diễn Nhật Bản Kato Kunio có tựa đề bằng tiếng Pháp là “La Maison En Petits Cubes”. Phim mang nội dung đề cao sự dũng cảm và những cố gắng của một cụ già chống chọi với thiên tai lũ lụt do hậu quả của hiện tượng hâm nóng quả đất.
Kịch bản gốc xuất sắc: phim “Milk” của nhà biên soạn Dustin Lance Black đưa ra nguyện ước được công nhận sống chung và chính thức kết hôn của giới đồng tính.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.