Hôm nay,  

Thời Sự: Global Warming

24/06/200800:00:00(Xem: 14178)
Trong những năm gần đây, "Global Warming" đã trở thành một đề tài tranh luận sôi nổi nhất thế giới. Không những nó xuất hiện trong các cuộc họp thượng đỉnh quy tụ các vị nguyên thủ quốc gia, trong chương trình thảo luận thường kỳ của Liên Hiệp Quốc, trong các nghị hội của các chính phủ, các cuộc thảo luận của các đại công ty;... mà nó còn thường xuyên là vấn đề tạo nhiều tranh cãi ngay trong các bữa cơm gia đình, các nơi ăn nhậu, tụ tập bạn bè... Không những thế, "Global Warming" còn xuất hiện nhan nhản trên báo chí, truyền hình, truyền thanh, và ngay cả trên Internet. Bất cứ ai vô Google tìm kiếm hai chữ "Global Warming" cũng sẽ thấy xuất hiện hàng chục triệu trang web có bài viết đề cập đến đề tài này của những khoa học gia, chính trị gia, các nhà văn, nhà báo, nhà bình luận thời cuộc... tên tuổi vào hạng nhất nhì của thế giới. Quan trọng hơn và có tính thời sự hơn, "Global Warming" còn thường xuyên được thế giới đề cập trong bất cứ giờ phút nào trong ngày; và cứ như vậy, "Global Warming" được liên tục đề cập với tỷ lệ 10,000 lần trong mỗi phút đồng hồ!

Vậy "Global Warming" là gì mà quan trọng đến như vậy" Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, "Global Warming" là hiện tượng trái đất đang ngày càng nóng dần lên vì sự gia tăng không ngừng của các loại khí gây nên hiệu ứng nhà kính. Những khí này là do đâu" Do quá trình sản xuất, tiêu thụ và sinh hoạt của con người, trong đó có việc sử dụng xe cộ, hàng hóa, và đặc biệt do con người tiêu thụ quá nhiều thịt cá. Một khi nhiệt độ trên trái đất tăng, sẽ dẫn đến tình trạng các núi băng ở hai cực tan thành nước, khiến nước biển dâng cao, nhận chìm hàng ngàn thành phố, làng mạc, thậm chí cả quốc gia ở những vùng ven biển. Ngoài ra, nhiệt độ tăng còn dẫn đến tình trạng tuyệt chủng của nhiều loài thực, động vật, và tạo nên nhiều thảm họa trực tiếp cũng như gián tiếp cho muôn loài trên trái đất trong đó có con người.
Nhận thức được viễn ảnh vô cùng nguy hiểm và rùng rợn này, một số khoa học gia nổi tiếng thế giới, đã lo ngại tiên đoán, ngày tận thế của thế giới sẽ xảy ra trong một tương lai không xa. Và ngày tận thế đó không phải do bất cứ thế lực qủy vương nào mang đến từ bên ngoài trái đất, mà do "Global Warming", một hiện tượng do chính chúng ta tạo nên ngay trên mặt đất.

Kinh hoàng trước viễn ảnh và hậu quả của "Global Warming", hàng ngàn nhà văn, nhà báo đã viết sách trình bầy về vấn đề này. Mới nhất, có tác giả Mark Lynas, người đã viết tác phẩm "Six Degrees: Our Future on a Hotter Planet",  vẽ lên một viễn ảnh khủng khiếp cho nhân loại, hậu quả của tình trạng trái đất ngày càng nóng dần. Tác phẩm của ông vừa được trao giải thưởng của Royal Society 2008 vào tối Thứ Hai, 16 tháng 6 vừa qua. Như vậy là ông đã được vinh dự tiếp nối những tác giả nổi tiếng từng được giải của Royal Society trước đây như Ill Bryson, Stephen J Gould, Roger Penrose, Stephen Hawking....

Lo ngại trước viễn ảnh đó, vấn đề "Global Warming" đã trở thành chủ đề nổi bật trong cuộc họp thượng đỉnh APEC lần thứ 15 khai mạc tại Sydney vào năm ngoái. Điều này đã cho thấy, chuyện biến đổi khí hậu toàn cầu còn quan trọng hơn cả quan hệ thương mại, ngăn chặn khủng bố... trong chương trình nghị sự của Hội nghị APEC 15. Đây là lần đầu tiên một kỳ họp thượng đỉnh, các lãnh đạo các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tập trung sự quan tâm đến vấn đề "Global Warming".

Sau đó không lâu, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần có những chính sách khẩn cấp và cụ thể để ngăn chặn hiện tượng "Global Warming", nhân chuyến ông thăm Nam Cực. Được biết, Nam Cực đã nóng lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên trái đất trong vòng 50 năm qua với nhiệt độ lên cao nhất kể từ 1,800 năm nay. Cứ tình trạng này, những tảng băng khổng lồ ở Nam Cực có độ dày trung bình 2.5 km, gấp 5 lần so với tòa tháp cao nhất thế giới, sẽ có ngày tan thành nước, khiến nước biển dâng cao hàng chục mét, là điều khó tránh khỏi.

Đặc biệt, vào tháng 5 năm 2007, một Hội Nghị quy tụ 2500 nhà khoa học, kinh tế và chuyên viên hoạch định chính sách của 120 quốc gia đã được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Hội nghị đã đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ rằng, thế giới phải tìm cách thay đổi lối sống và thói quen sử dụng nhiên liệu, phải dùng các nguồn năng lực thiên nhiên như mặt trời, gió hoặc từ nguyên tử năng; và phải tăng cường ăn rau thay vì ăn thịt, để có thể giảm thiểu mức độ khí thải nhà kính.

Rồi cuối tháng 9 năm 2007, giới truyền thông Hoa Kỳ mệnh danh là "Tuần Lễ Khí Hậu", vì tại Mỹ đã liên tục diễn ra các hội họp thảo luận về "hâm nóng toàn cầu", như cuộc họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc với 80 lãnh đạo các quốc gia; cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc với lãnh đạo 8 quốc gia kỹ nghệ tiên tiến.... Tất cả đều đồng ý về mức độ trầm trọng của thay đổi khí hậu cùng những nguy cơ của nó sẽ xảy ra đối với thế giới.

Đáng sợ hơn, tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo chính quyền Bangladesh, Tiến sĩ Fakhruddin Ahmed, đã hoảng hốt kêu gọi thế giới: "Cần phải có ngay các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự gia tăng khí thải nhà kính, nếu không, nhiệt độ trái đất sẽ gia tăng, băng đá tan rã, nước biển dâng cao, 1/3 lãnh thổ Bangladesh chúng tôi sẽ nằm dưới nước biển và 25-30 triệu dân chúng nơi đây phải rời bỏ làng xóm, bơ vơ không nhà cửa".

Theo Richard J.Jackson, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Môi trường của Hoa Kỳ, "Global Warming" có khả năng đưa tới bất ổn chính trị vì hạn hán và hồng thủy liên tục xảy ra khiến cho dân chúng tại nhiều địa phương phải bỏ nơi chôn rau cắt rốn di chuyển đi nơi khác. "Global Warming" còn khiến băng đá tan, tăng mức độ nước biển, gây ra lụt lội, lở đất dọc theo đại dương và giảm nước ngọt cần thiết cho mọi sinh vật. Giông tố bão lụt tăng độ ẩm trên mặt đất. Nhiều sinh vật quý hiếm sẽ bị tiêu diệt dần dần vì chúng không tồn tại được trong thời tiết quá nóng cũng như tăng độ acid trong nước biển.

Đặc biệt, ảnh hưởng của "Global Warming" đối với sức khỏe con người là điều rất rõ. Theo WHO, các bệnh gây ra do "Global Warming" sẽ tăng lên gấp đôi vào thập niên 2030. Hiện nay, cơ quan này cho biết khí hậu thay đổi đã đưa tới ít nhất 5 triệu trường hợp bệnh hoạn và trên 150,000 tử vong mỗi năm trên thế giới. Tử vong gây ra do sức nóng trong không khí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2100.

Bác sĩ Steven K. Galson, Giám đốc Khoa học Văn phòng bảo vệ Sức khỏe Trẻ em của Cơ Quan Môi Trường Hoa Kỳ EPA cho biết số trẻ em bị bệnh hen suyễn, ung thư, ngộ độc chì gia tăng với sự thay đổi của môi trường nóng. Các sinh vật mang mầm bệnh như sốt rét, viêm não, sốt vàng da sẽ gia tăng vì chúng hợp với khí hậu nóng.

Cùng quan tâm sâu xa đến vấn đề "Global Warming", Thứ Hai, 16 tháng 6 vừa qua, cựu phó tổng thống Gore, người được trao giải thưởng Nobel 2007 cho những hoạt động bảo vệ môi sinh, đã tin tưởng trao trách nhiệm chống "Global Warming" cho ứng cử viên tổng thống Obama. Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống John McCain cũng ầm ĩ kêu gọi mọi người chống "Global Warming".

Nhưng không phải chỉ có các vị nguyên thủ quốc gia, các lãnh tụ thế giới, các nhà văn, nhà báo nổi tiếng hoàn vũ quan tâm đến "Global Warming", mà ngay cả trẻ em trên toàn thế giới cũng càng ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Thiếu Nhi của 8 quốc gia kỹ nghệ lần thứ 4 (4th Junior 8 Summit) được nhóm họp tại Nhật Bản vào tháng 7 sắp tới, các em thiếu nhi sẽ có những bài tham luận thảo luận về vấn "Global Warming" để cùng chia sẻ quan điểm với các nhà lãnh đạo của các siêu cường thế giới tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G8.

Thực tế, vấn đề "Global Warming" không phải chỉ là mặt nổi xuất hiện trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet...; là nỗi ưu tư được tuyên bố rùm beng của các nhà lãnh đạo, của các chính phủ, các công ty... mà nó còn là nỗi ưu tư âm thầm của bất cứ ai có tâm hồn, có lòng yêu thương thiết tha cuộc sống, biết quan tâm đến hạnh phúc của muôn loài trên trái đất... Họ là những cá nhân nhỏ bé, yếu đuối, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, luôn luôn trăn trở, thao thức lo lắng về "Global Warming"; để một mặt sống cuộc sống chay tịnh, tinh khiết cả tâm hồn lẫn thể xác, một mặt tích cực và âm thầm làm những việc tầm thường nhất, nhỏ nhoi nhất, trong đó có việc tìm kiếm bằng hữu, thuyết phục người tri kỷ, để cùng góp phần chống lại "Global Warming"....

Ôm thơ nằm ngủ trong mây.
Trần gian gió lộng đành quay trở về.
Lay đời trong lửa ngủ mê.
Rừng than biển khóc bốn bề đau thương.
Tìm người trao gánh giữa đường.
Ghé vai chung một tình thương dâng đời.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.