Hôm nay,  

Những Ngày Cư Xá

25/09/200700:00:00(Xem: 3889)
Những ngày êm ả trong cư xá Cảnh Sát nhỏ gồm sáu căn nhà, nằm bên hông Viện Giảo Nghiệm thuộc ngành Cảnh Sát Quốc Gia đã qua thiệt mau, ở tuổi chưa biết tiếc nuối. Vậy mà khi những ngón tay lướt trên bàn phiếm, những kỷ niệm xanh ngắt tự nhiên mọc dài, vươn nhánh, ra bông.
Dãy cư xá có mặt tiền là đường Nguyễn Trung Trực, Sài Gòn, đi bộ ra chợ Bến Thành gần xịt. Cư xá có cánh cổng sắt thiệt lớn. Bên trong cổng, sát hàng rào là cây lê-ki-ma lá xanh rì quanh năm suốt tháng, là chỗ mấy chị em ưa leo trèo. Con đường Nguyễn Trung Trực có hai hàng cây me cổ thụ, nhánh cành dầy xanh um lá giao đầu đan nhau che mát cả con đường dài, che khuất cả bầu trời luôn đầy mây, trổ những hoa nắng tròn lung linh trên mặt lề đường rộng, đủ chỗ cho bầy con nít chạy chơi, lượm những trái me chín rụng đầy đường, luợm những bông me nhỏ xíu li ti như những hột cườm, màu vàng xanh, xỏ chỉ đeo tay chơi.
Hai hàng me lá bay, thủ thỉ chuyện nắng mưa mấy trăm năm cũ của Saigon không biết bây giờ có còn không"
Đối diện cư xá Viện Giảo Nghiệm, xéo góc bên kia đường là một bãi đất trống, rộng minh mông đầy bông cỏ dại, là chỗ bầy con nít cư xá tụ họp bứt bông chơi trò đám cưới. Ngôi trường Đại Học Văn Khoa bề thế nằm ở góc của khu vườn này. Ở đó, những buổi chiều đi học về, Na ưa ngồi trên bệ xi măng dài trước thềm cửa Viện Gião Nghiệm, đong đưa chân, ngắm nghía những chị sinh viên mặc áo dài đủ màu tha thướt xôn xao nói cười, lòng ao ước “ mai mốt mình lớn lên sẽ đi học trường đó “.
Khu đất này về sau xây dựng một Thư Viện Quốc Gia rất tân kỳ, và trường Đại Học Văn Khoa dời ra đường Cường Để khang trang hơn.
Kỷ niệm với cư xá này nhiều thiệt nhiều, suốt thời thơ ấu chạy rong tắm mưa, cả thời tiểu học mặc bộ bà ba trắng vạt hò dài thòng, tay cầm bình mực tím với những ngón tay nhỏ lúc nào cũng lấm lem màu tím. Cư xá nhỏ xíu, có mấy căn nhà, nên hàng xóm thân nhau lắm. Lúc đó Na ưa chơi với mấy anh em thằng Bôn (Paul), thằng De (Piere ). Tụi nó có tên Pháp vì có quốc tịch Pháp. Chơi thân với nhỏ Báu, có người mẹ yếu đuối, mất sớm vì bịnh lao, có hai chị em Mỹ Anh, Mỹ Yến.
Còn có nhỏ bạn tàn tật, tay cong queo, chân lết xít xụi. Nó không ở trong cư xá mà ở ngoài mấy nhà nằm trên đường Gia Long. Nhớ đâu nhà nó giàu lắm, là chũ tiệm vàng gì đó. Nhỏ đáng thương, tàn tật, mà hôm nào cũng vạch quần vạch áo cho Na thấy những lằn roi rướm máu, tím ngắt thấy lạnh mình. Dường như trong nhà nó, đứa nhỏ tàn tật là sự bất hạnh của gia đình, nên không nhận được tình thương. Nhỏ trắng bóc, mặt xinh xắn, miệng luôn cười, không nhớ nó tên gì nữa.
Na thân và nhớ mình thương nó lắm, hôm nào cũng trông mong bóng dáng khập khiễng của nó để hai đứa chơi nhà chòi, chơi với mấy con cuốn chiếu nâng niu trong lòng bàn tay, chờ cuốn chiếu cuộn tròn thì trời mưa.
Lúc 5 tuổi, Ba cho học trường Mẫu Giáo Hồng Bàng, trên đường Phạm Ngũ Lão. Nhớ in như là trường ở trên lầu, chỉ có mỗi một lớp học với một ông Thầy dạy Mẫu Giáo.
Lên sáu, Na qua trường Tiểu Học Tôn Thọ Tường, nằm trên Đại lộ Hưng Đạo, bắt đầu học lớp Năm. Sáng sáng đi học, ôm cặp chạy băng qua mấy lò bánh mì mùi thơm bay lừng trong không khí.
Buổi chiều đi học về thường chạy qua vườn Bờ-Rô chơi (vườn Tao Đàn), chạy vòng quanh gốc cây da khổng lồ có rễ phụ treo đong đưa từ trên cành xuống, hay chạy theo bọn con trai bắt dế về đá. Cũng có khi có Ba theo chơi, hai chị em ngồi một đầu xích đu, đầu kia ba ngồi, mấy cha con đong đưa lên xuống, vui kể gì. Cây đa nầy chạng vạng tối có đi ngang sợ ma lắm.
Cho tới một ngày, tuổi còn chưa lớn, đang giữa năm học lớp Nhứt trường Tôn Thọ Tường thì Ba Má thu dọn đồ đạc, để dọn nhà vô cư xá Cộng Hòa (Thành Ô Ma cũ ), vì cư xá nhỏ xíu Sở Giảo Nghiệm này bị giải tỏa.
Vô ở trong cư xá rộng lớn, đông đúc, xô bồ nầy, không bè bạn, mấy chị em sợ thấy bà. Sợ nhứt là đám con của Bác X. , nhà đối diện, thường ưa đón đường để nhát trùn. Sợ vì lạ chỗ, lạ người. Sợ vì lũ con nít ở cư xá này đông quá, dữ quá, lanh lợi quá !. Xưa giờ mình ở chỗ nhỏ xíu quen rồi những đứa bạn hiền lành.
Tuổi trẻ dễ quên thiệt đúng.
Năm đó cư xá đón mừng ngày Lễ Phật Đãn tưng bừng, có sân khấu lộ thiên ca nhạc, có nhảy múa nữa, vui lắm.
Ở chỗ mới, kết bạn mới, nhất là những bạn học cùng lớp. Na được ba xin vô học lớp Nhứt trường Tiểu Học Trung Thu, trong cư xá Cộng Hòa. Đây là trường dành riêng cho con em ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Trường được đặt tên là Trung Thu vì khánh thành vào đúng dịp Tết Trung Thu. Sau nầy một nhóm cựu học trò thành lập Hội Ái Hữu Trường Trung Tiểu học Trung Thu. Anh Hội Trưởng N.N. Sơn nói đùa “Em thấy mình lỗ quá, tên trường Trung Thu làm thiên hạ tưởng mình con nít, chỉ toàn ăn bánh xách đèn lồng đi chơi, đâu biết trường có kỷ luật sắt, mình học thấy mồ ! “.

Cư xá Cộng Hòa ngày xưa là Thành Ô Ma.
Nghe đồn cư xá có nhiều ma, nhưng thực sự Na chưa bao giờ thấy ma trong cư xá. Với lại, tuổi nhỏ ham chơi thấy bà, đâu có thì giờ chờ đợi ma.
Cô giáo dạy lớp Nhứt năm đó là cô Ph. Lớp cô Ph. toàn con gái, còn lớp Nhứt kế bên do Thầy X. dạy thì toàn là con trai. Như vậy trường tiểu học Trung Thu dù nam nữ học chung nhưng vẫn phân lớp trai và gái riêng biệt.
Sau này, khi Na đã học trường Nữ Trung học Gia Long, thì trường nới rộng thêm bậc Trung Học, đó là chuyện về sau. Vì vậy mà khi Na gia nhập vô nhóm Ái hữu Trường Trung Tiểu Học Trung Thu, các bạn trẻ thường nói giỡn Na là “ đồ cỗ hiếm quí”.
Tánh năng động, thấy mỗi cuối tuần đám con trai sinh hoạt Hướng Đạo đông vui quá, Na cũng đòi Ba cho đi. Na cũng được Ba mua sắm cho đủ bộ đồng phục Hướng Đạo áo đầm nón rộng vành, giầy, khăn quàng cổ , rồi phù hiệu nữa, lung tung trên áo…
Nhóm Hướng Đạo nầy rất nhỏ, in đâu chỉ có mấy chục đứa con trai. Anh Huynh Trưởng tên Thanh và bầy Sói Con. Khi Na gia nhập, chỉ có hai đứa con gái chỏn lỏn giữa bầy sói con là Na và nhỏ Oanh. Về sau Oanh học trường Trưng Vương.
Mỗi tuần họp bạn rất vui ở sân rộng, có học rất nhiều điều hay từ cách đánh moóc tít te, tới cứu thương, tới bổn phận phải giúp đở những người già yếu bịnh tật ngoài xã hội. Na thích nhất là những trò chơi tìm theo những dấu hiệu khắc trên cây, cách sử dụng dao, cách để lại những dấu hiệu bên đường, khắc trên cây để tìm nhau khi bị thất lạc, những cách thắt nút bằng dây thừng mà một trong những kiểu thắt nút đó Na còn áp dụng cho tới ngày hôm nay. Những cách tìm hướng khi đi trong rừng, tìm thức ăn, nguồn nước uống, cách dùng khúc cây làm cán khiêng người bị thương bằng khăn quàng cổ, Cách dùng khăn quàng cổ để cứu thương khi cánh tay bị gãy …rất nhiều những bài học thực dụng.
Na sợ nhất là học đánh moóc, vì nó khó nhớ quá khi ráp thành vần… Lúc đó Na mới 10, 11 tuổi gì đó, đã say mê đời sống Hướng Đạo.
Kế sát vách lớp Nhứt của cô Ph. là lớp Nhứt con trai của Thầy X.
Thầy X. dữ đòn có tiếng. Chắc con trai bên đó lì lợm lắm, ít chịu thuộc bài lắm hay sao mà ngày nào cũng nghe tiếng Thầy la hét, rồi tiếng roi vọt, tiếng thút thít khóc, thấy mấy trò bị phạt quì gối ngoài cột cờ, sợ muốn chết.
Cô Ph. rất hiền lành, dễ thương, ít khi nào đánh học trò. Những học trò con gái thì cũng hiển lành ngoan ngoãn như cô.
Cuối năm đó, nghe nói tỉ số thi đậu vô lớp Đệ Thất các trường công như Petrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương rất cao. Thật không uổng công quí Thầy Cô đã dạy dỗ dù bằng roi vọt hay bằng nụ cười hiền.
Thỉnh thoảng cô Ph. bịnh, nghỉ dạy, lớp thường hát hò cho vui, trong số có nhỏ bạn tên Th. Thường ca bài Hồn Bướm Mơ Tiên thiệt ngọt ngào, nhớ mang máng giọng Bắc của nó trong vắt “dưới nắng chiều ai lên chùa Giáng, một bóng lặng đi dưới nắng tàn….núi non về chiều dần hoang vắng, một chiếc lá vàng lặng lẽ, bóng chiều yên lặng đìu hiu …” Mình nghe bạn ca thích lắm, cứ tưởng tượng tới một nơi thật thinh vắng, trên cao thiệt cao, có bầy chim cánh trắng bay ngang qua bầu trời nhiều mây… Không biết bạn bây giờ ra sao".
Năm lớp Nhứt học cực lắm, vì là năm thi mà. Thi đậu, được vô học trường công thì rất quí, Ba Má sẽ hãnh diện nữa, cho nên ráng học, ít chơi ít phá phách, nên kỷ niệm không có nhiều. Ngẩm nghĩ lại chắc hồi đó mình ngoan lắm. Trời ui, nhớ tới những bài toán động tử, rồi sử ký, rồi công dân lung tung nhét vô cái đầu con nít nhỏ xíu thấy mà thương. Cô giáo luôn thúc dục, luôn khuyến khích, nhờ vậy mà thi đậu, Na mang ơn Thầy Cô rất nhiều.
Cuối năm đó Na thi đậu vô trường Nữ Trung Học Gia Long. Rồi cư xá Cộng Hòa lại giải tỏa, nhà lại dời đi thêm lần nữa, lại phải xa rời những người bạn mới quen, lận đận tới hơn một năm mới chính thức dời qua cư xá Phú Lâm A, tái ngộ lại những bạn cũ, giờ đã thành những thiếu nữ đoan trang.
Xa rời ngôi trường Trung Thu, Na xa rời luôn đám bạn nhỏ Sói Con Hướng Đạo rất thương yêu.
Những điều đã học được từ Hướng Đạo vẫn còn áp dụng trong đời sống “sống phải có một tấm lòng với người chung quanh” . Na mong ước thầm trong lòng, một ngày nào đó, được gặp lại những “Sói Con” ngày xưa, nay đã thành những con “Sói Già” , nhất là anh Huynh Trưởng.
Na vẫn còn nhớ anh Huynh Trưởng lúc đó đã có gia đình và hai đứa con, người Công Giáo, rất hiền lành. Nhớ mùa Noel năm đó, anh mời cả đám Sói Con tới nhà anh để ăn lễ nửa đêm, nhớ nhà anh nghèo lắm, đạm bạc lắm.
Những bài hát Hướng Đạo ngày xưa, vẫn còn vang dội mãi trong lòng, khi những cánh tay đan chéo nhau, nắm lấy bàn tay…
Dây thân ái lan rộng muôn nhà
Tay sắp xa nhưng tim không xa
Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng

Dù cách xa ngàn dặm nhưng gần
Gang thép ta chia tay đừng buồn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.