Hôm nay,  

Hồi Ký Thép Đen

25/09/200700:00:00(Xem: 2747)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Tôi không chịu dược nữa rồi. Tôi nói với sự phẫn uất căng đầy:
- Tôi nói với các ông là, tôi, một thanh niên, giòng máu Việt Nam đang cuồn cuồn chảy trong cơ thể này. Với lương tâm và danh dự: Nếu nước Việt Nam yêu quý này có giặc ngoại xâm, tôi sẽ là một trong những người lính đứng hàng đầu, cầm súng chiến đấu với kẻ thù, để bảo vệ cho giải giang sơn gầm vóc này. Tôi sẽ sẵn sàng chết cho quê hương, không phải vì tiền, cũng không phải vì danh vọng. Tôi không ưa gì người Mỹ, và tôi cũng chống đối đến cùng tất cả những kẻ nào muốn thống trị đất nước tôi, xâm phạm vào chủ quyền độc lập của mảnh đất hình chữ “S” này!...
Tôi thấy cả hai đứa đều tím mặt lại. Trong cái thế này, tôi nghĩ phải xoa dịu chúng, vì vậy tôi nói thêm:
- Tôi là một người yêu nước với cả tâm hồn tôi, có chăng chỉ là tôi đã yêu…lầm!
Dù gì, hai tên cũng thấy tôi đang nói lên những lời từ trái tim đang sục sôi bầu nhiệt huyết. Chúng không thể phủ nhận được điều đó, vì thế tên Thành mỉm cười nói giọng dàn hòa:
- Anh yêu nước như thế là tốt! Vậy, tại sao anh không chịu nói hết với cách mạng, mọi âm mưu thủ đoạn Mỹ Diệm giao cho anh, ra ngoài miền Bắc này"
Tôi lợi dụng câu nói của y để đẩy đưa:
- Chính vì thế, không phải đợi đến bây giờ các ông hỏi. Tôi đã thấy có trách nhiệm ngay từ lúc đầu, tôi đã khai báo ngay âm mưu, ý đồ của địch giao cho tôi. Các ông đã hiểu rõ lòng tôi, vậy từ nay, tôi đề nghị đừng dùng những từ bán nước, hại dân đối với tôi.
Hai đưa cười không trả lời. Một lúc sau, tên Nhuận hỏi với giọng nửa đùa, nửa thăm dò:
- Này tôi hỏi thực anh, anh còn điều gì không đồng ý với xã hội chủ nghĩa nữa, khiến anh không chịu khai hết sự thật" Tôi đã hỏi cung nhiều rồi, nhưng tôi chưa thấy ai khó khăn như anh cả. Người ta ai ai cũng vậy, khi đã thấy được ánh sáng chính nghĩa, đều thành khẩn khai báo mọi chi tiết. Chỉ riêng anh cứ khư khư ôm mãi.
Rồi y tươi nét mặt thổi và dụ dỗ:
- Anh biết không, chúng tôi suy nghĩ về anh rất nhiều, chúng tôi muốn giải quyết thất tốt cho anh. Người như anh về với cách mạng thật có lợi cho nhà nước. Đối với đảng, gỗ cong có việc cong, gỗ thẳng có việc thẳng. Biết đâu, anh hoạt động cho kẻ dịch, vì phi nghĩa nên không thành công, còn hoạt động cho cách mạng, với tài của anh, anh lại chả gặt hái được nhiều kết quả có lợi cho nhân dân"!
Tôi cười và nói cho qua chuyện:
- Cảm ơn các ông, các ông nói đùa vậy. Tôi là một kẻ quê mùa lại còn trẻ, có biết gì đâu mà các ông nói là tài. Bây giờ thân tôi đã bị bắt, đã có tội với cách mạng, tôi chỉ biết ăn năn đền tội; ngoài ra, tôi không có một ý nghĩ gì khác.
Trước khi chúng cho tôi về, tên Nhuận còn cố ra vẻ thân mật:
- Bình về suy nghĩ kỹ nhé! Chúng tôi sẽ giải quyết rất tốt cho anh!
Tôi lặc lè theo tên Bằng về xà lim, vừa cười thầm trong bụng cho cái trò hề rẻ tiền của chúng. Về mặt gì khác, tôi có thể còn ngây thơ chưa hiểu chúng, chứ về mặt này, tôi không còn lạ gì tim đen của chúng cả. Chẳng qua chúng đã dùng đủ mọi cách rồi mà không có kết quả. Bây giờ, chúng lại đưa mồi ra nhử. Tôi luôn xác định rõ, không mơ hồ: Chấp pháp với bị can (người còn đang trong thời gian thẩm tra khai thác, chưa thành án), cũng có thể ví như người câu cá với con cá, hai ranh giới, hai quyền lợi đối nghịch nhau. Mơ hồ miếng mồi, đớp vào, không lên bờ vào giỏ đợi chờ làm thịt, thì cũng rách mõm, toạc môi.
Hôm nay, đã mồng 5 tháng 6 rồi. Đang độ giữa Hè, trời nóng như nung. Tôi được thả cùm đã hơn nửa tháng. Hai bàn chân phù thủng của tôi sau một tuần ăn cơm cám, đã rút lại. Những nốt ghẻ do tôi tích cực bôi thuốc đã thành sẹo. Còn một vài mụn nữa đã đóng vảy đen, hết ngứa, chắc cũng gần khỏi. Như thế, tôi đã ra miền Bắc được một năm lẻ tám ngày, và bị bắt vào Hỏa Lò 20 ngày nữa thì tròn năm. Bây giờ chỉ còn khổ vì nóng và muỗi. Hai cái thật mâu thuẫn nhau. Nóng cởi trần, vén quần cao lên như quần đùi để ngủ thì đỡ nóng. Nhưng muỗi nhiều quá. Ăn đã triền miên không đủ no, đêm mà để nhiều muỗi hút máu, sớm muộn cũng bị bệnh. Vậy, lại phải mặc áo, che kín người, chân tay, mặt mũi. Thế mà, vì ngủ mệt, trở mình, chỗ nào hở ra, sáng dậy lại thấy đầy nốt muỗi. Quần áo đêm nào cũng ướt đẫm mồ hôi, thật hôi hám! Thôi đành, thân tù mà! Người ta vẫn nói: “Thằng tù, thằng hủi, thằng bổ củi, thằng đốt than” mà lại!
Ba mươi tám: Cái Giá Phải Trả của “Người Hùng Điện Biên Phủ"...
Đang sáng, trời bỗng tối sầm lại. Mới 2 giờ chiều mà như 6 giờ tối. Tôi dịch về phía cuối sàn, ngồi lên chiếc cùm, rõi mắt ra ngoài chiếc cửa sổ. Một mảnh trời đẹp, dài theo mép cửa sổ, xám xịt nặng chĩu nước. Một làn chớp xanh lè nháng lên, kèm theo một tiếng nổ làm rung rinh cõi lòng. Rồi như tiếng đại bác liên hồi nổ, ầm ầm, ì ì chạy suốt từ phía này sang phía kia, rền van trên bầu trời. Trong ngục tù tăm tối vắng lặng, một mình ngồi nghe sấm chớp rền rĩ, tôi cảm thấy thật cô đơn, heo hút, cách biệt với thế giới loài người. Nằm giữa lòng Hà Nội một năm rồi, mà không hề biết biến chuyển gì của Hà Nội.
Gió bắt đầu thổi mạnh, mưa bắt đầu rơi… Đầu tiên là những hạt lộp độp trên mái ngói, sau đó là ào ào như trời đổ nước xuống. Không khí dịu hẳn lại. Ngồi nghe mưa gió ngoài trời, tôi nghĩ đến cuộc đời hẩm hiu, bất hạnh của mình cũng quay cuồng trong gió mưa của đời. Mưa gió của đất trời thì chóng qua đi, còn mưa gió của đời, thì ôi thôi, dài lê thê, biết bao giờ mới dứt"!.....
Tôi cứ ngồi bồng bềnh với giòng suy tưởng ngược xuôi. Tôi nhớ đến cũng một buổi chiều mưa rơi trên thành đô ngày nào… Hôm ấy, để tránh một trận mưa, tôi nhào vào trú dưới mái hiên của một ngôi nhà bên đường Tú Xương. Cho đến lúc trời đã nặng hạt, từ một góc đường, một cô gái cũng đang đạp vội chiếc xe đạp, đến gần chỗ tôi đang trú. Cô hấp tấp dắt xe lên hè, chợt nhìn thấy tôi, cô lúng túng, nửa muốn vào, nửa muốn đi ra, trong khi trời đang đổ mưa ầm ầm. Vì lúng túng, cô đánh rớt chiếc cặp xuống vũng nước đang chảy ào ào ở mé đường. Cuối cùng, cô đành vào mái hiên tôi đang trú, mặt ửng hồng, e ấp chả dám nhìn tôi.
Cô chừng 18, 19 tuổi, có mái tóc dài óng ả buông xõa sau lưng, bám lất phất những hạt mưa lóng lánh. Đôi mắt huyền long lanh rụt rè, càng làm tăng nét dịu hiền của bộ mặt. Trời càng mưa to, phố càng vắng. Mái hiên vừa hẹp lại vừa nhỏ, nếu cùng đứng ở giữa thì không ướt. Nhưng, vì không dám đứng sát gần nhau, nên cô đứng một phía và tôi đứng một phía. Cả hai đều bị mưa hắt, ướt từ đầu gối trở xuống. Cách nhau có hơn một thước, mà không ai dám quay lại. Mưa cứ rơi và hai người cứ đứng. Với cô ấy, tôi không hiểu thế nào, chứ lòng tôi thì thấy vấn vương, ngập ngừng, nhưng tôi chẳng biết và chẳng dám nói cái gì. Ngay quay lại nhìn, tôi còn không dám, huống chi mở miệng nói năng. Tôi cứ đứng bần thần ngơ ngẩn, tiếc là mình tại sao không đủ can đảm, ra nhặt ngay chiếc cặp cho cô ấy khi nãy!" Đường trơn, phố nhỏ, mưa cứ rơi dầm dề. Gần một tiếng đồng hồ sau, mưa mới tạnh. Lúc tôi dẫn chiếc xe solex xuống đường, cô cũng dắt xe đạp đi ra, hai người đi về hai phía. Trước khi bước chân lên xe, tôi mới dám ngoái lại nhìn, như luyến lưu, như mất mát. Khi đó, cũng là lúc cô nghiêng nón nhìn lại, để rồi hai người đi về hai ngả cuộc đời. Chẳng bao giờ gặp nhau nữa, và cũng chẳng biết nhau là ai. Bây giờ, cũng một trận mưa rơi, nhưng tôi đang ngồi trong ngục tối một mình. Tôi buông một tiếng thở dài không chủ định, như vĩnh biệt những đoạn đời đã qua…..
Tôi cứ ngồi đăm chiêu để hồn lửng lơ về đây đó, mưa đã ngừng lúc nào tôi cũng không hay. Mãi tới khi nghe tiếng cửa buồng xịch mở, tôi mới giật mình nhìn ra: Một người cao lớn, có bộ râu quai nón, đang ôm túm một cái chăn bộ đội mầu cứt ngựa lách cửa đi vào, theo sau là lão Tư. Tên Tư nhìn hết buồng một lượt, rồi ra đóng cửa lại.
Tôi và người mới vào gật đầu chào nhau. Để ghé bọc chăn lên sàn xi măng, tay vẫn còn cầm túm bốn góc cái chăn, anh nhìn suốt lượt trong buồng. Cuối cùng, anh mở to mắt chăm chú nhìn hai cái cùm sắt to lù lù phía cuối sàn. Câu đầu tiên, anh nói với tôi:
- Hai cái cùm, trông ghê quá nhỉ! Có lẽ Hỏa Lò đây do thực dân Pháp xây lên, vì thế, chế độ ta giữ lại để làm lưu niệm, cho mọi người thấy sự tàn ác của Đế quốc!
Tôi chưa hiểu anh là dạng thế nào, nên tôi chỉ cười, không trả lời. Anh lúi húi mở gói chăn ra, nào màn, nào quần áo, đặc biệt có cả cái điếu con, diêm và thuốc lào. Mọi thứ đều lộn xộn, có lẽ vừa bị khám xong, trước khi chúng cho anh vào buồng. Anh vừa sắp xếp các thứ lại, vừa hỏi tôi:
- Anh bị bắt lâu chưa"
Tôi nói thẳng:
- Một năm rồi!
Anh dướn mắt to lên, ngạc nhiên:
- Anh nói đùa đấy chứ" Làm gì mà một năm"
Tôi lại cười, hỏi lại anh:
- Còn anh"
- Mới ngày hôm nay. Bắt ở Vinh hồi sáng, đưa về đây ngay.


Trông anh có vẻ dữ tướng, thế mà trao đổi qua vài câu nói, kết hợp với thái độ lại tỏ ra hiền, cởi mở. Vì thế, tôi vồn vã:
- Anh bị bắt vì tội gì"
- Vượt tuyến!
Rồi anh ngửng lên, hất hàm:
- Còn anh"
Tôi nói như đùa:
- Cũng vượt tuyến!
Anh mở to mắt, ngửng lên nhìn tôi nữa. Để anh khỏi ngỡ ngàng, tôi tiếp:
- Nhưng từ Nam ra Bắc!
Anh càng ngạc nhiên hơn nữa, anh ngừng xếp dọn, quay hẳn người ra hỏi:
- Anh thích chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc"
- Không những tôi không thích, mà còn chống. Chứng cớ, tôi đang nằm trong nhà tù của họ.
Mặt anh cau hẳn lại, dáng băn khoăn:
- Như thế nghĩa là…"
- Nghĩa là, tôi là người của chính quyền Sài Gòn, đột nhập Hà Nội để hoạt động tình báo.
Anh có vẻ hân hoan ra mặt. Buổi tối hôm ấy, chúng tôi trao đổi tâm sự để biết sơ lược về nhau. Anh tên là Hoàng Hùng, 40 tuổi, quê ở Hải Phòng. Anh theo cách mạng từ ngày 19 tháng 8 năm 1945, Khi đó, anh 21 tuổi. Anh là bộ đội, năm 1958 chuyển ngành về Bộ Tài Chính. Năm 1959, anh lập gia đình và hiện có hai con, còn nhỏ.
Muốn được thêm sáng tỏ về anh, tôi hỏi tiếp:
- Như vậy, nguyên nhân và động cơ nào khiến anh vượt tuyến vào Nam"
Mặt hiện lên nét đăm chiêu, anh chậm rãi:
- Vấn đề nguyên nhân và động cơ phức tạp lắm. Thong thả tôi sẽ kể cho anh nghe, vì nó không phải bắt nguồn từ một điểm!
- Thế vì sao anh bị bắt"
Vẻ mặt anh buồn buồn:
- Chỉ vì một anh bạn muốn từ giã người yêu ở Vinh, nên câu chuyện bị lộ.
Tối hôm đó, tôi chỉ biết sơ về anh như vậy, và anh cũng tỏ vẻ háo hức muốn biết một vài nét về tôi cũng như về xã hội miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Anh lấy chiếc điếu con con, gói thuốc lào và bao diêm, quay sang tôi hỏi:
- Bình có hút thuốc lào không"
Thấy anh là một người vui vẻ cởi mở, tôi cũng thấy vui vui. Hơn nữa, anh là một cán bộ đã theo Cộng Sản từ 1945, hẳn qua anh tôi sẽ hiểu thêm về Cộng Sản trong quá trình. Nghĩ như thế, nên tôi cũng tươi nét mặt:
- Tôi chưa hút thuốc lào bao giờ…..
Chợt tôi nhớ đã có lần hút ở nhà lão chủ tịch Phong ở Kỳ Phương. Nhưng tôi không đề cập tới chuyện đó, nói tiếp:
- Nhưng, để đỡ sầu, tôi sẽ hút thử…..
Nói xong, tôi chồm sang bên sàn của anh. Nhìn anh vê điếu thuốc lào cho vào nỏ điếu, dáng ngồi nghiêng nghiêng, làm râu quai nón xồm xoàm vì mấy ngày không cạo. Nét mặt rắn rỏi, nói lên anh là một con người đã có nhiều xông xáo trong gian khổ, hiểm nguy. Anh bật diêm, đưa chiếc điếu lên miệng. Nhìn ngọn lửa que diêm bập bùng nhỏ to theo điệu nhắp của từng nhịp hút “rẹt, rẹt, rẹt…..” Rồi cuối cùng, một tiếng rít dài và nhọn lanh lảnh như tiếng con dế cái hứng lòng gọi bồ rong đêm khuya, làm cho điếu thuốc chui tọt vào nõ điếu. Gân cổ căng lên, anh bỏ điếu xuống sàn, nhắm mắt, ngửa mặt lên trần, miệng tròn như chữ “O”. Từ đấy, như một ống khói tầu thuỷ chạy than, khói theo nhau tuôn ra, dẫy dọn, ngập ngừng lửng lơ bay lên trần nhà, rồi tan loãng vào không gian… Ngực anh phập phồng, hổn hển, mắt anh lơ mơ, đờ đẫn.
Ngắm anh, tôi chưa hút mà cũng thấy lơ ngơ, dập dờn. Tôi vê một điếu và bắt chước anh. Nhưng, khi kéo một hơi dài, tôi bị sặc, ho chảy cà nước mắt ra. Người cũng rần rật đê mê, ngây ngất bập bềnh như bơi trên biển sóng.
Mải chuyện trò trao đổi, tối hôm ấy, mãi khi chiếc loa “nghẹt thở”, chúng tôi mới đi ngủ. Anh nhìn sang, thấy tôi không có mùng mền, quần áo gì cả, anh ái ngại bảo tôi:
- Hai anh em nằm quay đầu ngược xuôi, chui vào mùng tôi ngủ đi, kẻo muỗi cắn chết!
Hơn một năm rồi, tôi đã chịu được, nhưng vì lòng mến anh, tôi cũng chui vào mùng ngủ chung. Chiếc sàn chỉ rộng 65 phân nên quá chật chội, trời lại nóng. Để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của anh, tôi nằm một lúc rồi chui ra ngoài, về sàn mình. Tôi lại mần mò làm thủ tục che muỗi như mọi khi.
Anh thấy tôi chỉ có cái gối làm bằng mấy bó cuống chổi, liền ném cho tôi cái vỏ ba lô, giọng thương cảm: "Bình hãy lấy tạm cái này gối đỡ!"
Lòng tôi len lén dâng lên một niềm xúc cảm. Tình nghĩa đùm bọc của người cùng một nước như ấp ủ hồn tôi. Trước khi chìm vào giấc ngủ muộn, tôi miên man nghĩ ngợi. Anh và tôi, trước đây đứng trong hai chiến tuyến đối lập. Vậy mà giờ đây, do những bối cảnh của cuộc đời, do những thực tiễn của đất nước đẩy đưa, lại gặp nhau trong một hoàn cảnh này, để rồi thể hiện lên như một chân lý về cái thiện mỹ của con người cùng chung một quê hương, một dân tộc. Điều đó, cho phép tôi hiểu và tin tưởng rằng, dù Cộng Sản dùng bất cứ hình thức nào, cũng không thể đổi thay được bản chất chân chính của con người… Từ suy tư ấy, trong đầu tôi lại lóe lên một nét nữa: Một con người như Hoàng Hùng, với tội vượt tuyến, tại sao Cộng Sản lại đưa vào nằm với tôi, một tình báo của miền Nam"
Tôi hiểu, chúng làm việc gì cũng đều có nghiên cứu, nhất là những việc như thế này, lại càng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Tôi băn khoăn lý luận, phân tích, để ít ra dự đoán gần đúng như ý định của chúng. Nếu đúng như tôi dự đoán, việc chúng đưa Hoàng Hùng vào nằm với tôi có phần tốt cho tôi. Chúng đánh giá phần nào, tôi là một người tiến bộ theo hướng nhìn của chúng"
Tôi nhớ lại, trong một lần đi cung đã lâu, chúng có hỏi vì sao tôi lại thích xã hội chủ nghĩa. Lúc đó, tôi đã ngẫm nghĩ xem nói gì để chúng có thể tin được. Chúng đâu có phải tay mơ, dễ qua mặt chúng, muốn nói gì thì nói được đâu! Phải có biện chứng “lô gích”, hợp tình, hợp lý mới hòng làm cho chúng tin.
Đấy là lý do tôi nêu lên, khi chúng hỏi cung tôi. Rồi trong thực tế, với tên Hoàn, người chúng dùng làm “khổ nhục kế” với tôi. Tên Phạm Huy Tân, loại chó chết cơ hội chủ nghĩa, tôi cũng thường kể, hoặc nói những khía cạnh tiêu cực của chế độ Việt Nam Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo.
Vậy bây giờ, đưa Hoàng Hùng, một anh bộ đội lão thành, thích chế độ miền Nam, cho vào cùng buồng với tôi, một người của chính quyền miền Nam. Cộng sản, tính lợi dụng tôi làm ruỗng nát lòng mơ tưởng, của Hùng bằng những tư tưởng, mà chúng cho là tôi đã có"

Tôi nghĩ, chỉ có như thế, mới giải đáp thỏa đáng trường hợp Hùng và tôi giam chung với nhau.
Sáng hôm sau, anh Hùng dậy, sau khi hút thuốc lào, còn sờ và ngắm nghía cái cùm. Anh quay sang tôi:
- Tụi thực dân dã man thực. Cùm người ta thế này, thì chỉ có chết thôi!
Nghe anh nói, tôi cũng hơi băn khoăn. Một người Cộng Sản, hầu như cả cuộc đời chiến đấu, nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử trong hàng ngũ Cộng Sản, mà lại phát biểu như vậy ư" Không gì bằng thực tế sẽ trả lời anh! Anh còn ở xà lim này, chỉ ít ngày nữa anh sẽ nghe thấy tiếng cùm, tiếng khóa thôi. Nghĩ như vậy, tôi cũng chỉ nhìn anh, cười không nói gì.
Cửa con xoạch mở, mụ Hoa chỉ tay vào Hùng, bảo đi cung. Buổi trưa Hùng về, chiều lại tiếp tục đi cung, mãi 5 giờ mới về. Sau khi cửa đóng, Hùng quay lại tôi, giọng ngạc nhiên:
- Này, Bình này, sao nhiều tù thế nhỉ" Tôi đi qua sân trại chung, đầy tù"!
Tôi mở to mắt ngạc nhiên nhìn anh:
- Tôi tưởng câu đó phải để tôi hỏi anh mới đúng chứ! Tôi là người của chế độ khác mới đến, anh phải giải thích cho tôi điểm đó mới phải. Vậy, trước đây anh nghĩ thế nào"
Nét mặt Hùng rất thành thật:
- Suốt cuộc đời, tôi ở bộ đội, đến khi chuyển ngành công tác ở Hà Nội. Thỉnh thoảng trên đường phố, tôi gặp dăm ba người mặc quần áo sọc, quét dọn ở đường, hoặc làm lao động nặng nhọc ở một khu vực nào đó, do một anh công an coi. Theo hiểu biết và quan điểm của tôi, dưới chế độ cách mạng, phải không có nhà tù nữa. Bời vì, khi cách mạng dựng ngọn cờ khởi nghĩa, đánh đuổi thực dân, tuyên bố phá nhà tù để xây trường học cơ mà. Nhưng bao giờ cũng vậy, trong một xã hội, tất yếu phải có người chưa tự giác cao, có lúc gây ra tội lỗi, sai phạm. Đó chỉ là nhất thời, vậy chỉ cần một số ngày giáo dục, một vài biện pháp bắt buộc lao động, cũng chỉ nhằm mục đích giáo dục con người. Nhưng, ngay những số này, cũng rất là hạn hữu.
Ngồi nghe anh lý luận, tôi càng khiếp sợ cho sự khéo léo, tinh vi của Cộng Sản. Một người như Hoàng Hùng mà cũng chỉ như một con ngựa kéo xe, hai bên mắt bị che kín. Chỉ được nhìn thẳng về phía trước, bảo đi là đi, bảo đứng là đứng. Tôi phải có trách nhiệm, lựa lời dần dần cho anh biết thực tế. Nhưng bây giờ tôi chỉ nói với anh một cách đơn giản:
- Thực tế sẽ hoàn toàn không giống như anh đã nghĩ đâu! Tôi tin rằng những ngày tới, anh sẽ hiểu biết nhiều hơn bằng những sự việc thực tế, và bằng mắt thấy tai nghe.
Anh về muộn, tôi đã lấy sẵn cơm nước vào cho anh. Ăn xong, tên Tư mở cửa. Từ sáng, anh chưa được rửa mặt, vì thế khi tên Tư sắp đóng cửa, Hùng tiến ra:
- Báo cáo đồng chí, cho tôi ra rửa sơ cái mặt"
Tên Tư quắc mắt nhìn Hùng:
- Từ nay, tôi cấm anh không được gọi tôi là đồng chí! Anh là một người tù, không ai là đồng chí với anh cả, nghe chưa!
Hùng mở to mắt ngạc nhiên, hai quai hàm bạnh ra, cuối cùng nuốt hận, Hùng chỉ nói:
- Xin lỗi, tôi quên!
Lúc vào ngồi, Hùng có nét đăm chiêu.
Qua một thời gian, tôi được biết rõ về Hùng như sau: Anh là con một gia đình giầu có ở Hải Phòng. Đang học Trung học thì tiếng súng ngày 19/9/1945 bùng nổ. Với bầu nhiệt huyết của người con trai Việt, chỉ biết yêu nước, yêu dân đơn thuần. Anh đã theo tiếng gọi của núi sông, thoát ly gia đình, cầm súng giết giặc để bảo vệ quê hương. Anh nhiệt tình hăng say học tập, chiến đấu nên ngay cuối tháng 12/1945 anh đã là Tiểu đội truởng trong Trung Đoàn Thủ Đô. Đơn vị anh đã giành giật với thực dân Pháp từng khu phố của Thủ Đô năm 1946. Cuối cùng, sau khi rút lui về chiến khu, anh đã nổ lực chiến đấu vào sinh ra tử bao nhiêu chiến trường. Hết ở đồng bằng, lại Đông Khê, Cao Bắc Lang. Biên chế đổi thay hết: Từ Sư "312”, Sư Đoàn Đồng Bằng, tới Sư “320”, v.v… Cuối cùng là chiến dịch Điện Biên. Chính Đại Đội anh đã cắm lá cờ đỏ sao vàng lên nó hầm tướng De Castrie. (Ngay từ cuối 53 đầu 54, chính phủ, bộ quốc phòng Pháp đã gắn lon Thiếu Tướng cho De Castrie, bằng cách từ trên máy bay thả lon, xuống ngay chiến lũy Điện Biên).
Bao nhiêu bạn bè đồng lứa với anh lúc đầu, lần lượt nằm xuống hết cho quê hương. Còn sót người nào, ngày nay không là “D” Trưởng, cũng là “E” Phó. Bản thân anh, cao nhất cũng chỉ là “D” Phó, tức Tiểu đoàn phó. Mãi tới khi chuyển ngành năm 1958, anh cũng vẫn là “D” Phó. Chỉ vì, suốt quá trình, anh vẫn có cái đuôi là con tư sản. Do thái độ trong học tập, cũng như trong sinh hoạt tổ chức, anh càng bất mãn, nên đôi lúc cũng có thái độ bất cần.
Anh tâm sự:
"Bình thử tưởng tượng xem, những ngày họp đảng, họp tổ v.v… Ngay các chiến sĩ dưới quyền mình đi đâu cũng không thèm cho mình biết. Rồi cứ nhỏ to thầm thì chuyện này, chuyện kia. Mình có hỏi đến, chúng nó trả lời việc này đồng chí không nên biết. Mình là thằng chiến đấu chịu đựng biết bao gian khổ. Bao nhiêu lần tưởng tan xương nát thịt, may nhờ hồng phúc nhà mình, còn sống sót, thế mà bị đối xử phân biệt, nghĩ có hận không.
"Không phải một mình tôi, một số người nữa cũng bị như tôi. Cho nên, khi Sư đoàn tôi về tiếp quản Thủ Đô 10/10/1954, từ địa điểm xuất phát vùng Tây Bắc, trên đường về chúng tôi bắn phi đạn như mưa, gặp cây cối, núi rừng hai bên đường, đều bắn chơi. Tôi ngày càng chán chường, nên có những hành động tiêu cực, chểnh mảng trong học tập cũng như trong công tác.... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.