Hôm nay,  

Tin Nước Úc

22/02/200900:00:00(Xem: 2521)

Tin nước Úc

NGÔ CẢNH PHƯƠNG: “TÔI KHÔNG hề TRÙ TÍNH THAY THẾ ÔNG NEWMAN”

SYDNEY: Ông Ngô Cảnh Phương đã nói trong một cuộc điều tra phúc thẩm về vụ án John Newman rằng, ông không hề có dự tính thay thế chính trị gia John Newman, người mà ông đã bị kết án tổ chức vụ ám sát; mặc dù ông có nói về những kế hoạch của mình nhằm chiếm lấy chiếc ghế này trong một cuộc phỏng vấn truyền hình.
Ông Ngô Cảnh Phương, cựu nghị viên Hội đồng Thành phố Fairfield đang thọ án tù chung thân sau khi bị buộc tội vào năm 2001 về việc tổ chức vụ ám sát Dân biểu Quốc hội NSW, John Newman, người đã bị bắn gục phía bên ngoài căn nhà của mình tại Sydney vào năm 1994.
Tại phiên tòa phúc thẩm tư pháp vào hôm Thứ Hai, trạng sư Donna Woodburne, SC, Giám đốc Nha Công tố đã hỏi ông Ngô C Phương là ông có thích thú trong việc thay thế ông Newman trên cương vị một dân cử của vùng Cabramatta, sau khi ông này bị chết, hay không.
Khi bị cho rằng ít nhất là một lần ông đã có một chút “sự thận trọng cân nhắc” về việc này, Ngô Cảnh Phương nói rằng: “không, tôi không đồng ý về điều này... tôi vẫn tin rằng đơn vị bầu cử Cabramatta chưa sẵn sàng để có một người gốc Á Châu làm đại biểu cho nó”.
Khi đó ông Phương được cho chiếu một đoạn phim chưa từng thấy trước đây về một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình ABC được quay 24 giờ đồng hồ sau cái chết của ông Newman trong đó ông nói về những cuộc thảo luận của ông với “văn phòng trung ương” đảng Lao động về chuyện có thể ra ứng cử của ông.
Trong đoạn phim này người ký giả hỏi rằng: “ông có bất cứ sự chuẩn bị nào về việc ra tranh cử hay không"” Ông Phương trả lời rằng: “Như đã nói, sau tất cả những gì tôi được thấy và được nghe trong ngày hôm nay.... tôi cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng tôi phải ra ngoài, sống trong thế giới này, khích lệ cộng đồng hãy đứng dậy và đấu tranh chống lại sự tiêu cực để xây dựng lại lòng tự trọng của cộng đồng địa phương”.
Sau khi chiếu đoạn phim, trạng sư Woodburne nói ông Phương “đã nói dối” về những tham vọng chính trị của ông, nhưng ông Phương vẫn mạnh mẽ bác bỏ. Ông nói rằng: “Nếu tôi được chất vấn hoặc là nếu có bất cứ một sự thảo luận nào với tôi về sự có thể ra tranh cử thì tôi đã nhớ ra. Nhưng tôi không nhớ gì cả”.
Trước đó ông Phương đã phải chạm trán với chứng cớ đi ngược lại những lập luận của ông là ông không biết gì về việc một trong số các nhân viên của ông bị cáo buộc tội ngộ sát.
Luật sư phụ tá cuộc điều tra, Andrew Colefax, SC, đã hỏi ông Phương xem ông có biết cựu nhân viên của ông, người không thể nêu danh tính vì những lý do pháp lý, đã bị buộc tội ngộ sát và đã liên can đến chín vụ cướp có vũ khí từ tuổi thiếu niên hay không. Ông Phương nói với tòa rằng: “không, tôi không biết điều đó cho tới mãi hôm nay”.
Khi đó ông Colefax đã đọc một lá thư giới thiệu cá nhân có chữ ký của ông Phương được viết vào năm 1995 cho người cựu nhân viên này.
Lá thư giới thiệu nhằm hỗ trợ cho đơn xin gia nhập quốc tịch Úc của người đàn ông, được viết trên giấy có logo của Hội đồng Thành phố Fairfield. Trong thư ghi rõ: “Theo sự hiểu biết của tôi thì ông ấy đã phạm tội ngộ sát trong khi ông còn là một thiếu niên (a juvenile) và ông đã thọ án tại một trại giam dành cho thiếu niên để trả lại món nợ của mình đối với xã hội. Tôi đã quen biết ông này hơn hai năm qua và trong thời gian này tôi đã có nhiều cơ hội để thảo luận với ông về cuộc sống và tương lai của ông.
Ông ấy luôn luôn rất hối hận về những việc xấu mà ông đã làm và ông đã đặc biệt luôn tìm cách để chuộc lại lỗi lầm".
Khi đó ông Phương đã xin lỗi về câu trả lời không đúng đối với câu hỏi của ông Colefax về người cựu nhân viên quầy rượu này. Ông nói rằng ông đã quên bẵng đi về lá thư này cũng như những vụ kết án.
Ông Phương nói: “Tôi mong muốn được xin lỗi tòa về câu trả lời tôi đã đưa ra bởi vì nó hoàn toàn, hoàn toàn, đã bị tẩy xóa toàn bộ ra khỏi trí nhớ của tôi”. Ông nói thêm rằng có lẽ là người thư ký của ông đã chuẩn bị lá thư này. Ông nói: “chắc chắn là tôi đã phải đọc nó và tôi xin nhận trách nhiệm về việc này. Nhưng nói rằng tôi biết nó và cố ý đưa ra câu trả lời sai thì không đúng bởi vì tôi chỉ không nhớ vào thời điểm mà ông hỏi tôi”.
Ông Phương nói với ông Colefax rằng, ông từng chuẩn bị nhiều lá thư giới thiệu tương tự như thế cho nhiều người trong nhiều năm qua.
Cuộc điều tra tiếp diễn sang ngày Thứ Ba, ông Phương thú nhận là đã có những sự va chạm chính trị với ông Newman.
Vào hôm Thứ Ba, vị cựu nghị viên Hội đồng Thành phố Fairfield này đã được đưa duyệt qua rất nhiều các bài báo và những văn kiện khác bao gồm cả những sự chỉ trích rất mạnh mẽ của dân biểu John Newman đối với ông.
Ông Phương nói rằng: “Chúng tôi đã có những sự bất đồng ý kiến, những sự khác biệt, và trong nhiều trường hợp, về những vấn đề chính trị”. Ông Phương nói ông gặp ông Newman lần đầu tiên vào năm 1987 trong lúc ông này đang phát ra những tập sách hướng dẫn cách thức bỏ phiếu để hỗ trợ cho các ứng cử viên của đảng Lao Động, trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố, nơi mà ông Phương ra ứng cử với tư cách độc lập.
Trạng sư Donna Woodburne đã đưa ông Phương duyệt qua rất nhiều văn kiện kể cả một lá thư được gửi đi bởi luật sư của vị nghị viên này đe dọa khởi kiện chống lại ông Newman.
Ông Phương đồng ý là lá thư này là một sự phỉ báng đối với ông, đồng thời bao gồm cả những lập luận cho rằng ông đã bảo vệ các băng đảng có tổ chức và đã bỏ rơi nhu cầu của cư dân người Việt tại địa phương.
Những tường thuật khác từ giới truyền thông bao gồm khiếu nại của ông Newman về sự can dự của ông Phương trong công việc xây dựng cổng chào theo kiểu Trung Hoa tại Cabramatta và việc xây dựng câu lạc bộ Mekong Club trong khu vực này.
Cuộc điều tra trong vụ án phúc thẩm tư pháp vẫn đang tiếp diễn.

CÁC NHÓM Y TẾ HOAN NGHÊNH HỆ THỐNG TÁI XÉT DUYỆT

CANBERRA: Các tổ chức y tế đã hoan nghênh tất cả những quan điểm về hệ thống y tế được cung cấp bởi bản báo cáo tạm thời của Ủy ban Y tế và Cải tổ các Bệnh viện Quốc gia (National Health and Hospitals Reform Commission - NHHRC).
Bản báo cáo này được công bố tại Canberra vào hôm Thứ Hai đầu tuần này đã tiết lộ về việc nhiều năm thiếu thốn ngân khoản tài trợ, nói rằng, cơ cấu cấp cao này đại diện cho các bệnh viện công trên toàn quốc, các dịch vụ y tế khu vực và những nhà cung ứng công việc chăm sóc cho người già công cộng.
Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Y tế và Bệnh viện Úc (Australian Healthcare and Hospitals Association - AHHA), Prue Power nói rằng, bản báo cáo này đã phản ánh “những mối quan ngại từ lâu rằng, qua nhiều năm thiếu thốn ngân khoản tài trợ đã khiến cho khu vực bệnh viện của Úc không thể đáp ứng được nhu cầu gia tăng về việc chăm sóc trong cộng đồng.
Bà nói: “chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ những phát hiện của ủy ban này rằng, các bệnh viện của chúng ta đang nằm dưới áp lực nặng nề, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng của họ để cung cấp một sự chăm sóc an toàn, có phẩm chất cao, có thể xử dụng được và đúng lúc cho tất cả các bệnh nhân”.
Bà Power nói rằng, AHHA ủng hộ những đề nghị của ủy ban này nhằm gia tăng tính minh bạch qua việc đặt ra những chỉ tiêu mới cho các bệnh viện và AHHA ủng hộ việc “nối kết những sự tưởng thưởng về tài chính với các chỉ tiêu này”.
Bà Power nói: “Tuy nhiên điều tối quan trọng là những chỉ tiêu này phải tính tới những sự kiện nằm ngoài sự kiểm soát của các bệnh viện thí dụ như các thảm họa thiên tai.... Đồng thời cũng là điều thiết yếu rằng tài nguyên được phân phối đầy đủ tới các bệnh viện để tạo điều kiện cho chúng đạt được những chỉ tiêu này”.
Hiệp hội Y khoa Úc (AMA) đại diện cho các bác sĩ nói rằng họ sẽ tiếp tục những cuộc nói chuyện với NHHRC để thúc đẩy sự vụ của họ nhằm chống lại những chính sách đã “gây thất vọng cho bệnh nhân tại Anh quốc”.
Hiệp hội AMA nói rằng, những tiêu chuẩn và hệ thống trả lương theo mức độ hoàn thành công việc cho các bác sĩ toàn khoa như được thấy tại Anh quốc đã mở đầu cho “những sự tưởng thưởng sai lầm và bất công” dành cho việc điều trị bệnh nhân mà trong một vài trường hợp có thể là bất lợi".
Hiệp hội AMA nói trong một bản tường trình rằng: “ủy ban này cũng sẽ không ngạc nhiên khi AMA liên tục cảnh báo chống lại việc áp đặt những tiêu chuẩn và hệ thống trả lương theo mức độ hoàn thành công việc và những cấu trúc nêu trên, cũng như kêu gọi dành nhiều tài nguyên hơn cho việc chăm sóc trực tiếp tại giường bệnh hoặc trong phòng mổ.
Sự báo cáo về mức độ hoàn thành công việc phải được xử dụng như là một sự biểu thị về nhu cầu cần có thêm ngân khoản tài trợ cũng như tài nguyên và không được dùng như một hình thức phạt vạ khi không đạt được các tiêu chuẩn".
Tổ chức Y tế Thiên Chúa Giáo Úc (CHA) vốn giám sát 550 cơ sở chăm sóc người già nói rằng bây giờ chính phủ phải hành động trên sự đề nghị của bản báo cáo này để bành trướng hệ thống “tiền đặt cọc” (bond) về việc chăm sóc người già.
Kể từ năm 1997, những người cao niên Úc được xếp loại “low-care” (cần ít sự chăm sóc) có thể được yêu cầu trả tiền đặt cọc từ $100,000 tới $200,000 đô-la để vào một cơ sở chăm sóc người già.
Đây là một sự chi trả tự nguyện căn cứ vào khả năng chi trả của một người và (lên tới) 95 phần trăm số tiền bond này sẽ được hoàn trả cho gia đình của người này khi họ qua đời.
Giám đốc Điều hành của CHA là Martin Laverty nói rằng: “ủy ban này đã nói rằng món tiền đặt cọc này cần phải được áp dụng sẵn sàng cả trong những trường hợp ”high-care" (cần nhiều sự chăm sóc) nữa bởi vì việc chăm sóc cho người già sẽ không thể tồn tại trong tương lai ngoại trừ trường hợp chúng ta thực hiện những sự thay đổi này.
Đây là nguồn tin mà có lẽ chính phủ không muốn nghe nhưng là nguồn tin mà chúng tôi đã cung cấp cho chính phủ từ vài tháng nay rồi".
Trường Cao đẳng Tin học Y tế Úc nói rằng, bản báo cáo này đã báo hiệu “một sự ủng hộ mạnh mẽ nhất từ trước tới nay” cho việc thành lập một mạng lưới vi tính toàn quốc về các hồ sơ y bạ.

QUỐC HỘI ÚC THÔNG QUA ĐẠO LUẬT VỀ HỆ THỐNG BÁO ĐỘNG SỚM

ÚC: Luật lệ sẽ được đệ trình lên quốc hội liên bang để hiệu lực hoá một hệ thống báo động sớm về các thảm họa thiên nhiên trên toàn quốc.
Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao những kế hoạch về một hệ thống như thế đã không được đưa ra trước khi có vụ cháy rừng đau thương tại Victoria giết chết tối thiểu là 181 người (con số chính thức tính tới ngày Thứ Hai là 189 người).
Quyền Thủ tướng Julia Gillard đã đưa ra lời hứa là chính phủ sẽ giữ vai trò chủ chốt trong việc thành lập hệ thống này. Bà Gillard nói trên Đài truyền hình Số Chín rằng: “công việc đã được xúc tiến, luật lệ cần phải được thay đổi và đạo luật đã được đưa ra quốc hội. Có một vài vấn nạn về kỹ thuật vẫn còn đang được giải quyết về cách thức làm thế nào để có thể báo động cho tất cả mọi người trong khu vực bị ảnh hưởng. Chúng tôi mang một ý chí cương quyết để giải quyết về việc này”.
Có vẻ là các chính phủ tiểu bang và liên bang đã gặp khó khăn trong việc thống nhất ý kiến về vấn đề ai sẽ chi trả cho kế hoạch này, và sự kiện này đã làm nổ ra nhiều vụ đổ lỗi lẫn nhau kể từ sau vụ cháy rừng ở Victoria.
Bà Gillard nói rằng, chính phủ liên bang đã cố gắng đốt giai đoạn trong sự áp dụng hệ thống báo động này. Bà nói: “khi chính phủ Rudd được bầu vào năm 2007.... thì nó đã được bàn qua lại trong vài năm rồi, và thủ tướng đã thúc đẩy cho nó tiến nhanh hơn.
Trong khi đó, một thành viên quốc hội liên bang, người mà đơn vị bầu cử của ông bị ngọn lửa tàn phá đã lên tiếng kêu gọi để những hầm trú ẩn (bunkers) được xây dựng trong các trường học. Một số trường tiểu học và mẫu giáo đã bị thiêu hủy tại đơn vị McEwen của thành viên quốc hội thuộc đảng Tự do, Fran Bailey.
Bà nói rằng bà đã rùng mình khi tưởng tượng về điều gì sẽ xảy ra nếu những đám cháy vừa qua đã bộc phát trong một ngày mà các trường học mở cửa thay vì vào ngày Thứ Bảy cuối tuần.
Bà Bailey nói trên Đài truyền hình ABC rằng: tất cả các ngôi trường này chắc chắn là sẽ bị phá hủy trong vụ cháy này.... thật khủng khiếp khi thực sự dừng lại ở suy nghĩ này.
Khi chúng ta xây dựng lại những ngôi trường này chúng ta phải bảo đảm là chúng sẽ.... hoặc là có một cái hầm trú ẩn, hoặc là việc vẽ kiểu khu nhà sao đó. Chúng ta phải bảo đảm rằng những ngôi trường này phải thật sự an toàn cho con em của chúng ta".


Bộ trưởng tài chính Lindsay Tanner đã thúc giục người ta hãy làm theo một cộng đồng bị ảnh hưởng bởi vụ cháy rừng bằng cách trang bị các câu lạc bộ thể thao của họ, các nhà thờ và trường mẫu giáo với thiết bị mới.
Một câu lạc bộ cricket ở địa phương bị mất đi mặt bằng của nó nhưng nó cũng có thể bị mất cả trang thiết bị của nó nữa, trẻ nhỏ.... sẽ không có đồ chơi, chúng sẽ không có sách vở".
Vị thành viên quốc hội của Melbourne này đã nói trên Đài truyền hình Số Mười rằng: “sẽ có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều nếu những trang thiết bị đó được gửi đến từ bạn bè của bạn ở phía cuối con đường hơn là một tấm ngân phiếu từ chính phủ”.
Vụ cháy rừng cũng vẫn còn tồn tại trong tâm trí của ông Rudd và Thủ hiến Quentin Bryce vào hôm Chủ Nhật khi họ tham dự những thánh lễ riêng biệt tại nhà thờ ở trong vùng Victoria bị tàn phá vì vụ cháy. Bà Bryce nói rằng người ta trông có vẻ “hoàn toàn kiệt lực”.
Bà nói với Sky News rằng: “tôi hy vọng là họ sẽ được nghỉ ngơi, làm cho khỏe khoắn một chút và có thì giờ để hồi tưởng”.
Có vài nguồn tin làm ấm lòng các nạn nhân vụ cháy rừng là mỗi gia đình sẽ nhận được khoảng $10,000 đô-la từ ngân khoản hiến tặng của công chúng để giúp vực họ đứng dậy trở lại.
Số tiền này xuất phát từ những vụ lạc quyên nhằm giúp đỡ nạn nhân cháy rừng của hội Hồng Thập Tự vốn đã nhận được hơn $100 triệu đô-la cho tới nay.

J. GILLARD: JULIE BISHOP KHÔNG NÊN BỊ ĐỔ LỖI vì THẤT BẠI CỦA LIÊN ĐẢNG

CANBERRA: Quyền Thủ tướng Julia Gillard (hình bên phải) nói rằng bà Julie Bishop (hình góc phải) đang phải trả giá cho sự thất bại của vị thủ lãnh Đối lập của mình.
Có sự đồ đoán là bà Bishop sẽ rời bỏ chức vụ nữ phát ngôn nhân về Ngân Khố của phe Liên Đảng theo sau hàng loạt những sai lầm và các kết quả thăm dò gần đây cho thấy phe Đối lập đang mất dần đi cái vỏ bọc quản lý kinh tế giỏi giang của họ.
Tuy nhiên bà Gillard nói rằng, việc thiếu năng lực của liên đảng để có thể thu nhận được sự ủng hộ trong cuộc tranh luận về kinh tế không phải là lỗi của bà Bishop nhưng là của đường lối, chính sách được Thủ Lãnh Đối lập Malcolm Turnbull theo đuổi.
Bà Gillard nói trên Đài truyền hình Số Chín rằng: “tôi nghĩ là Julie Bishop đã bị chỉ trích chỉ vì đi đúng theo bài bản của Malcolm Turnbull.
Bài bản về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu của Malcolm Turnbull chỉ là một sự vô kế sách, không đưa ra được đề nghị nào, hãy chờ xem và chỉ nhằm chơi trò chơi chính trị".
Bà Bishop đã thành tâm đi theo chỉ thị của ông Turnbull. Bà Gillard nói thêm: “và tôi thắc mắc là liệu bà Bishop có nên gánh chịu những sự chỉ trích cho những đường lối của ông Turnbull hay không”.
Ông Turnbull đã biểu tỏ một sự tin tưởng hoàn toàn vào bà Bishop nhưng những người khác trong Đảng Tự do tin rằng, việc thúc đẩy một sự nhượng quyền tự nguyện sẽ hạn chế được những thiệt hại có thể xảy ra qua một vụ cưỡng bách trao quyền.
Với đề tài kinh tế tiếp tục khống chế những cuộc tranh luận chính trị, có một sự đồ đoán là những thay đổi này có thể được đưa ra trong vòng vài tuần tới với phát ngôn nhân về tài chính, Joe Hockey và phát ngôn nhân về hạ tầng cơ sở, Andrew Robb được coi là những người có khả năng thay thế bà Bishop.
Tuy nhiên, việc xác nhận của bà Bishop cũng là quyết định riêng của bà.
Kể từ khi nắm giữ vai trò nữ phát ngôn nhân về Ngân khố từ hồi Tháng Chín, phó thủ lãnh đảng Tự Do đã bị cáo buộc về việc sao chép và đã phải chịu trách nhiệm cho nhiều vụ sai lầm liên quan tới lĩnh vực kinh tế.
Tiếp theo đó, nguồn tin vào buổi sáng ngày Thứ Hai cho biết là bà Bishop đã rời bỏ chức vụ Bộ trưởng Ngân khố Đối lập chỉ sau bốn tháng đảm nhận công việc này. Bà Bishop nói rằng bà vẫn duy trì chức vụ quyền Thủ lãnh Đối lập và sẽ chuyển sang bộ ngoại giao.
Không an tâm về thất bại của bà Bishop trong việc giải quyết các vấn nạn kinh tế, hồi tuần trước một số Thành viên quốc hội phe đối lập đã vận động để đẩy bà ra khỏi chức vụ này.
Bà Bishop, một cựu bộ trưởng trong chính phủ Howard trước đây đã làm việc trên cương vị nữ phát ngôn nhân về quan hệ lao tư cho tới khi ông Malcolm Turnbull thắng được chức thủ lãnh đối lập từ ông Brendan Nelson hồi Tháng Chín năm ngoái.
Những người có thể chạy đua vào công việc phát ngôn nhân Ngân khố bao gồm thành viên hàng ghế trước, Joe Hockey, Peter Dutton và Andrew Robb.
Sky News tường thuật rằng, ông Hockey là ứng viên có nhiều triển vọng nhất cho chức vụ này với ông Dutton có thể là người thay thế cho ông Hockey trên cương vị quản trị doanh nghiệp phe Đối lập tại viện dưới.
Sky tường thuật rằng ông Turnbull có lẽ sẽ chính thức công bố sự thay đổi này vào buổi chiều ngày Thứ Hai.
Hôm Chủ Nhật, ông Turnbull nói rằng bà Bishop vẫn giữ được trọn vẹn niềm tin của ông trong tư cách nữ phát ngôn nhân Ngân khố.
Bà Bishop nói rằng, bà cảm thấy đã hoàn thành trách nhiệm của mình trên cương vị phát ngôn nhân ngân khố phe đối lập.
Bà nói rằng, với cương vị quyền thủ lãnh bà có thể lựa chọn bộ nào để chuyển tới và đó là bộ ngoại giao. Bà nói: “khi thủ lãnh Malcolm Turnbull của chúng tôi được bầu hồi năm ngoái, tôi đã chọn bộ ngân khố bởi vì Đảng Tự Do có một truyền thống là quyền thủ lãnh sẽ nắm giữ bộ này, và bởi vì tôi tin là với Malcolm cùng những người khác, điều này sẽ mang lại cho phe đối lập một đội ngũ vững mạnh và có hiệu quả trong lĩnh vực quản lý kinh tế”.
Bà Bishop nói rằng, những lời bình phẩm liên tục về vai trò của bà đã là một sự rối trí (distraction): “trong khi tôi tin rằng tôi đã thi hành nhiệm vụ của tôi trên cương vị bộ trưởng ngân khố đối lập một cách chuyên cần và đủ năng lực, tôi đã hình thành một quan điểm rằng, những lời bình phẩm liên tục về vai trò của tôi đã là một việc rối trí từ những sự xăm xoi lẽ ra đã nên được áp dụng cho sự quản lý kinh tế cẩu thả của chính phủ”.
Bà Bishop nói rằng, bà đã kết luận là vì quyền lợi tối cao của phe đối lập mà bà đã chuyển sang một bộ khác để mọi sự chú tâm sẽ quay trở lại, hướng về sự xem xét những việc làm của Chính phủ Liên bang.
Được hỏi là bà có bị “vỗ vai” bởi một trong số các đồng nghiệp của bà hay không thì bà Bishop nói rằng: “đây là một quyết định do tôi đưa ra, nó là sự phán đoán của tôi.
Tôi rất thích thú về bộ ngoại giao. Đó luôn luôn là một vai trò quan trọng trong nội bộ phe đối lập và tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể bảo đảm được rằng vai trò quan trọng của nước Úc hiện nay trên trường quốc tế sẽ được duy trì.
Được hỏi xem liệu bà có nghĩ rằng bà đã không thành công trong vai trò phát ngôn nhân về ngân khố đối với vấn đề gói ngân khoản kích thích kinh tế của chính phủ hay không thì bà Bishop nói rằng: “nó là sự phán đoán của tôi đưa ra và tôi tin rằng sự chú ý vào công việc làm và vai trò của tôi đã gây ra sự rối trí bởi sự xét nét lẽ ra nên hướng tới cung cách làm việc của Chính phủ Rudd về việc quản lý kinh tế. Nó là một sự thực hiện công việc vô cùng cẩu thả và tôi muốn bảo đảm rằng sự xét nét này được trung thực về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính phủ Rudd.”

DU KHÁCH ĐƯỢC KHUYẾN CÁO TRÁNH XA KHU VỰC CHÁY RỪNG

MELBOURNE: Những người hiếu kỳ lũ lượt kéo tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy rừng trong những ngày cuối tuần vừa qua đã dẫn tới những lời kêu gọi mới, được cảnh sát Victoria đưa ra để khuyến cáo họ hãy tránh xa khu vực này.
Phó tổng giám đốc Cảnh sát Steve Fontana nói rằng, trong khi nhiều người đến xem có mục đích tốt là để giúp đỡ những  nạn nhân của vụ cháy, điều quan trọng là mọi người nên tránh xa. Ông nói trong buổi họp báo ngắn thường nhật để tường trình với giới truyền thông về vụ cháy rừng rằng: “ngày hôm qua (Thứ Bảy) đã có những mối quan ngại về con số người kéo đến xem tại khu vực này.
Chúng tôi muốn lập lại thông điệp mà chúng tôi đã đưa ra hôm Thứ Sáu: xin vui lòng, nếu bạn chỉ đến đó để xem cho biết hoặc không có mục đích chính đáng để tới khu vực này thì xin hãy tránh xa".
Ông Fontana nói rằng, các dịch vụ cấp cứu cần phải được ra vào khu vực này một cách thoáng đãng, không bị hạn chế, chướng ngại. Ông nói: “việc có  nhiều người khác trong khu vực này chỉ làm cho các tiến trình này bị chậm lại. Chúng tôi thực sự cần được giúp đỡ trong lĩnh vực này, do đó chúng tôi yêu cầu mọi người hãy tránh xa những khu vực này”.
Ông Fontana cũng kêu gọi mọi người hãy kiên nhẫn chờ đợi kết quả của những cuộc điều tra về vụ cháy rừng vốn cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của 189 người, thiêu hủy 1,834 căn nhà và hủy diệt 400,000ha đất.
Ông nói rằng: “Các cuộc điều tra sẽ phải mất từ sáu đến 12 tháng, đây thực sự là một con số rất lớn những cuộc điều tra đã và đang được tiến hành về những vụ cháy này. Tôi muốn kêu gọi mọi người hãy kiên nhẫn chờ đợi về nguyên do của từng vụ cháy”. Công tác nhận dạng và xác định lý lịch nạn nhân vẫn đang tiếp diễn. Ông Fontana cho biết, các chuyên gia từ Tân-tây-lan và Nam -dương đã hợp cùng cảnh sát Úc trông việc xác định lai lịch những người chết.

VIC: NGƯỜI BỊ CÁO BUỘC TỘI PHÓNG HỎA KHÔNG RA TRÌNH DIỆN TÒA

MELBOURNE: Một người đàn ông bị truy tố về đám cháy gây chết người ở Churchill thuộc vùng đông nam Victoria đã không xuất hiện trước tòa trong phiên tòa sơ thẩm vào hôm Thứ Hai vừa qua.
Tòa được nghe rằng phiên tòa sơ thẩm sẽ được tiến hành trong sự khiếm diện của người đàn ông bị cáo buộc về tội trạng này.
Y đã bị tạm giữ để ra hầu tòa tại một phiên tòa quyết định việc giam giữ vào ngày 25 Tháng Năm.
Một phiên tòa khác hiện đang được triệu tập để quyết định xem án lệnh nhằm giữ kín tên tuổi của người đàn ông này có sẽ được bãi bỏ hay không.
Tòa được nghe kể rằng, có những mối quan ngại về sự an toàn của người đàn ông này nếu chi tiết cá nhân của y được công bố.
Tuy nhiên, John-Paul Cashen, người đại diện cho giới truyền thông nói rằng không có chứng cớ nào cho thấy là người đàn ông này đang ở trong tình trạng nguy hiểm.
Ông nói rằng, những tên can án sát nhân và xâm phạm tình dục trẻ em vẫn xuất hiện trước tòa hàng ngày và tên tuổi của chúng chẳng cần được giữ kín. Quan tòa John Klestadt nói rằng, đã có một sự tường thuật rộng rãi rằng những thành viên trong cộng đồng ở Churchill đã biết được tông tích của người đàn ông này.
Án lệnh giữ kín lai lịch nguyên thủy đã được đưa ra sau vụ bắt giữ người đàn ông này vào hôm Thứ Sáu vẫn được áp dụng.
Y đã bị truy tố một tội danh phóng hỏa gây chết người, một tội danh cố ý phóng hỏa gây cháy rừng và một tội danh sở hữu các phim ảnh ấu dâm.
Tội danh cố ý phóng hỏa có thể nhận lãnh án phạt tối đa là 25 năm tù và tội trạng gây cháy rừng có thể lãnh thêm án phạt tối đa là 15 năm tù.
Đám cháy ở Churchill đã thiêu hủy hơn 30,000 ha rừng và cướp đi sinh mạng của 21 người.

HÀNH VI NHẬN HỐI LỘ CỦA NHÂN VIÊN CẢNH SÁT BỊ PHƠI BÀY

SYDNEY: Một phiên trần thính của Ủy ban Điều tra về những vụ Tham Nhũng, Hối lộ trong Lực lượng Cảnh sát (PIC) đã được nghe kể rằng, hai nhân viên cảnh sát tại Sydney đã bỏ túi hàng chục ngàn đô-la để giữ yên lặng về các hoạt động phi pháp.
Hai nhân viên cảnh sát này, làm việc trong vùng tây nam Sydney đã được nêu danh là Cảnh sát viên Nasser Battal và “LP1", người vì những lý do chưa được cho biết đã được Ủy viên John Pritchard giữ kín lai lịch. Cả hai đều là thám tử cảnh sát tòng sự tại Trạm cảnh sát Liverpool.
Trong một đệ trình mở, luật sư phụ tá ủy ban PIC là David Staehli SC, nói rằng những sự cáo buộc này có liên quan tới nhiều vụ xảy ra trong năm 2008.
Ông Staehli nói với ủy ban này rằng: “hai trường hợp như thế này đã có liên quan tới việc tịch thu do họ thực hiện, những gì có lẽ là ma túy hoặc những gì báo trước về việc sản xuất ma túy vốn không được giải quyết chiếu theo thủ tục của cảnh sát nhưng được cho là đã được cung cấp cho một người quen biết, có mối quan hệ dân sự với ông Battal”.
Thêm vào đó, ông Staehli đã nhấn mạnh tới những sự cáo buộc liên quan tới thời điểm ngày 28 Tháng Mười khi các nhân viên cảnh sát tịch thu những kiện hàng thuốc lá từ những người bán lẻ. Ông Staehli nói rằng: “sau những vụ tịch thu như thế, có vẻ là những người bán thuốc trong câu hỏi này đã được đề nghị cho cơ hội trả tiền mặt cho ông Battal và/hoặc là LP1 để nhà chức trách không xúc tiến, đi sâu vào sự việc. w
Trong mỗi vụ này đã có sự cáo buộc rằng số thuốc lá bị tịch thu đã được bán ra và số tiền thu được đã được chia chác cho hai nhân viên cảnh sát này".
LP1, người đã gia nhập Lực lượng Cảnh sát NSW từ năm 2001 là nhân chứng đầu tiên được xếp đặt để cung cấp, khai trình chứng cớ trước ủy ban này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.