Hôm nay,  

Gió Đã Đổi Chiều

03/03/200500:00:00(Xem: 4901)
Có những cuộc xung đột về chính trị, tôn giáo và sắc tộc trên thế giới gay go đến độ chỉ còn mong thời gian giúp giải quyết. Nhưng ngày nay thời thế chuyển biến mau lẹ, cần phải chấm dứt ngay nạn đổ máu trước khi quá muộn, không lẽ cứ khoanh tay chờ thời gian làm giùm. Chính vì thế, bàn tay và trí óc con người phải can thiệp. Chúng tôi muốn nói đến sự tranh chấp ở Trung Đông đã bắt nguồn từ một thời đại rất xa xưa trong lịch sử loài người giữa hai dân tộc Do thái và Ả rập ở mảnh đất Palestine.

Sau Thế chiến II việc thành lập quốc gia Israel của người Do Thái và sự chống đối của người Ả rập Paletine đã làm Trung Đông nhiều lần bốc lửa, lây lan đến nhiều vấn đề khác của thế giới và tạo ra những hiện tượng như Saddam Hussein và Osama bin Laden. Giữa Israel và Palestine đã có hưu chiến, tuy còn khó khăn nhưng vẫn có nhiều hy vọng thành tựu. Cái nút rối chính yếu của vấn đề Palestine nằm ở Lebanon, ráp ranh Bắc Israel và nước Syria bên cạnh cũng tiếp giáp Israel qua làn ranh Cao nguyên Golan. Muốn có ổn định lâu bền ở Palestine, điều quan trọng nhất là phải gỡ cái nút rối đó. Nhưng gỡ cách nào"

Đầu tuần này một tin rất phấn khởi là chính quyền thân Syria ở Lebanon đã phải từ chức giữa lúc hàng chục ngàn dân chúng biểu tình phẫn nộ về vụ khủng bố đánh bom sát hại cựu Thủ tướng Harari. Qua ngày hôm sau dân chúng vẫn tiếp tục xuống đường đòi Syria rút quân ra khỏi Lebanon. Tình thế đang nóng hực, trước đây áp lực đè nặng lên một chính quyền bù nhìn làm tay sai cho Syria, nay nó chĩa thẳng vào nước Syria. Dân Lebanon đã tiếp tay với áp lực quốc tế đứng đầu là Mỹ, đòi Syria chấm dứt sự chiếm đóng và can thiệp vào việc nội bộ của Lebanon. Trước đó Syria đã có dấu hiệu núng thế. Hôm chủ nhật vừa qua, Syria đã bắt và trao cho quân đội Mỹ ở Iraq một người anh em cùng mẹ khác cha với Saddam Hussein là Sabawi Ibraham al-Hassan, ẩn náu ở Syria gần biên giới Iraq. Hassan vẫn ngấm ngầm tiếp tế tiền bạc cho quân nổi loạn Iraq. Hắn bị bắt cùng với 29 thuộc hạ.

Trong mọi cuộc đấu tranh, phàm khi đã lùi một bước là đã nao núng thế bởi vậy nếu áp lực gia tăng, bắt buộc phải lùi thêm nữa. Nếu Syria phải rút quân ra khỏi Lebanon, chưa biết tình thế sẽ diễn biến ra sao, nhưng có điều chắc chắn là thế nguyên trạng (status quo) ở Trung Đông bắt đầu bị tháo gỡ. Thế nguyên trạng này đã gây bao tai họa cho Trung Đông và liên lụy đến cả thế giới từ hơn nửa thế kỷ qua. Việc rút quân Syria chỉ là bước đầu, nhưng cũng không nên thúc ép Syria làm gấp bởi vì nhu cầu ổn định tình hình phức tạp ở Lebanon trong đó nhóm Hezbollah còn có khả năng quậy phá dữ dội. Một Syria hợp tác với Mỹ còn hơn một Syria tan vỡ vì nội loạn. Ngoài ra cũng không nên quên Trung Đông còn tồn tại những chính quyền độc đoán, thiếu dân chủ, chà đạp nhân quyền ở một số nước Ả rập giầu mạnh, kể cả những nước thân Mỹ như Saudi Arabia. Tại đây chính quyền của Hoàng gia Saudi đã hứa hẹn mở rộng dân chủ và cho phép phụ nữ tham gia chính quyền. Dưới sức ép của Mỹ, Ngoại trưởng Saud Faisal nói sẽ cho phép phụ nữ làm việc trong bộ Ngoại giao và tham gia bầu cử Hội đồng tỉnh. Tại Ai Cập, Tổng Thống Hosni Mubarak cũng hứa sẽ cho phép bầu cử dân chủ có đối lập để bầu Tổng Thống trong năm nay. Tuy nhiên người ta vẫn không tin ở sự thành thật của vị lãnh tụ này cầm quyền độc đoán từ năm 1981 đến nay.

Dĩ nhiên bầu cử tự nó không có nghĩa là dân chủ. Còn phải nhìn xem bầu cử như thế nào, có đối lập thật sự không và báo chí có được tự do ngôn luận hay không. Tất cả còn phải chờ xem. Ngoài ra cũng không thiếu gì nước - kể cả nước Nga ở ngoài Trung Đông nhưng cũng có nhiều quyền lợi ở vùng này - lập luận rằng họ sẽ tiến theo con đường dân chủ và đó là con đường của họ, tiến từng bước phù hợp với hoàn cảnh và truyền thống của riêng họ, không nhất thiết phải giống Mỹ hay một nước nào khác. Bất kể lý luận ra sao, con đường dân chủ chỉ có một và mục tiêu chỉ có một. Điều quan trọng là phải đi bước đầu tiên và đó là một bước dứt khoát dấn thân vào con đường dân chủ, chỉ có tiến không có lùi. Nếu chỉ nói mà dậm chân tại chỗ, rút cuộc vẫn là lừa bịp, không ai tin.

Tại Palestine, một cuộc bầu cử đã thành công khi người dân trực tiếp bầu ra Chủ tịch Abbas thay thế Arafat, dọn đường cho cuộc ký kết hưu chiến với Israel. Một vụ đánh bom tự sát tuần qua ở Tel Aviv tuy tạo căng thẳng vẫn không phá vỡ được hưu chiến, bởi vì người cầm đầu của hai bên ngày nay đều do dân bầu chớ không phải đảng bầu. Ý nghĩa của dân chủ là vậy đó. Tại Iraq một cuộc bầu cử cũng đã hoàn thành trong bầu không khí sặc mùi máu và bom đạn khủng bố. Đây cũng chỉ là một bước đầu rất khiếm tốn, còn nhiều việc phải làm để thành lập chính quyền lâm thời và thảo Hiến pháp. Đầu tuần một kẻ khủng bố nổ bom tự sát, giết chết 127 người Iraq ở phía Nam Baghdad. Hôm sau một ông Tòa Iraq gốc Kurd và người con cũng là luật sư đã bị bắn chết. Hai cha con ông này đều làm việc cho Tòa án sẽ xử Saddam Hussein nay mai. Kế tiếp sáng thứ tư, hai xe bom nổ ở hai nơi giết chết 13 lính và Cảnh sát mới tuyển Iraq. Những vụ khủng bố có thể còn tiếp diễn, nhưng liệu có thể làm ngừng tiến trình dân chủ hay không" Dân chúng Iraq đã bắt đầu tin rằng thủ phạm khủng bố đều là người nước ngoài xâm nhập.
Gió đã đổi chiều, thế nguyên trạng cứng nhắc ở Trung Đông bắt đầu rạn nứt. Những kẻ chủ trương khủng bố hơn ai hết đã nhìn thấy sự đổi chiều của thời thế sau hai cuộc bầu cử ở Palestine và Iraq. Theo giới Tình báo Mỹ, từ mấy tuần qua có nguồn tin cho biết bin Laden đã chiêu dụ al-Zarqawi, cầm đầu khủng bố tại Iraq, đặt kế hoạch tấn công thẳng vào nước Mỹ. Việc này chứng tỏ bin Laden đã hết thế và hết cả quân dưới trướng nên phải nhờ cậy đến một tay trùm khủng bố mới được kết hợp và đang bị truy nã gắt ở Iraq. Một nước cờ tuyệt vọng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.