Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: No Winers, No Answers, Just Sorrow

06/11/200700:00:00(Xem: 1636)

LND: Tuần qua một vụ án - từng gây chấn động khắp nước Úc, tạo nhiều tiếng vang khắp thế giới và là nguyên nhân dẫn đến một loạt tu chính cho luật pháp cũng như cải tổ về quy tắc cùng thể thức hoạt động của cảnh sát khi được báo cáo về những cái chết của trẻ thơ - đã kết thúc một cách bất ngờ khi công tố viện quyết định huỷ bỏ việc truy tố vì vị chánh án chủ toạ phiên xử tại toà Thượng Thẩm Victoria đã đưa phán quyết bác bỏ đa số bằng chứng mà công tố viện muốn sử dụng vì cho rằng, đó là bằng chứng bất khả dụng (inadmissible evidence). Đấy là vụ án xét xử cô Carol Louise Matthey, một bà mẹ trẻ tuổi ở Geelong, Victoria, năm 2005 đã bị cáo buộc tội đã sát hại bốn đứa con thơ của mình trong vòng 5 năm liên tiếp từ 1998 đến 2003.
Tưởng cũng nên nhắc lại, vào tháng Tư năm 2003, cô Matthey lúc ấy 23 tuổi, gọi điện thoại cấp cứu 000 cho biết con gái cô mặt mày bầm tím và không thở được. Cô cho nhân viên trực điện thoại biết rằng con cô, bé Shania, bị ngã từ trên bàn cà phê xuống đất khi nó cỡi con ngựa đồ chơi của nó và cô dò không thấy mạch máu của con cô hoạt động. Cô cũng cho biết thêm rằng cô biết làm cứu cấp bằng phương pháp hô hấp nhân tạo. Đến cuối cú điện thoại thì nhân viên trực có nghe được tiếng ho sặc sụa và tiếng khóc của bé gái. Khi  nhân viên cứu thương đến nơi thì họ thấy em đang ôm chặt người của mẹ em và không hề hấn gì cả. Thế nhưng, ngày hôm sau, 9/4/2003 thì đứa bé gái mà cô Matthey gọi bằng tên tắt là “Ni” hoặc là “con búp bê Barbie bé bỏng” đã theo chân các anh chị của nó là Joshua, Jacob và Chloe về cõi chết. Cô Matthey cho biết rằng khi cô vào phòng xem con thì thấy miệng Xania xanh tím và em đã tắt thở.
Năm năm trước đó, vào tháng 12/1998, bé Jacom Matthey 7 tháng cũng được xác nhận bị tử vong vì chứng SIDS (Sudden Infant Death Syndrome) – Trẻ Em Chết Đột Ngột – khi cô Matthey cho biết cô thấy em đã tắt thở trong nôi.
Hai năm sau, chứng SIDS cũng được cho là thủ phạm tước đoạt mất sinh mạng của bé gái sơ sinh 2 tháng Chloe khi mẹ em đặt em vào nôi cho em ngủ vào buổi trưa.
Hai năm sau đó, vào năm 2002 thì bé Joshua Matthey, 3 tháng, cũng chết trong xe đẩy của em tại bãi đậu xe của thương xá Corio Village. Cô Matthey cho biết em đột nhiên tắt thở trong xe.
Cái chết của bé Shania, tiếp theo ba cái chết trước đó của anh chị bé, đã khiến cho dư luận xôn xao bàn tán, thương hại cho sự bất hạnh của một bà mẹ trẻ liên tục bị mất con một cách thật thương tâm. Thế nhưng, sự nghi ngờ cũng nảy sinh. Cảnh sát bắt đầu mở cuộc điều tra từ lúc ấy. Nhưng mãi đến tháng 2/2005, cô Matthey mới bị truy tố tội đã sát hại bốn đứa con thơ của cô. Cô bị tố cáo đã làm trấn ngạt cho chúng chết trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm níu kéo người chồng gỗ đá lạnh lùng Stephen Matthey. Công tố viện tố thêm rằng cô  Matthey biết rất rõ về các vụ ngoại tình của chồng cô và cô đã giết con để giữ anh sau hai vụ ly thân. Cô phủ nhận các lời cáo buộc này và trong phiên toà sơ thẩm đã tuyên bố rằng cô vô tội. Luật sư của cô lúc bấy giờ, ông John Butler, cho biết cô thương yêu các con của cô vô vàn và không hề có hành động sai quấy gì cả.
Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bài tường trình chi tiết của nữ ký giả Karen Kissane, phụ tá chủ bút đặc trách luật pháp và công lý của nhật báo The Age, với tựa đề “No Winners, No Answers Just Sorrow” – Không Kẻ Thắng, Không Câu Trả Lời, Chỉ Có Niềm Đau – được đăng tải trên The Age số Thứ Bảy 27/10/07 vừa qua.

*

Đấy quả là một bản cáo phó thật dài về một cuộc đời quá ngắn ngủi. Được viết như một lá thư từ một người mẹ gởi cho đứa con gái 3 tuổi của mình, Shania Jayne. Bản cáo phó cho biết đứa bé đã “ra đi tại nhà trong sự an bình” ngày 9/4/2003.
Lá thư ghi tiếp: “Ni, cô công chúa bé bỏng quý báu của mẹ, cha mẹ đã trải qua biết bao sự đau thương trong năm năm qua, và bây giờ thì sự đau khổ ấy lại càng to lớn hơn nữa khi con quyết định ra đi lúc mới 3 tuổi rưỡi. Làm sao con lại có thể bỏ mẹ cha như thế hở con yêu" Bây giờ như con ngựa Spirit (con ngựa đồ chơi mà Shania ưa thích nhất), con có thể ung dung tự tại ra đi và chăm sóc cho các anh và chị con… Không ai có thể thấu hiểu được nỗi đau xót trong lòng của mẹ. Mẹ nhớ con quá. Mẹ không biết mẹ có thể sống được khi thiếu vắng con búp bê Barbie bé bỏng của mẹ hay không… Mẹ sẽ không bao giờ quên được những chuyện vui vẻ mà mẹ con mình từng cùng nhau chia xẻ. Tất cả những chuyện này, cũng như con vậy, sẽ vẫn mãi mãi tồn tại trong tim mẹ. Ngủ ngon nhé, Nia yêu dấu, con cưng của mẹ. Yêu thương con mãi mãi. Mẹ”.
“Mẹ” ở đây là cô Carol Louise Matthey, cư dân tỉnh Geelong. Shania sẽ “chăm sóc cho các anh và chị của bé" vì chúng đã ra đi trước bé – Shania là đứa con thứ tư của cô Mathey bị bất đắc kỳ tử trong vòng 5 năm. Cái chết của bé Shania đã không được bình an lâu, bởi vì cái chết ấy đã khiến giới truyền thông ồn ào náo loạn. Sau một cuộc điều tra kéo dài suốt ba năm  ròng rã của cảnh sát thì cô Matthey đã bị truy tố với bốn tội sát nhân. Cô luôn luôn phủ nhận rằng cô hãm hại con mình, thế nhưng phe công tố  tuyên bố rằng cô lần lượt  trấn ngạt các con để cứu vãn hạnh phúc gia đình vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Nhưng tuần qua, vụ án đã vỡ tan như một quả bóng vì cây kim nhọn của ông Coldrey, chánh án Toà Thượng Thẩm. Trong một phán quyết tiền xử (pre-trial judgement) dài 94 trang, ông Codrey đã bác bỏ hầu hết các bằng chứng của phe công tố vì cho chúng là bằng chứng bất khả dụng (inadmissible evidence). Cô Matthey, 28 tuổi, được trả tự do. Vụ án này đã để lại nhiều di sản: một loạt thay đổi về luật pháp, một cuộc kiểm điểm thể thức hành động của cảnh sát khi được gọi đến nơi có trẻ sơ sinh bị chết và sự hiểu biết rộng rãi hơn của quần chúng về một sự thật khá bất ngờ - đó là: trong khi khoa học có thể đưa con người lên không gian xa tít mù, thế nhưng, khoa học không phải lúc nào cũng phân biệt được giữa những đứa bé chết một cách tự nhiên và những đứa bé chết vì cố tình trấn ngạt.


Cảnh sát điều tra thoạt đầu cố tìm những nguyên cớ tự nhiên có thể liên kết bốn cái chết này với nhau. Trung sĩ thám tử Sol Solomon phỏng vấn hơn 160 nhân chứng để cố tìm sự giải thích. Các cuộc thử nghiệm tim (cardiac testing) của cô Matthey và chồng cô là anh Stephen cho thấy họ không có bệnh tim. Thám tử Solomon bỏ ra 6 tháng chỉ để điều tra xem có thể nào một chứng bệnh di truyền nào đó (genetic problem) có thể đưa đến các cái chết ấy không. Ông bay sang Hoa Kỳ và thử nghiệm DNA cho toàn bộ gia đình tại một trong những phòng thí nghiệm di truyền tính hàng đầu trên thế giới. Một chuyên gia tim mạch (cardiologist) nổi danh tại dưỡng đường Mayo cũng được nhờ cố vấn. Và cũng không có kết quả gì cả. Điều mà cảnh sát đúc kết được là bằng chứng cho thấy cô Matthey là một thiếu phụ trẻ tuổi đang chật vật vất vả trong một cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc và cô có thái độ không rõ rệt, đôi lúc thù hằn, đối với các con của cô.
Phe công tố tuyên bố rằng dấu hiệu đầu tiên của cái gọi là “mối quan hệ dữ tợn” (violent relationship) với các con của cô là một vụ hoả hoạn trong phòng một đứa bé vào một đêm năm 1998 khi cô Matthey là người lớn duy nhất có mặt trong nhà. Cô cũng là người lớn duy nhất hiện diện khi mỗi đứa bé bị chết cũng như khi chúng gặp những trường hợp “dường như nguy kịch đến tánh mạng” (apparent life threatening events – ALTE). Hai nhà chuyên khoa thẩm định các bằng chứng này đã mạnh mẽ lý luận rằng chúng cho thấy các cái chết là hậu quả của vụ sát nhân.
Thế nhưng, bốn nhà bệnh lý học (pathologist) thuộc học viện Victoria Institute for Forensic Medicine (Học Viện Tư Pháp Y Khoa) lại mạnh mẽ lên tiếng phản đối lý luận này. Giám đốc học viện, giáo sư Stephen Cordner, lên tiếng cảnh cáo việc dựa vào các bằng chứng ngoại vi (circumstancial evidence). Ông cho biết những dữ kiện thực tế (facts) cũng “hoàn toàn phù hợp với những nguyên cớ tự nhiên của cái chết” (perfectly compatible with natural causes of death).
Luật sư biện hộ cho cô Matthey trong phiên toà sơ thẩm đã lý luận rằng mấy đứa bé có thể cùng có một tật bệnh bẩm sinh (congenital defect) từ một chứng mang tính biến thể (metabolic) hoặc chứng tim (cardiac) nào đó vốn khó chẩn đoán được hoặc khoa học chưa biết đến. hội chứng SIDS đã được gọi là “thùng rác của chẩn đoán” (diagnostic dustbin) và “một sự chẩn đoán đang tìm căn bệnh” (a diagnosis in search of a disease). Hội chứng này được xem như là nguyên nhân tạo ra sự tử vong cho trẻ sơ sinh khi người ta không chẩn đoán được một nguyên nhân nào khác. Nó được cho là đã bao gồm rất nhiều căn bệnh cho đến bây giờ vẫn chưa biết được (unknown disorders). Và nó cũng có thể được sử dụng một cách vô tình đối với nhiều cái chết từ tội ác. Một chuyên gia làm chứng trong phiên toà sơ thẩm đưa ra ước lượng rằng 5 đến 15% những vụ được cho là SIDS thật ra là những vụ sát nhân. Một cuộc nghiên cứu của nhà bệnh lý học Anh, Sir Roy Meadows, đã miêu tả 42 vụ sát nhân bị chẩn đoán lầm là SIDS.
Ở Anh Quốc, luật pháp đã áp dụng quy tắc “sự bất quá tam”: một đứa trẻ sơ sinh bị chết là chuyện bi thảm, hai cái chết là chuyện đáng ngờ và ba cái chết thì phải điều tra như vụ sát nhân. Thế nhưng, một chuyên gia với tầm vóc quốc tế, giáo sư Roger Byard thuộc đại học Adelaide, kẻ đã từng làm nhân chứng trong một vụ án lẫy lừng ở Anh Quốc khi việc kết án một bà mẹ giết hại hai đứa con bị toà trên xếp xó, cho biết rằng tất cả những tật bệnh di truyền khác thường (unusual inherited  diseases) phải được dò xét như những nguyên cớ khả dĩ tạo cái chết. Ông nêu lên một trường hợp ở Hoa Kỳ với một bà mẹ bị nghi ngờ đã chuốc độc cho hai đứa con với loại thuốc chống đông đá cho bình nước của xe hơi (anti-freeze). Chỉ sau nhiều cuộc thử nghiệm rốt áo thì người ta mới khám phá rằng chúng chết vì một chứng bệnh biến thể hiếm thấy (rare metabolic disorders).
Trong khi có rất nhiều sự phát triển với nhiều triển vọng trong công cuộc nghiên cứu để phân loại những nguyên nhân của hội chứng SIDS, giáo sư Byard cho biết hội chứng này vẫn con là một khu vực xám. Ông nói: “Chắc chắn. Ta có mối quan ngại, nhưng ta không  có bằng chứng thì ta phải làm gì"”
Theo chánh án Coldrey thì người ta phải suy xét kỹ lưỡng trước khi quyết định truy tố. Ông bác bỏ phần lớn những bằng chứng trong vụ xét xử cô Matthey bởi vì ông cho rằng các bằng chứng này tạo nhiều thành kiến cho bị cáo (prejudicial to the accused), bởi vì chúng không chứng minh được chuyện mà phe công tố cho rằng nó chứng minh; hoặc bởi vì nó liên quan đến việc các nhân chứng chuyên gia đi đến những kết luận không nằm trong phạm vi chuyên môn của họ, hoặc những kết luận mà không được sự thật yểm trợ (not supported by the facts). Ông viết trong phán quyết: “Sự hiếm thấy về chuyện có bốn cái chết bất ngờ và có vẻ không giải thích được trong một gia đình không thể nào, tự nó, cung cấp được nguyên do của cái chết”. Còn về việc chỉ có cô Matthey  hiện diện với mấy đứa trẻ trong những trường hợp “dường như nguy kịch đến tánh mạng” - ALTE - thì chánh án Coldrey cho rằng đấy chẳng có gì là đáng kể cả bởi vì cô là người chăm sóc chính cho chúng (primary caregiver). Và trong lúc nhân chứng của công tố có thể lý luận rằng những ALTE này là chỉ chứng cho thấy ý đồ sát nhân thì nhân chứng biện hộ có thể tranh luận rằng đấy là dấu hiệu của những tật bệnh nguồn căn.
Hiên nay thì tiểu bang Victoria sẽ khó có cơ hội để có được một trường hợp như vụ cô Matthey nữa. Năm 2004, cựu thủ hiến Steve Bracks đã tu chính luật lệ, và tu chính này thường được biết đến với hỗn danh “tu chính Matthey”, buộc khi nào có cái chết của đứa trẻ thứ nhì hoặc tiếp theo sau đó trong một gia đình thì cái chết đó phải được báo cáo cho toà khám nghiệm y lý (coroner) để toà quyết định gởi sang Victoria Institute of Forensic Medecine điều tra. Đạo luật mới này có thẩm quyền hơn luật bảo vệ riêng tư (privacy) và cho phép các cơ quan, các dịch vụ bảo vệ, bác sĩ và nhà thương trao đổi tin liệu để có thể có được một cái nhìn toàn diện về một gia đình, trong trường hợp nào đó.
Trạng sư của cô Mathey, ông Paul Lavaca SC, cho biết rằng không có cá nhân nào “thắng” trong vụ án này cả. Ông nói: “Chỉ có hệ thống công lý là chiến thắng thôi. Đã có một cuộc điều tra thật kỹ càng và một xấp bằng chứng toàn diện. Có một chánh án mạnh mẽ và độc lập, một văn phòng công tố mạnh mẽ và độc lập, và một hệ thống trợ giúp luật pháp tốt đẹp.  Sau khi mọi chuyện đã được giải bầy thì hệ thống quả thật có hữu hiệu” (The only winner is the justice system itself. There was a through investigation and an exhaustive brief of evidence. There was a strong and independent judge, a strong and independent Office of Public Prosecution, and a good system of legal aid. When all is said and done, the system has worked”).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.