Hôm nay,  

Thói Quen Khó Bỏ

27/05/200700:00:00(Xem: 4075)

Có một điều cũng nên suy nghĩ rằng nhiều người sau khi nắm quyền toàn trị quá lâu, thì bạo lực trấn áp đã trở thành một phần bản chất của họ. Và gần như hiển nhiên là, họ chỉ quen nói mà không chịu nghe, chỉ quen quy chụp tội hình sự cho người khác mà không chịu nắm cơ hội đối thoại để cùng đưa đất nước đi lên. Đó là những gì chúng ta đang thấy trước mắt, tại Việt Nam, cũng như ở các nước truyền thống độc tài.

Tất nhiên là những chế độ độc tài lúc nào cũng bướng, không dễ "tự giác" trao quyền cho người dân bao giờ. Thí dụ như tại Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Miến Điện, Cuba… Giai cấp nắm quyền sẽ suy nghĩ rằng tại sao lại phải trao quyền cho dân, tại sao lại phải nghe lời "các nhà dân chủ" cho mệt nhọc.

Bạn cứ vào các xóm nhà nghèo, xem bọn con nít vô giáo dục là thấy ngay. Một cậu bé giựt được món đồ chơi nào đấy,  thế là cậu bé này cứ nắm chặt lấy, không dễ gì năn nỉ rằng hãy để đồ chơi này cho nhân dân làm chủ. Đơn giản, cậu bé sẽ nói, "Tao giựt được, là của tao. Đừng bày trò trưng cầu dân ý hay bầu cử đa đảng làm gì."

Đúng vậy, chuyện thấy rõ, dù đó là món đồ chơi nhỏ trong xóm, hay là cả trọn giải sông núi thiêng liêng ba miền.

Thói quen độc bá quyền hành có khi còn kéo dài ra cả thời hậu độc đảng. Thí dụ cụ thể nhất là tại Nga. Chế độ cộng sản sụp đổ rồi, bầu cử đa đảng đã thiết lập được rồi, đảng của những người hậu cộng sản đã trở thành thiểu số rồi, báo chí và truyền hình đã cho tư nhân sở hữu rồi, tự do báo chí và xuất bản đã thực hiện rồi… vậy mà thói quen độc tài vẫn còn khó từ bỏ. Thế là ào một cái, chỉ cần một lãnh tụ như Tổng Thống Putin mưu sâu kế độc, là nước Nga lại xiết gọng kềm chuyên chế. Chỉ may mắn là vẫn còn đỡ kềm kẹp hơn thời xưa.

May mắn, nhờ hầu hết toàn dân Nga đã biết sợ chế độ cộng sản cũ, nên các nhà hoạt động nhân quyền vẫn hoạt động được, tôn giáo vẫn tương đối tự do sinh hoạt chứ không còn phải xin phép như  thời xưa, sách vở in ấn hầu hết không còn sợ bị kiểm duyệt và tịch thu. Và tuyệt diệu nhất là hệ thống tư pháp đã giữ phần nào độc lập được, và nước Nga đã bỏ hẳn các trại lao động, các án tử hình, các thẩm cung bằng tra tấn. Kể cả chuyện đi bầu cử, không còn chuyện đông đảo  tới 99% cử tri đi bầu nữa - đây là điểm nước Nga văn minh hơn VN nhiều, và đây là con số làm kinh ngạc thế giới và làm mắc cỡ cho nước mình biết là bao nhiêu.

Tuy nhiên, thói quen độc tài vẫn khó từ bỏ. Thế nên TT Putin đang chỉ thị cho các chuyên gia tin học Internet hợp tác với các chuyên gia Internet Trung Quốc để thiết lập các hệ thống kiểm soát và theo dõi mạng.

Thêm nữa, thói quen đàn anh cũ khó từ bỏ. Thí dụ, như Nga mới đây đã ra oai với nước cựu đàn em Estonia, bây giờ đã là hội viên của khối NATO chứ không còn trong khối cựu xô viết nữa. Chỉ vì Estonia dời tượng Hồng Quân Liên Xô từ thủ đô về một nghĩa trang quân sự, Nga lập tức mở mặt trận trong ngày 17-5-2007 để tổng công kích mạng Internet của Estonia, đánh sập nhiều trang web chính phủ và thương mại của Estonia. Màn dạy đàn em một bài học này còn kéo dài tới mấy ngày sau, ngay trên mạng Internet, biểu diễn uy quyền đàn anh ở mặt trận mới.

Thế là NATO đưa chuyên gia Internet sang giúp Estonia nối mạng lại. Mới biết, nước nhỏ lúc nào cũng dễ bị bắt nạt, mà trình độ tay nghề không vững thì lại phải cầu viện khi gặp nguy.

Bài học rút ra được rằng, độc tài chuyên chính là một thói quen khó từ bỏ, cho dù là nước Nga đã chuyển mình sang chế độ đa nguyên đa đảng. Đây cũng là chỗ để Việt Nam mình phải suy nghĩ khi đứng bên anh khổng lồ Trung Quốc.

Trước tiên là chuyện trong nhà chúng ta. Trong khi ông Võ Văn Kiệt công nhận là yêu nước có trăm đường chứ không phải một, và kêu gọi người Việt hải ngoại chung sức đưa đất nước đi lên, thì chính phủ CSVN lập tức bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý, đẩy thêm nhiều nhà dân chủ vào tù. Cho dù ông Kiệt có nói với Việt Kiều lời thật từ trong tâm ông, nhưng có vẻ như ông Kiệt không muốn nói với những người dị biệt ý kiến trong nước. Có phải đó là thói quen tương tự mà TT Putin đã biểu diễn quyền lực gần đây" Nghĩa là khi TT Putin nói với các phóng viên ở Paris, ở Rome thì lời nói rất mực "cảm thông và đối thoại," nhưng thực tế nơi quê nhà nước Nga thì lại dàn dựng toàn là độc thoại.

Chỗ này cũng cho chúng ta thấy chỗ đáng ngại: với thói quen chuyên chính bạo lực đã quen, nhà nước CS Trung Quốc tất nhiên cũng sẽ nhìn Việt Nam chúng ta hệt như Nga đang nhìn nước cựu đàn em Estonia. Chỉ bất hạnh là Việt Nam chưa thoát chế độ chuyên chính, trong khi Estonia đã may mắn hơn.

Điều đáng ngại nữa, rằng Trung Quốc trong vài thập niên tới sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới, cho dù sức mạnh quân sự vẫn không thể qua mặt Hoa Kỳ. Với chân lý rút ra được, rằng thói quen bạo lực khó từ bỏ, chúng ta có thể nghi ngờ Trung Quốc cũng sẽ có các màn bắt nạt hợm hĩnh, cũng y hệt như Nga đã đánh sập mạng Internet của chính phủ Estonia ngày 17-5-2007. Đó là chưa nói chuyện Biển Đông có thể sẽ căng thẳng hơn.

Vấn đề nơi đây là: chúng ta làm cách nào để chính phủ Trung Quốc phải từ bỏ thói quen bạo lực" Thí dụ, chúng ta nên giúp các nhà dân chủ Bắc Kinh, hay giúp dân oan Thượng Hải" Thực tế, Hà Nội không dám can thiệp như thế, dù là về lâu dài một chế độ đa nguyên đa đảng ở Hoa Lục sẽ có lợi cho Việt Nam hơn là một bộ máy độc đảng toàn trị ở Bắc Kinh.

Thêm nữa, nhà nước Trung Quốc trước giờ vẫn chứng tỏ nhiều mưu kế độc hại cho VN. Thí dụ như chuyện in tiền giả đưa vào VN xài, hay chuyện cho người giả lái buôn Đài Loan sang dụ dân Miền Tây Nam Bộ mình nuôi ốc bươu vàng, hay cho lái buôn biên giới gạ mua móng trâu giá đắt để nông dân mình bán sạch trâu đi, hay đủ thứ độc chiêu nữa.

Còn một chỗ mà mấy anh Thiên Triều có thể lợi dụng nữa: Đó là khi các nhà ngoại cảm Trung Quốc có thể chiêu dụ các nhà ngoại cảm Việt Nam bằng các màn lên đồng lên cốt, cầu cơ cầu hồn, để sẽ cho hồn ma Mao Trạch Đông đối thoại với hồn ma ông Hồ Chí Minh, lại thêm rằng lời nhắn của Bác Hồ từ bên kia cõi tử là xin các cháu ngoan của Bác hãy nhớ rằng: núi liền núi, sông liền sông, Trung Quốc và Việt Nam là một, chứ không phải là hai…

Các nhà ngoại cảm VN nào thắc mắc, thì Bác sẽ giải thích thêm, rằng Bác đang đoàn tụ hạnh phúc với bậc nữ lưu Tăng Tuyết Minh… và Bác không muốn làm giai nhân Phương Bắc buồn bã giận dỗi làm chi…

Cũng là thói quen khó bỏ đó vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.