Hôm nay,  

Chuyện Ở Làng Hoa Lài

21/03/200100:00:00(Xem: 6203)
Bạn
Tại vùng ngoại thành Sài Gòn, có một ngôi làng chuyên trồng hoa lài. Đó là làng An Phú Đông thuộc huyện Hóc Môn, nơi cung cấp hoa lài làm hương liệu ướp trà cho phần lớn thị trường ở miền Nam. Nhờ nghề trồng hoa lài, người dân ở An Phú Đông đã vượt qua cảnh nghèo, có đời sống tạm ổn. Một nữ phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã ghé thăm làng này vào lúc cả làng đang trong những ngày thu hoạch đang rộ của vụ lài đầu năm 2001, những con đường trong làng đều ngát hương thơm hoa lài, và nữ phóng viên này được nghe một cụ già, người khai sinh ra nghề trồng lài ở An Phú Đông kể chuyện về làng lài này như sau.

Làng hoa lài An Phú Đông ra đời cách đây gần 70 năm. Người được coi là ông tổ của nghề trồng lài đến nay vẫn còn sống. Ông là Huỳnh Văn Đặng. Người ta thường gọi ông là ông Ba Đặng. Năm 1938-1939, ông là một học sinh trường tư thục ở Gò Vấp, khi đó cũng là một làng trồng hoa nổi tiếng. Cậu bé Đặng khi ấy đã xin một vài cành hoa lài về nhà, găm xuống đất. Không ngờ mảnh đất Hóc Môn thích hợp, nên hoa lài phát triển rất nhanh, bông thơm vô cùng. Dần dà, ông thấy có nhiều người hỏi mua hoa, mua cây nên nhân lên thành vườn đến 300 cây. Gia đình, làng xóm cũng bắt chước trồng theo. Làng An Phú Đông biến thành làng lài từ đó.

Theo lời ông Đặng thì hoa lài của An Phú Đông không hoàn toàn giống với hoa lài hay còn gọi là hoa nhài ở các nơi cho lắm, mặc dù cây và hoa có vẻ giống nhau, mùi hương như nhau, nhưng hoa lài ở An Phú Đông chỉ có một tầng cánh, mùi hương đậm hơn, xuất xứ từ Pháp. Nghe nói một kg là chiết xuất được 20cc tinh dầu lài, 1cc tinh dầu lài giá trên thị trường hơn 200 đô. Dường như loại đất pha sét của Hóc Môn rất thích hợp với hoa lài. Chính vì vậy mà ở đây khi mùa hoa được giá nhà nào cũng trồng. Khi mất giá người ta lại phá bỏ đi. Găm cây lài xuống đất chỉ chừng sáu tháng là đã có hoa lợi. Khi lài đã ra bụi là chẳng cần chăm’ sóc gì nhiều cho lắm mà lại có thu hoạch mỗi ngày vì lài ra bông mỗi ngày. Ông Đặng bảo trồng lài cũng chẳng cực gì mấy, chỉ cần chịu khó để hái hoa cho kịp nếu không sẽ bị nở, hết hương.

Được nhiều người mách nước, nữ phóng viên trên đã ghé đến thăm nhà chị Diệp Thị Huệ, một người trồng lài nổi tiếng của An Phú Đông. Chị vừa trồng lài vừa chiết cây con bán, vừa là thương lái mua bán hoa với các tiệm trà của Chợ Lớn, các công ty chế biến trà. Căn nhà của chị rộng rãi, khang trang nằm giữa một vườn lài rộng lớn. Gia đình chị đã coi nghề trồng lài là nghề truyền thống. Mỗi năm thu hoạch bình quân của gia đình chị nhờ cây lài lên đến 100 triệu đồng. Dẫn tôi ra xem khu vườn ươm, chị Huệ kể tỉ mỉ cho tôi nghe cách trộn đất, trộn phân, trấu để vô bọc, cách ươm cây ra sao. Mỗi một cây con bán được một nghìn đồng. Một năm nhà chị bán đến hàng triệu cây con. Rất nhiều người dân An Phú Đông khá giả được nhờ trà.

Bạn,
Cũng theo báo quốc nội, ở An Phú Đông, Hóc Môn cả việc trồng và thu hoạch hoa lài đều là của phụ nữ. Dụng cụ lao động của các bà các cô cũng thật đơn giản, chỉ cần một chiếc giỏ đeo ngang lưng, mỗi ngày có thể hái được 7-8kg. Lài hái xong phải giao ngay trong ngày, khi còn nụ, để tới đêm là lài nở mất hết hương, khi ấy chỉ còn đổ bỏ. G iống như nhiều giống cây khác, lài cũng không thoát khỏi tình trạng cheo leo về giá cả, khi được, khi mất giá tùy theo mùa. Mùa nắng nóng, lài ra bông nhiều, giá hạ, mùa Tết lạnh giá cao. Có một điều là lài thơm thế, đẹp thế, giá thành hạ thế mà ở Việt Nam lại chưa có nơi nào chiết xuất tinh dầu lài.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.