Trong một lá thư trước, chúng tôi có đề cập đến thực trạng của ngành kinh doanh và khai thác dịch vụ du lịch, khách sạn của Việt Nam. Ghi nhận chung của các chuyên viên là ngành khách sạn Việt Nam ở trong tình trạng cung vượt cầu, số khách thuê phòng ngày càng giảm trong khi số khách sạn từ không sao đến năm sao cứ trăm hoa đua nở. Theo báo trong nước, hiện nay, toàn Việt Nam có khoảng 3 ngàn 50 khách sạn với hơn 55 ngàn. Riêng tại 10 trung tâm du lịch Hà Nội, Tp.Sài Gòn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ đã chiếm tới 80% số lượng buồng khách sạn trong nước. Tại một số thành phố như Sài Gòn, Hà Nội, số lượng khách quốc tế giảm đáng kể, số phòng cho thuê/tổng số phòng hiện có chỉ ở mức trung bình 40%.
Tại một cuộc hội thảo về ngành du lịch khách sạn, tổng cục Du lịch CSVN cho biết: Hầu hết các khách sạn đều giảm giá phòng từ 15-20%, thậm chí một số khách sạn quốc tế giảm 25 - 35%, song tình trạng ế khách vẫn kéo dài, tổng doanh thu giảm mạnh. Hiện trạng này được báo Sài Gòn ghi nhận như sau:
Việc giảm doanh thu từ buồng phòng khách sạn, ngoài nguyên nhân khách quan do cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực dẫn đến khách quốc tế vào Việt Nam ít đi, còn có những nhược điểm kéo dài trong nhiều năm nay của chính ngành du lịch: sự quảng bá, tiếp thị, phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự còn yếu kém. Trước tình thế đó, các nhà kinh doanh khách sạn đã quay sang khai thác thị trường nội địa. Mạnh ai lấy làm, tự giảm giá phòng, mở thêm dịch vụ. Anh Đào Minh Hải, Trưởng phòng kinh doanh Khách sạn Nam Long ở Hà Nội nói với các phóng viên: “Để có thể duy trì và phát triển, chúng tôi phải giảm 20% giá phòng, mở thêm các dịch vụ kinh doanh. Một quản lý khách sạn đã than: vừa giảm giá phòng, tăng dịch vụ, vừa giảm bớt đội ngũ nhân viên, nhưng doanh thu cuối năm 1998 chẳng là bao.