Hôm nay,  

Lại Chất Độc Nowitschok!

03/09/202008:46:00(Xem: 2554)


Bài của Georg Mascolo và Holger Stark*

Người dịch: Phạm Hồng-Lam


Chính phủ Đức vừa loan tin, nhà đối lập Alexej Nawalny ở Nga bị ám hại vì chất độc Nowitschok. Cách đây hai năm, ông Sergej Sripal người Nga ở Liên Hiệp Vương Quốc (Anh) và người con gái cũng bị hai sĩ quan tình báo từ Nga sang đầu độc bằng chất này. Chất độc này có tính năng ra sao? Và tại sao thế giới phương tây nhận diện được loại độc chất này? Bài viết sau đây cho biết một vài sự kiện liên quan.



Vào một buổi chiều tối giữa thập niên 90 có một người lạ đứng trước cổng Cơ Quan Tình Báo nước Đức (BND) ở Pullach, bang Bayern. Người này tự giới thiệu là một nhà khoa học từ Nga và yêu cầu được vào cửa. Cuộc hẹn đã được chuẩn bị từ trước. Những người trong cuộc cho hay, trước đó người lạ đã cho biết là ông muốn rời bỏ Nga để về với nước Đức. Ông đã trải qua một cuộc hành trình cam go, băng qua Ukraina và Áo để tới Đức. Và giờ đây ông đang đứng ở đây, và ông hứa vợ mình sẽ mang tới cho Đức một mẫu hoá chất bí mật đang được âm thầm nói tới, và sự kiện này sẽ mang lại những hệ quả gia trọng cho chính sách an ninh.

Mẫu hoá chất mà người vợ của anh điệp viên tìm cách chuồn qua biên giới Nga sau đó không lâu, để đưa vào Đức, chỉ cân nặng vài miligram, nhưng phải vô cùng cẩn trọng khi tiếp xúc với nó. Đây là một hợp chất gồm hai thành tố, mà theo lời điệp viên kia, nó là một vũ khí hoá học gây liệt thần kinh cực độc như chưa bao giờ có.

Chất độc này được biết dưới tên Nowitschok, tiếng Nga có nghĩa là „chất mới“, một hợp chất nổi tiếng thế giới từ dạo tháng Ba vừa rồi, khi cựu điệp viên nga Sergej Skripal và con gái của ông bị đầu độc ở Salibury, Anh quốc.

Sở dĩ phương tây biết được loại vũ khí hoá học này là nhờ một điệp vụ của Đức. Helmut Kohl, Thủ Tướng nước Đức lúc đó, đã tự quyết định chia sẻ cái biết độc quyền này cho một số thành viên quan trọng trong khối Nato. Trễ nhất là cho tới lúc đó người Anh biết được các chi tiết về Nowitschok.

Những hiểu biết của Đức đã góp phần giúp Thủ Tướng nước Anh, bà Theresa May, có thể cho thế giới biết, Skripal và con gái đã bị đầu độc bởi Nowitschok, chỉ trong vòng mấy ngày sau khi sự việc xẩy ra. Nhưng những thông tin tình báo của Đức đồng thời cũng cho thấy sự khó khăn trong việc xác định thủ phạm. Là vì cũng như một sản phẩm xe hơi, tuy cùng một loại nhưng lại có nhiều kiểu khác nhau, thì Nowitschok cũng được tiếp tục chế tác thành nhiều loại, mang những tên bàn giấy như A230, A232 hay A234. Và từ những năm 1990s nhiều quốc gia đã biết được công thức của chất đó; và chẳng hạn như Hoa-kì đã hoà trộn các chất đó với liều lượng nhỏ, để cải tiến các biện pháp để phòng của mình. Còn một số nước khác, ít nhất nhờ những tiết lộ của Đức, đã nắm được công thức của loại chất độc đó.

 Việc hồi chánh của nhà khoa học nga đã đẩy thủ tướng Kohl vào một tình cảnh khó khăn: Nước Đức có được phép tìm hiểu thứ vũ khí hoá học bị thế giới lên án không, cho dù đó là một mẫu thí nghiệm? Và Đức phải đối xử với Nga ra sao về việc khám phá ra thứ vũ khí bí mật bị cấm này, trong lúc Nga vừa để cho Đức được thống nhất đất nước? Nhưng Đức đồng thời cũng cần tới phe Đồng Minh!  

Qua các trao đổi với nhiều nhân vật trong cuộc ta có thể mô tả lại diễn tiến điệp vụ vô cùng tế nhị về mặt chính trị thời đó như sau: Phủ Thủ Tướng, Bộ Quốc Phòng, Cơ Quan Tình Báo từ chối cho biết í kiến, vì sợ lộ bí mật, mà cũng vì ngại làm nóng thêm những cuộc tranh luận về Nowitschok và về chính sách của Nga hiện nay.

Đầu thập niên 90, khi khối Đông Âu đang trên đường tan rã, tình báo Đức đã có được sự cộng tác của một nhà khoa học nga vốn làm việc trong chương trình vũ khí hoá học của Nga.

Lúc đầu, nhà khoa học này còn chần chừ, nhưng sau đó đã đồng í cộng tác. Ông còn quả quyết, là mình có thể lấy được một mẫu hoá chất giết người mà mình đang nghiên cứu. Tình báo đức như vừa bị điện giật vừa bị báo động. Bị điện giật, vì mới đây họ nghe phong phanh tin đồn, là Nga đang âm thầm chế biến một loại vũ khí hoá học mới, có lẽ xuất phát từ „nhóm các chất có chứa phốt-pho“. Nhưng cụ thể đó là chất nào thì họ mù tịt. Bị báo động, là vì theo các Thoả Ước Paris nước Đức trẻ sau 1954 không được phép tái võ trang các loại vũ khí có khả năng giết người hàng loạt – đặc biệt không được đụng đến hoá chất độc, mà trước đây Đức đã sản xuất và đã sử dụng trong Thế Chiến I. Giờ đây bỗng dưng họ lại có trong tay một thứ vũ khí loại đó, dù đấy mới chỉ là một mẫu thí nghiệm.

 Vấn đề được đưa lên tới Thủ Tướng và Quốc Vụ Khanh đặc trách tình báo, ông Bernd Schmidbauer. Hai người này nghĩ ra một kế để tránh hậu quả về sau: Schmidbauer trình bày tóm tắt sự việc cho Kohl trên một mẩu giấy màu vàng, và khi đọc xong thì Kohl huỷ ngay mẩu giấy này. Như thế chẳng để lại một dấu tích gì trong hồ sơ, và về sau, nếu cần, Kohl có thể chối là mình đã chẳng được thông tin về chuyện này. 

Những người trong cuộc nhớ lại rằng, trên mẩu giấy vàng đó Schmidbauer đã cho Kohl hay về nhân vật quy chánh và mẫu hoá chất. Sau ngày xuất hiện của nhà khoa học nga, Phủ Thủ Tướng triệu tập một cuộc họp trong vòng rất nhỏ, trong đó có mặt Konrad Porzner, Giám Đốc BND, và Volker Foersch, trưởng ban đặc trách những tình báo viên từ Nga. 

Câu hỏi quan trọng nhất của cuộc họp: phải làm sao với mẫu hoá chất có trong tay? Người Đức tự mình có thể có khả năng phân chất mẫu này. Nhưng các luật gia trong Phủ Thủ Tướng cảnh báo, việc mình sở hữu mấy miligram hoá chất kia là một vi phạm Thoả Ước Paris. Hơn nữa, Đức cũng vừa chuẩn nhận thoả ước cấm chế tạo và phổ biền các loại vũ khí hoá học vào năm 1994. „Chúng ta nhất thiết không muốn tạo cho người ta có cảm tưởng, rằng mình thích thú với những thứ vũ khí hoá chất như thế“, một nhân vật có mặt lúc đó đã nói như thế.

Thủ Tướng và các cố vấn đã quyết định không khám nghiệm mẫu đó ở Đức. Họ uỷ cho BND tìm liên lạc với một nước trung lập, để giúp việc này. Và Thuỵ-điển đã bằng lòng giúp. Với những thận trọng tuyệt đối mẫu thử đã được chuyển tới Thuỵ-điển.

Kết quả đã có được sau nhiều tuần khám nghiệm. Theo đó, đây là một thứ „vũ khí hoá học lạ gồm có hai thành tố“; nó rất độc và „phe Nato chưa có biện pháp nào để chống lại nó“. Thuỵ-điển gởi công thức về cho Đức. Nowitschok được phát hiện từ ngày đó.

 Quái lạ, không hiểu sao mà người Nga đã dấu sản phẩm bí mật đó được lâu như thế. Là vì từ tháng Năm 1971 Hội Đồng Bộ Trưởng của Liên-Xô và Uỷ Ban Trung Ương đảng cộng sản đã quyết định đẩy mạnh việc phát triển một loại vũ khí hoá học mới, thuộc đời thứ tư. Chương trình nghiên cứu này mang mật danh „Foliant“, được điều hợp bởi một viện nghiên cứu nằm chìm lấp giữa khu kĩ nghệ ở ngoại ô Moskau. Năm 1973 các nhà khoa học nga cho hay, họ đã thành công liên kết được một hợp chất hữu cơ phốt-pho cực độc; hợp chất này có khả năng ngăn chặn một enzym đặc biệt của cơ thể, gây co rút cơ bắp khiến ngạt thở và dẫn tới tê liệt cơ tim. 

Với thời gian, chất này được chế biến tinh tế hơn. Trong thập niên 80 Nga đã thành công phát triển được một hợp chất gồm hai thành tố hợp pháp vốn vẫn được dùng trong nông nghiệp. Nó chỉ trở nên độc hại, khi hai thành tố đó được hoà lẫn với nhau, ngay trước khi sử dụng. Với cách đó chương trình vũ khí hoá học được họ „núp dưới chiêu bài sản xuất sản phẩm thương mại hợp pháp“, như lời của nhà khoa học có tham gia chường trình „Foliant“ Wil Mirsajanow nhiều năm sau cho biết. Theo nhân vật này, trải qua nhiều năm Nga đã đưa vào kho vũ khí hoá học của mình ít nhất hai dị bản Nowitschok. Chúng tác động mạnh hơn loại độc chất VX gấp năm tới tám lần.

Năm 1987 tổng bí thư đảng cộng sản Michail Gorbatschow công khai tuyên bố, là Liên-Xô đã chấm dứt việc chế biến vũ khí hoá học. Sau đó, trong một thoả ước chung với Hoa-kì, ông hứa sẽ bạch hoá toàn bộ kho vũ khí hoá học của Liên-Xô. Để thiên hạ tin hơn vào lời tuyên bố đó, ông cho phép một nhóm kí giả và nhà ngoại giao ngoại quốc bay tới quan sát phòng thí nghiệm vũ khí hoá học bí mật của Hồng Binh tại tỉnh nhỏ Schichany. Nhưng ông im bặt về danh xưng Nowitschok; Nga dấu tiệt sự có mặt của loại vũ khí này.

Nhà khoa học hồi chánh trên đây không những đã nhờ vợ giúp chuyển sang Âu châu một mẫu hoá chất, mà còn cho người Đức biết, là ông cũng là kẻ có tham gia vào việc phát triển hoá chất đó. Do đó mấy giọt hoá chất lỏng chết người đã biến thành một vụ chính trị có khả năng gây hệ quả toàn cầu. Thủ tướng Kohl phải làm sao đây?

Trong những năm này, Kohl đang ở trong một hoàn cảnh rất tế nhị của một quốc gia vừa mới được thống nhất. Đối với người Mĩ, ông vận động họ triệt thoái hết kho vũ khí hoá học trên đất nước mình; tháng Bảy 1990 quân đội hoa-kì cho đóng 120.000 đầu đạn vào trong những thùng hàng kín cùng 437 tấn Sarin và VX xuống tàu chuyển về Hoa-kì. Phía Liên-Xô, Kohl thoả thuận được với Gorbatschow và sau đó với Jelzin triệt thoái toàn bộ quân đội và vũ khí nguyên tử ra khỏi phần đất Đông Đức cũ.

Jelzin lên thay Gorbatschow vào mùa hè 1991. Giữa Jelzin và Kohl nẩy sinh tình thân. Jelzin giới thiệu gia đình ông với Kohl và cả hai cùng đi tắm hơi trong biển Baikal. Nhờ sự thân thiết đó sự thống nhất của hai nước Đức đã có thể diễn tiến xuôi chảy. „Đã có một không khí đầy lạc quan và một sự tin cậy vững chắc giữa hai bên“, quốc vụ khanh Schmidbauer thời đó đã cho hay như thế.

Nhưng kết quả phân chất của phòng thí nghiệm thuỵ-điển đã làm xáo trộn tình trạng hài hoà ngoại giao. Nước Nga đã không ngừng nói láo trong quá khứ, nay họ vẫn còn chối về sự hiện diện của các vũ khí hoá học. Kohl và Schmidbauer đưa ra hai quyết định: Họ lệnh cho BND thông báo sự việc tới những thành viên quan trọng nhất của Nato: Hoa-kì, Anh, Pháp, Hoà-lan và Canada. Tình báo của sáu quốc gia này lập thành một nhóm, cùng nghiên cứu và trao đổi với nhau suốt nhiều năm về Nowitschok.  Quyết định thứ hai là một tín hiệu cho Moskau. Nhân một phái đoàn của Đức lại sang Nga, người đại diện của Kohl đã kéo người của Jelzin, trong đó có vị trưởng tình báo quốc ngoại của Nga, ra một nơi và cho họ biết, rằng Đức đã biết về thứ vũ khí hoá học kia rồi. Đức chẳng đưa ra lời đe doạ hoặc yêu sách nào cả, chỉ cho họ biết, là mình đã nắm được bí mật mà thôi. Người Nga đón nhận thông tin trong im lặng. Họ hiểu cái tín hiệu của Đức: Phương tây không muốn làm lớn chuyện Nowitschok và không muốn làm bẽ mặt Jelzin, nhưng vẫn ráo riết theo dõi mọi hành vi của Nga.

Sở dĩ công luận biết được sự có mặt của Nowitschok là nhờ nhà khoa học Will Mirsajanow, người làm việc tại viện nghiên cứu hoá học hữu cơ và kĩ thuật ở Moskau; viện này cũng tham dự vào việc chế biến Nowitschow. Tháng Mười 1991 Mirsajanow công bố một luận văn trên một tờ báo ở Moskau, trong đó ông bật mí cho biết, Nga đã thành công chế biến được một hoá chất cực độc mới, nhưng ông đã không đá động gì tới danh xưng Nowitschok. Một năm sau, tháng Chín 1992, ông phổ biến một bài thứ hai, bị bắt một thời gian, sau đó được di cư sang Hoa-kì vào năm 1995. Năm 2008 ông cho xuất bản một phần công thức của hoá chất độc đó.

Cho tới nay các học giả bên ngoài vẫn chưa nắm vững được công thức chính xác của Nowitschok. Nhưng nhờ sự trở về của nhà khoa học nga trên đây và nhờ thêm những người hồi chánh sau này khi Liên-Xô tan rã, phương tây đã nắm vững từ hơn 20 năm nay các chi tiết về loại hoá chất đó.

Mirsajanow vẫn còn sống ở Hoa-kì; ông cho biết, chất đó độc đến nỗi, chỉ có cấp quốc gia mới chế biến và sử dụng được nó. Wladimir Ugljow, một chuyên viên nga khác có liên hệ với Nowitschok, cho hay, muốn di chuyển chất đó tới địa điểm khủng bố hay đầu độc, cần phải có một thùng chân không thật kín để chứa các nắm bông gòn nhỏ và bột. Ở Salisbury người ta đã quệt chất này vào nắm cửa phòng của Skripal và ông này đã vô tình đụng vào.

Vị đại sứ đương nhiệm của Nga tại London quả quyết: „Chúng tôi không chế tạo và dự trữ Nowitschok.“ Dấu hiệu cho thấy người Nga nhúng tay trong vụ này đã rõ, nhưng chứng cứ cho thấy chính họ là thủ phạm quả thật còn thiếu. Anh cho biết, loại Nowitschok được sử dụng tại Salisbury là một sản phẩm của lò thí nghiệm tại Schichany, một thành phố nhỏ của Nga, nơi mà trong thập niên 80 Gorbatschow đã cho một nhóm nhà báo và nhà ngoại giao tới quan sát. Có thể chúng ta sẽ biết rõ hơn, khi so sánh độ tinh chất giữa mẫu của BND trước đây và mẫu lấy được ở Salisbury.

Nhà khoa học nga đứng trước cổng Sở Tinh Báo BND giữa thập niên 90 trước đây là một người hành động vì lí tưởng, chứ hoàn toàn không phải vì tiền; một người trong cuộc cho biết như thế. Ông đã đưa được vợ và các con sang với mình. Vụ Salisbury chứng minh cho thấy có thể xẩy ra những gì đã tiên đoán. BND đã tạo cho ông có một căn cước mới và đã bảo vệ ông trong nhiều năm. Kể từ 1998 sự bảo vệ này được chuyển qua tay quân đội. Nhưng tới nay ông vẫn không ngừng lo cho mạng sống của mình, vì ông biết, bà mẹ Nga của ông thù dai lắm.

    

* Mascolo là trưởng nhóm liên kết nghiên cứu của tập hợp các hệ thống truyền thông tại Đức „Süddeutsche Zeitung“, NDR và WDR.  Trích „Die Zeit“ ngày 17.5.2018. Đầu đề bài nguyên là: Thông Báo Và Làm Thinh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.