Hôm nay,  

“Con Ma Nga” Hồi Sinh

18/07/201700:00:00(Xem: 12551)

...đến hôm nay, Thượng Viện đã phê chuẩn đúng 46 viên chức do TT Trump đề cử, 130 vị còn chờ...

Cuộc chiến Trump – TTDC bước thêm một bước nữa về phiá một mất một còn. Hết thuốc chữa! Chắc phải đợi tới khi một trong hai bên chết gục mới chấm dứt.

Để thấy rõ quyết tâm hạ TT Trump cho bằng được của TTDC, một chiêu mà họ cho là độc chiêu, “con ma Nga”, đã lại được tung ra để thay thế chiêu Scarborough hay màn đánh đô vật đã hết ăn khách.

Tin mới nhất do NYT xì ra: con trai và con rể của TT Trump họp mật với “Nga” để lấy tin đánh bà Hillary, tháng Sáu năm ngoái.

Cám ơn trời đất câu chuyện “Nga xiá vào giúp Trump” lại có dịp được khui ra sau khi bị xì hơi bấy lâu nay. Phe ta chết đi sống lại.

Đại để, có một luật sư quen với một ông bạn của TT Trump trước đây cùng tổ chức thi hoa hậu tại Nga tên là Goldstone. Ông này báo cho con cả TT Trump, Donald Trump Jr, là có một bà luật sư Nga tên là Natalia Veselnitskaya, có tin mật bất lợi cho bà Hillary, muốn chia sẻ cho anh Trump con. Anh này rủ ông em rể Jared Kushner và ông Paul Manafort đi gặp bà.

Theo ông con của TT Trump, họ đi gặp, có ba người: ông con cả, ông con rể và ông Manafort. Về phiá Nga, có hai vị luật sư. Tin mới nhất, “có thể có vài người nữa”, trong đó có một ông mà TTDC hô hoán là “mật vụ Nga”, qua Mỹ làm nghề vận động hành lang lâu rồi (ngay sau khi tin được công bố, ông này đã chính thức cải chính, cho là tin phịa, vì ông chỉ có đi quân dịch đúng 2 năm, ngoài ra không có quan hệ gì khác với chính quyền Nga).

Sau khi chào hỏi, nói chuyện mưa nắng vài phút đầu, thì bà luật sư cho biết có tin tức về Nga bí mật chi tiền cho đảng DC. Ông Trump con hỏi có bằng chứng gì thì bà luật sư trả lời “đây là chuyện mấy ông phải lo”. Rồi bà luật sư quay qua bàn về luật Magnitsky, là luật quốc hội Mỹ biểu quyết năm 2012 để trừng phạt Nga sau khi một chính khách đối lập tên là Magnitsky bị Putin sát hại. Ông Trump con thấy ngay bà luật sư thật ra chỉ muốn vận động ông Trump thu hồi luật này nếu đắc cử thôi. Cả ông Goldstone lẫn hai ông Trump con đều bị lừa. Tin xấu về bà Hillary chỉ là mồi nhử.

Thế là cuộc họp “ghê gớm nhất thiên niên kỷ” chấm dứt sau đúng 20 phút.

Ông con và ông con rể khi đó đều là hai cá nhân chẳng có chức vụ gì trong ban vận động của ứng viên Trump. Ông Manafort, khi đó còn là giám đốc ban vận động, nhưng còn vài ngày nữa thì từ chức, đang chờ bàn giao, chẳng còn quyền hành gì.

Dù vậy, theo NYT, đây là bom CBU chấn động chính trường, chứng minh cụ thể là Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump “thông đồng” với Nga để hại bà Hillary, giúp ông Trump đắc cử.

Có thể. Hiện nay, chẳng ai có thể khẳng định gì hết. Cũng chẳng ai biết còn chuyện bí mật nào sẽ bị bật mí trong những ngày tới. Chắc chắn là ông công tố đặc biệt Robert Mueller sẽ không tha chuyện này. Chúng ta phải chờ kết quả thôi.

Những người có thành kiến phe phái dĩ nhiên chẳng chờ một giây, mà nhẩy bổ vào ngay kẻo bát canh nguội mất, thêm chút mắm muối để có dịp đánh Trump cho sướng tay. Sau đó, nếu bị hớ thì cứ phớt lờ là xong. “Tinh thần trách nhiệm” là thứ đồ cổ xa xỉ của võ sĩ đạo Nhật thời mấy thế kỷ trước, quá “diễm xưa” rồi. Cũng giống như việc không ít người hồ hởi sỉ vả TT Trump “dốt luật” sau khi thấy vài quan tòa bác sắc lệnh tạm hoãn di dân Trung Đông vào Mỹ. Đến khi Tối Cao Pháp Viện biểu quyết 9-0 tái lập lại lệnh đó, thì họ bị alzheimer hết, quên bẵng mấy cái sắc lệnh của TT Trump ngay, không bàn nữa.

Việc vài phụ tá của ứng viên Trump nghe nói có người có tin xấu về bà Hillary, vội vã hẹn gặp để nghe, thật ra là chuyện bình thường nhất trong chính trị Mỹ, nhất là trong mùa tranh cử. Các ứng viên tốn bạc trăm triệu, thậm chí bà Hillary chi ra gần một tỷ đô để tìm thắng lợi chứ không phải để làm quân tử Tầu. Nếu có ai nghĩ là hai bên đều phải tranh cử trong tinh thần thượng võ, lương thiện, trong trắng như... ma sơ, thì người đó có lẽ mới ra đời tuần trước. Nếu không thì là... cực kỳ giả dối.

Trong tất cả các cuộc tranh cử, tất cả mọi phe đều luôn luôn có một bộ phận gọi là “opposition research”, truy cứu đối lập, chuyên môn đi đào bới những tin xấu liên quan đến đối thủ để đánh. Không chừa bất cứ chuyện gì. Kể cả tin từ ngày đối thủ mới tập đi, biết nói, cho đến tin liên quan đến gia đình, họ hàng ba đời, bạn bè quen biết thân sơ,... Tất cả những tài liệu, báo cũ,... tại các văn khố, thư viện,... đều được truy lùng, cả trăm người được phỏng vấn, hỏi thăm tin tức. Ta còn nhớ trước đây, CNN đã từng cử ba phóng viên đi điều tra xem ứng viên Ben Carson hồi học tiểu học có đấm một anh bạn cùng lớp hay không.

Bây giờ, bộ phận oppo research của bà Hillary đã đóng cửa tiệm lâu rồi, nhưng cuộc “lùng bắt phù thủy” được TTDC tiếp tục. Họ cũng bỏ cực kỳ nhiều công sức và thời giờ, cũng như tiền bạc. Bởi vậy quý độc giả mới thấy chỉ có những cơ quan lớn nhất như NYT hay WaPo hay CNN mới xì ra được những đòn đánh Trump. Mấy vụ như một câu nói trong vài giây đồng hồ của Trump cách đây 20 năm liên quan đến chuyện “chộp bướm bắt chim” tất nhiên đòi hỏi cả chục người bỏ cả ngàn giờ đi tìm rồi nghe lại cả vạn khúc băng cũ của cả mấy chục năm hơn. Mấy cơ quan nhỏ hơn không đủ phương tiện, tiền bạc và nhân sự để đi bới tất cả mọi thùng rác.

Dĩ nhiên khi nhà báo được thông báo có tin mật có thể xì ra thì họ mau mau chạy đến để lấy tin ngay. Như tin về Pentagon Papers, Watergate, Monica, Wikileaks, ma Nga,... Bất cứ ai nói gì, mấy anh nhà báo đều vểnh tai nghe hết. Họ đi nghe tin thì tự cho mình là những “nhà báo có tinh thần trách nhiệm, đi tìm sự thật”.

Nói vậy để thấy rằng khi ông Trump con nghe nói có người có tin mật bất lợi cho bà Hillary thì dĩ nhiên là anh ta cũng muốn biết ngay. Phải ngu lắm mới bỏ qua dịp may này. Việc ông Trump con đi gặp bà luật sư Nga chẳng có gì lạ lùng hay ghê gớm.

Hai cá nhân đi gặp bà luật sư Nga. Sau đó, chẳng có chuyện gì xẩy ra, bà luật sư chẳng cung cấp một tin xấu nào về bà Hillary để ban vận động của ông Trump khai thác. Thế thì họ có tội gì? Vi phạm luật gì? Ảnh hưởng như thế nào vào cuộc bầu cử? Kẻ này thật sự “dốt luật”, xin các vị thông thái chỉ giáo. Nhưng có chỉ giáo, xin quý vị nhớ chỉ giáo một cách nghiêm chỉnh dùm nhé. Đừng chỉ bừa, mai mốt bị hố, mất công bị alzheimer nữa đấy.

TTDC hô hoán con TT Trump gặp “Nga”. Họ ám chỉ Putin và cả chính quyền Nga đứng sau lưng bà luật sư và anh “mật vụ”, dù chẳng có một bằng chứng nào họ là đại diện cho Putin hay là viên chức cao cấp của Nga. Gọi là phóng đại để bi thảm hoá câu chuyện.

Tóm lại đây là loại tin bới vết tìm sâu, thấy được con sâu, mừng quýnh, thổi phồng thành con voi.

Phe ta nhẩy bổ vào khai thác tối đa. Ông Tim Kaine, cựu ứng viên phó trong liên danh bà Hillary, phán ngay: liên lạc với Nga tìm cách lấy tin chống bà Hillary là... phản quốc! “Treason”, khiếp quá! Nhưng mà nghe quen quen. Ở cái xứ “đại tài” của ta, đụng vào “bác Hồ” như anh Ngô Bảo Châu giỏi toán nhưng dốt chính trị, đương nhiên là phản quốc, yêu nước là phải phủ phục dưới chân “bác”. Ở cái xứ Mỹ bây giờ, chống bà Hillary cũng là phản quốc luôn, công kênh bà Hillary mới là yêu nước. Trùng hợp hơi lạ?

Vài anh nhà báo bắt bẻ, nói là ông Trump con phạm luật vì đúng ra phải báo FBI ngay khi có tin bà luật sư muốn chia sẻ tin xấu về bà Hillary. Đây là họ dựa trên điều trần của ông Christopher Wray, khi Thượng Viện chất vấn để phê chuẩn ông làm giám đốc FBI.

Cũng vẫn là mấy vị thông thái biết hết luật Mỹ, lại chê bố con Trump dốt luật nữa! Dĩ nhiên, nếu ai thấy chuyện gì có vẻ bất hợp pháp thì nên báo FBI thật, nhưng thực tế là từ xưa đến nay, cả triệu tin xấu về các đối thủ chính trị đã bị khai thác triệt để trong các cuộc tranh cử, từ bầu tổng thống tới bầu điạ phương, nhưng chẳng khi nào có ai đi báo FBI hết. Trong cái xứ “đỉnh cao” của ta, thấy phản động mà không đi báo công an là chết cả nhà. Ở xứ Mỹ này, không ai bị bắt buộc phải đi mách FBI chuyện gì hết. Trừ phi ta đổi tên nước là... “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Cờ Hoa” và mời xếp công an Trần Đại Quang qua làm giám đốc FBI!


Mấy vị thông thái biết hết luật Mỹ cũng la ó “sao ông Trump con lại phải đi mướn luật sư? Không có tật sao giật mình?”. Kẻ này thật sự không biết quý vị đó qua Mỹ hồi nào mà cho đến nay vẫn mù tịt, không hiểu nước Mỹ tí tị nào. Nước Mỹ là nước vô địch thế giới về chuyện thưa kiện. Bất cứ chuyện gì cũng thưa kiện được hết. Một cụ già đi đường đầy tuyết, trượt chân ngã cũng thưa Hội Đồng tỉnh vì không cạo tuyết ngay. Một bà đi uống cà phê lỡ làm một ngụm nóng quá phỏng lưỡi cũng thưa tiệm bán cà phê vì không báo cho bà biết cà phê nóng tới đâu. Và dĩ nhiên, tất cả mọi người gặp chuyện, việc đầu tiên phải làm là đi thuê luật sư bảo vệ, bất kể có tội gì hay không. Không có tội mà không có luật sư thì luật sư phe đối nghịch vẫn có thể truy ra cả ngàn tội. Quý vị tỵ nạn thông thái về luật Mỹ nên ghi nhớ điều này nếu chẳng may dính dáng vào luật pháp Mỹ nhé. Đừng tưởng mình vô tội là cứ khơi khơi ra toà rồi yên ổn về nhà. Kẻ này thành thật khuyên đấy. Những chuyện “ông trời có mắt”, hay Bao Công xử án không cần luật sư là chuyện phong thần của Tầu cách đây mấy ngàn năm rồi, các cụ ạ.

Trở lại câu chuyện ma Nga, chuyện lạ chưa từng thấy: chuyên gia luật pháp Paul Callan của CNN (vâng, CNN!) nhận định việc hai ông con của TT Trump gặp bà luật sư chẳng vi phạm bất cứ luật gì hết, chỉ là không khôn ngoan, chẳng có gì phải làm to chuyện.

Ít nhất là 4 giáo sư luật, James Robbins (USA Today), Jonathan Turley (The Hill), Alan Dershowitz (Harvard), Pierre Briffault (Columbia), cũng đồng ý, chẳng thấy ông Trump con phạm tội phản quốc hay thông đồng gì hết. Tất cả mấy vị này đều là cấp tiến, đảng DC hết. Kẻ này không kể ý kiến của cả chục chuyên gia bảo thủ thân CH.

Tóm lại chỉ có mấy anh nhà báo NYT, WaPo, CNN và vài cụ tỵ nạn thông thái về luật Mỹ là thấy đủ thứ tội tầy đình.

Ông Trump con công khai hoá toàn bộ chuỗi emails ông trao đổi với luật sư Goldstone. TTDC xúm lại vác kính hiển vi tìm rác. Không có anh nào bàn một tiếng nào. Có nghiã là chẳng tìm ra chuyện gì để tố tiếp. Không thấy anh nhà báo nào so sánh với việc bà Hillary xóa hơn 30.000 emails mà chẳng ai biết có gì trong đó. Một người công bố hết, một người xóa hết, ai có tội, khỏi cần bàn thêm.

Chưa hết. Bây giờ lòi ra tin bà luật sư Nga này bị cấm nhập cảnh Mỹ, nhưng tháng Mười 2015, bà bộ trưởng Tư Pháp Loretta Lynch ký giấy đặc biệt cho phép bà này vào Mỹ không cần visa (on parole), ở 3 tháng, đến tháng Giêng 2016, trên danh nghiã để làm nhân chứng cho một vụ xử án liên quan đến một công ty Nga. Rồi bà gặp hai ông Trump con vào tháng Sáu.

Cho đến nay, không ai biết làm sao bà có thể ở lại quá hạn cho tới tháng Sáu. Chỉ biết trong thời gian ở Mỹ, bà chỉ lo đi gặp dân biểu, nghị sĩ cả hai đảng để vận động thu hồi luật Magnitsky, y như việc bà gặp hai ông Trump con. Có thể nào là bà Lynch theo lệnh của TT Obama không nên làm khó Putin quá theo đúng chính sách đối ngoại dĩ hoà vi quý của TT Obama, cho phép bà luật sư vào và ở lại để vận động chống luật Magnitsky để giúp Putin không? Kèm câu chuyện này vào việc TT Obama biết Putin can dự vào cuộc bầu cử mà chẳng làm gì để cản, ta sẽ thấy ông công tố Mueller nếu công bằng, sẽ rất bận rộn, phải điều tra rất nhiều chuyện.

Câu chuyện hai ông Trump con đi gặp bà luật sư Nga chứng minh một chuyện khó cãi: đó là cái thiếu kinh nghiệm đấu đá chính trị của đám con cháu và phụ tá của ông ứng viên ngoài lề Trump. Nếu kinh nghiệm hơn thì đã cho một anh tà lọt nào đó đi gặp chứ ai lại khơi khơi đi gặp một bà chẳng quen chẳng biết, chẳng hiểu nghiêm chỉnh hay bố láo. Thế mới nói chính trường Mỹ là đấu trường ghê gớm nhất, thiếu kinh nghiệm, mất mạng như chơi.

Đã vậy, phản ứng của đám phụ tá của TT Trump cực kỳ luộm thuộm, cứ loay hoay chạy theo trám lỗ trống do TTDC đục ra. Lại chẳng phối hợp với nhau, ông nói gà bà nói vịt, chỉ giúp TTDC bắt bẻ.

Câu hỏi lớn: nếu toàn bộ câu chuyện chỉ là một thứ “nothingburger” như ông Van Jones đã nói trên CNN thì sao? Một là TTDC sẽ bị alzheimer tập thể, không ai nhắc gì nữa, quên hết, như cuộc biểu quyết 9-0 của Tối Cao Pháp Viện. Hai là... rút lại và xin lỗi. Đó là mánh mới của TTDC: cố tình tung tin phiạ rồi... rút lại và xin lỗi.

Thời gian qua, nếu quý độc giả nhớ kỹ, đã thấy có rất nhiều lời “xin lỗi” trên TTDC. Cái bà nhà báo CNN dơ thủ cấp máu me của TT Trump xin lỗi. Cái anh Pakistan chửi TT Trump là “piece of sh*t” trên CNN xin lỗi. Cái anh ví miệng của TT Trump như cái bao đựng “súng” của Putin xin lỗi. Cái ông dân biểu tuyên bố “Mong sao ông dân biểu bị bắn đó chết quách cho rồi” cũng xin lỗi. Cái bà Hồi giáo đứng ra tổ chức cả vạn bà đội mũ tai mèo màu hồng biểu tình ngày TT Trump nhậm chức, kêu gọi Thánh Chiến -jihad- chống Trump, rồi sực nhớ lại chỉ có bà là Hồi giáo, còn tuyệt đại đa số dân Mỹ không phải Hồi giáo, đành phải xin lỗi. Mới đây nhất, một ông dân biểu địa phương của tiểu bang của Maine xin lỗi sau khi viết trên Facebook một bài sỉ vả TT Trump bằng những lời lẽ thô tục bẩn thỉu nhất.

Ngay sau khi giám đốc FBI điều trần, cả CNN, ABC và NYT đều đã bị bắt quả tang loan tin phiạ. CNN và ABC xin lỗi, NYT không xin lỗi, ngụy biện là “chưa đủ bằng chứng”.

Sau đó, vẫn chiêu cũ, CNN tung tin một đồng minh quan trọng của TT Trump, nhà đầu tư Anthony Scaramucci, bị Thượng Viện điều tra là người của Nga. Tin này do một anh ma gà vô danh nào đó cung cấp. CNN mừng hơn trúng số, không kiểm chứng gì, tung ra ngay. Rốt cuộc là tin phiạ 100%. CNN lại xin lỗi.

Cái “mốt” xin lỗi, quý độc giả chắc còn nhớ, do TT Obama phát minh ra khi vừa nhậm chức, ông đi một vòng thế giới, xin lỗi bốn phương tám hướng, về đủ tội lỗi của Mỹ từ ngày ông George Washington còn làm tổng thống, bất kể thật hay tưởng tượng. Bây giờ phe ta bắt chước hàng loạt vì có vẻ có ép-phê.

Xin lỗi một lần, tốt. Hai lần cũng được. Ba lần hơi quá. Cả chục lần, hết chuyện này qua chuyện nọ, thì dường như đã thành một chiến thuật chơi xấu. Kiểu như cố tình xáng người ta một bạt tai, rồi xin lỗi, coi như xong, hết chuyện.

Cuộc chiến không đội trời chung này có thể đẩy nước Mỹ vào thế bí thật. Dù tất cả những tấn công đều thuộc loại vớ vẩn, chẳng có bằng chứng, chẳng có gì gọi là phạm luật, chẳng đi đến đâu, nhưng cũng khiến cả nước bị tê liệt.

Dù muốn hay không thì cũng phải công nhận chiến dịch đánh Trump của TTDC và đảng DC đúng là đã có kết quả chứ không phải không. Những luật y tế, luật thuế, luật di dân lậu,... tất cả bị tắc nghẽn ở quốc hội, vì cả quốc hội lo điều tra, điều trần hết chuyện này đến chuyện nọ. Tính đến ngày hôm nay, Thượng Viện đã phê chuẩn đúng 46 viên chức do TT Trump đề cử, 130 vị còn chờ dài người. Bế tắc tức là có dịp cho phe ta tố Trump hứa nhiều, làm chẳng bao nhiêu.

Thiên hạ bắt đầu thắc mắc: không biết khi nào TTDC mới chán việc lôi con ma Nga ra hù dọa thiên hạ. Riêng kẻ này thì chán ngấy quá mức rồi. Chỉ mong cho ông công tố Mueller công bố kết quả điều tra cho mau, bất kể ra sao.

Có khi nào TTDC đánh quá sẽ khiến dân Mỹ bực mình, và nhất là khối cử tri bảo thủ của TT Trump nổi điên đánh lại không? Khi đó thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Nội chiến thứ hai của Mỹ? Trong tình trạng hiện nay, có trời biết! TTDC cũng không cần biết. Chỉ lo đánh thôi, tới đâu tính sau.

Một ông dân biểu Cali (dĩ nhiên!) chính thức đệ đơn đàn hặc TT Trump trước Hạ Viện. Ông được hậu thuẫn của đúng một dân biểu da đen (dĩ nhiên!). Muốn truất nhiệm TT Trump, cần đâu khoảng 300 phiếu tại hai viện quốc hội cơ.

Báo đăng Las Vegas nhận đánh cá về việc đàn hặc. Hiện nay, đánh cá một đô, nếu TT Trump bị truất nhiệm, sẽ được… 67 cents! Lỗ có 33 cents thôi. Xin mời! Cá bao nhiêu cũng được, nhưng xin đừng mang cái nhà ra cá, có nhiều triển vọng vợ con thành homeless đó. (16-07-17)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: [email protected]. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc bầu cử bất ngờ sắp tới của Đức, dự kiến diễn ra vào tháng Hai, sẽ mang đến một cơ hội quan trọng để đất nước thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện tại và tăng cường về mặt an ninh. Nhưng nếu chính phủ tiếp theo muốn thành công, họ sẽ cần phải có một loại tinh thần lãnh đạo chính trị đạt hiệu quả và hành động đầy táo bạo mà vị tiền nhiệm không bao giờ có thể làm được
“Ở nước ta, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện… là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh đạo xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.” (Tuyên giáo, ngày 15/11/2024). Phát ngôn“huề vốn” của Tạp chí Tuyên giáo, cơ quan lý luận của đảng CSVN không lạ...
Người dân Mỹ đã lên tiếng: Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng. Sự trở lại này khiến nhiều người tuyệt vọng rằng ông ta có thể hành động theo những lời đe dọa trước đây là cắt giảm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, để lại Âu châu tự giải quyết những thách thức về an ninh của mình. Những nỗi sợ hãi này không phải là vô căn cứ — lời lẽ trong chiến dịch tranh cử của Trump đã làm dấy lên những lo ngại chính đáng về mức cam kết của ông ta đối với nền an ninh của Âu châu—. Nhưng cuối cùng, để những điều này có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn là vào Trump.
Tám năm trước, buổi sáng sau đêm bầu cử 2016 là một buổi sáng ảm đạm. Nhà ga Pentagon Metro ở Washington DC vắng lạnh. Những toa tàu thưa thớt người. Bên trong đài phát thanh RFA lặng lẽ. Nhân viên các phòng ban đi ngang qua nhau với một nụ cười gượng gạo. Nhân viên của ngân hàng Chase gần đó cắm mặt vào máy tính để điền thông tin cho khách. Khi hỏi, “Anh có xem bầu cử đêm qua không?” Anh nhân viên da đen gật đầu, không trả lời. - “Anh không vui vì kết quả phải không?” - “Bà ấy đã thua,” anh rời mắt khỏi màn hình, nhìn sang và nói. Tám năm sau, không khí đó lặp lại, trong ngột ngạt nhiều hơn. Vì sự lạc quan của nhiều người Mỹ sáng suốt trong ba tháng qua là quá lớn. Có rất nhiều thứ để họ tin và hy vọng. Trước hết là họ tin nước Mỹ đã nhìn thấy và hiểu được mối nguy hiểm mà Trump đại diện.
Nếu bạn quan tâm về những gì mình viết trên facebook, blog, diễn đàn, trang nhà, email, vân vân, nên tự cảm nhận hiệu quả của viết lách và kể chuyện của bản thân như thế nào? Quá trình “Vận chuyển tường thuật” trong thế giới điện tử trực tuyến là một trong vấn đề xã hội và cá nhân đáng chú trọng.Kể chuyện thế kỷ 21 Những tiến bộ trong công nghệ đã giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận kiến thức gián tiếp mà chúng ta mong muốn về thế giới (Greenfield 2015; Harris và Sanborn 2013). Kể chuyện trong thế kỷ 21 đã phát triển khi mọi người tìm ra những cách mới để ghi lại, chia sẻ và tiêu thụ các câu chuyện: trò chơi, trải nghiệm cá nhân hoặc tin tức chỉ là một số ví dụ (Lundby 2008). Ngày nay, công nghệ hiện đại đã kết hợp hình ảnh với âm thanh và văn bản, đồng thời trao cho mọi người khả năng trở thành người kể chuyện cá nhân và sử dụng môi trường điện tử cho mục đích riêng (Greenfield 2015). Trong cuộc sống bão hòa công nghệ (Lenhart và cộng sự 2015), việc trao đổi câu chuyện thường diễn ra thô
Donald Trump đã trở lại và ít ai nghiệm ra rằng đây là hệ quả từ mối nguy mà Andrei Dmitrievich Sakharov đã cảnh cáo từ hơn ba phần tư thế kỷ trước: sự mê hoặc của loại “ma túy” mang tên “văn hóa quần chúng” (mass culture) và sự lan truyền của những “mê thoại đại chúng” (mass myth) nhằm tạo dựng quyền lực cho những tên mỵ dân “tàn bạo và giảo quyệt”. Sakharov (1921-1989), Nobel Hòa Bình 1975, là cha đẻ của bom khinh khí Nga nhưng quay sang chống vũ khí này và, hơn thế nữa, còn là một nhân cách trí thức vĩ đại, một nhà đấu tranh nhân quyền dũng cảm, bị lưu đày trên quê hương mình dưới sự đàn áp của chính quyền cộng sản, từ năm 1968 đến năm 1986, khi Mikhail Gorbachev tiến hành cải tổ.
Trump thắng, hơn nửa nước Mỹ và hầu như cả thế giới ngỡ ngàng, không hiểu tại sao. Thực ra, mọi chuyện rất giản dị. Chỉ cần suy ngẫm, phân tích vài con số là hiểu ngay. Lần thắng đầu, ông Trump được khoảng 63 triệu phiếu, thua bà Hillary cỡ ba triệu. Lập tức đài Fox và truyền thông của Putin hợp lực biến ông thành lãnh tụ vĩ đại của đảng Cộng hòa. Và riêng ông, với thiên tư là nhà buôn có tài, ông có khả năng bắt trúng ngay nhu cầu của khách hàng, nên rất xứng đáng với những lời xưng tụng của Putin và Fox.
Ngày 31 tháng 10 vừa qua, RFA hân hoan thông báo: “Trại giam số 6 đồng ý mở cửa ‘chuồng cọp’, hai TNLT dừng tuyệt thực sau 21 ngày”. Danh từ “chuồng cọp” trong bản tin thượng dẫn khiến tôi nhớ đến một bài báo cũ (“Ký Ức Những Ngày Ở Địa Ngục Trần Gian”) xuất hiện trên báo Nhân Dân, hồi đầu năm, hôm 01/05/24.
Điều gì xảy ra khi bạn dùng một số tiền khổng lồ mua một nền tảng mạng xã hội, dẫn đến một nửa người dùng bỏ đi, các nhãn hàng dừng quảng cáo, cuối cùng là giá trị của nó thấp hơn 1/3 số tiền đã bỏ ra mua chỉ trong vòng một năm? Đó là bạn được giao lãnh đạo cơ quan mới trong chính quyền mới – tạm thời gọi là “Bộ Cải Tổ Chính Phủ (Department of Government Efficiency - DOGE)” Và khi Elon Musk có tên trong thành phần nội các mới của tổng thống tội phạm Donald Trump ở DOGE, thì một cuộc di tản lớn nhất mạng xã hội Twitter mà Musk đã mua với giá $44 billion vào năm 2022 cũng bắt đầu. Những cây viết công nghệ có cách ví von thú vị: Một vùng đất nhỏ xinh, trong lành, sạch sẽ bên cạnh chiếc du thuyền đang chìm, mà hầu hết du khách trên đó đều bị nhiễm norovirus. Vùng đất tị nạn đó là Bluesky.
Quan hệ Mỹ-Việt Nam trong nhiệm kỳ II của Tổng thống Cộng Hòa Donald Trump sẽ không có những thay đổi đặc biệt, nếu liên lạc giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh vẫn giữ nguyên trạng như thời Tổng thống Dân Chủ Joe Biden.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.