Hôm nay,  

FBI Trong Bát Quái Trận Đồ

16/05/201700:00:00(Xem: 12778)

...hỏa mù từ hai ba bốn phiá tung ra, may ra chỉ có 20% phản ánh sự thật...

Câu chuyện nổi đình nổi đám của tuần qua là việc giám đốc FBI, ông James Comey đã bị TT Trump cất chức một cách bất ngờ.

Nếu nói về “bất ngờ” thì có lẽ không thể nào bất ngờ hơn khi chính ông Comey chỉ nhận được tin mất job sau khi truyền thông đã loan tin cho cả thế giới biết. Ông Comey đang đọc diễn văn trong một hội trường, phiá sau lưng ông có TV, bất ngờ TV chớp đèn loan tin “khẩn” là ông Comey đã bị sa thải. Ông lại tưởng là ai đó trên TV dở trò diễu dở. Sau đó, ông về lại văn phòng thì nhận được thư chính thức của TT Trump.

Thật ra, cái bất ngờ phải nói là sao TT Trump đợi quá lâu mới cất chức ông này.

Ông James Comey được TT Obama bổ nhiệm làm giám đốc FBI cách đây hơn ba năm, với nhiệm kỳ là 10 năm, tức là còn 7 năm nữa mới mãn nhiệm.

Ngay từ đầu, ông Comey đã là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Ông theo đảng CH từ hồi nào tới giờ. Nhưng lại được TT Obama lựa vì thành tích... chống TT Bush con. Khi ông là thứ trưởng Bộ Tư Pháp dưới thời TT Bush, ông đã công khai cãi lệnh của bộ trưởng Tư Pháp và chống luôn cả TT Bush, rồi từ chức. TT Obama nhìn ông như là người CH nhưng không có cảm tình lắm với phe CH, nên chọn ông làm giám đốc FBI.

Tên tuổi ông Comey bắt đầu tràn ngập truyền thông khi vụ xì-căng-đan email của bà Hillary nổ ra, cuối năm 2015.

Khi đó, báo chí xì ra tin bà Hillary đã thiết lập và xử dụng hệ thống email riêng ngay tại nhà, mà không chịu xử dụng hệ thống chính thức của bộ Ngoại Giao, đưa đến tình trạng hệ thống có thể bị thâm nhập và những email tối mật của bộ Ngoại Giao và của bà ngoại trưởng có thể bị đọc lén.

FBI mở cuộc điều tra, kéo dài ròng rã gần cả năm trời. Thế rồi, bất ngờ GĐ Comey tổ chức họp báo tháng 7 năm 2016. Ông cho biết bà Hillary vi phạm đủ thứ tội và nói láo từ đầu đến đuôi, “nếu một nhân viên FBI làm những gì bà Hillary đã làm thì người đó sẽ bị trừng phạt theo đúng thủ tục hành chánh”, nhưng ông dành cho bà Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch quyết định truy tố hay không. Ông nhấn mạnh theo đúng luật, ông chỉ có trách nhiệm điều tra và khuyến cáo thôi, còn quyết định truy tố ra toà hay không là của Bộ Tư Pháp.

Đúng một ngày sau, bà Bộ Trưởng quyết định không truy tố gì hết, kết thúc toàn bộ cuộc điều tra. Chưa bao giờ một cơ quan chính quyền có quyết định nhanh như vậy.

Dĩ nhiên, bà Hillary ôm chầm lấy ông Comey và bà Lynch, khua chiêng trống: thấy rõ chưa, tôi không bị truy tố gì hết, tức là tôi vô tội.

Sự thật khá rõ ràng: bà Hillary có tội, nhưng ông Comey không dám lấy quyết định tầy trời là trừng phạt vì những hậu quả chính trị quá lớn, sẽ chấm dứt ngay cuộc vận động tranh cử của bà Hillary và phá tan đảng DC. Ông bán cái qua cho bà Lynch. Cách hành xử của ông Comey là tìm cách bao che cả hai đầu. Về bà Lynch thì có tin hành lang không thể kiểm chứng: trước đó ít ngày, TT Clinton gặp riêng bà Lynch một tiếng đồng hồ, có thể đã trao đổi gì đó, chẳng hạn như bà Lynch bạch hoá bà Hillary thì sẽ được tiếp tục làm bộ trưởng Tư Pháp sau khi bà Hillary đắc cử? Kịch bản này không phải hoàn toàn vô lý khi chính cựu TT Clinton vài ngày trước bầu cử đã ca ngợi bà Lynch và cho rằng có nhiều triển vọng bà TT Clinton sẽ lưu nhiệm bà Lynch.

Ở đây, cái lỗi lầm quan trọng nhất của ông Comey là đã lấy quyết định trong khi cân nhắc hậu quả chính trị, tức là đã mang chính trị vào cuộc điều tra của FBI mà trên căn bản, phải tuyệt đối vô tư, không màng đến hậu quả chính trị. Ông cảnh sát đã biến thành chính trị gia.

Vài chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng ông Comey hành động thật lạ lùng: chưa bao giờ FBI lại họp báo công bố kết quả điều tra. Công bố kết quả điều tra là việc làm của bộ Tư Pháp hay công tố viên chứ không phải của FBI. Trong các vụ xì-căng-đan Watergate (Nixon) và Monica (Clinton), giám đốc FBI không bao giờ lên tiếng.

Cả đảng CH và ông Trump nổi điên, đả kích FBI phe phái, thông đồng với bộ Tư Pháp và chính quyền Obama, nhận định bà Hillary tội tầy đình nhưng lại tha bổng, tức là giúp bà Hillary trong cuộc vận động tranh cử.

Câu chuyện lắng động một thời gian, cho đến khoảng một chục ngày trước ngày bầu. Bất ngờ, ông Comey công bố một bức thư ông vừa gửi cho quốc hội, trong đó, ông cho biết FBI mở lại cuộc điều tra vì khám phá ra có emails của bà Hillary gửi cho bà phụ tá Huma Abedin trong máy điện toán của ông chồng bà Abedin. Ông này là cựu dân biểu, dính dáng vào xì-căng-đan tự chụp hình mình lõa thể gửi qua điện thoại cho một số phụ nữ nên bị ép từ chức cách đây vài năm. Bây giờ chứng nào tật nấy, lại làm nữa, bị FBI điều tra, đến tịch thu máy điện toán của ông thì thấy cả lố emails trao đổi giữa bà Hillary và bà Abedin.

Nội vụ nổ đùng khiến bà Hillary nổi đoá, cho là ông Comey cố tình đánh bà cận kề ngày bầu cử. Thế nhưng ba ngày trước khi bầu cử thì FBI lại loan tin cuộc điều tra lần thứ hai này chấm dứt vì trong số emails trong máy của ông chồng bà Abedin, không có cái nào mang tính “mật”. Tức là FBI lại bạch hoá bà Hillary một lần nữa, ba ngày trước ngày bầu. Lại một lần nữa, ông Comey mang yếu tố chính trị vào cuộc điều tra, hấp tấp chấm dứt điều tra để có thể bạch hoá bà Hillary kịp thời trước ngày bầu cử. Phe CH lại nhẩy tưng tưng cho đây lại là trò mánh mung mới giúp bà Hillary.

Chưa hết chuyện. Ông Comey tìm cách chống đỡ các tố cáo của bà Hillary và phe DC bằng cách... mở cuộc điều tra xem Putin đã có quan hệ như thế nào với ban vận động của ông Trump, cho có vẻ công bằng.

Thế rồi mới đây, bà Hillary ngồi nhà ôm cháu ngoại mãi nên chán, quyết định hạ sơn, tuyên bố trong những ngày tới, sẽ tìm cách đóng vai lãnh tụ phong trào... chống Trump đến cùng. Bà nhắc lại bà bị thua oan, chỉ vì bị ông Comey và Putin thông đồng với Trump hại bà. Phải nói ngay, lập luận đổ thừa này hoàn toàn không có căn bản. Bà Hillary thua vì mất hậu thuẫn của dân lao động bất mãn vì mất job, và dân trung lưu bất mãn vì kinh tế khó khăn cũng như vì Obamacare, chẳng ai cần biết Putin đã làm gì. Chưa kể chuyện bà Hillary lem nhem, dính đáng vào đủ loại xì-căng-đan, kiếm bạc triệu đọc diễn văn cho tài phiệt Wall Street, hay thu bạc tỷ cho Quỹ Clinton Foundation, cả thế giới đều biết, không cần phải chờ ông Comey thông báo hay điều tra gì hết.

Sau khi bà Hillary lại tố ông Comey, quốc hội lôi ông Comey ra, hỏi cho rõ tại sao một chục ngày trước khi bầu cử, ông quyết định mở lại hồ sơ email của bà Hillary và tại sao ông lại bạch hoá bà vài ngày sau đó. Ông Comey ra trước quốc hội, tuyên bố vì FBI khám phá thấy có “cả trăm cả ngàn” emails của bà Hillary với cả trăm tin tối mật, nên bắt buộc phải điều tra lại, và cũng bắt buộc phải thông báo cho quốc hội, chứ nếu không sẽ mang tiếng là bao che cho bà Hillary, cho dù ông “muốn ói khi hiểu rằng mình có thể đã có quyết định có ảnh hưởng đến cuộc bầu tổng thống”. Câu cuối cùng này khiến TT Trump nổi điên vì nó mang hàm ý ông Trump thắng nhờ ông Comey can thiệp giúp, đúng như bà Hillary tố giác.

Không may cho ông Comey, một ngày sau, văn phòng FBI chính thức cải chính, nói là ông Comey “nói lộn” –misspoken- vì thật ra không có “cả trăm cả ngàn”, mà chỉ có vài chục emails, không có cái nào mang tính mật hết. Thiên hạ lại một phen ngơ ngác, rối trí, chẳng hiểu sự thật ở đâu, là gì? FBI cải chính điều trần hữu thệ của ông giám đốc trước quốc hội?

Vài ngày sau, TT Trump cất chức ông Comey, lấy lý do ông này đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác trong vụ điều tra email của bà Hillary, mất hết uy tín, mất luôn niềm tin của tất cả mọi người, không còn đủ khả năng điều hành một cơ quan lớn và quan trọng như FBI. TT Trump giải thích ông Comey trước đây đáng lẽ ra không có quyền tổ chức họp báo và cũng không có quyền công bố bức thư ông gửi cho quốc hội. Đó là trách nhiệm của bộ trưởng Tư Pháp. Sau đó, TT Trump giải thích thêm ông Comey bị sa thải cũng vì tính thích phô diễn của ông ta, không hợp với trách nhiệm xếp cảnh sát.

Đây là chuyện quái gở đầu tiên của chính trường Mỹ trong câu chuyện quái lạ này: ông Trump đã gần như lập lại nguyên văn những tố cáo của phe DC cũng như lấy quyết định mà phe DC đòi hỏi ngay từ đầu. Tức là TT Trump cất chức ông Comey vì ông đã phạm tội làm những chuyện tai hại cho bà Hillary, và ông bây giờ đồng ý với phe DC, phải sa thải ông Comey.

Đó là đại khái câu chuyện. Nếu quý độc giả đọc tới đây bị rối trí không hiểu rõ tóm lại thì chuyện gì đã xẩy ra, thì đó chính là vì chiêu lăng ba vi bộ của ông Comey. Lúc thì ông có vẻ giúp bà Hillary, lúc thì có vẻ hại, rồi lại giúp, rồi lại hại, ngược lại, cũng có lúc có vẻ muốn giúp ông Trump, có lúc hại ông ta rõ ràng, chẳng ai hiểu gì nữa. Đưa đến tình trạng quái lạ là bà Hillary và cả ông Trump đều phải... lăng ba vi bộ theo, cả hai người lúc thì ca tụng lúc lại đả kích ông Comey.

Bất kể những chiêu lăng ba vi bộ và bất kể những giải thích của ông Comey, tất cả phe DC đồng ca bài ca sỉ vả ông Comey và nhao nhao đòi lấy đầu ông ta từ hơn nửa năm nay. Cho đến cách đây vài tuần, bà Hillary vẫn ấm ức đổ lỗi tại ông Comey hại bà nên bà mới thất cử.

Thế thì khi TT Trump cất chức ông Comey, toàn thể đảng DC phải công kênh, tung hô sự sáng suốt của TT Trump, đúng không? Không đúng! Bây giờ thì phe DC quay ngược đầu lại 180 độ [chỉ có chính khách mới có khả năng quay ngược đầu kiểu này, xin quý độc giả đừng ai thử!], đồng thanh la hoảng, đả kích TT Trump làm chuyện phi pháp, bất hợp hiến, ra tay theo kiểu độc tài bộ lạc rừng rú Phi Châu gì đó, thêm một lý do để xét lại việc đàn hặc TT Trump.

Về phần bà Hillary chắc bà phải lớn tiếng cám ơn TT Trump, phải không? Không, cho đến giờ này, bà tuyệt đối im hơi lặng tiếng, chắc vì bối rối, chưa biết phải phản ứng như thế nào. Biết nói gì? Chẳng lẽ vị lãnh tụ phong trào chống Trump lại ra chiêu đầu tiên bằng cách… hoan hô ông Trump? Ngược lại, làm sao đả kích TT Trump được khi bà đòi lấy đầu ông Comey mà bây giờ TT Trump làm đúng theo ý bà.

TT Trump thì tuyệt đối không ưa ông Comey này. Dù thái độ của ông Comey có vẻ mập mờ, nhưng TT Trump thì tin chắc là ông Comey chủ ý đánh Trump từ đầu khi ông ta tha bà Hillary, giúp cho bà tiếp tục ra tranh cử thay vì bị truy tố và bắt đi tù, rồi nhập nhằng mở cuộc điều tra về Nga giúp ứng viên Trump, kéo dài lê thê cả nửa năm trời, úp úp mở mở, ai đoán sao cũng được, nhưng lại có hậu quả là giúp truyền thông dòng chính (TTDC) nuôi dưỡng câu chuyện và phe DC tiếp tục tấn công TT Trump.

Nôm na ra, ông Comey đã tạo được thành tích khá đặc biệt là khiến cả hai phe DC và CH ghét cay đắng và muốn lấy đầu ông.

Quyết định của TT Trump lại gây ra bất ngờ lớn mà ít ai tiên đoán trước được: đó là phản ứng cực kỳ quyết liệt và mạnh mẽ của phe DC, và nhất là của TTDC. Ông Comey bất thình lình biến thành người hùng mới, một thứ “thánh tử đạo” của TTDC!

Cái cớ TTDC chống mạnh việc cất chức là họ cho rằng TT Trump đang tìm cách nhận chìm cuộc điều tra về quan hệ giữa ông và Putin trong cuộc bầu cử vừa qua. Báo phe ta New York Times “tiết lộ” trước khi ông Comey bị cất chức, ông đã xin bộ Tư Pháp thêm tiền và nhân sự để điều tra về vụ Nga can dự vào bầu cử. Mập mờ ám chỉ TT Trump lấy quyết định cất chức vì ông Comey chúi mũi quá sâu vào ông Trump, có thể đã khám phá ra một bí mật kinh hồn nào đó khiến TT Trump hoảng sợ phải cất chức, để bổ nhiệm một tay tà lọt nào đó thay thế, rồi xí xoá cuộc điều tra về quan hệ với Nga.

Bộ Tư Pháp sau đó đã cho biết tin FBI xin thêm tiền và nhân sự mà NYT xì ra hoàn toàn thất thiệt. Chẳng những vậy, TT Trump cũng đã mau mắn khẳng định cuộc điều tra về sự can dự của Nga hết sức quan trọng và cần phải được tiếp tục, nhưng một cách chuyên nghiệp hơn. NYT cũng quên mất tân giám đốc FBI sẽ phải được thượng viện phê chuẩn, không phải TT Trump muốn bổ nhiệm tay tà lọt nào cũng được, nhất là trong không khí thù địch hiện nay giữa TT Trump và phe DC, chắc chắn thượng viện sẽ làm khó dễ tối đa việc bổ nhiệm người mới.

Giáo sư Hiến Pháp của đại học Harvard, Laurence Tribe, viết trên Washington Post, phải đàn hặc TT Trump ngay vì ông đã ngăn cản cuộc điều tra của FBI. Ông cũng viết không cần đợi kết quả cuộc điều tra vì khi đó sẽ quá muộn. Một luật gia và giáo sư luật mà có thể viết “không cần chờ kết quả điều tra”, cứ việc lột chức thôi thì quả là chuyện không tiền mà cũng khoáng hậu. Thế thì lột chức dựa trên căn bản pháp lý nào? Đó là quan điểm của một giáo sư Harvard đấy!

Những loại tố cáo về toan tính ém nhẹm điều tra đều là vớ vẩn, không có căn bản. Cho dù giám đốc FBI bị cất chức thì cũng không có nghiã là cuộc điều tra chấm dứt, mà trái lại, có thể vì nhu cầu chính trị cũng như vì nhu cầu bảo vệ uy tín của FBI, cuộc điều tra sẽ còn gay gắt hơn nhiều.

Vài người tự cho là hiểu biết khẳng định TT Trump vi phạm luật vì không có quyền cất chức ông Comey khi nhiệm kỳ ông còn tới 7 năm, đặc biệt là khi ông đang điều tra TT Trump. Đây là nói mà không biết mình nói gì. Tổng thống với tư cách lãnh đạo Hành Pháp, có quyền cất chức bất cứ nhân viên nội các hay công chức nào vì bất cứ lý do nào hay không có lý do nào, dù người đó đã được Thượng Viện phê chuẩn. Kể cả lúc cơ quan của họ đang điều tra tổng thống, vì điều tra là việc của cả cơ quan, không phải của một người và khi một người bị cất chức thì cơ quan vẫn tiếp tục điều tra, không bị ảnh hưởng gì. Trong quá khứ, TT Nixon đã cất chức cả bộ trưởng lẫn thứ trưởng Tư Pháp ngay trong khi hai ông này đang điều tra về vụ Watergate. Sau đó cuộc điều tra vẫn tiến hành để lòi ra những mánh mung tìm cách che dấu tội của TT Nixon, khiến TT Nixon phải từ chức.

Câu chuyện cất chức ông Comey tiêu biểu cho bát quái trận trong hậu trường chính trị Mỹ. Tất cả những gì ta nhìn thấy đều chỉ là hỏa mù từ hai ba bốn phiá tung ra, may ra chỉ có 20% phản ánh sự thật, còn lại toàn là đòn phép tuyên truyền dựa trên... tin phiạ, fake news từ tất cả mọi phiá.

Trong cái đám khói hỏa mù đen nghịt này, chẳng ai nắm vững được hết câu chuyện. Những anh nhà báo bàn ra tán vào, dù là báo Mỹ hay báo tỵ nạn sao y bản chính của TTDC, hầu hết chỉ là bàn láo dựa trên trí tưởng tượng hay tinh thần phe nhóm.

Tất cả chỉ có hai chuyện rõ rệt nhất:

- Giám đốc Comey ưa nổi, muốn đưa tên tuổi mình lên mặt báo, chứng tỏ mình là người hùng không sợ ai hết, kể cả hai chính khách uy quyền nhất nước là bà Hillary và ông Trump, sẵn sàng đánh cả hai người, không chút nể nang. Ông Comey có thể mang giấc mộng theo chân ông J. Edgar Hoover, quyền thế nắm chức giám đốc FBI trong gần 40 năm qua 8 đời tổng thống mà không ông nào dám đụng tới, cho tới khi ông chết.

- Chuyện quan trọng hơn là cái giả dối vô bờ bến của đảng DC và TTDC, từ nửa năm nay một hai đòi lấy mạng của ông Comey vì tội đã giết bà Hillary giúp ông Trump đắc cử, nhưng sau khi TT Trump lấy mạng ông này thì lại... hồi mã thương, quay lại chém ông Trump ngay. Đại khái, bất cứ chuyện gì có thể khai thác để đánh TT Trump đều được mang ra xử dụng, cho dù phải lật ngược lập trường 180 độ. Bà dân biểu da đen Maxine Waters trong suốt gần cả năm qua, và nhất là sau khi bà Hillary thất bại, đã liên tục công kích ông Comey là giám đốc FBI tệ nhất lịch sử, không còn một ly uy tín nào nữa, và gào la phải cất chức ông này. Bây giờ, sau khi TT Trump cất chức ông Comey thật thì gió đổi chiều, bà quay qua sỉ vả TT Trump làm chuyện độc tài, bất hợp pháp. Bị một phóng viên TV vặn hỏi, bà tỉnh bơ nói bà hoàn toàn chống việc TT Trump cất chức ông Comey, nhưng nếu bà Hillary là tổng thống và bà cất chức ông Comey, thì bà dân biểu này lại hoàn toàn ủng hộ. Nếu đây không phải là phe phái thô bạo nhất thì cái gì mới là phe phái?

Bất kể mọi khúc mắc đằng sau vụ cất chức này, có một điều ai cũng phải công nhận: TT Trump có biệt tài làm hay nói những chuyện có hậu quả là thổi ngọn lửa chống đối của phe đối lập DC và TTDC càng ngày càng lớn. Làm như thể không ai chống ông nữa thì ông sẽ... rất buồn. Cái nguy là tiếp tục thổi, có ngày ngọn lửa quá lớn sẽ thiêu ông luôn. (14-05-17)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: [email protected]. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong buổi phỏng vấn ngày 31 tháng 10 năm 2024 với bình luận gia cánh hữu Tucker Carlson, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng dưới thời Joe Biden, Hoa Kỳ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi vô tình đẩy Nga và TQ lại gần nhau. Theo Trump, một trong những ưu tiên hàng đầu khi ông quay trở lại Tòa Bạch Ốc sẽ là phá vỡ liên minh này. Khi đó, Trump tự tin tuyên bố: “Tôi sẽ phải tách họ ra, và tôi tin mình sẽ làm được.” Và ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ thứ hai, Trump đã tỏ rõ mong muốn đàm phán với Nga nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Ukraine. Một cách giải thích cho chính sách này là: Trump đang làm đúng những gì từng nói trong cuộc trò chuyện với Carlson. Việc rút Hoa Kỳ khỏi cuộc xung đột tại Âu Châu và khôi phục quan hệ với Moscow, kể cả khi phải bỏ rơi Ukraine, là một phần trong chiến lược tập trung đối phó với TQ.
Cuộc đua vào Tòa án Tối cao Wisconsin rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến các vấn đề pháp lý và chính sách trong tiểu bang. Wisconsin là một bang chiến địa quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tòa tối cao tiểu bang có thể đóng vai trò lớn trong các tranh chấp liên quan đến luật bầu cử, quyền tiếp cận lá phiếu và các thách thức đối với kết quả bầu cử. Cuối cùng, sự lo lắng có cơ sở của người dân cuối cùng đã được hóa giải. Số tiền “đầu tư” $20 triệu của Musk đã không thắng được sự lựa chọn của Wisconsin.
Lịch sử là sự lập lại, nhìn ngược về thời gian: Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 211 (trước Công Nguyên) Ông đã nghe lời vị Tể Tướng Lý Tư đốt tất cả các ghi chép của Sử Gia không thuộc nước Tần, kể cả Kinh Thi. Bất cứ ai thảo luận về Kinh Thi và Kinh Thư sẽ bị xử tử. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, vụ đốt sách chôn Nho được gọi là “Phần thư khanh nho”, bao gồm việc đốt sách và chôn sống hơn 460 học giả. (1) Năm 1958, Mao Trạch Đông đã liên hệ bản thân ông với Tần Thuỷ Hoàng. Khi ông ta chôn sống 460 học giả ông nói trong một bài phát biểu với các đồng chí của mình: “Các bạn (những nhà trí thức) căm ghét chúng tôi, coi chúng tôi là những Tần Thuỷ Hoàng. Các bạn nhầm rồi. Chúng tôi thậm chí còn vượt Tần Thuỷ Hoàng một trăm lần”.(2) Năm 1975 khi CS miền Bắc, chiếm Việt Nam Cộng Hòa, phong trào đốt sách cũng xảy ra ngay tại miền Nam, Việt Nam. Hàng trăm cuốn sách được người Cộng Hòa mang đi giấu hay mang ra nước ngoài và hàng ngàn cuốn sách bị đố
Hai tháng đã trôi qua. Trên những diễn đàn mạng xã hội và cả trong những cuộc đối thoại đời thường, rất nhiều người thổ lộ về một thói quen vừa xuất hiện: đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của chính quyền hiện tại. “Đếm thời gian trôi” vốn không phải là một thói quen tích cực trong đời sống. Nó phản chiếu tâm trạng chán nản, buông xuôi, thậm chí là sợ hãi. Hàng loạt câu hỏi “Chúng ta phải làm gì?”; “Rồi chuyện gì nữa?”; “Chúng ta đang sống ở thời đại nào?”… Trong đó, câu hỏi lớn nhất, và biểu lộ sự phẫn nộ của người dân nhất, đó là: “Đảng Dân Chủ đang làm gì?”
Người tị nạn đã không còn được chào đón tại Hoa Kỳ kể từ ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Ngay trong ngày nhậm chức 20 tháng 1 năm 2025, ông đã ký một sắc lệnh hành pháp đình chỉ Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn của Hoa Kỳ (U.S. Refugee Admissions Program, USRAP) trong vòng 90 ngày. Dù vào tháng 2 năm 2025, tòa án liên bang đã ra phán quyết yêu cầu khôi phục chương trình tái định cư người tị nạn, chính quyền Trump vẫn khẳng định rằng không thể thực hiện điều đó ngay lập tức, do hệ thống tiếp nhận người tị nạn đã bị giải thể gần như toàn bộ.
Trong bài diễn văn dài 90 phút trước Quốc hội Hoa Kỳ, Donald Trump nhắc lại tham vọng “giành lấy” Greenland “bằng cách này hay cách khác.” Trump tuyên bố rằng Greenland có ý nghĩa “sống còn đối với an ninh quốc gia” của Hoa Kỳ. Dù nhấn mạnh rằng chính phủ của mình “hoàn toàn ủng hộ quyền tự quyết của Greenland,” ông vẫn không quên mời gọi “nếu các bạn đổi ý, chúng tôi sẵn sàng chào đón các bạn gia nhập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Khi Ukraine từ bỏ kho vũ khí nguyên tử và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT Nuclear Nonproliferation Treaty) với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân vào năm 1994, họ đã thi hành một phần của Bản ghi nhớ Budapest (Budapest Memorandum), gồm một số các đảm bảo an ninh bởi Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Những đảm bảo này nhằm bảo vệ chủ quyền của Kyiv, và biên giới của họ sẽ được tôn trọng. Nhưng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, những cam kết đó đã chứng tỏ là vô nghĩa. Ukraine thấy mình đơn độc, sự sống còn phụ thuộc vào thiện chí của phương Tây và nằm trong tay một kẻ thù được trang bị bằng chính những vũ khí mà Kyiv đã giao nộp. Những tác động này không dừng tại Ukraine mà lan rộng. Trên toàn cầu, các chính phủ đang đánh giá lại ý nghĩa thực sự của các bảo đảm an ninh.
Trong thế giới đấu tranh sinh tồn của loài vật, chuyện cá lớn nuốt cá bé là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong xã hội loài người ngày nay dù đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba hơn hai thập niên và được mệnh danh là thời đại văn minh tiến bộ vượt bực vẫn không thiếu chuyện kẻ mạnh ăn hiếp người yếu trong mối quan hệ giữa người với người. Tình trạng mạnh hiếp yếu còn diễn ra khốc liệt hơn trong mối quan hệ ở cấp quốc gia: nước lớn bắt nạt hay xâm lăng nước nhỏ. Ở đây cũng xin giải thích một chút về cách dùng chữ nhược tiểu trong tiêu đề của bài viết này. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này hoàn toàn không có ý nghĩa đánh giá tiêu cực về quốc gia được đề cập đến. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này là để chỉ cho sự yếu kém về quân sự và kinh tế so với những nước mạnh về quân sự và kinh tế đi xâm lược. Sự yếu kém về quân sự và kinh tế không đồng nghĩa với sự yếu kém về quyết tâm và đồng lòng bảo vệ đất nước của quốc gia bị xâm lược. Ngược lại, cuộc chiến tại Ukraine hiện nay và Việt Nam
Trong lịch sử thế giới, Việt Nam là dân tộc đã trải qua một cuộc nội chiến với kết quả là bản án tử kết thúc chế độ tự do dân chủ miền Nam ngày 30/4/1975. Hơn ai hết, những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm xưa hiểu rõ cảm giác “bị lừa dối” hoặc “bị phản bội” từ bản Hiệp Định Paris do Henry Kissinger và Lê Đức Thọ thỏa thuận sau lưng chính quyền VNCH, với sự ủng hộ của Tổng Thống Richard Nixon lúc đó. Vì thế mà kể từ khi Putin phát động cuộc tấn công xâm lược Ukraine ba năm trước, người dân Việt Nam luôn tỏ rõ lập trường cùng với các lãnh đạo Châu Âu đứng về phía dân tộc và đất nước Ukraine, trừ chính quyền CSVN đã hai lần bỏ phiếu trắng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Điều gì thực sự xảy ra khi niềm tin nơi người đàn ông ở Tòa Bạch Ốc đang lung lay? Chúng ta sắp tìm ra câu trả lời rồi. “Ông ta không thể cho biết khi nào Canada sẽ tổ chức bầu cử. Chuyện gì thực sự đang diễn ra ở đó? Ông ta đang cố gắng duy trì quyền lực phải không?” Donald Trump đã viết trên mạng xã hội sau cuộc trò chuyện với Thủ tướng Justin Trudeau vào tuần trước.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.