Hôm nay,  

Gạo Châu Củi Quế

10/04/200800:00:00(Xem: 10543)

...cán bộ nhà nước coi việc đình công là phi pháp và có khi nặng tay đàn áp...

Một bóng ma đang đe dọa các nước nghèo, là lương thực vượt khỏi tầm tay nhiều người vì quá đắt. Trong khi ấy, tại Việt Nam đình công đã bùng nổ hàng loạt. Phải chăng Việt Nam đang bị hiệu ứng lạm phát toàn cầu và giới lao động là thành phần nạn nhân đầu tiên" Diễn đàn Kinh tế đài RFA ngày tám tháng Tư này tìm hiểu về một hiện tượng chung và hậu quả riêng cho Việt Nam, qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Nguyễn Văn Khanh thực hiện sau đây.

Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa và xin thay mặt quý thính giả để cảm tạ ông về cuộc trao đổi ngày hôm nay.
Thưa ông, hôm Thứ Tư, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick báo động rằng 33 quốc gia trên thế giới bị nguy cơ động loạn chính trị và xã hội vì giá lương thực và năng lượng tăng vọt. Tình trạng ấy càng làm thế giới chú ý đến các vụ đình công bùng nổ hàng loạt tại Việt Nam vì công nhân thợ thuyền đòi tăng lương để đủ sống.
Thưa ông, quý thính giả và bản thân chúng tôi muốn biết vì sao lương thực lại đột ngột tăng giá như vậy"Xin ông trình bày sơ lược về bối cảnh chung của thế giới trước khi chúng ta đề cập tới chuyện đình công ở Việt Nam.

- Thưa, ta đang gặp hiện tượng các cụ mình gọi là "gạo châu củi quế" - gần như trong nghĩa đen. Từ ba tháng qua, giá gạo trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi. Riêng Thứ Sáu mùng bốn đã tăng 10% sau khi tăng 50% nội có hai tuần. Lý do là hàng loạt quốc gia bán gạo đã hạn chế xuất khẩu gạo để dự trữ lương thực - trong số này có Ấn Độ, Egypt, Cambodia và Việt Nam - làm nhiều xứ Phi châu nhập khẩu gạo phải lùng xục các thị trường để cố tìm ra lương thực cho dân đủ ăn.

Thật ra, nạn lương thực tăng giá đã manh nha từ năm ngoái và thành nguy kịch từ đầu năm nay. Trong mấy năm trước 2006, giá ngũ cốc trên thế giới tăng bình quân dưới 10% một năm. Qua 2006 thì tăng 16%, đến năm ngoái thì tăng 40%. Từ đầu năm nay, giá lúa mì tăng gấp đôi so với tháng Hai năm ngoái; giá ngô, gạo và đậu nành cũng lên đến kỷ lục. Theo Bộ Canh nông Hoa Kỳ thì dự trữ lương thực trên toàn cầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1960. Đã thế, theo viện Nghiên cứu Quốc tế về Chính sách Thực phẩn IFPRI thì nạn ngũ cốc lên giá sẽ còn kéo dài.

Hỏi: Nếu như vậy thì nạn lương thực tăng giá không là một đột biến nhất thời nghĩa là có thể hạ trong tương lai"
- Thưa không, đây là một vấn đề trường kỳ có thể gây loạn và làm thay đổi bộ mặt thế giới. Từ cuối năm ngoái, Tổng giám đốc Cơ quan Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) đã báo động: rằng nếu thế giới không sớm có biện pháp đối phó, thực phẩm lên giá sẽ đẩy mạnh nạn suy dinh dưỡng và đói ăn tại các nước nghèo.
- Thật ra, hậu quả trước mắt của hiện tượng ấy được thấy từ năm ngoái và ngày càng trầm trọng hơn từ mấy tháng qua. Đó là những vụ nổi loạn của dân chúng, đầu tiên tại Mexico đầu năm ngoái, rồi tại nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Ý, tức là Italy, và gần đây là Burkina Faso, Cameroon, Côte d'Ivoire, Maroc, Egypt, Saudi Arabia, Senegal...  Hàng loạt chính quyền cũng bị cử tri trừng phạt do lương thực lên giá làm dân nghèo bị khổ.
Hỏi: Nếu là một hiện tượng đã manh nha từ nhiều năm thì hiển nhiên là người ta đã phải biết về nguyên nhân, vì sao vật giá lương thực lại gia tăng dữ dội như vậy"
- Lương thực có thể tăng giá đột ngột vì thiên tai hay dịch bệnh - như đã xảy ra tại Việt Nam, Trung Quốc hay Australia - và phải mất vài vụ mùa mới hồi phục. Nhưng lần này giá cả sẽ còn ở trên đỉnh cao có khi cả chục năm nữa. Vấn đề không chỉ là chênh lệch cung cầu nhất thời mà là hậu quả tổng hợp của nhiều yếu tố người ta không lường trước.

- Nguyên do cơ bản vẫn là chênh lệch cung cầu. Tôi xin được nói về vế cầu trước. Một số quốc gia đã chuyển hướng theo kinh tế thị trường - như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam - nên mức sống dân cư có tăng đã nâng yêu cầu lương thực từ lượng qua phẩm, rồi qua lượng. Người dân nơi ấy không chỉ muốn ăn no hơn mà nay muốn ăn ngon hơn. Ngũ cốc không đủ mà phải có thịt thà. Bình quân, muốn có một ký thịt heo thì phải nhường cho heo ít ra ba ký thực phẩm gia súc. Muốn có một ký thịt bò thì phải mất chừng tám ký ngũ cốc.

 - Kết quả là nếu mỗi bữa vẫn chỉ ăn ba bát cơm - và quả như vậy vì nhu cầu cơm gạo trong bữa ăn thường nhật không tăng mạnh từ mấy chục năm qua - ngày nay với ba bát cơm, người ta còn độn thịt nhiều hơn, nên phải nuôi loài gia súc sẽ nuôi mình. Ai cũng biết ngũ cốc như món ăn chính thường tăng cùng đà gia tăng dân số. Nhưng thịt thà lại tăng cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế, với ảnh hưởng trực tiếp là đòi hỏi một lượng ngũ cốc cao hơn xưa gấp bội. Cho nên, khi kinh tế được giải phóng khỏi sự hoang tưởng Mác-xít và giã từ chế độ tem phiếu thì nhu cầu ngũ cốc của thế giới cũng được giải phóng.

Trong khi ấy, và ta nói về số cung, thì diện tích lẫn phương tiện canh tác ngũ cốc cũng bị cạnh tranh vì ngành chăn nuôi, khi đã bị thu hẹp dần vì hiện tượng công nghiệp hoá và đô thị hoá. Trên thế giới diện tích canh tác chỉ tăng tại Liên bang Nga và Nam Phi, trong khi ấy lại thu hẹp ở nơi khác, kể cả và nhất là tại Trung Quốc vì 6% đất canh tác đã bị biến thành sa mạc.


Hỏi: Đó là lý do cơ bản về cung cầu, mà tôi xin được tóm lược lại là số cầu về lương thực gia tăng nhờ tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển mà số cung về nông sản thì có hạn. Nhưng, người ta còn gặp nhiều yếu tố trùng hợp khác, là những gì" Vì sao giá cả lại tăng vọt từ năm ngoái" Có phải vì dầu thô không" 
- Thưa đúng như thế. Dầu thô lên giá đều vì số cầu rất lớn của các nước tân hưng, tức là mới phát triển. Nhưng từ đầu năm ngoái, giá dầu thô tăng vọt từ khoảng 60 một thùng lên tới bây giờ là hơn 100 đô la, tức là tăng 80%. Mà dầu lại là nguyên nhiên liệu thiết yếu cho nông nghiệp trong chế độ thâm canh hiện đại, qua việc cày bừa tiêu tưới bằng cơ giới, việc chế biến phân bón hay thuốc sát trùng bằng hoá chất gốc dầu, và tất nhiên là việc chuyển vận, phân phối bằng xăng dầu.

Nhưng đó không là yếu tố duy nhất. Với an ninh đang vãn hồi tại Nigeria và Pakistan, tình hình Iraq có hướng cải thiện và quan hệ giữa Mỹ và Iran bớt căng thẳng, thì giá dầu sẽ có thể giảm mạnh. Giá lương thực thì chưa.


Hỏi: Thế thì ngoài việc xăng dầu lên giá, còn yếu tố đột biến gì sẽ khiến lương thực tăng giá từ năm ngoái và sẽ còn đắt đỏ trong nhiều năm tới"


- Yếu tố đột biến ấy xuất phát từ Hoa Kỳ. Dân Mỹ quá ưu lo về môi sinh và an toàn năng lượng nên muốn thay xăng dầu bằng chất cồn cất từ ngô, khoai hay mía, gọi đó là biofuel, là nhiên liệu hay năng lượng sinh học. Năm 2006, việc khuyến khích sử dụng loại chất đốt gốc nông sản ấy đã trở thành quốc sách, và đẩy mạnh số cầu về nông sản kể từ năm 2007.

Giải pháp kỹ thuật cho việc chế biến nông sản thành cồn chạy xe hơi thật ra còn phôi thai và lại gây thêm thiếu hụt về lương thực. Người ta ước lượng rằng 6,5% sản lượng mễ cốc trong mùa 2007-2008 được sử dụng vào việc chế biến thành cồn chạy xe. Gần đây, Liên hiệp quốc còn dự báo là chính kỹ nghệ chế biến nhiên liệu sinh học có thể khiến một tỷ 200 triệu dân bị đói vào năm 2025.


Hỏi: Như vậy, trước khi bước qua phần hai, về tình hình Việt Nam, chúng tôi xin đề nghị ông tổng kết lại về các nguyên nhân khiến vật giá lương thực đã tăng rất mạnh.
- Nói chung, thế giới đang bị nguy cơ lạm phát, và trong xu hướng vật giá gia tăng ấy, số cầu về ngũ cốc đã kéo giá thực phẩm lên mức kỷ lục. Đã thế về phía cung, ở đầu vào, giá cả nguyên nhiên vật liệu còn đẩy phí tổn sản xuất và phân phối lương thực lên cao hơn nữa. Bên cạnh, phải nói đến sai lầm về chính sách như việc trợ giá nông phẩm để sản xuất nhiên liệu sinh học tại Hoa Kỳ, hoặc về quản lý phân phối như trường hợp của các nước có khả năng xuất khẩu lương thực như Liên bang Nga hay Việt Nam mà nay cũng đành bó tay.

- Vấn đề sở dĩ nguy kịch vì quân bình cung cầu hiện đang ở vào trạng thái bấp bênh trên toàn cầu, giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu lương thực. Cho tới khi nhân loại phát minh ra một cuộc cách mạng mới về công nghệ canh nông thì bất cứ một bất trắc nào cũng dẫn tới khủng hoảng, thậm chí xung đột giữa các nước vì chuyện lương thực.
Hỏi: Chúng ta trở lại chuyện Việt Nam, với nạn lạm phát đã lên tới gần 20% một năm tính đến tháng Ba vừa qua khiến mức sống dân cư sa sút. Thưa ông, liệu lạm phát và lương thực tăng giá có là nguyên do dẫn tới hàng loạt những vụ đình công để đòi tăng lương hay không"

- Tôi cứ hay nói điều nghịch lý và chuyện "nhân" và "duyên" trong kinh tế. Cái "nhân" của các vụ đình công nằm trong chiến lược kinh tế và chính sách quản lý lao động của Việt Nam. Lương thực tăng giá cùng lạm phát chỉ là cái "duyên" mà thôi.

Nói cho rõ, khủng hoảng lao động tất yếu phải nổ ra tại Việt Nam, mà sở dĩ bùng nổ bây giờ là vì giá cả lương thực, nhưng sẽ còn kéo dài vì vấn đề nội tại của thị trường lao động. Một thí dụ là nạn công nhân lao động ở nước ngoài bị ngược đãi mà không được chính quyền bảo vệ là đề tài mà đài Á châu Tự do đã nhiều lần nói tới.


Hỏi: Xin được ngắt lời ông để yêu cầu ông nói cho rõ hơn về điều ông gọi là cái
"nhân" của vấn đề lao động, sau đó mình mới nói đến cái "duyên" là giá lương thực.
- Chiến lược kinh tế của Việt Nam chủ yếu là làm gia công để xuất khẩu mà coi nhẹ nhu cầu của thị trường nội địa của một dân số rất lớn là 85 triệu người. Chiến lược ấy dựa trên sức lao động bị ép để có lợi thế lương bổng thấp, đi đôi cùng đất đai lại rất cao vì đem lại quyền lợi cho đảng viên cán bộ nhà nước. Trong khi ấy, lợi thế lâu dài là năng xuất lao động qua giáo dục và đào tạo thì lại bị bỏ quên. Nhà nước sở dĩ tiến hành được việc ấy vì kiểm soát lực lượng lao động qua Tổng công đoàn, là nghiệp đoàn quốc doanh nằm trong Mặt trận Tổ chức, một đoàn thể cũng của đảng. Họ đồng thời duy trì tỷ giá đồng bạc quá thấp để đẩy mạnh xuất khẩu nên gây thiệt thòi cho người lao động và khi có mâu thuẫn với chủ đầu tư nước ngoài thì họ bênh chủ hơn bênh thợ. Nói cho dễ hiểu thì đây là tình trạng bóc lộc lao động của chế độ tư bản nhà nước. Đó là cái nhân, nguyên nhân chính.
- Cái duyên là khi lương thực tăng giá đến 40% và chiếm tỷ trọng rất lớn trong ngân sách chi tiêu của các gia đình nghèo thì công nhân bị thiệt thòi nặng. Họ vi phạm luật lao động của Việt Nam khi đình công để đòi tăng lương. Từ mười năm nay, đã có cả ngàn vụ đình công tự phát như vậy và từ đầu năm nay, số vụ đình công đã tràn lan, có khi lên tới nhiều vạn, như vụ đình công của tại một doanh nghiệp Đài Loan chế biến giày cho tập đoàn Nike của Mỹ.
Hỏi: Trong vụ đó, dường như các chủ đầu tư đã nhượng bộ mà chấp nhận tăng lương 10% cho công nhân. Ông có thấy rằng đó là một tiến bộ hay một kết quả đáng kể hay sao"
- Tỷ lệ tăng lương ấy chỉ bằng phân nửa yêu cầu của công nhân, và lương của họ thật ra vẫn thấp hơn lương công nhân làm trong các công ty quốc doanh. Trong một kỳ sau, có lẽ ta sẽ phân tích vấn đề lao động cho rõ hơn. Riêng trong vụ này tôi e rằng lại thấy Việt Nam học cách giải quyết theo kiểu Trung Quốc, là "xả sức ép" hay "đánh bùn sang ao" để bảo vệ ý thức hệ của đảng nên vấn đề chưa thể dứt.
Hỏi: Ông có thể giải thích điều ấy cho rõ hơn được không, thế nào là "xả sức ép" hay "đánh bùn sang ao""
- Cũng là một nước xưng danh xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc có "Trung Hoa Toàn Quốc Tổng Công Hội" gọi tắt theo Anh ngữ là ACFTU, hay Tổng công đoàn quốc doanh, y như Việt Nam.
Và họ cũng cấm không cho công nhân được lập công đoàn tự do, độc lập. Công đoàn nhà nước ưu tiên bảo vệ chính sách của đảng và chiến lược của nhà nước, hơn là bảo vệ quyền lợi công nhân. Đồng thời, vì lý do ý thức hệ thì dù năng xuất kém, công nhân viên doanh nghiệp nhà nước lại có quyền lợi cao hơn công nhân trong các cơ sở tư doanh, của Việt Nam và ngoại quốc.
- Đáng lẽ, tình trạng bất công - hay vấn đề lao động thiếu an toàn và nhâm phẩm của công nhân bị chà đạp - cần được khắc phục bằng chính sách áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần công nhân thợ thuyền, quốc doanh hay tư nhân, nội địa hay ngoại quốc. Việt Nam và Trung Quốc không giải quyết như vậy và khi có mâu thuẫn thì cán bộ nhà nước coi việc đình công là phi pháp và có khi nặng tay đàn áp.
- Thế rồi năm ngoái, Trung Quốc cho công nhân biểu tình phản đối chủ đầu tư nước ngoài trễ hạn trả lương. Năm nay, Việt Nam cho đình công đòi chủ đầu tư nước ngoài tăng lương. Đây là cách "xả sức ép" hay xả xúp bắp để giải bớt sự căm phẫn của công nhân, và cho thấy rằng đảng và nhà nước mới bảo vệ quyền lợi của công nhân chống bọn tư bản nước ngoài.
- Nhưng cách giải quyết này là con dao hai ba lưỡi. Thứ nhất, có thể khiến giới đầu tư quốc tế chột dạ như đã thấy tại Trung Quốc. Thứ hai, biện pháp tăng lương vì lạm phát có thể gây thêm lạm phát. Thứ ba, công nhân viên nơi khác cũng chẳng ngồi không khi thấy gia đình đói ăn vì lương không mua đủ gạo. Đây là vấn đề nguy kịch khác ngoài nạn lương thực tăng giá phi mã.

Xin thay mặt quý thính giả cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế ngày hôm nay. Nguyễn Văn Khanh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.