Là khi hai người muốn giao đấu, hay giao cái gì khác...
Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ đã xuống đến độ sâu nhất của loại tiếu lâm cống rãnh với một vụ tai tiếng lợm giọng.
Nghị sĩ Larry Craig thuộc đảng Cộng hoà của tiểu bang Idaho là nhân vật bảo thủ với bảng điểm của phe bảo thủ là 96 trên 100 điểm. Ông cũng bảo thủ về đạo đức và chống lại chuyện hôn nhân đồng tính (giữa hai người cùng tính phái). Chuyện bình thường.
Ngày Thứ Hai 27, tờ Roll Call - tờ báo chuyên đề có uy tín về các sinh hoạt trong Quốc hội Hoa Kỳ xuất bản từ 1955 - tiết lộ một tin động trời. Hồi tháng Sáu, ông Craig bị cảnh sát bắt giữ và đã nhận tội, nộp phạt và thọ án, vì mời gọi chuyện tình dục trong phòng vệ sinh của phi trường quốc tế Minneapolis-Saint Paul.
Chi tiết cống rãnh là mời gọi tình dục - viết là "gọi dục" được không" - trong cầu tiêu. Chi tiết tiếu lâm là người được "khều" lại là một cảnh sát mặc thường phục - được biệt phái để theo dõi những hành vi thô tục trong cầu tiêu của phi trường vì có nhiều hành khách khiếu nại.
Do nhu cầu thông tin, người viết phải bịt mũi giải thích vài chi tiết "kỹ thuật" sau đây, xin độc giả thông cảm và lượng thứ.
Trong các phòng vệ sinh công cộng, cầu tiêu được phân cách bằng vách lửng. Ít người biết rằng đây là nơi hẹn hò tìm kiếm của dân đồng tính. Bên này có thể "bật tín hiệu" bằng chân với bên kia. Nếu nhận được tín hiệu thì người chịu chơi có thể trả lời, bằng tiếng động tương tự và bằng động tác tương tự - chủ yếu là bằng chân.
Sau đó, khi biết là gặp người đồng điệu thì đôi bên mới tay bắt - qua kẽ hở ở dưới vách lửng - rồi mặt mừng, với cuộn giấy vệ sinh...
Nghị sĩ Craig làm đủ "thủ tục" đó của dân làng chơi, cho tới lúc mặt mừng thì mặt nghệt. Bên kia xoè ra huy hiệu cảnh sát và bước qua với cái còng. Thủy chung vì dùng "thủ hiệu" hai người không nói gì để có thể bị quy tội là khích dục hay mời gọi, nhưng theo thủ tục của cõi thô tục đó thì chẳng ai lầm được. Chối cũng dễ mà nhận cũng dễ.
Trong giây phút bàng hoàng, Nghị sĩ Craig nhận tội "gây rối trật tự công cộng" (thay vì là "có hành vi thô tục" - lewd conduct, mà luật pháp của ta do ảnh hưởng Tây và Tầu có thể gọi là "công xúc tu xỉ"). Ông nộp 575 Mỹ kim tiền phạt và án phí, và lãnh án một năm tù treo.
Sau khi hoàn hồn, ông mới thấy là mình hố và đòi bãi nại. Rằng biên bản của cảnh sát đã không ghi lại cho đúng nội vụ. Rằng tôi không phải là người đồng tính, và rằng khi đó tôi lại dại dột không tham khảo luật sư!
Ông ta có thể là người đồng tính - là chuyện dư luận đồn đãi từ 1982 - thậm chí là người đồng tính mà vẫn chống lại hôn nhân giữa người đồng tính - một vấn đề xã hội và chính trị hơn là sở thích cá nhân - và cố che giấu thói tật mê "bóng" của mình vì thấy rằng việc đó không "phải đạo". Chuyện ấy không đáng chú ý. Trong chính trường, cái thói nói một đằng làm một nẻo vốn là quy luật phổ biến!
Nhưng, Larry Craig là một Nghị sĩ - tức là nhà làm luật ở vị trí rất cao - mà lại tối dạ như vậy: ngay từ hiện trường chọn lựa (không dùng chữ "phạm trường" vì ông đã chối tội) là nhà vệ sinh công cộng, tới người mà ông mời "múa đôi" bằng cửa sau - đã xin lỗi độc giả từ đầu - là cảnh sát kiểm tục. Rồi khi nội vụ đổ bể thì tê tái và te tái nhận tội!
Sau đó mới phản cung lung tung!
Một người dớ dẩn cao độ như vậy mà đi làm Nghị sĩ thì quả là nhục mạ nước Mỹ. Và còn gieo hoạ cho đảng Cộng hoà y như Dân biểu Mark Foley đã làm trước kỳ bầu cử 2006. (Ông Dân biểu này cầm đầu tiểu bang bảo vệ thiếu nhi mà phóng thư gợi dục thiếu nhi để dụ dỗ, và chỉ từ chức có sáu tuần trước kỳ bầu cử khiến đảng Cộng hoà của ông bị muối mặt. Và mất đa số!)
Nếu yêu nước Mỹ - và thương đảng Cộng hoà - Larry Craig nên từ chức càng sớm càng hay, không phải vì tật đồng tính mà ông muốn chối, mà vì ông quá u tối nên không thể phục vụ đất nước trong cương vị của một người làm luật được.
Điều lạ là một người lẩn thẩn như vậy mà cũng được bầu làm Dân biểu trong 10 năm (1981-1991) rồi làm Nghị sĩ trong 16 năm (1991 tới nay) sau ba lần thắng cử vẻ vang vào các năm 1990, 1996 và 2002. Đẹp mặt Hoa Kỳ!
Người viết thực ra không muốn nói đến Larry Craig và vụ múa đôi qua vách cầu tiêu của ông ta. Chuyện đó là nội tình sâu kín của Hoa Kỳ, chẳng ảnh hưởng gì đến chánh sách đối ngoại của Mỹ - một cách trực tiếp. Chuyện muốn nói ở đây là màn múa đôi giữa Tổng thống George W. Bush với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad của Iran.
Quái gở không kém - dù chẳng qua một vách lửng của cầu tiêu.
Khi bí mật phòng the của Larry Craig bắt đầu lan truyền trong hành lang chính trị Mỹ do tiết lộ ngày 27 của tờ Roll Call thì tình hình Iraq và cả khu vực bán đảo Á Rập có chuyển. Ngày 28, tại thủ đô Tehran, Tổng thống Ahmadinejad tuyên bố trước báo chí, rằng "thế lực chính trị của "bọn chiếm đóng" - tiếng Mỹ dịch là Hoa Kỳ! - đang suy sụp mau chóng và sẽ sớm để lại một khoảng trống rất lớn trong khu vực. Tất nhiên, chúng ta đã chuẩn bị trám vào khoảng trống đó".
Đáng chú ý ở lời phát biểu tiếp trong cuộc họp báo dài hai tiếng của một vị Tổng thống năng nổ và ưa nói càn là câu sau: "... với sự giúp đỡ của các lân bang và đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia, và với sự giúp đỡ của nước Iraq".
Diễn giải cho rõ: Iran lượng định là Chính quyền Bush đang lúng túng và sẽ rút khỏi Iraq, nên Tehran sẵn sàng bước vào, nhưng qua sự thoả thuận với các nước khác, kể cả Saudi Arabia, một cường quốc khu vực và là đối thủ của Iran, vì theo hệ phái Sunni.
Đây là một tín hiệu, một ngón khều, không phải với Mỹ - bề nào cũng đang chuẩn bị tháo chạy - mà với Saudi Arabia. Các nước Hồi giáo trong khu vực đang chuẩn bị kỷ nguyên "Mỹ rút".
Từ bên này vách lửng, Tổng thống Bush lập tức trả lời. "Tôi muốn dân Mỹ thử nghĩ xem tình hình sẽ ra sao nếu các lực lượng cực đoan quá khích được phép đẩy chúng ta ra khỏi Trung Đông. Khu vực này sẽ có những thay đổi khả dĩ đe dọa thế giới văn minh." Nhưng người Mỹ ít quan tâm đến chuyện đó, trò bậy của Larry Craig hay cái chết của Công nương Diana đúng 10 năm trước mới là đề tài hấp dẫn hơn.
Chúng ta đều biết rằng từ đầu năm nay, Hoa Kỳ và Iran đang khởi sự tiến trình đàm phán về tương lai Iraq qua ba bốn buổi họp. Bây giờ, Tehran bỗng nói thẳng rằng Mỹ sẽ phải rút khỏi Iraq và đề nghị kế hoạch lấp vào khoảng trống do Hoa Kỳ để lại. Đây là một đòn nói thách của Iran trong cuộc đàm phán song phương với Mỹ, hay ngược lại, một quyết định chấm dứt đàm phán"
Quốc hội Hoa Kỳ đang nghỉ, sau lễ Lao động mùng ba tháng Chín mới tái nhóm và sẽ sôi nổi với chuyện Larry Craig hơn là lời tuyên bố của Tehran.
Sau vụ Larry Craig thì các Nghị sĩ Dân biểu sẽ bận nghe Đại tướng David Petraeus cùng Đại sứ Ryan Crocker tường trình về tiến độ - hay thoái độ - tại Iraq. Họ sẽ thấy rằng vị Tư lệnh chiến trường Iraq trình bày một số tiến bộ quân sự ở tại chỗ, nhưng vị Đại sứ sẽ phải công nhận là tình hình chính trị chưa có cải tiến, như kết luận tuần trước của hệ thống tình báo. Kết luận là ông Bush đang thua và trước bậc thềm của cuộc tranh cử 2008, đây là cơ hội bằng vàng!
Nhiều phần thì lãnh đạo Tehran bắt đúng mạch của chính trường Hoa Kỳ như vậy, và biết rằng ông Bush chỉ còn ba tuần để tìm ra phép lạ không thể có tại Iraq. Cho nên họ khởi sự mở cuộc đàm phán với các nước Á Rập trong khu vực để bàn về tương lai Iraq mà khỏi cần quan điểm của Mỹ. Nghĩa là trong khi chính trường Mỹ đang hài tội Hành pháp thì cuộc đàm phán Ba Tư- Á Rập đã bắt đầu.
Một màn khiêu vũ ly kỳ!
Người ta có thể kết luận như thế vì hôm sau, Thứ Tư 29, Tổng thống Bush điện thoại vấn an Quốc vương Kuweit Sheikh Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah sau một cuộc giải phẫu của ông này. Vấn an thì ít có lẽ trấn an thì nhiều. Kuweit nằm sát vách Iraq, từng bị Saddam Hussein xua quân chiếm đóng và đang chờ xem ngày Mỹ rút. Nếu Tehran trám vào khoảng trống tại Iraq thì Hoa Kỳ sẽ xử trí ra sao với mình, một vương quốc đã cho Mỹ lập căn cứ để bảo vệ khu vực Trung Đông"
Ngoài Kuweit thì trong mấy ngày tới, ta còn cần theo dõi phản ứng của Saudi Arabia hay những đối thoại giữa Hoàng gia Saudi tại Riyahd với Washington để xem các đồng minh của Mỹ sẽ tính sao khi Hoa Kỳ tháo chạy...
Đây là cơ hội ra khỏi phòng vệ sinh của phi trường Minneapolis để tìm hiểu về những màn múa đôi khác.
Tổng thống Bush đã phải giao đấu với lãnh tụ Iran trước sự thờ ơ của dư luận Hoa Kỳ.
Có tin từ thủ đô Úc Đại Lợi cho biết rằng dường như ông Bush sẽ không dự Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC ở Sydney trong hai ngày tám và chín tháng Chín này. APEC là diễn đàn quan trọng hàng năm và là cơ hội cho cả vành cung Á châu Thái bình dương thấy sự quan tâm và hiện hữu của Hoa Kỳ trong khu vực. Nếu quả thật là ông không tham dự Thượng đỉnh này, người ta có thể kết luận là ông có ưu tiên cao hơn. Thí dụ như chuẩn bị màn múa đôi đầy vất vả với Lập pháp sau khi Quốc hội nghe báo cáo của Đại tướng Petraeus và Đại sứ Crocker về chiến trường Iraq.
Ông sẽ bị Quốc hội cho đo ván ngay trước sàn nhảy nếu không tìm ra một giải pháp thỏa đáng sau khi tham khảo với ban tham mưu quân sự và an ninh đối ngoại trong tuần tới.
Nếu ông bị đo ván, có thể giải pháp "rút mà không ra" (trên cột báo này, từ nhiều năm nay tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa đã nói tới giải pháp ấy: rút khỏi thành phố để cố thủ trong các căn cứ ngoài sa mạc ở miền Bắc và miền Tây thung lũng đông dân của hai con sông Tigris và Eurphrates, hầu bảo vệ toàn bán đảo Á Rập) cũng sẽ không thành và Iran quả thật là có cơ hội "trám vào khoảng trống".
Một màn múa đôi bi đát khiến Thượng đỉnh APEC sẽ là chuyện nhỏ.
Ban tham mưu về an ninh của ông sẽ trình bày toàn cảnh ra sao" Rõ là Tehran đang vừa ve vuốt vừa hăm dọa Saudi Arabia, một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Vương quốc này cực giàu - nhờ dầu hỏa - mà cực yếu về quân sự nếu sánh với Iran. Theo phép khôn ngoan Á Rập, Hoàng gia Saudi cần Mỹ giúp mà không muốn có căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ, một nguyên nhân được khủng bố al-Qaeda viện dẫn để mở cuộc tấn công 9-11 năm 2001. Giải pháp hay nhất cho Riyadh là Mỹ vẫn giữ lại một số căn cứ ngoài sa mạc Iraq tiếp giáp với Saudi Arabia. Nếu không là khổ!
Iran là đế quốc Hồi giáo của dân Ba Tư, theo hệ phái Shia thiểu số trong thế giới Hồi giáo, và thực sự cai trị bằng giáo luật hà khắc của đạo Hồi - nhờ công đức của Tổng thống Jimmy Carter và Cố vấn An ninh Zbigniew Brzezinski. Saudi Arabia là quốc gia nằm trên mỏ dầu và có hai thánh địa nổi tiếng của Hồi giáo, được cai trị bởi một chế độ quân chủ hình thành từ những bộ tộc Á Rập và bị đe dọa ở cả hai ngả. Một đằng là các nước Hồi giáo theo thế quyền và thiên về xã hội chủ nghĩa độc tài như Iraq hay Syria. Đằng kia là Cộng hoà Hồi giáo Iran theo thần quyền và đòi lãnh đạo thế giới Hồi giáo.
Hoàng gia Saudi tồn tại là nhờ vào thế lực của Mỹ nhưng cũng khó ăn khó nói với dân Hồi giáo cũng vì thế lực ấy. Và đại đa số đặc công khủng bố của al-Qaeda - đứng đầu là Usama bin Laden - là dân Saudi.
Bây giờ, Tehran lại mời Hoàng gia Saudi cùng múa đôi khi tham gia giải quyết chuyện Iraq thì có tin được không" Và ngược lại, có tin Mỹ được không"
Bên cạnh Iraq còn một cường quốc Hồi giáo cấp vùng khác, là xứ Turkey, tiếp giáp với cả Syria và Iran.
Tuần qua, Ngoại trưởng Abdullah Gul của xứ này vừa được bầu lên làm Tổng thống. Với Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan vừa tái đắc cử vẻ vang, hai người đều xuất thân từ khuynh hướng Hồi giáo khá cực đoan và thiên về chủ trương thần quyền của đạo Hồi, ngược với quan điểm thế quyền của các tướng lãnh.
Turkey có thể là một lò lửa bốc cháy bất cứ lúc nào nếu quân đội không mấy yên tâm về lập trường đã có vẻ ôn hoà hơn của tầng lớp lãnh đạo mới. Họ càng không yên tâm vì có thể bị văng miểng từ Iraq, do sự hiện diện đông đảo của cộng đồng dân Kurd ở hai bờ biên giới Iraq và Turkey. Hoa Kỳ mà tháo chạy để Iran bành trướng ảnh hưởng vào Iraq thì lãnh đạo Ankara của Turkey sẽ chẳng thể ngồi yên.
Nhất là khi Iran không che giấu kế hoạch chế tạo võ khí nguyên tử, và trước sự yếu thế của Hoa Kỳ nay cũng chẳng cần đổi chác theo lối "ngưng làm bom để chia phần tại Iraq".
Trên toàn cảnh như vậy, ban tham mưu quân sự và an ninh của Tổng thống Bush có thể đề nghị những gì"
Oanh tạc các căn cứ chế tạo nguyên tử của Iran" Việc đó có cứu vãn tình hình Iraq được không" Dường như không. Đổ quân vào Iran sau một đợt không tập vũ bão" Còn bao nhiêu quân mà đổ" Và với một Quốc hội đang muốn Hành pháp cuốn cờ với bất cứ giá, ông Bush có thể làm gì" Phong tỏa các hải cảng của Iran để gây thêm sức ép trên tình hình kinh tế đã quá kiệt quệ của xứ này" Các đồng minh khác của Mỹ có chịu không và nếu cứ nhân đó lại xé rào để kiếm tiền thì hải quân Mỹ tính sao"
Toàn là những giải pháp khó nhá.
Lãnh đạo Tehran hiểu rõ nước Mỹ hơn là chính dân Mỹ. Hoa Kỳ không có khả năng tham chiến được lâu. Nếu mọi cuộc chiến đều phải kết thúc bằng giải pháp chính trị, thì sự suy yếu của lãnh đạo tại Washington vì sự thiếu kiên nhẫn của dân Mỹ thường khiến Hoa Kỳ phải chấp nhận những giải pháp bất lợi nhất trong lúc cùng quẫn.
Mỹ sẽ bỏ cuộc múa đôi, đồng minh của Mỹ sẽ bơi trong biển máu, kẻ thù của Mỹ sẽ thừa thắng xông lên khiến cho lãnh đạo mới của Hoa Kỳ hết đất lùi. Rồi lại phải hùng dũng tiến ra trong một nhiệm kỳ Tổng thống mới. Người ta có thể chứng kiến những chuyển động ghê người đó trong thời gian trước mắt.
Đấy là lúc một Nghị sĩ như Larry Craig lại gây nhiễu âm vì màn kẹt cửa của mình. Nước Mỹ quái đản!