Bạn,
Đây là chuyện của dân nghèo sống bằng nghề bán thịt cóc. Họ trong 1 làng mà đến 90% mưu sinh bằng nghề bán thịt "cậu ông trời" Báo Thanh Niên viết về 1 thanh niên 25 tuổi, nhưng đã có 10 năm trong nghề qua đọan ký sự như sau.
Mới ngoài 25 tuổi, nhưng Kiên đã gắn bó với nghề này hơn 10 năm. Về số lượng cóc anh xẻ thịt thì không thể đếm xuể. Mỗi ngày anh làm thịt chừng 100-150 con, cứ vậy một năm 365 ngày (trừ hơn chục ngày về quê), nhân lên thì khắc biết. Nghề nông cực nhọc, sống bấp bênh, ở quê Kiên, ai cũng mong muốn sống bằng một cái nghề khác. Từ đời ông Kiên, đã có người nghĩ đến việc làm thịt cóc bán, cái loại thịt này, người thành phố tìm mua mà không có, thấy cóc sống thì không dám làm, mà lại có nhu cầu cho việc chữa bệnh. Nghĩ vậy nên cùng thanh niên trong làng, ông của Kiên cắp giỏ đi lên Hà Nội "làm ăn". Nghề sinh nghiệp, dần dà, người trong làng đi bán thịt cóc càng đông lên. Kiên kể, bây giờ, làng Kiên trong 100 nhà đã có hết 90 nhà có người đi bán thịt cóc ở hầu hết tỉnh thành cả nước.
Có khách gọi mua hàng, một bà đứng tuổi, nhà ở đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng. Sau chừng 15 phút ngã giá, bà đồng ý mua nửa lạng dăm bông... cóc (chừng 10-15 con sống). Bắt cóc, lôi đồ nghề, các "chuyên gia" mổ xẻ cóc làm thịt ngay tại chỗ. Kiên tiết lộ: "Dạo trước, tụi này làm luôn dăm bông ở nhà mang đi bán, vừa tiện, vừa nhẹ nhàng; nhưng người mua khó tính lắm, họ nghi mình làm không vệ sinh, không đúng thịt cóc, nên bắt phải tận mắt nhìn mình làm cóc", rồi cười hì hì: "Nhưng mấy ai mà coi đâu, họ thấy làm thịt cóc là sợ phát khiếp, chỉ lạng qua lạng lại bên ngoài thôi! Chủ yếu là cái tâm của tụi em, tụi em phải làm thế nào để lần khác người ta thấy mà còn mua. Mọi khâu làm tụi em đều cẩn trọng từng chút một, nhất là nội tạng, vì có những thứ rất độc!" Mà đúng vậy, chủ nhà chỉ nhìn một lúc rồi đi mất dạng, đến khi việc xong lại quay ra nhận "hàng". "Lần đầu tiên thử làm thịt cóc em cũng sợ ghê lắm, nhất là khâu... chặt đầu; nhưng lâu dần thành quen, nghề mưu sinh mà, sợ thì làm thế nào được"- Trần Thị Thúy, một cô gái trạc 18-20 tuổi tâm sự.
Cóc làm sạch, chỉ giữ lại thịt và xương. "Chủ yếu là xương vì thứ này bổ nhất trong con cóc" - Bàn cho biết. Phóng viên chỉ vào tấm bảng nhóm mang theo "Bán con cóc vàng", Kiên cười bảo: "Vì con cóc chữa được nhiều bệnh lắm, thế mới quý, mà đã quý thì chỉ có thể ví như... vàng!".Để có thịt cóc bán, cả nhóm phải "đặt hàng" tận ngoài Hà Nội, ở đó có đầu mối, gửi vào theo đường xe khách, cứ 10 ngày nhận một lần, mỗi lần hàng trăm nghìn con. "Thứ này sức sống cũng yếu lắm, cứ khoảng mươi ngày là chết tiệt hết. Vì vậy mà phải gửi lần lượt như vậy, hết thì gọi ra đặt hàng gửi vào!".
Bạn,
Phóng viên được dắt đến một căn nhà có 2-3 nhóm người đi bán cóc (mỗi nhóm 3 - 4 người) cùng thuê ở. Ở đây, tiếng kêu của lũ cóc yếu ớt, thiếu sinh khí - "Chúng đuối sức rồi đấy chị ạ, mai tụi em ra bến xe nhận hàng mới"- một cô trong nhóm giải thích. Đi hết ngày, cả nhóm 3 người bán được chừng 2 kg dăm bông cóc. Tiền cho 1 kg dăm bông cóc khô là 600 ngàn-700 ngàn đồng mỗi ký chừng 200-300 con tùy độ lớn nhỏ, số tiền công thu được chừng 40 ngàn đồng/người. Mỗi tháng, dành dụm mỗi người cũng gửi về cho gia đình chừng 500 ngàn đồng. Những ngày không bán được gì phải ngồi nhìn cóc nhảy lổm ngổm trong giỏ, có hôm hết tiền thì cùng làm thịt cóc ăn, xa nhà, nhớ quê...