Bạn,
Chuyện kể với bạn trong lá thư này là chuyện về những đưá trẻ nghèo khó từ các vùng quê miền Bắc lên Hà Nội kiếm sống. Đêm đêm, khi thành phố chìm trong im lặng, những đứa trẻ khốn khó có khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi bắt đầu rời chỗ trọ,chuẩn bị bước vào "công việc" thường ngày của mình. Với chiếc bao tải trên vai cùng bộ quần áo nhàu nhĩ, những trẻ em này lao vào trong màn đêm để "nhặt nhạnh" những thứ người ta "bỏ quên". Từ bộ quần áo, đôi dép, thậm chí là cả chiếc máy bơm nước. Miễn là có thể bán ra tiền. Phóng viên báo Giáo Dục-Thời Đại viết về những trẻ em bất hạnh này qua đọan ký sự như sau.
Theo chân cậu bé tên Hoàng (quê Hà Tây), phóng viên làm quen với tụi trẻ ở khu nhà trọ khá tồi tàn tại bãi Chương Dương (Hà Nội). Sau khi nghe Hoàng giới thiệu phóng viên, một người chuyên "đi mua" đồ cũ, tụi trẻ thao thao "tiếp thị" những "sản phẩm" của mình kiếm được ở đêm trước. Những chiếc bao tải được đổ ra gồm đủ thứ thập cẩm: Từ cuộn dây điện, chiếc bàn là, vài ba bộ quần áo cũ của trẻ con và người lớn, một chiếc chậu nhôm...Sau một hồi ngã giá, định loại, phóng viên mời cả nhóm ra quán ăn uống , chuyện trò.
Chiếc quán nghèo ven sông chỉ có lèo tèo vài ba gói mỳ tôm, mấy lọ kẹo và nhiều nhất là bánh mỳ. Mấy đứa trẻ nhao nhao gọi bà chủ quán. Dường như đã quá quen thuộc, mỗi đứa gọi một chiếc bánh mỳ, vừa nhồm nhoàm nhai, vừa trò chuyện một cách vui vẻ. Chúng kể về những chuyện xảy ra ở trong đêm. Một đứa trẻ có khuôn mặt khá lanh lợi, vừa phồng mồm nhai bánh, vừa nói: "Đêm qua, sau khi em phát hiện thấy cuộn dây điện khá to ở trong một ngôi nhà cao tầng, vừa trèo qua hàng rào sắt, định vào lấy thì bất chợt, một con béc-giê to bằng con nghé nhảy xổ ra. May quá, em nhanh chân đánh đu lên hàng rào. Tí nữa nó cho "dính chưởng". Nói xong, cậu bé ấn nốt phần bánh mỳ còn lại vào miệng. Trò chuyện cùng tụi trẻ, tôi được biết: "Những đứa trẻ ở khu vực này, thuộc thành phần trên có khoảng hơn chục em. Đa phần cũng là dân tỉnh lẻ bỏ nhà đi lang thang, tụ tập với nhau làm nghề này. Trung bình, mỗi đêm trừ tất cả mọi khoản chi phí như tiền ăn, tiền trọ và các khoản sinh hoạt khác, bọn trẻ thường bỏ túi được 5 đến 10 ngàn. Đột xuất những hôm nào trúng mánh thì số tiền thu được trong ngày sẽ lớn hơn.
Bạn,
Báo quốc nội viết tiếp: bà chủ quán lên tiếng cắt đứt câu chuyện của phóng viên và tụi trẻ. Bà hỏi: "Bọn mày có cầm cái bánh mỳ về cho thằng Xiêm không"". "Có chứ", bọn trẻ đồng loạt lên tiếng. Thấy khách ngơ ngác, Giang cho biết: "Xiêm là bạn của tụi em. Hôm nọ trong một lần đi "ăn đêm", nó tham quá nên bị bắt. Nó bị họ đánh cho một trận "thừa sống thiếu chết" nên phải nằm liệt giường suốt tuần nay, đi lại khó khăn lắm! Bọn em phải thay phiên nhau ở nhà để chămsóc nó". Nhìn khuôn mặt đượm buồn của Giang với cái bánh mỳ bà chủ quán đưa cho, phóng viên không khỏi day dứt. Các em còn quá trẻ mà đã sớm lao vào "vòng xoáy" kiếm tiền, mưu sinh.