Hàng gỗ giả cổ được bày bán nhiều trên các phố Đê La Thành, Thái Thịnh, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) với những mặt hàng hết sức phong phú, từ những bộ bàn ghế, sập gụ, tủ chè được gia công tinh xảo, cho đến những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, những bức tượng. Theo các chuyên gia về thị trường, sự “phục hưng” của đồ gỗ giả cổ là do tâm lý “quay về với những giá trị dân tộc” trong người dân. Còn chị Nguyễn Thị Minh, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở 185 Đê La Thành (Hà Nội) cho rằng: Đồ gỗ giả cổ hấp dẫn người tiêu dùng bởi kiểu dáng cầu kỳ, sang trọng. Lợi thế của đồ gỗ giả cổ so với đồ gỗ làm theo các mẫu mã nước ngoài là bền và không bị lỗi mốt, có thể dùng trong bốn mùa”.
Một chủ cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ có thương hiệu Bắc Hà đã nói với phóng viên báo Đầu Tư rằng số người ưa chuộng đồ gỗ giả cổ đang tăng mạnh, phần lớn là những người có nhiều tiền, có khách hàng đã quyết định trang trí cho phòng khách ngôi nhà mới xây của mình toàn bằng đồ gỗ giả cổ.
Cũng theo báo Đầu Tư, đồ gỗ giả cổ cũng có loại “hàng chợ” và hàng sang mà trong nước gọi là hàng cao cấp, nhưng theo nhiều chủ cửa hàng, loại hàng cao cấp lại được ưa chuộng hơn, mặc dù giá rất cao, do được làm toàn bằng gỗ quý và mất nhiều công sức gia công hoàn thiện. Để làm được một bộ bàn ghế hoàn chỉnh, năm người thợ phải làm ròng rã gần một tháng. Một bộ bàn ghế làm bằng gỗ trắc theo mẫu đời Minh (gồm một bàn, bốn ghế, hai đôn, một trường) có giá từ 5 đến 6.5 triệu đồng (khoảng từ 350 đô đến 465 đô), còn với những bộ cũng làm bằng gỗ trắc nhưng với những chi tiết rất cầu kỳ và tinh xảo có thể lên tới 14 triệu (gần 1 ngàn đô), trong khi cũng kiểu dáng đó nhưng làm bằng gỗ gụ có các mức giá tương ứng là 4 - 4.5 triệu đồng/bộ (khoảng 280-320 đô) và 9.5 triệu đồng/bộ (gần 700 đô). Giải thích về sự chênh lệch giá này, chủ một cửa hàng cho biết, mặc dù có độ bền như nhau, song gỗ trắc hấp dẫn bởi mầu sắc sang trọng và vân gỗ đẹp hơn gỗ gụ. Một bộ bàn phấn trang điểm theo kiểu Từ Hy Thái Hậu bằng gỗ trắc có giá 6-7 triệu đồng (khoảng từ 420 đô đến 500 đô).
Bạn,
Theo ghi nhận của giới kinh doanh, mặc dù xu hướng dùng đồ gỗ giả cổ đang được định hình ngày một rõ nét hơn, nhưng do xuất hiện quá nhiều cơ sở sản xuất, nên mức tiêu thụ trên thị trường nội địa vẫn thấp hơn nhiều so với nguồn cung cấp, không ít các cơ sở sản xuất đồ gỗ giả cổ gặp khó khăn và có nguy cơ phá sản.