Bạn,
Theo ài liệu về phong tục học, trong ba ngày Tết, trên mâm cúng giao thừa, ngoài bánh chưng, mứt, kẹo hoặc các lễ vật thơm thảo khác khó mà thiếu trà và rượu. Giải thích về sự cần phải có trà và rượu, sách xưa cho biết: lễ rước ông bà về ăn Tết với gia đình, hoặc tống cựu nghinh tân đón vị Đại vương hành khiển của năm mới, hoặc cúng thành hoàng, hoặc cầu phúc thần, tất tất đều cần có rượu. Nhà văn lão thành Toan Ánh, chuyên viết về phong tục tập quán VN, đã viết rằng lễ cúng tùy tâm, quý ở lòng thành “bất quý hồ đa” và nhất là không quên được rượu vì vô tữu bất thành lễ. Nhân dịp đầu xuân Tân Tỵ, mời bạn nghe câu chuyện về rượu và trà trong ngày Xuân, lược ghi theo tài liệu của báo Thanh Niên.
Rượu với thổ thần, vẫn là thứ ắt có trên mâm. Kẻ say ngã xuống đất thì cũng phải nương đất đứng lên. Người tỉnh nhờ đất trồng lúa, nấu rượu. Cúng thần đất, người ta vái đức Thổ địa thần kỳ. Gia chủ cúng khấn Thổ công coi quản việc nhà năm mới, đều có khấn rằng: Cẩn dĩ: Phù lưu, thanh chước, hương đăng, kim ngân, quá phẩm, thứ phẩm chi nghi, cám kiền cáo vu... Nghĩa là: kính cẩn dâng trầu rượu, hương đèn, vàng bạc, hoa quả, cùng các phẩm vật khác...Rượu cúng dùng loại sủi tăm, rót ra thơm phức. Nay theo đà hiện đại, nhiều nhà mời thần rượu Johnny Walker đen đỏ, hoặc lúa mới nếp mới, khấn sơ qua không gò văn tự, chữ nghĩa như trước. Văn khấn ngày Tết, ngày giỗ xưa, thường nghe các tiếng: thanh chước (rượu), tỉnh quả (bánh trái), tạp bàn (mâm cúng đồ mặn), trai bàn (đồ chay), hàn âm (gà), thiếu lao (bò), thái lao (trâu), phù lưu (trầu cau), tôn (bình rượu), tước (chén đựng rượu)... Những tiếng đó, nay các bạn trẻ thời điện toán chắc hiếm người hiểu nghĩa. Thử nghe mẫu văn khấn gia tiên với một tràng cung thỉnh bằng Hán tự được dịch nghĩa như sau: “Xin thỉnh ông bà tổ tiên, bốn, năm, đời trước, cha mẹ đã khuất cùng hương linh chú bác, cô dì, anh em trai gái, cùng về chứng giám lễ đầu năm, kính xin phù hộ cho gia đình năm mới từ già tới trẻ hạnh phúc an khang, thêm người, vượng vật, vạn sự hanh thông.” Các mẫu văn khấn đêm trừ tịch, lễ giao thừa, vái thổ công, khấn gia tiên được Trương Đình Tín chép âm Hán Việt và Việt hóa một số vài cuối sách Phong Tục Việt Nam. Thực tế, cúng giao thừa hoặc giỗ Tết ngày nay ít nhà còn dùng đến mẫu văn xưa. Cứ lòng thành ra lời, vái vọng và mời thọ hưởng trà rượu. Tập tục ở VN, khi dâng rượu tế Kỳ phúc tại các làng xã xưa mỗi nơi mỗi khác. Tưởng cần nói đến trà đã.
Trà là thức có mặt trên mâm lễ một cách thanh cao. Nó được rót bày trên bàn thờ ông bà ba ngày Tết cạnh bánh mứt. Quà tặng dầu đã có whisky, vodka, đế làng Vân, rượu trắng Gò Đen, Gò Công, làng Chuồn (Huế) vẫn thấy cần thêm một hai gói trà nữa kèm theo. Các học giả VN khi viết về văn hóa Việt Nam, phần ẩm thực, phong tục, đều không quên trà. Học giả Đào Duy Anh chẳng hạn, ghi nhận rằng “trong trường giao tế nước ta, chè tàu chiếm một địa vị trọng yếu, các bậc công hầu, phú quý, đua nhau phô bày nghệ thuật uống trà, tìm sắm các loại ấm chén quý và người nào mua được chè đầu xuân thì lấy làm hân hạnh lắm.”
Bạn,
Cũng theo báo Thanh Niên, cách uống trà được nhà nghiên cứu Phạm Đình Hổ (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19) viết trong tác phẩm ũ Trung Tùy Bút của mình. Theo đó, người Trung Hoa để ý đến nghệ thuật uống trà từ xưa nhưng tới đời Tống mới thấy bày đồ pha chè như ấm chén, hỏa lò, cấp thiêu. Cách pha chế càng tinh hơn vào đời Minh, đời Thanh. Những tuyệt phẩm xuất hiện như chè Võ Di, lò Thành Hóa, ấm Dương Tiễn và thị hiếu của người VN hơi giống người Trung Quốc. Và trong ba ngày Tết, trà và rượu là hai lễ vật “ắt có” trong cúng tế đón Xuân về.