Loại bia chủ lực ở đây là bia vi sinh hoặc bia gia công có giá khá rẻ, chỉ từ 1 ngàn đến 1 ngàn 500 đồng/cốc. Có lẽ vì vậy mà ngoài chút bọt nổi trên bề mặt cộng với cái màu hơi vàng vàng đặc trưng thì chất lượng tương đối tồi, hương vị nhạt nhẽo, hơn nữa chỉ hai ba vại là đủ khiến người ta đau đầu. Thêm vào đó, (vì thường nằm ở góc chợ hoặc những nơi vắng vẻ) nên tình trạng vệ sinh của những quán “bạ đâu mọc đấy” kiểu này khỏi phải nói ai cũng hình dung ra. Một anh làm nghề đạp xích lô, khách quan của quán bia trong chợ Nguyễn Công Trứ nửa đùa nửa thật: “Lắm lúc đã mệt vừa uống lại vừa phải xua ruồi đến khổ, nhưng được cái khách hàng ở đây toàn người dễ tính, không bao giờ biết kêu ca phàn nàn. Điều này cũng là dễ hiểu bởi lẽ với giá tiền như thế này thì đâu có quyền được kén chọn, kêu ca.
Tuy vậy, lượng khách của các quán này vẫn đều đều, đó là những bác xích lô, xe ôm, mấy anh cửu vạn, những gương mặt nhễ nhại mồ hôi, tạt vào uống cho nhanh với đúng nghĩa giải khát để rồi sau đó lại lao vào tiếp tục cái vòng quay tất bật của cuộc mưu sinh bộn bề khó khăn.
Tầng lớp bình dân bao giờ cũng là tầng lớp đông đảo nhất, vì thế, những quán bia bình dân cũng ít khi nào vơi khách, đặc biệt phải kể đến những tụ điểm lớn như xung quanh khu vực Tăng Bạt Hổ, Phan Chu Trinh, Phùng Hưng, đoạn trước cửa nhà máy bia Hà Nội trên phố Hoàng Hoa Thám. Ở những quán như thế này, giờ cao điểm thường không còn khoảng trống, bãi xe chật cứng, khách ngồi tràn cả ra vỉa hè.
Bạn,
Theo ghi nhận của báo trên, khách uống bia ở các quán bình dân không chỉ có dân lao động làm công hàng ngày, mà còn có giới buôn bán nhỏ, và cả những sinh viên buồn chán chuyện học hành ở giảng đường. Điều đáng nói là chính là nhờ những quán nhậu bình dân mà các cơ sở sản xuất bia, rượu rẻ tiền bán được sản phẩm, trong khi đó các hãng bia quốc doanh sản xuất loại bia “cao cấp”, lại đứng nguy cơ phá sản vì không địch lại các hãng bia liên doanh với nước ngoài.