Hai tháng đã trôi qua. Trên những diễn đàn mạng xã hội và cả trong những cuộc đối thoại đời thường, rất nhiều người thổ lộ về một thói quen vừa xuất hiện: đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của chính quyền hiện tại. “Đếm thời gian trôi” vốn không phải là một thói quen tích cực trong đời sống. Nó phản chiếu tâm trạng chán nản, buông xuôi, thậm chí là sợ hãi. Hàng loạt câu hỏi “Chúng ta phải làm gì?”; “Rồi chuyện gì nữa?”; “Chúng ta đang sống ở thời đại nào?”… Trong đó, câu hỏi lớn nhất, và biểu lộ sự phẫn nộ của người dân nhất, đó là: “Đảng Dân Chủ đang làm gì?”
Nền Dân Chủ Mỹ đang trong cơn khủng hoảng. Các giá trị mà nó định hình đang bị tấn công nặng nề. Mỗi một ngày, chiếc bánh Dân Chủ lại bị cắt đi một phần, để lấp vào đó là những bông “snowflake” mỏng manh, yếu đuối, dễ dàng thỏa hiệp với quyền lực và lợi ích.
Càng nhiều những bông hoa “snowflake”, sự tức giận của người dân càng dày thêm, và chính quyền hiện tại càng có nhiều “trophy” trong cuộc thi thử thách giới hạn của Hiến Pháp và quyền hạn của tổng thống. Điều này chứng minh qua cuộc biểu tình bằng những tấm bảng đen yếu ớt của đảng Dân Chủ trong ngày Donald Trump đọc diễn văn Thông Điệp Liên Bang. Sự im lặng đến kỳ lạ của đảng Dân Chủ trong hai tháng qua và những phản đối “nhỏ giọt” của họ bị ký giả của tờ The Guardian gọi là “cái chết trong rên rỉ.”
Có vẻ như tất cả vẫn sẽ ngủ yên nếu không có giọt nước tràn ly: Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số, lội ngược dòng, bảo vệ chiến lược của những người đang được gọi là đảng Cộng Hòa.
Moria Donegan của The Guardian gọi Chuck Schumer là hiện thân của tất cả những xung động xấu nhất trong nội bộ, những xung lực đã cho phép Donald Trump nắm quyền kiểm soát chính trị Mỹ và biến trật tự hiến pháp của nước Mỹ thành cát bụi.
Đây không phải là lần đầu tiên nước Mỹ đi trong cơn khủng hoảng này. Lịch sử nước Mỹ đã chứng minh, nền dân chủ và tự do có được hôm nay vì nước Mỹ đã có những người cầm đuốc đi qua bóng tối.
Nếu không có Martin Luther King dẫn đầu phong trào tẩy chay xe buýt Montgomery (1955-1956) sau vụ bắt giữ Rosa Parks, chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc trên xe buýt, thì người da đen mãi mãi không có chỗ ngồi trên những phương tiện công cộng.
Nếu không có Martin Luther King tổ chức và lãnh đạo cuộc tuần hành đến Washington năm 1963, công lý chủng tộc của nước Mỹ mãi mãi không được sinh ra cùng với bài phát biểu nổi tiếng “Tôi Có Một Giấc Mơ.”
Nếu không có Martin Luther King thì Đạo luật Dân quyền năm 1964 và Đạo luật Quyền bầu cử năm 1965 chỉ là “American Dream” theo nghĩa đen.
Những con sóng nhỏ sẽ tạo thành bão lớn. Nhiều đóm lửa nhỏ sẽ tạo thành ngọn đuốc rực sáng.
Khi cơn bão cát thế kỷ 21 đang ập đến, thì có những nhóm người đã vượt qua khỏi thành trì an toàn, cầm đuốc đi về phía ánh sáng, không chấp nhận để giá trị hàng trăm năm của nước Mỹ bị phá bỏ. Họ là những tín hiệu tươi mới của sự sống, cho thấy niềm tin nước Mỹ vẫn còn được cứu.
Khoảng hai tuần lễ nay, ngày nào, khắp các thành phố, tiểu bang trên nước Mỹ đều có những cuộc biểu tình chống chính sách của tổng thống, chống “cố vấn bất thành văn” của Trump là tỷ phú Elon Musk đã lạm quyền, tấn công vào ba nhánh của chính phủ dù không phải người do dân bầu nên. Mỗi ngày, các trang báo chính thống và cả các mặt trận truyền thông xã hội tràn ngập những người cầm bảng kêu gọi tẩy chay “boycott” Tesla, biểu tình trước các đại lý Tesla, từ Canada đến Mỹ. Ngày 5/4/2025 này hứa hẹn một cuộc biểu tình khắp cả nước, lớn nhất kể từ sau cuộc biểu tình 2017 của Women’s March (hơn 1 triệu người.) Tại các “townhall” của đảng Cộng Hòa, rất nhiểu cử tri, trong đó có cựu quân nhân đã đứng lên chất vấn trực tiếp với lãnh đạo của khu vực đó.
Trong những ngọn lửa nhỏ ấy, là Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) của New York, người gần như đã cạn kiệt sự kiên nhẫn của cô đối với đảng Dân Chủ sau cú lội ngược dòng của Chuck Schumer. Trả lời phỏng vấn với CNN, AOC gọi sự đầu hàng của Schumer trước Trump là một “sai lầm to lớn” và là “cái tát vào mặt” đối với các cử tri Dân chủ. AOC trả lời truyền thông báo chí rằng “Có một cảm giác phản bội rất lớn từ các cử tri đảng Dân Chủ không sẵn sàng chiến đấu.”
Chiến dịch mang tên “Fight Oligarchy” của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và AOC ở các tiểu bang Arizona, Colorado, Nevada thu hút 86,000 ngàn người tham dự có thể được ví như một ngọn đuốc trong đêm tối. Mạng xã hội Bluesky, Twitter tràn ngập hình ảnh của chiến dịch với những lời hy vọng như:
“Người dân khắp cả nước sẵn sàng chiến đấu cho một thế giới tốt hơn” hoặc “Chúng ta có cuộc cách mạng. Và bây giờ, không phải thời điểm của các tỷ phú, mà là của tất cả mọi người” hoặc “Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy điều này. Hai người này, và nhiều người khác nữa nên tiếp tục đứng lên. Thậm chí còn hơn thế nữa, hãy đến và nói chuyện với những người trung lập, những người theo chủ nghĩa tự do và những người Cộng Hòa. Không ngừng nghỉ. Hãy cho họ thấy rằng họ đã bị lừa dối, và đảng Dân Chủ là vì tất cả người Mỹ, thuộc mọi tầng lớp.”
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và AOC kêu gọi trước hàng chục ngàn người đứng lên để phản đối chủ nghĩa độc tài và chế độ đầu sỏ, ngăn chặn bất kỳ dự luật nào cắt giảm Medicaid để mang lại nhiều ưu đãi thuế hơn cho các tỷ phú.
Chưa hết, cựu ứng cử viên phó tổng thống Tim Walz cũng đi khắp các tiểu bang “đỏ” – nơi vì lý do an toàn đã dừng các buổi “townhall” – để nói chuyện với cử tri.
Jonathan V. Last của The Bulwark đã chia sẻ rằng, “sức mạnh của con người là câu trả lời duy nhất.”
“Thay vì than trách, hãy chống lại những kẻ độc tài bằng mọi cách. Nếu thị trường chứng khoán sụt giảm, hãy hét lên cho họ biết vì đó là lỗi của họ. Khi một đứa trẻ chết vì bệnh sởi, đó là lỗi của họ. Tấn công họ mỗi ngày, về bất kỳ điều gì mới xảy ra. Hãy hành động và lên tiếng như một người bình thường, không phải là một chính trị gia đóng khung trong những hành vi chuẩn mực.”
Sau hơn nửa thế kỷ, người Mỹ, với bản chất được hình thành từ lịch sử đấu tranh chống lại áp bức, bất bình đẳng và bất kỳ thế lực nào tìm cách làm giảm phẩm giá con người, vẫn tin rằng mỗi cá nhân đều có quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Cảm hứng từ lời nói của những nhà lãnh đạo trong quá khứ như Martin Luther King Jr., Abraham Lincoln và Frederick Douglass vẫn còn vang vọng. Cuộc chiến của những tiền nhân đó không chỉ vì bản thân họ mà còn vì các thế hệ tương lai, bảo đảm rằng tự do không chỉ là một ý tưởng mà là một kinh nghiệm đấu tranh cho tất cả mọi người.
Cuộc đời là dòng chảy không ngừng nghỉ. Và dòng chảy đó dành cho ai dám quyết đoán, dám chọn đứng về lẽ phải, để không bị bỏ lại trong hố đen sâu thẳm. Có nên chăng, đã đến lúc tất cả chúng ta, hãy mau chóng đứng lên bước đi tới? Bởi nếu do dự, trời sẽ tối mất!
Kalynh Ngô
*Lời trong ca khúc Ngày Lang Thang của Đen Vâu
Gửi ý kiến của bạn