Hôm nay,  

Bông Hồng Cô Đơn

23/02/202511:23:00(Xem: 2321)
Bong Hong Co Don
Ảnh của tác giả Trần Mộng Tú.

                                   

 

Mùa đông Tây Bắc về lấy hết đi những bông hoa trên mặt đất, cây cỏ mất hết cả màu xanh. Trời lúc nào cũng mưa được, không mưa sáng thì mưa trưa, không mưa trưa, thì mưa đêm, mưa nhỏ hạt thôi, nhưng đủ ướt đẫm vai ai, nếu đi bộ một quãng đường. Ban ngày đôi khi nắng chợt về sau cơn mưa nhỏ hạt kéo dài ba, bốn tiếng, nắng thoáng lên một hai tiếng rồi lại bỏ theo mưa. Người dân Tây Bắc Mỹ đã quen rồi, không thấy phiền muộn gì với mưa nắng chợt đến, chợt đi theo ngày.

 

Vườn trước vườn sau nhà tôi những bụi hoa nhỏ, chỉ còn lại những đám lá xám bạc nằm trên mặt đất. Duy nhất, cây hồng trước cửa nhà, một cây hồng màu cá salmon với những bông hoa to bằng chiếc chén, thường nở từ xuân sang thu, vào mùa đông hoa nhỏ và ít đi và dần dần rụng hết. Nhưng không biết bằng cách nào mà sáng nay, trời đã vào cuối đông mà một bông hoa nhỏ vẫn còn sót lại, nở nguyên vẹn. Nhìn cái cây đầy gai, cành vươn ra khô khốc, ngay cả chiếc lá nhỏ nhất cũng không còn, ta mới thấy cái kỳ diệu của mấy cánh hồng mong manh, đầy kiêu hãnh đó.

 

Bông hồng nhỏ duy nhất còn lại làm tôi liên tưởng đến những em bé sống còn trong chiến tranh, dưới bom đạn. Thỉnh thoảng sau một cuộc chiến, người ta chợt tìm thấy một sinh vật động đậy dưới những đống gạch của một thành phố đổ vỡ, của những trái bom đánh xập cả ngôi làng. Có cả em bé sơ sinh sống sót nằm bên cạnh xác Mẹ. Thật là kỳ diệu!

 

Bông hồng có biết nó là đóa hoa duy nhất còn sót lại trên những cành khô đầy gai nhọn, liệu hoa có sống hết mùa đông này không, khi sương và tuyết sẽ phủ hết cánh hoa? Em thơ có biết mình là người sống sót duy nhất trong gia đình, dưới tàn phá của chiến tranh? Em sẽ tiếp tục sống trong một đất nước đạn bom nhiều hơn bánh kẹo. Thật sự, điều này chỉ có Thượng Đế biết.

Đóa hoa sẽ nở hết vẻ mỹ miều của nó cho đến khi tàn tạ, em bé sẽ sống hết đời mình sau chiến tranh, nếu chiến tranh chấm dứt trên quê hương em. Đóa hồng sót lại và em bé sống sót. Cả hai đều cô đơn cả hai trong tay Thượng Đế.

 

Chiến tranh vẫn bốc khói ở nơi nào đó trên thế giới, vẫn làm rung động đến mặt đất yên lành của những nước đang được hưởng hòa bình, và phép lạ vẫn xảy ra dưới những thành phố đổ nát, trên những con đường di tản.

 

Con trai út của tôi dạy ở Montessori, cậu rất yêu và có kinh nghiệm với trẻ nên đã dạy hơn 20 năm rồi, cậu luôn có một người phụ dạy và bao giờ cũng là một phụ nữ, mới đây người phụ dạy nghỉ, thay vào một một phụ nữ khác, ngoài 40 tuổi. Gia đình bà mới định cư ở Mỹ dưới 2 năm, bà là người Ukraine di tản. (Khi ở Ukraine bà là giáo sư trung học.) Một hôm bà nói với con tôi là bà có một cậu con trai đang theo học ở College và rất cần được kèm thêm về Toán. Con trai tôi liền volunteer bố mình (Bố cậu về hưu cả 7 năm rồi, và hay kèm Toán miễn phí cho học sinh, sinh viên kém toán) Cậu thanh niên Ukraine sau một thời gian được kèm toán đã lấy được điểm A.

 

Christmas vừa qua, cậu mang cha mẹ tới nhà tôi cám ơn thầy giáo. Một cậu bé 20 tuổi, cao lớn, ngồi nói về chiến tranh và di tản. Cậu nói tiếng Anh giỏi hơn cha mẹ nên cậu làm thông ngôn cho hai người, khi họ gặp chữ khó… Gia đình họ có 4 người. Người Cha, ông Pavlo, lúc chiến tranh xẩy ra, ông đang làm việc ở bên Đức, ông làm về xây cất. Cô con gái lớn thì đang du học ở Ba Lan, bà Natalia là giáo sư của một trường Trung Học ở Ukraine. Họ chạy từ Ukraine đến Ba Lan rồi sang Mỹ định cư (trên giấy tờ họ chỉ có quyền ở lại cho đến khi Ukraine hết chiến tranh họ phải quay về.) Là một gia đình thuộc thành phần có học và khá giả nên họ mới chạy được ra khỏi bom đạn từ Ukraine tới Ba Lan và vào được Mỹ (Một học trò của bà Natalia ở Mỹ lâu năm, bảo lãnh gia đình bà vào Mỹ).

 

Với chính phủ Trump sắp tới, chiến tranh còn hay hết, họ có thể bị trục xuất sớm hơn, có thể cả ngay khi Ukraine vẫn còn bom rơi đạn nổ…Cầu mong cho chuyện đó không sẩy ra. Gia đình Ukraine này là một trong những gia đình may mắn. Bà Natalia ngồi kể về cuộc chiến ở Ukrain với tất cả nỗi kinh hoàng, khi binh lính Nga bắt được người Ukraine, họ tàn sát tất cả người già và trẻ em, ngay cả phụ nữ đang mang thai.

 

Tôi nhìn chàng thanh niên 20 tuổi, mặt còn lấm tấm mấy cái mụn trứng cá của tuổi đang lớn, nét hân hoan hiện rõ trên mặt khi câu báo đã lấy được điểm A về toán. Nếu bị trục xuất ra khỏi Mỹ và phải trở lại Ukraine hay Ba Lan, điều gì sẽ xảy ra cho cậu và gia đình…

 

Họ cho biết dù Ukraine có hết chiến tranh họ cũng muốn được ở lại Mỹ.

 

Chiến tranh Ukraine bắt đầu từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, đến nay đã được 3 năm. Chiến tranh cũng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài những người lính của bất cứ phe nào, nước nào, phải hy sinh thì trẻ em và người già là nạn nhân có con số cao nhất.

 

Tôi đọc trên một bản tin câu nói đau thương này: «bên nào có thể cung cấp nhiều đạn dược cũng như là nhiều "bia người đỡ đạn", thì bên đó có nhiều cơ may thắng thế » (RFI-Thế giới 1 năm hỗn loạn)

 

Càng kéo dài chiến tranh càng nhiều người chết, cả hai phía cùng chết và chắc chắn Ukraine sẽ chết nhiều hơn nếu tính theo phần trăm dân số… và mặc dù Ukraine không nhiều lính nhiều đạn bằng Nga.

 

Chiến tranh bao giờ cũng đi đôi với nỗi chết. Chết vì bom đạn, chết vì chạy loạn, đói khát, dẫm đạp lên nhau… nhưng trong những bức ảnh chiến tranh đau thương đó, như một phép màu, ta thỉnh thoảng lại bắt gặp một sự sống còn ngoài sức tưởng tượng của con người: Như em bé sơ sinh được lôi ra dưới đóng gạch còn sống khi một đầu cuống rốn vẫn dính vào cuống nhau của người mẹ đã chết, và em đươc đặt tên là Aya (tiếng A Rập có nghĩa là may mắn). Như một gia đình 8 người, không ai sống sót trừ bé gái lên 5 tuổi, được lôi ra dưới đống gạch ngói vụn vỡ… và còn bao nhiêu phép màu nữa chỉ có Thượng Đế mới giải thích được.

 

Một em bé sống sót trong chiến tranh khi cả nhà chết hết, có khác gì một bông hồng duy nhất còn sót lại trên một thân cây khô khốc không còn một chiếc lá chỉ còn toàn những gai tua tủa đâm vào mùa đông.

 

Em sẽ sống tiếp thế nào… trong tình thương không phải của từ cha mẹ, mà của bà con, dòng họ, hay những tấm lòng từ thiện của những đồng hương, của hội Bác Ái… Giống như đóa hoa sẽ tồn tại bao lâu giữa khắc nghiệt của mưa, tuyết mùa đông... Chỉ có Thượng Đế mới trả lời được những câu hỏi này.

 

Từ ngày 24 tháng 10 năm 2023 khi chiến tranh xảy ra ở Gaza đến nay, đã có 41,800 người thiệt mạng, trong số đó trẻ em đếm được là 17,600 em. Các em không chỉ chết vì bom đạn mà còn chết vì đói, lạnh. Có em bé nào được may mắn sống còn trong cuộc chiến Gaza như bông hồng sót lại trong mùa đông này?

 

Chiến tranh sẽ chấm dứt ở đâu đó hay sẽ tiếp tục và xuất hiện thêm ở một vài nơi khác. Thượng Đế có còn đang cúi nhìn xuống mặt đất này nữa không?

 

Tết âm lịch Ất Tỵ 2025 đang gõ trên cánh cửa thời gian. Ngoảnh mặt lại Việt Nam Cộng Hòa đã năm mươi (50) năm lịch sử sang trang. Bao nhiêu mái tóc xanh đã nhuộm đi nhuộm lại mà vẫn bạc màu, bao nhiêu người thân trong gia đình, người thân trong cộng đồng, người chỉ nghe tên nhưng chưa gặp mặt đã từ từ bỏ đi… Đi đâu nào ai biết chắc, chỉ đoán là họ đi về một nơi êm ả hơn,một nơi như có như không… một nơi mà người còn tỉnh thức đoán là… nơi cuối.

 

Trong 50 năm đất trời đảo ngược đó, đã có bao nhiêu bông hoa còn sót lại, sống còn với rung động của mưa nắng, giông bão đất trời.

 

Những bà mẹ trẻ 50 năm trước một thân gày, ôm con chạy dưới đạn bom, rồi một thân nuôi con, sống còn như bông hoa cô đơn tồn tại trên cành đầy gai và nắng lửa, mưa tuyết… Những bà mẹ đó bây giờ đã già lắm rồi và có người đã nằm yên trong đất.

 

Những người lính Quốc Gia còn sót lại của 50 năm đó, sau hơn 5,10 năm bị vùi dập trong những trại Cải Tạo, bị nhốt bỏ đói trong những thùng sắt (Conex) bây giờ ra sao? Bao nhiêu người đã thành cát bụi, đã tro than trôi ra biển, bao nhiêu người vẫn tồn tại, gậm nhấm nỗi đau trong nhà già.

 

Dù họ là ai, họ sống ra sao bây giờ… họ vẫn là những bông hoa cô đơn nhưng đầy nhân cách, sống còn với những chiếc gai và mùa đông khắc nghiệt của đời người.

 

Bông hoa hồng còn sót lại trên cái cây đầy gai, có qua được mùa đông này không? Sao mà khó thế! Nhưng tôi biết, bằng cách nào đó nó cũng tỏa hương cho đến cánh cuối cùng khi mùa đông tới.

 

Tôi đang nghĩ tới những người lính già trong những “Nhà Già” những bông hoa đơn độc giữa những cành đầy gai, vẫn kiên cường đếm từng mùa đông đi qua.

 

tmt

  • Đánh dấu: 50 năm VNCH di tản (4-30-1975) và 3 năm chiến tranh Nga và Ukraine. (2-24-2022-2025)
  • Bé Aya - có nghĩa là phép màu trong tiếng Ả Rập - được tìm thấy còn sống, bé bị chôn vùi dưới đám bê tông đổ nát sau hơn 10 giờ. Dây rốn của bé vẫn còn nối với cuống nhau của người mẹ đã chết.

 

  • Tin mới nhất trong tháng 2-2025 của NBC cho biết:  Chính phủ Donald Trump đang muốn dùng quyền lực của mình giúp đỡ Ukraine bằng cách trao đổi: Nếu Mỹ giúp Ukraine chấm dứt chiến tranh thì Ukraine phải để Mỹ có quyền khai thác khoáng sản đất hiếm của Ukrain để trả ơn. Đề nghị này Tổng Thống Zelenki đã không chấp nhận. (Kinh nghiệm của các nước nhược tiểu: Mỹ chẳng cho không ai cái gì bao giờ)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
“Cơn mưa di tản trở về giữa quá khứ và hiện tại, giữa người chết và người sống. Đó là lăng kính mà mọi thứ đã được chắt lọc qua. Những năm tháng trở nên trong suốt như nước. Những gì chúng ta thấy là những hình dạng mờ nhạt đang trôi về nguồn. Tất cả những viễn cảnh và cách diễn giải của chúng ta khi chúng ta quay trở về là đường nét chuyển động của người khác. Để tồn tại, chúng ta đã di tản qua thời gian, và để nói, chúng ta học ngôn ngữ của mưa.”
Bạn tắt hết điện thoại, truyền hình, bạn gập lại các quyển sách đang đọc. Bạn ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, khóa kín cửa, hay bạn ngồi trên một tảng đá trong rừng, hay bạn ngồi giữa chợ, điều ấy không quan trọng. Bạn không cần phải thực hành bất kì một lễ nghi tôn giáo, yoga hay thiền nào cả.
Một trong những thành tựu quan trọng đáng tự hào của cộng đồng người Việt là sự thành công của những cây bút người Mỹ gốc Việt, kể câu chuyện Việt góp phần vào nền văn học lưu vong Việt Nam cũng như góp mặt vào dòng văn học chính Hoa Kỳ. Bài giới thiệu sách này thuộc loạt bài giới thiệu các tác giả, tác phẩm thuộc dòng văn học thế hệ thứ nhất-thứ hai, trong thời điểm 50 Năm Nhìn Lại, từ biến cố tháng Tư, 1975.
Bạn có thích đọc thơ không? Người ta nói, mỗi người Việt là mỗi nhà thơ. Nhà thơ sao lại không đọc thơ? À, như vậy, bạn có đọc thơ. Dĩ nhiên bạn thích đọc thơ hay. Nhưng làm thế nào để biết bài thơ hay? Có bài thơ được nhiều người khen hay quá trời, sao bạn lại nghĩ là dở. Hoặc bạn hí hửng khoe bài thơ hay vừa đọc được, người bạn đọc xong, lắc đầu. Sao vậy? Thơ hay không bảo đảm người đọc đồng ý với nhau. Hãy hỏi bạn Trí Thông Minh Nhân Tạo (A.I.), trông cậy anh ta biết nhiều, hiểu rộng, có thể cho đôi lời vắn tắt.
Tôi có một thói quen xấu khi đọc sách – luôn bắt đầu bằng cách mở trang cuối và đọc hàng cuối rồi gấp sách lại xem đầu óc mình nghĩ gì. Hôm nay, mở cuốn “Stories from the Edge of The Sea”, cuốn sách dày 216 trang với 14 truyện ngắn của tác giả người Mỹ gốc Việt Andrew Lâm, tôi lẩm nhẩm: “Hãy đứng đến giây phút cuối cùng, và bạn sẽ không bao giờ, không bao giờ phải đứng một mình.“* “Giây phút cuối cùng”? Không hiểu sao hình ảnh Việt Nam những ngày cuối tháng Tư, 1975 hiện về. Dẫu chỉ là một đứa bé con 6 tuổi vào thời điểm này, nhưng lớn lên và sống với những hệ lụy lịch sử kéo dài từ cái ngày định mệnh đó, ngay trên mảnh đất quê hương bị đánh mất, những mảng đời, những câu chuyện, những ám ảnh, những mất mát luôn là những gì mà chính tôi, bạn bè tôi, gia đình tôi, quê hương, dân tộc tôi, vẫn gồng mình hứng chịu… dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua. Tôi hiểu mình sẽ bắt đầu đọc cuốn sách này bằng một sự “khó ở” trong lòng của một độc giả người Việt sống xa quê hương, trong tâm trạng u uẩn
Cô lớn lên như một đứa con gái tomboy, đánh gậy bóng chày giỏi hơn thằng em trai mình, có thể đá văng cặp kính ra khỏi mặt một thằng con trai, và vì thế cô không gần với mẹ lắm. Cô chẳng thấy mẹ mình có gì đáng yêu kính. Bà là người với một thân hình đẫy đà, có tật ngồi lê đôi mách, luôn tay luôn chân công việc nhà cửa, lại nợ nần cờ bạc, chẳng bao giờ thích hoạt động ngoài trời, vì quá quan tâm đến những chuyện trong gia đình nên bà chẳng hề đi đâu thăm thú thế giới, đại dương này nọ, ví dụ, bầu trời xanh chẳng có gì cho bà quan tâm, thấy thú vị.
Hôm nay 17 tháng 3, 2025, dân chúng Canada tạm biệt Justin Trudeau. Tôi yêu mến thủ tướng và tự hào về ông. Trudeau nói: Dân chủ không phải được ban cho, tự do không phải được ban cho, Canada cũng không phải được ban cho. Bạn phải giành lấy chúng bằng tất cả lòng can đảm, sự hy sinh và công việc cần mẫn mỗi ngày.
Vào đầu tháng 3, 2025 xem chương trình The Jimmy TV trên YouTube trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, cụ bà năm nay 86 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn trò chuyện với nhau. Gần sáu thập niên qua, Hè năm 1967, sau bốn tháng học Quân Sự trong giai đoạn I cùng với Khóa 24 ở Truồng Bộ Binh Thủ Đức, Khóa Nguyễn Trãi I thuyên chuyển về Trường ĐH. CTCT ở Đà Lạt. Vào thời điểm đó Vòng Tay Học Trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã tái bản nhiều lần gây xôn xao trong dư luận và dĩ nhiên thu hút độc giả nơi nầy vì nhân vật và bối cảnh xảy ra trên mảnh đất nầy.
Một buổi chiều, từ rất lâu rồi, tôi thấy mình đơn độc trên bãi biển Vũng Tàu, Việt Nam, một thành phố biển gần Sài Gòn, đứng nhìn ra khơi. Chiến tranh ngày một tệ hơn. Huế và Đà Nẵng đã thất thủ. Tiếp theo là cao nguyên Trung Phần. Sài Gòn đang hoảng loạn. Quân đội cộng sản đang tiến quân mà không bị cản trở. Tôi mới mười một tuổi và khá nhỏ con so với tuổi của mình. Bãi biển gần như vắng tanh. Gió và sóng như thét gào bên tai tôi. Với hai cánh tay dang rộng, tạo thành những hình thù kỳ lạ trên không, tôi lớn tiếng tụng niệm những câu thần chú.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.