Triết gia người Pháp Jean Paul Sartre có câu nói nổi tiếng, l’enfer c’est les autres, nghĩ là người khác là địa ngục.
Không phải thế. Chúng ta trưởng thành nhờ sự nối kết. Người khác cũng mang chúng ta đi, nuôi chúng ta lớn lên, kéo chúng ta ra khỏi bệnh tật. Các mối quan hệ cha mẹ và con cái, bạn bè và thầy trò, đồng đội và đồng bào giữ cho chúng ta thăng bằng và làm cho công việc của chúng ta có ý nghĩa. Thời trước tôi có thời gian ở trọ trong nhà một người ở Toronto. Chị là một y tá bận rộn, nhưng tôi để ý thấy chị siêng nấu ăn và nấu rất ngon, nhất là món người Hoa và miền Nam. Một lần chồng con chị đi cắm trại xa, tôi thấy bếp núc lạnh lẽo, chị chẳng ăn gì cả. Hỏi, chị trả lời, không có chồng con, mình ăn gì chẳng được. Thì ra người phụ nữ khi ở một mình bận việc họ không thiết mấy chuyện nấu nướng, hầu hết họ “lăn vào bếp” là vì người khác.
Những người đàn ông bị bệnh tiểu đường nếu có vợ sẽ sống lâu hơn những người cùng bị bệnh mà độc thân. Những người phụ nữ bị bệnh ung thư ngực, sau khi triều trị, sẽ sống lâu hơn những người bị bệnh và được chữa trị tương tự nhưng sống một mình.
Trong một nghiên cứu khảo cổ học, những con vượn già phát triển bệnh thấp khớp nếu chúng sống trong đàn. Tại sao? Vì những con vượn sống một mình sẽ chết sớm, không có tuổi già để phát triển bệnh thấp khớp.
Nói kết không phải là món quà trên trời rớt xuống, nó sinh ra trong những nỗ lực âm thầm và kéo dài, bắt đầu từ trò chuyện, tương tác, gặp gỡ và bao dung. Bạn tập nhìn thấy điều tốt lành ở người khác, nhìn thấy điểm chung để chia sẻ. Nếu bạn nối kết nhưng độc lập, thì mối quan hệ ấy có tính lành mạnh, nâng đỡ. Nếu bạn nối kết và a dua bầy đàn, thì quan hệ ấy sẽ bệnh hoạn, xóa mất bạn vào đám đông.
Nguyễn Đức Tùng
(rút trong Ý Tưởng)