Hôm nay,  

Trán Dô

28/02/202500:00:00(Xem: 1355)

Thẻ sv HTNT
Cô nhà văn Hoàng Quân, tự xưng là đại diện “Hội Những Người Trán Dồ Yêu Lung Tung”, tự xưng luôn là có cùng ngày sinh nhật với một ông trán dồ nổi tiếng là ông Albert Einstein, ngày 14/3, có gửi mail yêu cầu tôi viết về trán dồ để hy vọng “trán dồ sẽ góp mặt trong mười…một thương”. Tôi nể ông Einstein nên phóng bút.

Trán dồ hay trán dô là cùng một category trán…phi trường. Trán là khu vực nằm từ chân lông mày cho tới chân tóc. Trán bình thường chiếm khoảng 1/3 chiều dài gương mặt. Trán dô lấn sân hơn, vượt qua kích thước thông thường khiến khuôn mặt mất cân đối, kém hài hòa. Nếu nhìn ngang, người ta sẽ thấy phần xương trán của những người trán dô nhô lên cao. Vậy nên nhà văn Hoàng Quân không nên chụp hình profile!

Cái phần dô lên cao này khiến những người trán dô không nằm trong loại người có trán cao. Hai thứ khác nhau tuy cùng thuộc category “rửa mặt thì lâu, chải đầu thì lẹ”. Trán cao có bề ngang rộng, phẳng nhưng có bề cao trung bình. Nói theo phép đo lường thì nếu trán có chiều cao dài hơn một nửa chiều dài của mặt thì gọi là trán cao.

Ngoài hai loại trán dô và trán cao còn có trán hói. Trán hói rất dễ nhận ra. Cứ nhìn vào chân tóc là biết liền. Nếu chân tóc có hình chữ M, nghĩa là hai bên mép trán trống trải không có tóc thì đích thị là hói.

Trong bài này chúng ta chỉ nói về trán dô. Nói cho nhà văn Hoàng Quân mừng, phụ nữ có trán dô là người được ông trời ban cho có trí tuệ hơn người, đầu óc nhạy bén, giỏi giao thiệp. Họ biết sắp xếp cuộc sống của họ một cách có quy củ. Sở hữu tính quyết đoán nên họ luôn tính toán mọi việc  một cách chu toàn nhất. Đó là điểm cộng. Điểm nổi bật khác, không biết cộng hay trừ, là tính tình khó khăn và bướng bỉnh. Ngày xưa, thấy một anh hay chị nhóc có trán dô, các cụ phán ngay là bướng bỉnh, khó dạy. Có lẽ hồi đó các cụ nhiễm nặng vào sự suy đoán do tiền nhân truyền lại nên rất khắt khe. Đâu có phải cứ trán dô là bướng bỉnh khó dạy. Nhiều tên không dô trán cũng khó dạy dàn trời.

Khi ra đời, nếu đi làm, phụ nữ trán dô là những viên ngọc quý trong công tư sở. Họ biết tận dụng mọi cơ hội để biến chúng thành vũ khí đắc lực để phát triển công việc. Nếu làm chủ thì rất cương quyết, khó khăn tới đâu cũng cứ tiến tới, nhất định không bỏ cuộc. Nhờ vậy mà họ thường có hậu vận tốt đẹp, cuộc sống sung túc, có địa vị và vai vế trong xã hội. Đó là điểm cộng. Về chuyện tình cảm, họ có cái tôi khá cao, nên nếu không tự chế, chuyện tình duyên và gia đạo không tránh khỏi những mâu thuẫn đưa đến những cãi vã, có thể dẫn đến cảnh “anh đi đường anh, tôi đường tôi”.

Mấy ông có trán dô thường là những người điềm tĩnh trong mọi tình huống. Họ chịu khó học hỏi. giàu ý chí, nghị lực, không đầu hàng số phận, luôn tìm cách vượt qua khó khăn. Với tính cách lanh lợi, đầu óc thông minh và có tầm nhìn xa trông rộng, họ rất giỏi trong việc lãnh đạo và chỉ huy. Nhược điểm của những ông trán dô là bướng bỉnh, đôi khi khá bảo thủ, khư khư giữ ý kiến của mình, không chịu nghe các góp ý của người khác. Nhiều khi họ cố chấp một cách đáng ghét.

Người sở hữu vầng trán cao, rộng có tài kinh doanh, có ý chí làm giầu mạnh mẽ, thường là những doanh nhân thành đạt. Cứ nhìn vào trán của các ông Elon Musk, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Bill Gates khắc biết.

Theo các nhà phong thủy, khuôn mặt được coi là “bản đồ” vận mệnh của một đời người. Một khuôn mặt có thể được coi là sáng rỡ hay tối tăm dựa vào “núi” và “sông” trên đó. Người sở hữu khuôn mặt cân đối có khả năng thu hút nhiều tài lộc và những điều tốt lành tới với cuộc sống của họ. Ngược lại, khuôn mặt không cân đối, nhiều khuyết điểm không mang lại nhiều vận may cho chủ nhân của nó.

Khi đối chiếu với khuôn mặt của 100 tỷ phú giầu nhất thế giới, các nhà phong thủy thấy họ có nhiều điểm tương đồng mang lại tài lộc cho bản thân họ. Năm đặc điểm đó là: mặt chữ điền; trán cao, rộng; mũi tròn, thẳng; môi đầy đặn, hồng hào; cằm tròn, đầy đặn.

Phần lớn các tỷ phú đều có khuôn mặt vuông chữ điền. Theo nhân tướng học, mặt chữ điền tượng trưng cho sự quyết đoán, linh hoạt và ổn định. Hai tỷ phú Warren Buffett và Carlos Slim là ví dụ điển hình nhất.

Trán là biểu tượng của sự may mắn và được coi là “ngọn núi vượng khí đầu tiên” trên khuôn mặt. Trán nhẵn, tròn và rộng mang tới quyền lực, vận may và tiền tài.

Mũi được coi là một trong những “con sông” mang lại tiền tài. Theo phong thủy, mũi lý tưởng là mũi tròn và đầy đặn. Càng tròn và càng đầy đặn thì càng nhiều may mắn. Nếu mũi cân đối, không cong vẹo là mũi ngon lành, rất nhiều may mắn. Đối chiếu với mũi của các tỷ phú, chúng ta thấy có hai kiểu mũi đặc trưng mà nhiều tỷ phú sở hữu. Kiểu thứ nhất là chóp mũi khá lớn so với phần còn lại của mũi. Chóp mũi phải thẳng. Tỷ phú Bill Gates có chiếc mũi quý hóa này. Kiểu thứ hai là cả chóp mũi lẫn cánh mũi đều đầy đặn. Đây là kiểu mũi của người quyết đoán, biết nắm bắt cơ hội. Tỷ phú Warren Buffett có kiểu mũi này.

Miệng là “dòng sông” thứ hai trên khuôn mặt. Người sở hữu đôi môi hồng hào, đầy đặn, căng mọng có khả năng thu hút tài lộc. Môi không khô, nứt nẻ mới tốt vì nếu khô thì “dòng sông” bị khô hạn, không còn sự may mắn.

Cuối cùng là cằm. Đây là “ngọn núi” thứ hai của khuôn mặt. Vẫn theo phong thủy, cằm tròn, đầy đặn và rõ nét là dấu hiệu của sự may mắn và khả năng lãnh đạo. Nơi quý ông, đường viền cằm rõ nét thể hiện cá tính mạnh mẽ. Ông chủ hãng thời trang Zara, Amancio Ortega, và nhà đồng sáng lập Google, Larry Page, đều sở hữu chiếc cằm này.

Theo phong thủy, năm điểm trên là điểm tương đồng của các nhà tỷ phú, những người thành công trong sự nghiệp và sở hữu số tài sản kếch xù. Đó là một combo của thành công và may mắn. Ông nhà thơ Quan Dương có bài thơ “Tóc - Tai - Mũi - Họng” xem ra cùng nhịp bước với cuộc điểm danh các bộ phận trên mặt. Ông nói tới hai nhân tố phong thủy nhắc tới trên “núi và sông” của khuôn mặt là “mũi” và “họng”.

Trèo lên sóng mũi dọc dừa
Sẩy chân chợt té xuống bờ môi em
Té nhằm ngay chỗ trăm năm
Bị em đóng một dấu hằn hẳn hoi
.....
Ngậm trong họng ngụm bồi hồi
Giọt cà phê rớt trúng nơi chứa tình
Ghế bàn đang đứng lặng thinh
Bỗng nhiên đột ngột thình lình tung bay

Thiệt là thiếu sót! Thiếu sót dã man nhất là ông lơ đi cái trán. Nó chình ình ngay trên khuôn mặt, nằm ngay dưới chân tóc. Ông thơ về tóc rồi quẹo qua tai, xong xuôi Nam xuống mũi và họng. Bản đồ sông núi trên mặt bị một lỗ thủng to. Nhưng chả trách ông được, ông đâu có là nhà phong thủy. Ông là một người tình. Người tình trăm năm vì thơ ông là một trời tình. Tình chảy suốt một đời thơ.

Trách ông Quan Dương quên cái trán cũng tội cho nhà thơ vì thực ra cái trán nằm chình ình một vầng nhưng là một bộ phận không được trọng dụng trong thơ văn. Nó trơ trơ như các cụ diễn tả “mặt trơ trán bóng”. Vậy nên những người sở hữu trán dô cũng chán cho phận mình. Chỉ được chút an ủi là ông Thọ trong bộ Tam Đa có chiếc trán dô đặc trưng được tô hình tạc tượng cho bàn dân thiên hạ thỉnh về thờ.

Lang thang trên mạng, tôi đọc được nỗi niềm của một cô gái có cái trán dô. “Con gái đúng là trăm ngàn nỗi khổ, và trán dô hay trán "sân bay" là một trong số đó. Người ta thường nói, con gái trán dô thì thông minh, uyên bác rồi giàu sang đủ kiểu. Nhưng sự thật mất lòng, giỏi giang, lợi lộc ở đâu không biết, chỉ biết là vầng trán "sân bay" ấy làm khổ con gái đủ đường luôn. Kể sơ sơ ra cũng được cả một list nỗi khổ: chưa thấy người đã thấy trán, để kiểu tóc gì cũng thấy vô lý đùng đùng rồi thì trời nóng cũng phải để mái không dám vén lên sợ người ta lóa mắt trước cái trán cao đến quá đáng của mình”.

Cô nàng Thiên Di, sanh năm 1996, là ca sĩ kiêm biên đạo biểu diễn, quê ở Quảng Trị, than khổ than sở về cái trán dô của mình. “Cái trán của mình trông như cái đầu luôn các bạn ạ, chán lắm. Đầu thì có thể không gội chứ mái tóc thì mình không bỏ sót ngày nào. Nhỏ đến giờ, mình chỉ ước trán mình được bình thường như bao người khác để có thể làm đủ kiểu tóc mình thích...Mình đã thử thay đổi rất nhiều kiểu tóc nhưng kết quả mặt vẫn trông tếu lắm, không ai chấp nhận được. Mà chắc da trán mình dày nên bôi đủ thứ thuốc tóc vẫn không mọc lên”. Thời mà Quảng Trị, quê hương của cô nàng Thiên Di, chưa có sân bay, cô bị bạn bè đùa vui là tỉnh chẳng cần xây cất sân bay làm chi vì đã có sẵn rồi!

Buồn làm chi hỡi các nàng trán dô. Phía đối lập thân mến vẫn có người thích và yêu những cô nàng trán sân bay. Như anh chàng Lạc Hi thổ lộ trên mạng. “Trán dô à, dù bướng em vẫn là con gái, nhớ không? Và chắc chắn ở đâu đó đang có người chờ đợi để được ở cạnh em, và yêu em dài lâu, dù có chuyện gì đi nữa. Người đó có thể là anh và cũng có thể là người khác. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, là dù em có đang tự ti với mình nhiều như thế nào, thì sẽ luôn có một người yêu em - yêu những gì thuộc về em rất chân thành! Vậy nên, anh yêu em nhiều lắm, "Trán dô" của anh!”

Sau khi thấy ông Quan Dương thờ ơ với cái trán trong thơ của ông, tôi có mail hỏi coi ông có bao giờ héo lánh tới cái trán dô chưa, ông trả lời: “Vụ trán dồ này thì em cùi rồi”.

Ông nhà thơ Luân Hoán không cùi. Thơ lục phủ ngũ tạng ông còn có huống chi thơ về cái trán sờ sờ trước mắt. Ông thảy cho tôi bài “Phiến Trán Cao”.

mắt thanh mày liễu còn tùy
mái thềm thoáng rộng phương phi đỡ đầu
vẻ ngoài trí tuệ ngự đâu?
nhìn qua thoáng biết nông sâu chân tài
tóc mây cùng với tóc mai
tạo thanh tú cõi trang đài sáp ong
như trang sách chép chuyện lòng
thánh thư vô tự mênh mông rạng ngời
thơ nằm trên thạch bích phơi
man man tâm sự ngàn lời vô ngôn
bước đầu ngượng ngịu môi hôn
lên vùng thánh thoát trải hồn thương yêu

trán em bọc lụa mỹ miều
môi tình dán nhẹ bao nhiêu cho đầy
hôn em tinh khiết nơi này
hẹn che chở mãi tháng ngày có nhau

Còn một người trai trẻ, bật mí ngay đó là con trai của nhà văn Hoàng Quân, đã rất thực dụng khi thấy ích lợi của cái trán dô của mẹ: “Nếu mẹ lỡ đâm sầm vào cửa kính, cái mũi vẫn an toàn vì đã có cái trán đỡ hết rồi!”

Song Thao
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi có một thói quen xấu khi đọc sách – luôn bắt đầu bằng cách mở trang cuối và đọc hàng cuối rồi gấp sách lại xem đầu óc mình nghĩ gì. Hôm nay, mở cuốn “Stories from the Edge of The Sea”, cuốn sách dày 216 trang với 14 truyện ngắn của tác giả người Mỹ gốc Việt Andrew Lâm, tôi lẩm nhẩm: “Hãy đứng đến giây phút cuối cùng, và bạn sẽ không bao giờ, không bao giờ phải đứng một mình.“* “Giây phút cuối cùng”? Không hiểu sao hình ảnh Việt Nam những ngày cuối tháng Tư, 1975 hiện về. Dẫu chỉ là một đứa bé con 6 tuổi vào thời điểm này, nhưng lớn lên và sống với những hệ lụy lịch sử kéo dài từ cái ngày định mệnh đó, ngay trên mảnh đất quê hương bị đánh mất, những mảng đời, những câu chuyện, những ám ảnh, những mất mát luôn là những gì mà chính tôi, bạn bè tôi, gia đình tôi, quê hương, dân tộc tôi, vẫn gồng mình hứng chịu… dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua. Tôi hiểu mình sẽ bắt đầu đọc cuốn sách này bằng một sự “khó ở” trong lòng của một độc giả người Việt sống xa quê hương, trong tâm trạng u uẩn
Cô lớn lên như một đứa con gái tomboy, đánh gậy bóng chày giỏi hơn thằng em trai mình, có thể đá văng cặp kính ra khỏi mặt một thằng con trai, và vì thế cô không gần với mẹ lắm. Cô chẳng thấy mẹ mình có gì đáng yêu kính. Bà là người với một thân hình đẫy đà, có tật ngồi lê đôi mách, luôn tay luôn chân công việc nhà cửa, lại nợ nần cờ bạc, chẳng bao giờ thích hoạt động ngoài trời, vì quá quan tâm đến những chuyện trong gia đình nên bà chẳng hề đi đâu thăm thú thế giới, đại dương này nọ, ví dụ, bầu trời xanh chẳng có gì cho bà quan tâm, thấy thú vị.
Hôm nay 17 tháng 3, 2025, dân chúng Canada tạm biệt Justin Trudeau. Tôi yêu mến thủ tướng và tự hào về ông. Trudeau nói: Dân chủ không phải được ban cho, tự do không phải được ban cho, Canada cũng không phải được ban cho. Bạn phải giành lấy chúng bằng tất cả lòng can đảm, sự hy sinh và công việc cần mẫn mỗi ngày.
Vào đầu tháng 3, 2025 xem chương trình The Jimmy TV trên YouTube trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, cụ bà năm nay 86 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn trò chuyện với nhau. Gần sáu thập niên qua, Hè năm 1967, sau bốn tháng học Quân Sự trong giai đoạn I cùng với Khóa 24 ở Truồng Bộ Binh Thủ Đức, Khóa Nguyễn Trãi I thuyên chuyển về Trường ĐH. CTCT ở Đà Lạt. Vào thời điểm đó Vòng Tay Học Trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã tái bản nhiều lần gây xôn xao trong dư luận và dĩ nhiên thu hút độc giả nơi nầy vì nhân vật và bối cảnh xảy ra trên mảnh đất nầy.
Một buổi chiều, từ rất lâu rồi, tôi thấy mình đơn độc trên bãi biển Vũng Tàu, Việt Nam, một thành phố biển gần Sài Gòn, đứng nhìn ra khơi. Chiến tranh ngày một tệ hơn. Huế và Đà Nẵng đã thất thủ. Tiếp theo là cao nguyên Trung Phần. Sài Gòn đang hoảng loạn. Quân đội cộng sản đang tiến quân mà không bị cản trở. Tôi mới mười một tuổi và khá nhỏ con so với tuổi của mình. Bãi biển gần như vắng tanh. Gió và sóng như thét gào bên tai tôi. Với hai cánh tay dang rộng, tạo thành những hình thù kỳ lạ trên không, tôi lớn tiếng tụng niệm những câu thần chú.
Nhật Bản là một nước Phật giáo, mà cách đây một thời gian theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật, những người theo Phật giáo chiếm đại đa số và đúng theo lịch sử truyền bá và phát triển, Phật giáo đến nước nào thì mang sắc thái văn hóa của nước đó. Cho nên, Phật giáo khi vào Nhật Bản cũng mang một số sắc thái riêng. Nay có tác phẩm Bồ-tát Quan Âm - Tín Ngưỡng & 50 Tượng Tuyến ở Nhật Bản của nhà nghiên cứu Bùi Chí Trung, người đã sống và làm việc lâu năm tại quốc gia này sẽ cung cấp cho chúng ta một số thông tin quý báu về những nét rất riêng của Phật giáo Nhật Bản...
Nói kết không phải là món quà trên trời rớt xuống, nó sinh ra trong những nỗ lực âm thầm và kéo dài, bắt đầu từ trò chuyện, tương tác, gặp gỡ và bao dung. Bạn tập nhìn thấy điều tốt lành ở người khác, nhìn thấy điểm chung để chia sẻ. Nếu bạn nối kết nhưng độc lập, thì mối quan hệ ấy có tính lành mạnh, nâng đỡ. Nếu bạn nối kết và a dua bầy đàn, thì quan hệ ấy sẽ bệnh hoạn, xóa mất bạn vào đám đông.
Chiến tranh bao giờ cũng đi đôi với nỗi chết. Chết vì bom đạn, chết vì chạy loạn, đói khát, dẫm đạp lên nhau… nhưng trong những bức ảnh chiến tranh đau thương đó, như một phép màu, ta thỉnh thoảng lại bắt gặp một sự sống còn ngoài sức tưởng tượng của con người: Như em bé sơ sinh được lôi ra dưới đóng gạch còn sống khi một đầu cuống rốn vẫn dính vào cuống nhau của người mẹ đã chết, và em đươc đặt tên là Aya (tiếng A Rập có nghĩa là may mắn). Như một gia đình 8 người, không ai sống sót trừ bé gái lên 5 tuổi, được lôi ra dưới đống gạch ngói vụn vỡ… và còn bao nhiêu phép màu nữa chỉ có Thượng Đế mới giải thích được.
Có lẽ, người chết cháy cần phải chôn cất vội vã. Sự chuẩn bị của mọi người gần như tối thiểu. Yến biết anh mình không tin đời sau. Mọi ý nghĩa, mọi giá trị đều ở đời này. Anh tin vào sự hữu hiệu, hữu ích của tinh thần và vật chất. Có trường hợp tinh thần cao hơn. Có trường hợp vật chất cần thiết hơn. Anh thường nói với Yến, sống là chuổi chọn lựa giữa tinh thần và vật chất. Vì vậy, nàng chọn lựa không khí tinh thần cho đám tang thay vì vật chất rình rang.
Cô ngồi bên cửa sổ nhìn trời tối buông xuống đại lộ. Đầu cô dựa lên rèm cửa sổ và trong mũi cô là mùi vải cretonne bụi bặm. Cô cảm thấy mệt mỏi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.