Hôm nay,  

Trán Dô

28/02/202500:00:00(Xem: 2185)

Thẻ sv HTNT
Cô nhà văn Hoàng Quân, tự xưng là đại diện “Hội Những Người Trán Dồ Yêu Lung Tung”, tự xưng luôn là có cùng ngày sinh nhật với một ông trán dồ nổi tiếng là ông Albert Einstein, ngày 14/3, có gửi mail yêu cầu tôi viết về trán dồ để hy vọng “trán dồ sẽ góp mặt trong mười…một thương”. Tôi nể ông Einstein nên phóng bút.

Trán dồ hay trán dô là cùng một category trán…phi trường. Trán là khu vực nằm từ chân lông mày cho tới chân tóc. Trán bình thường chiếm khoảng 1/3 chiều dài gương mặt. Trán dô lấn sân hơn, vượt qua kích thước thông thường khiến khuôn mặt mất cân đối, kém hài hòa. Nếu nhìn ngang, người ta sẽ thấy phần xương trán của những người trán dô nhô lên cao. Vậy nên nhà văn Hoàng Quân không nên chụp hình profile!

Cái phần dô lên cao này khiến những người trán dô không nằm trong loại người có trán cao. Hai thứ khác nhau tuy cùng thuộc category “rửa mặt thì lâu, chải đầu thì lẹ”. Trán cao có bề ngang rộng, phẳng nhưng có bề cao trung bình. Nói theo phép đo lường thì nếu trán có chiều cao dài hơn một nửa chiều dài của mặt thì gọi là trán cao.

Ngoài hai loại trán dô và trán cao còn có trán hói. Trán hói rất dễ nhận ra. Cứ nhìn vào chân tóc là biết liền. Nếu chân tóc có hình chữ M, nghĩa là hai bên mép trán trống trải không có tóc thì đích thị là hói.

Trong bài này chúng ta chỉ nói về trán dô. Nói cho nhà văn Hoàng Quân mừng, phụ nữ có trán dô là người được ông trời ban cho có trí tuệ hơn người, đầu óc nhạy bén, giỏi giao thiệp. Họ biết sắp xếp cuộc sống của họ một cách có quy củ. Sở hữu tính quyết đoán nên họ luôn tính toán mọi việc  một cách chu toàn nhất. Đó là điểm cộng. Điểm nổi bật khác, không biết cộng hay trừ, là tính tình khó khăn và bướng bỉnh. Ngày xưa, thấy một anh hay chị nhóc có trán dô, các cụ phán ngay là bướng bỉnh, khó dạy. Có lẽ hồi đó các cụ nhiễm nặng vào sự suy đoán do tiền nhân truyền lại nên rất khắt khe. Đâu có phải cứ trán dô là bướng bỉnh khó dạy. Nhiều tên không dô trán cũng khó dạy dàn trời.

Khi ra đời, nếu đi làm, phụ nữ trán dô là những viên ngọc quý trong công tư sở. Họ biết tận dụng mọi cơ hội để biến chúng thành vũ khí đắc lực để phát triển công việc. Nếu làm chủ thì rất cương quyết, khó khăn tới đâu cũng cứ tiến tới, nhất định không bỏ cuộc. Nhờ vậy mà họ thường có hậu vận tốt đẹp, cuộc sống sung túc, có địa vị và vai vế trong xã hội. Đó là điểm cộng. Về chuyện tình cảm, họ có cái tôi khá cao, nên nếu không tự chế, chuyện tình duyên và gia đạo không tránh khỏi những mâu thuẫn đưa đến những cãi vã, có thể dẫn đến cảnh “anh đi đường anh, tôi đường tôi”.

Mấy ông có trán dô thường là những người điềm tĩnh trong mọi tình huống. Họ chịu khó học hỏi. giàu ý chí, nghị lực, không đầu hàng số phận, luôn tìm cách vượt qua khó khăn. Với tính cách lanh lợi, đầu óc thông minh và có tầm nhìn xa trông rộng, họ rất giỏi trong việc lãnh đạo và chỉ huy. Nhược điểm của những ông trán dô là bướng bỉnh, đôi khi khá bảo thủ, khư khư giữ ý kiến của mình, không chịu nghe các góp ý của người khác. Nhiều khi họ cố chấp một cách đáng ghét.

Người sở hữu vầng trán cao, rộng có tài kinh doanh, có ý chí làm giầu mạnh mẽ, thường là những doanh nhân thành đạt. Cứ nhìn vào trán của các ông Elon Musk, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Bill Gates khắc biết.

Theo các nhà phong thủy, khuôn mặt được coi là “bản đồ” vận mệnh của một đời người. Một khuôn mặt có thể được coi là sáng rỡ hay tối tăm dựa vào “núi” và “sông” trên đó. Người sở hữu khuôn mặt cân đối có khả năng thu hút nhiều tài lộc và những điều tốt lành tới với cuộc sống của họ. Ngược lại, khuôn mặt không cân đối, nhiều khuyết điểm không mang lại nhiều vận may cho chủ nhân của nó.

Khi đối chiếu với khuôn mặt của 100 tỷ phú giầu nhất thế giới, các nhà phong thủy thấy họ có nhiều điểm tương đồng mang lại tài lộc cho bản thân họ. Năm đặc điểm đó là: mặt chữ điền; trán cao, rộng; mũi tròn, thẳng; môi đầy đặn, hồng hào; cằm tròn, đầy đặn.

Phần lớn các tỷ phú đều có khuôn mặt vuông chữ điền. Theo nhân tướng học, mặt chữ điền tượng trưng cho sự quyết đoán, linh hoạt và ổn định. Hai tỷ phú Warren Buffett và Carlos Slim là ví dụ điển hình nhất.

Trán là biểu tượng của sự may mắn và được coi là “ngọn núi vượng khí đầu tiên” trên khuôn mặt. Trán nhẵn, tròn và rộng mang tới quyền lực, vận may và tiền tài.

Mũi được coi là một trong những “con sông” mang lại tiền tài. Theo phong thủy, mũi lý tưởng là mũi tròn và đầy đặn. Càng tròn và càng đầy đặn thì càng nhiều may mắn. Nếu mũi cân đối, không cong vẹo là mũi ngon lành, rất nhiều may mắn. Đối chiếu với mũi của các tỷ phú, chúng ta thấy có hai kiểu mũi đặc trưng mà nhiều tỷ phú sở hữu. Kiểu thứ nhất là chóp mũi khá lớn so với phần còn lại của mũi. Chóp mũi phải thẳng. Tỷ phú Bill Gates có chiếc mũi quý hóa này. Kiểu thứ hai là cả chóp mũi lẫn cánh mũi đều đầy đặn. Đây là kiểu mũi của người quyết đoán, biết nắm bắt cơ hội. Tỷ phú Warren Buffett có kiểu mũi này.

Miệng là “dòng sông” thứ hai trên khuôn mặt. Người sở hữu đôi môi hồng hào, đầy đặn, căng mọng có khả năng thu hút tài lộc. Môi không khô, nứt nẻ mới tốt vì nếu khô thì “dòng sông” bị khô hạn, không còn sự may mắn.

Cuối cùng là cằm. Đây là “ngọn núi” thứ hai của khuôn mặt. Vẫn theo phong thủy, cằm tròn, đầy đặn và rõ nét là dấu hiệu của sự may mắn và khả năng lãnh đạo. Nơi quý ông, đường viền cằm rõ nét thể hiện cá tính mạnh mẽ. Ông chủ hãng thời trang Zara, Amancio Ortega, và nhà đồng sáng lập Google, Larry Page, đều sở hữu chiếc cằm này.

Theo phong thủy, năm điểm trên là điểm tương đồng của các nhà tỷ phú, những người thành công trong sự nghiệp và sở hữu số tài sản kếch xù. Đó là một combo của thành công và may mắn. Ông nhà thơ Quan Dương có bài thơ “Tóc - Tai - Mũi - Họng” xem ra cùng nhịp bước với cuộc điểm danh các bộ phận trên mặt. Ông nói tới hai nhân tố phong thủy nhắc tới trên “núi và sông” của khuôn mặt là “mũi” và “họng”.

Trèo lên sóng mũi dọc dừa
Sẩy chân chợt té xuống bờ môi em
Té nhằm ngay chỗ trăm năm
Bị em đóng một dấu hằn hẳn hoi
.....
Ngậm trong họng ngụm bồi hồi
Giọt cà phê rớt trúng nơi chứa tình
Ghế bàn đang đứng lặng thinh
Bỗng nhiên đột ngột thình lình tung bay

Thiệt là thiếu sót! Thiếu sót dã man nhất là ông lơ đi cái trán. Nó chình ình ngay trên khuôn mặt, nằm ngay dưới chân tóc. Ông thơ về tóc rồi quẹo qua tai, xong xuôi Nam xuống mũi và họng. Bản đồ sông núi trên mặt bị một lỗ thủng to. Nhưng chả trách ông được, ông đâu có là nhà phong thủy. Ông là một người tình. Người tình trăm năm vì thơ ông là một trời tình. Tình chảy suốt một đời thơ.

Trách ông Quan Dương quên cái trán cũng tội cho nhà thơ vì thực ra cái trán nằm chình ình một vầng nhưng là một bộ phận không được trọng dụng trong thơ văn. Nó trơ trơ như các cụ diễn tả “mặt trơ trán bóng”. Vậy nên những người sở hữu trán dô cũng chán cho phận mình. Chỉ được chút an ủi là ông Thọ trong bộ Tam Đa có chiếc trán dô đặc trưng được tô hình tạc tượng cho bàn dân thiên hạ thỉnh về thờ.

Lang thang trên mạng, tôi đọc được nỗi niềm của một cô gái có cái trán dô. “Con gái đúng là trăm ngàn nỗi khổ, và trán dô hay trán "sân bay" là một trong số đó. Người ta thường nói, con gái trán dô thì thông minh, uyên bác rồi giàu sang đủ kiểu. Nhưng sự thật mất lòng, giỏi giang, lợi lộc ở đâu không biết, chỉ biết là vầng trán "sân bay" ấy làm khổ con gái đủ đường luôn. Kể sơ sơ ra cũng được cả một list nỗi khổ: chưa thấy người đã thấy trán, để kiểu tóc gì cũng thấy vô lý đùng đùng rồi thì trời nóng cũng phải để mái không dám vén lên sợ người ta lóa mắt trước cái trán cao đến quá đáng của mình”.

Cô nàng Thiên Di, sanh năm 1996, là ca sĩ kiêm biên đạo biểu diễn, quê ở Quảng Trị, than khổ than sở về cái trán dô của mình. “Cái trán của mình trông như cái đầu luôn các bạn ạ, chán lắm. Đầu thì có thể không gội chứ mái tóc thì mình không bỏ sót ngày nào. Nhỏ đến giờ, mình chỉ ước trán mình được bình thường như bao người khác để có thể làm đủ kiểu tóc mình thích...Mình đã thử thay đổi rất nhiều kiểu tóc nhưng kết quả mặt vẫn trông tếu lắm, không ai chấp nhận được. Mà chắc da trán mình dày nên bôi đủ thứ thuốc tóc vẫn không mọc lên”. Thời mà Quảng Trị, quê hương của cô nàng Thiên Di, chưa có sân bay, cô bị bạn bè đùa vui là tỉnh chẳng cần xây cất sân bay làm chi vì đã có sẵn rồi!

Buồn làm chi hỡi các nàng trán dô. Phía đối lập thân mến vẫn có người thích và yêu những cô nàng trán sân bay. Như anh chàng Lạc Hi thổ lộ trên mạng. “Trán dô à, dù bướng em vẫn là con gái, nhớ không? Và chắc chắn ở đâu đó đang có người chờ đợi để được ở cạnh em, và yêu em dài lâu, dù có chuyện gì đi nữa. Người đó có thể là anh và cũng có thể là người khác. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, là dù em có đang tự ti với mình nhiều như thế nào, thì sẽ luôn có một người yêu em - yêu những gì thuộc về em rất chân thành! Vậy nên, anh yêu em nhiều lắm, "Trán dô" của anh!”

Sau khi thấy ông Quan Dương thờ ơ với cái trán trong thơ của ông, tôi có mail hỏi coi ông có bao giờ héo lánh tới cái trán dô chưa, ông trả lời: “Vụ trán dồ này thì em cùi rồi”.

Ông nhà thơ Luân Hoán không cùi. Thơ lục phủ ngũ tạng ông còn có huống chi thơ về cái trán sờ sờ trước mắt. Ông thảy cho tôi bài “Phiến Trán Cao”.

mắt thanh mày liễu còn tùy
mái thềm thoáng rộng phương phi đỡ đầu
vẻ ngoài trí tuệ ngự đâu?
nhìn qua thoáng biết nông sâu chân tài
tóc mây cùng với tóc mai
tạo thanh tú cõi trang đài sáp ong
như trang sách chép chuyện lòng
thánh thư vô tự mênh mông rạng ngời
thơ nằm trên thạch bích phơi
man man tâm sự ngàn lời vô ngôn
bước đầu ngượng ngịu môi hôn
lên vùng thánh thoát trải hồn thương yêu

trán em bọc lụa mỹ miều
môi tình dán nhẹ bao nhiêu cho đầy
hôn em tinh khiết nơi này
hẹn che chở mãi tháng ngày có nhau

Còn một người trai trẻ, bật mí ngay đó là con trai của nhà văn Hoàng Quân, đã rất thực dụng khi thấy ích lợi của cái trán dô của mẹ: “Nếu mẹ lỡ đâm sầm vào cửa kính, cái mũi vẫn an toàn vì đã có cái trán đỡ hết rồi!”

Song Thao
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Văn học luôn được xây dựng trên tác giả, tác phẩm và độc giả, với những cơ chế tất yếu là báo, tạp chí văn học, nhà xuất bản, mạng lưới văn chương, và phê bình. Gần đây thêm vào các phương tiện thông tin xã hội. Trên hết là quyền lực xã hội nơi dòng văn học đang chảy, bao gồm chính trị, tôn giáo. Giá trị của một giai đoạn văn học được đánh giá bằng những thành phần nêu trên về sáng tạo và thẩm mỹ qua những cơ chế như tâm lý, ký hiệu, cấu trúc, xã hội, lịch sử… Việc này đòi hỏi những nghiên cứu mở rộng, đào sâu theo thời gian tương xứng.
Có lần tôi đứng trước một căn phòng đầy học sinh trung học và kể một câu chuyện về thời điểm chiến tranh Việt Nam chấm dứt, về việc tôi đã bỏ chạy sang Mỹ khi còn nhỏ, và trải nghiệm đó vẫn ám ảnh và truyền cảm hứng cho tôi như thế nào, thì một cô gái trẻ giơ tay hỏi tôi: “Ông có thể cho tôi biết tại sao cha tôi không bao giờ kể cho tôi nghe về cuộc chiến đó không? Cha tôi uống rượu rất nhiều, nhưng lại ít nói.” Giọng nói cô run rẩy. Cô gái bảo cha cô là một người lính miền Nam Việt Nam, ông đã chứng kiến nhiều cảnh đổ máu nhưng nỗi buồn của ông phần nhiều là trong nội tâm, hoặc nếu đôi khi thể hiện ra ngoài thì bằng những cơn thịnh nộ.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
“Cơn mưa di tản trở về giữa quá khứ và hiện tại, giữa người chết và người sống. Đó là lăng kính mà mọi thứ đã được chắt lọc qua. Những năm tháng trở nên trong suốt như nước. Những gì chúng ta thấy là những hình dạng mờ nhạt đang trôi về nguồn. Tất cả những viễn cảnh và cách diễn giải của chúng ta khi chúng ta quay trở về là đường nét chuyển động của người khác. Để tồn tại, chúng ta đã di tản qua thời gian, và để nói, chúng ta học ngôn ngữ của mưa.”
Bạn tắt hết điện thoại, truyền hình, bạn gập lại các quyển sách đang đọc. Bạn ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, khóa kín cửa, hay bạn ngồi trên một tảng đá trong rừng, hay bạn ngồi giữa chợ, điều ấy không quan trọng. Bạn không cần phải thực hành bất kì một lễ nghi tôn giáo, yoga hay thiền nào cả.
Một trong những thành tựu quan trọng đáng tự hào của cộng đồng người Việt là sự thành công của những cây bút người Mỹ gốc Việt, kể câu chuyện Việt góp phần vào nền văn học lưu vong Việt Nam cũng như góp mặt vào dòng văn học chính Hoa Kỳ. Bài giới thiệu sách này thuộc loạt bài giới thiệu các tác giả, tác phẩm thuộc dòng văn học thế hệ thứ nhất-thứ hai, trong thời điểm 50 Năm Nhìn Lại, từ biến cố tháng Tư, 1975.
Bạn có thích đọc thơ không? Người ta nói, mỗi người Việt là mỗi nhà thơ. Nhà thơ sao lại không đọc thơ? À, như vậy, bạn có đọc thơ. Dĩ nhiên bạn thích đọc thơ hay. Nhưng làm thế nào để biết bài thơ hay? Có bài thơ được nhiều người khen hay quá trời, sao bạn lại nghĩ là dở. Hoặc bạn hí hửng khoe bài thơ hay vừa đọc được, người bạn đọc xong, lắc đầu. Sao vậy? Thơ hay không bảo đảm người đọc đồng ý với nhau. Hãy hỏi bạn Trí Thông Minh Nhân Tạo (A.I.), trông cậy anh ta biết nhiều, hiểu rộng, có thể cho đôi lời vắn tắt.
Tôi có một thói quen xấu khi đọc sách – luôn bắt đầu bằng cách mở trang cuối và đọc hàng cuối rồi gấp sách lại xem đầu óc mình nghĩ gì. Hôm nay, mở cuốn “Stories from the Edge of The Sea”, cuốn sách dày 216 trang với 14 truyện ngắn của tác giả người Mỹ gốc Việt Andrew Lâm, tôi lẩm nhẩm: “Hãy đứng đến giây phút cuối cùng, và bạn sẽ không bao giờ, không bao giờ phải đứng một mình.“* “Giây phút cuối cùng”? Không hiểu sao hình ảnh Việt Nam những ngày cuối tháng Tư, 1975 hiện về. Dẫu chỉ là một đứa bé con 6 tuổi vào thời điểm này, nhưng lớn lên và sống với những hệ lụy lịch sử kéo dài từ cái ngày định mệnh đó, ngay trên mảnh đất quê hương bị đánh mất, những mảng đời, những câu chuyện, những ám ảnh, những mất mát luôn là những gì mà chính tôi, bạn bè tôi, gia đình tôi, quê hương, dân tộc tôi, vẫn gồng mình hứng chịu… dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua. Tôi hiểu mình sẽ bắt đầu đọc cuốn sách này bằng một sự “khó ở” trong lòng của một độc giả người Việt sống xa quê hương, trong tâm trạng u uẩn
Cô lớn lên như một đứa con gái tomboy, đánh gậy bóng chày giỏi hơn thằng em trai mình, có thể đá văng cặp kính ra khỏi mặt một thằng con trai, và vì thế cô không gần với mẹ lắm. Cô chẳng thấy mẹ mình có gì đáng yêu kính. Bà là người với một thân hình đẫy đà, có tật ngồi lê đôi mách, luôn tay luôn chân công việc nhà cửa, lại nợ nần cờ bạc, chẳng bao giờ thích hoạt động ngoài trời, vì quá quan tâm đến những chuyện trong gia đình nên bà chẳng hề đi đâu thăm thú thế giới, đại dương này nọ, ví dụ, bầu trời xanh chẳng có gì cho bà quan tâm, thấy thú vị.
Hôm nay 17 tháng 3, 2025, dân chúng Canada tạm biệt Justin Trudeau. Tôi yêu mến thủ tướng và tự hào về ông. Trudeau nói: Dân chủ không phải được ban cho, tự do không phải được ban cho, Canada cũng không phải được ban cho. Bạn phải giành lấy chúng bằng tất cả lòng can đảm, sự hy sinh và công việc cần mẫn mỗi ngày.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.