Hôm nay,  

Bàn Chân Phụ Nữ Mang Thai Và Những Vấn Đề Liên Quan Đến Chân

01/11/202400:00:00(Xem: 1247)

me bau
Mang thai có thể ảnh hưởng đến đôi chân, không chỉ là bị sưng phù và thay đổi dáng đi. Một số đàn bà có bầu còn bị tăng cỡ giày lên một hoặc hai cỡ; sau khi sinh cũng không thể quay trở lại như trước. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)

Năm 2022, vận động viên điền kinh nổi tiếng của Hoa Kỳ Allyson Felix đã công bố một chính sách đổi hàng độc đáo cho thương hiệu giày chạy bộ Saysh của cô: cho phép khách hàng đổi lấy một đôi giày mới nếu sau khi mua giày, chân của họ thay đổi kích cỡ do mang thai.
 
Chính sách này là sự thừa nhận công khai về một vấn đề mà thường chỉ các bà mẹ tâm sự riêng với nhau: mang thai có thể khiến chân của chúng ta to ra, tăng từ một đến hai cỡ giày. Hiện tượng này được gọi là “chân mẹ bầu,” (mom feet).
 
Tuy nhiên, đó không phải là tác động duy nhất mà mang thai gây ra cho đôi chân. Nhiều mẹ bầu còn gặp phải tình trạng chân bị sưng phù, đổi tướng đi, và thậm chí là sụp vòm bàn chân (bàn chân bị bẹt ra). Những vấn đề này từng bị xem nhẹ, nhưng hiện nay đang được xem xét nghiêm túc hơn.
 
Neil Segal, giảng sư khoa chỉnh hình và phục hồi chức năng tại Đại học Iowa, cho biết: “Mang thai thường được coi là một tình trạng tạm thời, vì vậy một số bác sĩ thường không xem xét nghiêm túc mà sẽ nói với quý vị là sau khi sinh, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.” Nhưng nghiên cứu của Segal và các đồng nghiệp cho thấy với nhiều phụ nữ, những thay đổi này có thể kéo dài mãi mãi.
 
Vậy khoa học nói gì về việc bầu bì làm thay đổi đôi chân, và cách chúng ta có thể đối phó với những thay đổi này?
 
Chân bị sưng phù
 
Sưng chân là một hiện tượng rất phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba. Khi cơ thể tạo ra nhiều máu hơn để nuôi dưỡng thai nhi, lượng chất lỏng trong cơ thể cũng tăng lên. Đồng thời, tử cung phát triển lớn hơn cũng sẽ gây thêm áp lực lên các mạch máu ở chân.
 
Dan Geller, bác sĩ phẫu thuật chuyên về chân và là giám đốc y khoa của Kane Footwear, cho biết: “Trọng lực làm cho lượng chất lỏng đổ dồn xuống chân và mắt cá chân.” Bắp chân lúc này trở thành “trái tim thứ hai” của cơ thể, giúp các van tĩnh mạch bơm máu trở lại phía trên. Khi chất lỏng thoát ra khỏi các mạch máu, có thể gây ra hiện tượng phù lõm (pitting edema), nếu ấn ngón tay vào da, sẽ thấy có vết lõm trên bề mặt da xuất hiện và tồn tại trong vài giây.
 
Jasmine Pedroso, giám đốc phụ khoa tại phòng khám hiếm muộn Kindbody cho biết, mặc dù sưng chân là hiện tượng bình thường trong thai kỳ, nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề nguy hiểm như cục máu đông hoặc nhiễm trùng. Nếu chân sưng không đều, bị đỏ lên, nóng, và đau khi chạm vào, các mẹ bầu cần gặp bác sĩ để được kiểm tra kỹ lưỡng.
 
Dáng đi thay đổi, bàn chân bẹt ra
 
Khi mang thai, trọng tâm cơ thể của sẽ thay đổi vì bụng dần lớn hơn, khiến trọng lượng cơ thể bị dồn về phía trước. Điều này làm ảnh hưởng đến tướng đi của các mẹ bầu.
 
Thông thường, khi chúng ta bước đi, áp lực sẽ di chuyển từ gót chân qua lòng bàn chân rồi đến các ngón chân. Tuy nhiên, khi bụng lớn dần trong thai kỳ, rốn bị đẩy ra xa khỏi trục trung tâm của cơ thể, cột sống trở nên kém vững vàng hơn, khiến các mẹ bầu hay có cảm giác như mình có thể bị ngã chúi về phía trước.
 
Milica McDowell, nhà vật lý trị liệu chỉnh hình kiêm phó chủ tịch tại Gait Happens, một công ty giáo dục chuyên về sức khỏe chân và cơ chế dáng đi, cho biết: “Rất nhiều thai phụ thay đổi tướng đi, họ dồn trọng lượng lên phần trước bàn chân thay vì phần gót chân, và toàn bộ cơ thể dường như bị kéo về phía trước.” Sự mất cân bằng này giống như việc mang một chiếc ba lô ở phía trước người thay vì đeo sau lưng.
 
Mang thai cũng có thể thay đổi cách bàn chân tiếp đất khi đi lại. Khi mang thai, trung bình các mẹ bầu sẽ tăng từ 25 đến 35 pounds (tương đương khoảng 11-16 kg), tăng thêm áp lực rất lớn lên vòm bàn chân. Kết hợp với hormone relaxin, loại hormone được sản sinh mạnh trong thai kỳ, có thể khiến vòm bàn chân dài ra, mở rộng và bị hạ xuống (để dễ hình dung là vòm bàn chân sẽ bị bẹt ra).
 
McDowell giải thích: “Khi áp lực tăng lên, đặc biệt ở phía trước chân, vòm bàn chân khó có thể co lại về vị trí cao tự nhiên, nên sẽ bắt đầu bẹt ra.” Điều này dẫn đến việc áp lực từ mỗi bước chân không còn dồn lên phần trước của bàn chân mà chuyển sang hai bên bàn chân.
 
Một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra rằng những phụ nữ mang thai nhiều lần có khuynh hướng bị “overpronation” (khi bước đi, mặt ngoài của gót chân tiếp đất trước và bàn chân bị lật vào trong quá mức), Howard Hillstrom, giám đốc Bệnh viện Phẫu thuật Đặc biệt ở New York và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
 
Viêm cân mạc và biến dạng ngón chân cái
 
Theo Rina Harris, một bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình bàn chân tại London, bao bàn chân bị viêm và đau (plantar fasciitis), hay còn gọi là viêm cân mạc, là một tình trạng thường thấy khác trong thai kỳ. Đây là một dạng tổn thương đối với màng cơ bàn chân (plantar fascia), một dải mô giống dây chằng chạy dọc dưới lòng bàn chân. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sự lỏng lẻo của các mô liên kết, cơ bàn chân yếu, bắp chân căng cứng và trọng lượng tăng thêm trong thai kỳ. Nếu được điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu không được điều trị, viêm cân mạc có thể kéo dài và ngày càng nặng hơn.
 
Trong khi đó, biến dạng ngón chân cái (bunions), xảy ra ở kẽ ngón chân cái (ngay khớp xương) và làm cho ngón chân trông to hơn bình thường. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do mang giày quá chật và hẹp, kết hợp với kết hợp với việc các khớp trở nên lỏng lẻo do sự thay đổi hormone trong thai kỳ. Harris cho biết: “Mặc dù thông thường phải mất hơn 10 tháng để bunions phát triển, nhưng mang thai có thể thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, các phương thức điều trị có thể giúp cải thiện sự sắp xếp của khớp, nhưng khớp ngón chân cái sẽ không bao giờ hoàn toàn phục hồi hoặc trở về đúng vị trí ban đầu.
 
Tăng cỡ giày
 
Còn sự thay đổi về kích cỡ bàn chân được biết đến với tên gọi “bàn chân mẹ bầu” (mom feet). Đa số thai phụ chỉ tăng cỡ giày khoảng nửa cỡ, nhưng một số khác có thể tăng lên đến một hoặc hai cỡ. Sau khi sinh con, nhiều người sẽ quay trở lại với cỡ giày bình thường như trước khi có bầu; nhưng đối với một số người, sự thay đổi này có thể là vĩnh viễn.
 
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng bàn chân bị bẹt ra là nguyên nhân chính khiến cho kích cỡ bàn chân không thể quay trở lại như trước khi sinh. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu còn nghi ngờ rằng độ nhạy cảm của các thụ thể hormone cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong hiện tượng này.
 
Theo Segal, mặc dù khi mang thai, mức hormone sẽ tăng lên ở tất cả mẹ bầu, nhưng có khoảng 40% sẽ bị tình trạng bẹt bàn chân nặng hơn. Nguyên nhân có thể là do sự khác biệt ở các thụ thể hormone, khiến một số người chịu tác động mạnh hơn những người khác. Nhưng vấn đề này vẫn chưa được nghiên cứu nhiều.
 
Có thể làm gì để ngăn ngừa?
 
Các biện pháp phòng ngừa có thể góp phần quan trọng trong việc tránh hiện tượng “bàn chân mẹ bầu” và những vấn đề khác gây khó chịu cho đôi chân. Bác sĩ Pedroso khuyên thai phụ nên thường xuyên nâng cao chân để phần dưới của cơ thể cao hơn tim, mang vớ y khoa loại dài qua đầu gối, thường kéo giãn và xoa bóp chân, tập thể dục nhẹ nhàng và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, không ăn mặn.
 
Giày dép cũng rất quan trọng. Harris khuyến cáo nên chọn những đôi giày thoải mái và mô phỏng theo hình dáng tự nhiên của bàn chân, tránh mang những đôi giày mũi nhọn. Chọn giày dép phù hợp giúp cung cấp không gian cho các ngón chân giãn ra, giảm sưng phù và tăng cường khả năng chịu lực cho chân.
 
Việc lựa chọn giày đúng kích cỡ là rất quan trọng. Một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra rằng có từ 63% đến 72% người đang mang giày không đúng kích cỡ. McDowell cho biết: “Nếu giày làm các ngón chân của quý vị bị ép lại, đó không phải là giày đúng cỡ.” Mọi người nên đo kích cỡ chân của mình một lần mỗi năm.
 
Ngoài ra, cấu trúc giày cũng cần được chú ý. Segal nhấn mạnh: “Hỗ trợ cho vòm bàn chân trong thai kỳ là việc rất quan trọng,” để duy trì sự ổn định và giảm áp lực cho đôi chân.
 
Hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khoa học để làm sáng tỏ tất cả các nguyên nhân khiến chân thay đổi đáng kể trong và sau thai kỳ. Segal và các nhà nghiên cứu khác cho rằng những vấn đề này cần được xem xét một cách nghiêm túc. Geller cho biết: “Đây là những vấn đề có thật, không phải là lý thuyết suông hay những câu chuyện dân gian truyền tai.
 
Nguồn: “Pregnancy can change your feet forever. Here’s the science behind 'mom feet.'” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có thể các bạn đã từng nghe rằng trên khuôn mặt chúng ta có một khu vực được gọi là “tam giác nguy hiểm” hay “tam giác tử thần”, và nặn mụn ở chỗ này có thể bị nhiễm trùng nặng, dẫn đến nguy hiểm. Và tuy trường hợp bị nhiễm trùng nặng ở vùng tam giác nguy hiểm thực sự rất hiếm, việc chúng ta chú ý, cẩn trọng hơn với thói quen nặn mụn vẫn là một điều tốt.
Vừa chật vật kiểm soát đợt bùng phát sởi nghiêm trọng ở Tây Texas, các viên chức y tế công cộng vừa lo lắng về tình trạng người dân vẫn cứ tin dùng những phương thức điều trị mà Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy Jr. ủng hộ (dù chưa được kiểm chứng khoa học đàng hoàng). Hậu quả là nhiều người chần chừ không chịu đi bác sĩ cho đến khi bệnh tình trở nặng. Trước nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, trong tuần này, các bệnh viện và cơ quan y tế đã loan tin cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận biết các triệu chứng sởi cần được điều trị khẩn cấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
Dù được tuyên bố là đã bị xóa bỏ ở Hoa Kỳ từ 25 năm trước, bệnh sởi (measles) đang quay trở lại với tốc độ đáng báo động. Chỉ trong hai tháng, đã có 146 trường hợp mắc bệnh sởi đã được ghi nhận tại tây bắc Texas, trong đó có một trẻ nhỏ đã tử vong. Ngoài Texas, các đợt bùng phát nhỏ hơn cũng xuất hiện tại New Mexico, California, Georgia, New Jersey, Rhode Island và một số tiểu bang khác
Một nghiên cứu mới đã mang đến cái nhìn chưa từng có về cách các tế bào thần kinh trong não bộ thay đổi hoạt động trong quá trình từ trước đến sau khi trẻ chào đời. Nhóm nghiên cứu sử dụng 184 ảnh brain scan từ 140 thai nhi và trẻ sơ sinh thuộc độ tuổi thai từ 25 đến 55 tuần sau thụ thai. Thai kỳ thông thường chỉ kéo dài khoảng 40 tuần, nên với những dữ liệu này, các khoa học gia có thể so sánh những thay đổi của não bộ trước và sau khi trẻ chào đời.
Trong ba thập niên qua, thói quen sử dụng thuốc bổ sung (supplements) của mọi người đã thay đổi mạnh mẽ, từ một lựa chọn dinh dưỡng trở thành một khuynh hướng phổ biến đến mức ám ảnh. Hiện nay, hơn một nửa số người lớn ở Hoa Kỳ sử dụng supplements với hy vọng có thể chữa trị hầu hết mọi vấn đề về sức khỏe, từ thể chất đến tâm thần.
Trí nhớ kém, cơ thể mất kiểm soát, những lỗ thủng bí ẩn hình thành trong não bộ – tất cả đều là dấu hiệu của một căn bệnh hiếm nhưng đáng sợ: Bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD), tương tự như bệnh bò điên. Đây là một trong những căn bệnh gây thoái hóa não tàn khốc nhất, với tốc độ tiến triển nhanh chóng và không thể cứu chữa. CJD là một bệnh về não hiếm gặp, được đặt theo tên của hai bác sĩ người Đức, Hans Creutzfeldt và Alfons Jakob, những người đầu tiên mô tả về căn bệnh vào những năm 1920. Dù hiếm gặp và ít được biết đến so với Alzheimer hay Parkinson, CJD đáng sợ ở chỗ nó khiến não bộ bị “ăn mòn” theo đúng nghĩa đen.
Khi con gái ba tuổi của Colleen Henderson cho biết cô bé bị đau khi đi vệ sinh, các bác sĩ đã không quan tâm đến và cho rằng đó là nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc táo bón, những căn bệnh thường gặp trong những năm trẻ con ở giai đoạn tập đi vệ sinh. Sau khi hãng bảo hiểm y tế của cô Henderson thông báo họ không trả cho cô chi phí siêu âm, Henderson đã bị trừ $6.000 vào thẻ tín dụng của cô. Rồi một hung tin xảy ra: Trong bàng quang của con gái nhỏ của cô có một khối u to bằng quả bưởi.
Vắc-xin (Vaccines) đã thay đổi vận mệnh của loài người. Trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa (smallpox) đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 triệu người trên toàn thế giới, còn bệnh bại liệt (polio) khiến nửa triệu người tử vong hoặc bị liệt mỗi năm. Nhưng ngày nay, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ vắc-xin, bệnh đậu mùa đã hoàn toàn biến mất khỏi hành tinh, và bệnh bại liệt cũng đã được kiểm soát tại nhiều quốc gia.
Đồng tử đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt, tương tự như khẩu độ của máy ảnh. Do đó, nó rất quan trọng đối với tầm nhìn và cách chúng ta nhận thức môi trường xung quanh.Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng kích thước đồng tử bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố chính
Sở Y Tế Công Cộng (Department of Public Health) Quận Los Angeles vừa được thông báo về một ca bệnh sởi là người không phải cư dân Quận Los Angeles. Người này đã có mặt tại phi trường quốc tế Los Angeles International (LAX) khi đang nhiễm bệnh. Người mang bệnh sởi đã tới Los Angeles trên chuyến bay KAL11/KE11 của hãng Korean Air, hạ cánh tại ga Terminal B của phi trường Tom Bradley International (TBIT) vào ngày 19 tháng 2. Những cá nhân đã đến ga Terminal B vào ngày 19 tháng 2, từ khoảng 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều có thể có nguy cơ phát bệnh sởi do lây nhiễm với du khách này. Phối hợp với Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh (Centers for Disease Control), các sở y tế địa phương sẽ thông báo cho những hành khách được chỉ định vào những chỗ ngồi cụ thể có thể đã bị nhiễm bệnh trên chuyến bay KAL11/KE11 của hãng Korean Air vào ngày 19 tháng 2. Các cơ quan này phối hợp với nhau để điều tra các trường hợp có thể đã bị truyền nhiễm trên các chuyến bay quốc tế đến Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.