Đồng tử đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt, tương tự như khẩu độ của máy ảnh. Do đó, nó rất quan trọng đối với tầm nhìn và cách chúng ta nhận thức môi trường xung quanh.Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng kích thước đồng tử bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố chính:
- Cường độ ánh sáng – Môi trường sáng làm đồng tử thu nhỏ, trong khi bóng tối làm nó giãn ra.
- Khoảng cách lấy nét – Khi nhìn vào vật thể gần, đồng tử co lại, còn khi nhìn xa, nó mở rộng.
- Các yếu tố nhận thức – Cảm xúc, sự tập trung hay căng thẳng tinh thần cũng có thể làm thay đổi kích thước đồng tử.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới từ viện Karolinska, Thụy điển, đã phát hiện một yếu tố thứ tư: hô hấp. Các thí nghiệm cho thấy đồng tử thu nhỏ lại khi hít vào và giãn lớn khi thở ra.
“Yếu tố này rất đặc biệt vì nó mang tính chu kỳ, luôn diễn ra liên tục mà không cần bất kỳ kích thích nào từ bên ngoài. Vì hô hấp ảnh hưởng đến hoạt động của não và chức năng nhận thức, phát hiện này có thể giúp hiểu rõ hơn về cách thị giác và sự chú tâm được điều chỉnh.” Artin Arshamian, Phó giáo sư tại Viện Karolinska, cho biết.
Để kiểm tra ảnh hưởng của hơi thở đến kích thước đồng tử, các nhà nghiên cứu đã thực hiện năm thí nghiệm với sự tham gia của hơn 200 người. Kết quả cho thấy vẫn có cùng kết quả dù cho người tham gia thở nhanh hay chậm, bằng mũi hay miệng, bất kể điều kiện ánh sáng hay khoảng cách nhìn thay đổi, hoặc họ đang nghỉ ngơi hay ngay khi thị giác đang làm việc. Sự khác biệt về kích thước đồng tử giữa lúc hít vào và thở ra đủ lớn để có thể ảnh hưởng đến thị giác trên mặt lý thuyết.
Thậm chí, cơ chế này vẫn hoạt động ở những người bẩm sinh không có hành khứu giác – vùng não kích hoạt khi thở bằng mũi và xử lý mùi hương. Điều này gợi ý rằng quá trình điều chỉnh đồng tử có thể bắt nguồn từ thân não, một khu vực quan trọng và được bảo tồn qua quá trình tiến hóa.
Ảnh hưởng đến thị giác và ứng dụng y học
Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu liệu sự thay đổi kích thước đồng tử theo nhịp thở có ảnh hưởng đến thị giác hay không. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng:
- Đồng tử khi thu nhỏ hơn giúp nhìn rõ các chi tiết nhỏ.
- Đồng tử khi giãn lớn hơn giúp phát hiện những vật thể mờ hoặc khó nhận diện.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy thị giác có thể thay đổi theo từng nhịp thở: khi hít vào, mắt tăng cường khả năng nhìn rõ chi tiết; khi thở ra, mắt lại tập trung vào việc phát hiện những vật thể mờ nhạt. Tất cả nằm trong một chu kỳ hô hấp duy nhất.” Martin Schaefer, nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska cho biết.
Các nhà khoa học hy vọng phát hiện này có thể ứng dụng trong lĩnh vực y học, giúp phát triển những phương pháp chẩn đoán hoặc điều trị các bệnh lý thần kinh.
”Chúng ta có thể hình dung ra những phương pháp mới để chẩn đoán hoặc điều trị các tình trạng thần kinh như bệnh Parkinson, trong đó sự rối loạn chức năng đồng tử là dấu hiệu sớm của bệnh.” Artin Arshamian cho biết
Gửi ý kiến của bạn