
Chắc hẳn đối với nhiều người nặn mụn là một thói quen khó cưỡng, nhưng liệu việc này có nguy hiểm gì không? (Ảnh: istockphoto.com)
Có thể các bạn đã từng nghe rằng trên khuôn mặt chúng ta có một khu vực được gọi là “tam giác nguy hiểm” hay “tam giác tử thần”, và nặn mụn ở chỗ này có thể bị nhiễm trùng nặng, dẫn đến nguy hiểm.
Và tuy trường hợp bị nhiễm trùng nặng ở vùng tam giác nguy hiểm thực sự rất hiếm, việc chúng ta chú ý, cẩn trọng hơn với thói quen nặn mụn vẫn là một điều tốt.
Vậy tại sao khu vực từ sống mũi đến hai khóe miệng lại được cho là đặc biệt nguy hiểm và nặn mụn có thể gây ra những nguy hại gì?
Các bác sĩ da liễu thường khuyến cáo không nên sờ mó vào mấy nốt mụn, và họ cũng quá hiểu rằng có một số người sẽ cầm lòng không đặng mà bỏ ngoài tai những lời khuyên này.
Tam giác nguy hiểm là gì?
“Tam giác nguy hiểm” hay “tam giác tử thần” trên khuôn mặt chúng ta là khu vực nằm từ sống mũi đến hai khóe miệng. Khu vực này có mạng lưới mạch máu liên kết trực tiếp đến não bộ, nếu xảy ra nhiễm trùng có thể gây ra các biến chứng rất nguy hiểm.
Theo Joshua Zeichner, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai, dù hiếm gặp nhưng cũng có một số trường hợp nhiễm trùng tại đây dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, như tê liệt một phần mặt.
Vùng trung tâm khuôn mặt chứa mạng lưới mạch máu dày đặc, tất cả đều dẫn đến xoang hang, vùng rỗng nằm phía sau hốc mắt, kết nối trực tiếp với não bộ. Nếu vi khuẩn, vi trùng xâm nhập vào khu vực này và gây nhiễm trùng, chúng có thể hình thành các cục máu đông. Những cục máu đông có thể di chuyển đến não, gây ra tình trạng cục máu đông ứ trong xoang hang.
Nhưng ông cũng nói thêm rằng nặn mụn trong khu vực này hiếm khi gây nhiễm trùng tới mức lan đến xoang hang. Vì dù nặn mụn có thể tạo ra vết thương hở, nhưng thường lượng vi khuẩn xâm nhập không đủ để gây nhiễm trùng sâu tới xoang hang, và các tế bào miễn dịch trong da cũng sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào máu.
Bất kỳ cách mổ xẻ nặng nhẹ nào được thực hiện ở vùng “tam giác nguy hiểm” đều cần phải cẩn trọng, vì khu vực này có mạng lưới mạch máu dày đặc, dễ chảy máu nhiều và tụ máu, có thể dẫn đến tổn thương mô hoặc nhiễm trùng.
Những nguy hại khi nặn mụn
Mặc dù nặn mụn có thể không gây nguy hiểm đến mức tử vong, nhưng vẫn có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn, gồm nhiễm trùng, da bị thâm hoặc để lại sẹo vĩnh viễn. Ở những chỗ có nhiều mạch máu thì nguy cơ nhiễm trùng lan rộng sẽ cao hơn.
Ngoài khu vực tam giác nguy hiểm, các bác sĩ da liễu khuyến cáo rằng tốt nhất là không nên nặn mụn. Bác sĩ Sandra Lee (nổi tiếng trên YouTube với biệt danh Dr. Pimple Popper) cho biết: “Việc nặn mụn thường hại nhiều hơn lợi.” Bác sĩ da liễu Jayden Galamgam cũng đồng ý, cho rằng: “Rất ít trường hợp cần phải nặn mụn.”
Mụn hình thành khi lỗ chân lông hoặc nang lông bị tắc nghẽn do dầu (chất nhờn) hoặc tế bào chết ứ đọng trên da, gây ra các nốt sần gọi là nhân mụn (hay đầu mụn, cồi mụn). Có hai loại đầu mụn: đầu mụn mở (mụn đầu đen) và đầu mụn đóng (mụn đầu trắng).
Mụn đầu đen là loại mụn có nhân hở. Khi tiếp xúc với không khí, chất nhờn bên trong bị oxy hóa, tạo ra màu đen đặc trưng. Việc lấy mụn đầu đen thường an toàn nếu được thực hiện đúng cách bởi các chuyên gia.
Ngược lại, mụn đầu trắng là loại mụn có nhân bị bít kín dưới da, hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn hoàn toàn bởi dầu thừa, tế bào chết và vi khuẩn. Loại mụn này thường xuất hiện dưới dạng các nốt nhỏ, có thể có hoặc không có đầu trắng. Trong một số trường hợp, mụn đầu trắng có thể kích thích phản ứng miễn dịch, gây viêm nặng hơn với các nốt đỏ, đau, chứa mủ sâu dưới da, được gọi là mụn viêm (hay mụn trứng cá). Cố nặn mụn loại này có thể gây tổn thương và làm tình trạng viêm trở nên tồi tệ hơn, vì vi khuẩn có thể lan rộng và gây nhiễm trùng sâu hơn. Tự ý nặn mụn trứng cá cũng có thể làm thâm da và để lại sẹo.
Để giải quyết mụn mà không cần nặn, sử dụng miếng dán trị mụn. Những miếng dán này giúp giữ ẩm cho da, ngăn chặn vi khuẩn, hạn chế thói quen sờ vào mụn, và quan trọng là che “khuất mắt,” giúp chúng ta đỡ bị ám ảnh về nó.
Nếu mụn vẫn không tự hết, nên đến gặp bác sĩ da liễu để tìm phương pháp điều trị phù hợp. Một số trường hợp mụn cần được bác sĩ can thiệp để lấy mụn ra hoặc áp dụng các phương pháp điều trị đặc biệt.
Nặn mụn an toàn
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng biết tỏng rằng đôi khi chúng ta không thể cưỡng lại việc nặn mụn. Và lúc đó, hãy đảm bảo thực hiện đúng cách để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương da. Hãy coi việc nặn mụn như một “thủ thuật y tế nhỏ” và tuân thủ các bước sau. Đầu tiên, quý vị cần làm sạch da, tay và dụng cụ nặn mụn bằng xà bông, nước hoặc cồn để tránh vi khuẩn xâm nhập.
Chỉ nên nặn mụn khi mụn đã “chín,” tức là khi cồi mụn đã hình thành rõ ràng. Khi nặn, hãy sử dụng khăn giấy sạch quấn quanh ngón tay hoặc, tốt hơn, dùng dụng cụ nặn mụn chuyên dụng đã được khử trùng. Ấn nhẹ nhàng và đều đặn lên mụn, tránh bóp mạnh để không làm rách da hoặc để lại vết thâm, sẹo. Sau khi nặn, dùng tăm bông thoa benzoyl peroxide lên chỗ nặn và xung quanh để khử trùng.
Theo bác sĩ Lee, chỉ nặn mụn thôi không phải là cách trị mụn hiệu quả. Để giải quyết mụn, quý vị nên sử dụng các sản phẩm trị mụn không kê đơn, chẳng hạn như. Bà cho biết: “Salicylic acid giúp làm sạch lỗ chân lông bị tắc, rất hiệu quả trong điều trị mụn đầu đen và mụn đầu trắng. Benzoyl peroxide thì có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn và ngăn ngừa viêm nhiễm.” Ngoài ra, retinoids sẽ giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, có hiệu quả trong việc ngăn ngừa mụn trứng cá.
Mặc dù các sản phẩm này rất hữu ích, nhưng nguyên nhân gây mụn không chỉ là do tắc nghẽn lỗ chân lông hay vi khuẩn. Các yếu tố không thể kiểm soát như di truyền, thay đổi nội tiết tố, và căng thẳng đầu óc (stress) cũng góp phần làm nổi mụn. Vì mỗi người có cơ địa và tình trạng da khác nhau, cách điều trị mụn cũng sẽ khác nhau.
Nếu tình trạng mụn không cải thiện hoặc đang bị mụn viêm nặng, gây đau đớn như mụn mủ, mụn bọc, quý vị nên sớm đi bác sĩ da liễu để tránh nguy cơ bị thâm, nám hoặc sẹo vĩnh viễn.
Cung Mi biên dịch
Nguồn: “Everybody is tempted to pop zits—but is there a safe way?” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn