Hôm nay,  

Vắc-xin Ung Thư Và Cuộc Chiến Chống Lại Căn Bệnh Nan Y

07/03/202500:00:00(Xem: 740)

Vaxin ung thu
Điều gì sẽ xảy ra nếu có thể tiêm phòng ung thư giống như cách chúng ta chủng ngừa cúm mùa? Các khoa học gia đang tiến gần hơn đến thực tế đó nhờ vào vắc-xin ung thư, một bước tiến đầy triển vọng của y học hiện đại. (Nguồn: pixabay.com)

Vắc-xin (Vaccines) đã thay đổi vận mệnh của loài người. Trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa (smallpox) đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 triệu người trên toàn thế giới, còn bệnh bại liệt (polio) khiến nửa triệu người tử vong hoặc bị liệt mỗi năm.
 
Nhưng ngày nay, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ vắc-xin, bệnh đậu mùa đã hoàn toàn biến mất khỏi hành tinh, và bệnh bại liệt cũng đã được kiểm soát tại nhiều quốc gia.
 
Từ những thành công đó, các khoa học gia đã tự hỏi: Liệu có thể khai thác sức mạnh kỳ diệu của hệ thống miễn dịch để chống lại các bệnh khác, đặc biệt là ung thư? Và câu trả lời đang dần được hé lộ với những nghiên cứu đầy triển vọng về vắc-xin ung thư.
 
Vậy, vắc-xin ung thư là gì và chúng hoạt động như thế nào?
 
Cơ chế hoạt động của vắc-xin thông thường
 
Về bản chất, vắc-xin là những “người thầy” huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết và tiêu diệt những “kẻ xâm lược” nguy hiểm, như siêu vi trùng hoặc vi khuẩn.
 
Cụ thể, vắc-xin đưa vào cơ thể một số thành phần đặc trưng của mầm bệnh, chẳng hạn như protein trên bề mặt siêu vi trùng. Những thành phần đặc trưng này được gọi là kháng nguyên (antigen), và khi hệ thống miễn dịch tiếp xúc với chúng qua vắc-xin, nó sẽ học cách nhận biết và coi đây là mối đe dọa.
 
Sau khi đã làm quen với kháng nguyên của siêu vi trùng hoặc vi khuẩn, hệ thống miễn dịch sẽ nhanh chóng tấn công khi phát hiện mầm bệnh thực sự xâm nhập vào cơ thể. Đây chính là cách mà vắc-xin phòng ngừa hiệu quả các bệnh truyền nhiễm như đậu mùa, sởi, cúm mùa, và nhiều căn bệnh khác. Ngay cả khi vắc-xin không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm, chúng vẫn có thể giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh – điển hình như vắc-xin cúm mùa hàng năm.
 
Bác sĩ Vinod Balachandran, Giám Olayan Center for Cancer Vaccines tại Memorial Sloan Kettering Cancer Center, cho biết: “Vắc-xin tận dụng khả năng tự nhiên của hệ thống miễn dịch trong việc nhận biết và phản ứng với các tác nhân ngoại lai xâm nhập vào cơ thể.
 
Hiện nay, một số vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm đã giúp giảm nguy cơ mắc ung thư. Vắc-xin HPV bảo vệ cơ thể khỏi các chủng siêu vi trùng HPV có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, trong khi vắc-xin viêm gan B giúp ngăn ngừa ung thư gan do nhiễm siêu vi trùng viêm gan B mãn tính. Tuy nhiên, những vắc-xin này không trực tiếp nhắm vào tế bào ung thư, mà chỉ ngăn chặn các siêu vi trùng làm tăng nguy cơ ung thư.
 
Vắc-xin ung thư hoạt động như thế nào?
 
Không giống như các loại vắc-xin trên, vắc-xin ung thư được thiết kế để tấn công trực tiếp vào tế bào ung thư, thay vì ngăn ngừa những siêu vi trùng có khả năng gây ra bệnh.
 
Tuy nhiên, việc phát triển loại vắc-xin này là một thách thức lớn. Nguyên nhân là do hầu hết các vắc-xin truyền thống đều dựa vào cơ chế nhận biết tác nhân ngoại lai của hệ thống miễn dịch. Nhưng ung thư lại phát triển từ chính tế bào của cơ thể, tức là về mặt di truyền và phân tử, tế bào ung thư rất giống với tế bào khỏe mạnh.
 
Dù vậy, có một số phân tử chỉ xuất hiện trong tế bào ung thư. Các khoa học gia gọi chúng là “neoantigen” – những phân tử được tạo ra do các đột biến di truyền và không tồn tại trong tế bào bình thường.
 
Balachandran giải thích: “Nếu có thể xác định được những neoantigen mà hệ thống miễn dịch có thể nhận biết, chúng ta có thể huấn luyện hệ thống miễn dịch coi ung thư là một kẻ ngoại lai và tiêu diệt.
 
Có một số neoantigen phổ biến ở những bệnh nhân mắc cùng một loại ung thư, trong khi một số khác chỉ xuất hiện ở từng bệnh nhân do các đột biến đặc thù trong tế bào ung thư của họ. Vì vậy, các khoa học gia vẫn đang nghiên cứu để tìm ra loại neoantigen hiệu quả nhất cho từng loại ung thư. Khác với vắc-xin truyền thống, vắc-xin ung thư có thể cần được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân hoặc sản xuất theo từng lô nhỏ để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả cao nhất.
 
Tại phòng thí nghiệm của mình, Balachandran đã tiến hành các thử nghiệm trên bệnh nhân để phát triển vắc-xin ung thư tuyến tụy – một loại ung thư có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối u, kết hợp với liệu pháp tăng cường miễn dịch và hóa trị, đồng thời tiêm vắc-xin được thiết kế nhằm kích thích phản ứng miễn dịch chống lại các neoantigen đặc biệt trong khối u của họ.
 
Vắc-xin được thiết kế với công nghệ mRNA – phân tử mRNA có chứa thông tin về các neoantigen. Khi được tiêm vào cơ thể, vắc-xin giúp các tế bào tạo ra các neoantigen này và cho hệ thống miễn dịch nhận biết để kích thích phản ứng tấn công ung thư.
 
Trong số 16 bệnh nhân tham gia thử nghiệm, một nửa số người được tiêm phòng vắc-xin mới đã có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và ung thư không tái phát trong suốt thời gian nghiên cứu kéo dài 18 tháng.
 
Vắc-xin ung thư: điều trị hay phòng ngừa?
 
Hiện nay, hầu hết các loại vắc-xin ung thư được phát triển với mục tiêu “dự phòng cấp hai” (secondary prevention), tức là ngăn chặn ung thư tái phát ở những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh, thay vì ngăn ngừa ung thư xuất hiện ngay từ đầu.
 
Bên cạnh đó, các khoa học gia cũng đang nghiên cứu và phát triển vắc-xin trị liệu (therapeutic vaccines), được thiết kế để điều trị ung thư đang tồn tại trong cơ thể. Những vắc-xin này hoạt động tương tự như liệu pháp miễn dịch, giúp tăng cường sức mạnh của hệ thống miễn dịch để tấn công các khối u ác tính.
 
Tính đến năm 2025, mới chỉ có một loại vắc-xin điều trị ung thư được FDA chuẩn thuận: sipuleucel-T (tên thương mại là Provenge), giúp điều trị một dạng ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer) không thể chữa khỏi. Vắc-xin này sử dụng chính tế bào miễn dịch của bệnh nhân, được đem đi kích thích trong phòng thí nghiệm bằng cách tiếp xúc với một protein đặc trưng của ung thư tuyến tiền liệt.
 
Ngoài ra, nhiều loại vắc-xin ung thư khác cũng đang được thử nghiệm, trong đó có vắc-xin điều trị ung thư não và ung thư da. Nếu thành công, Balachandran hy vọng các loại vắc-xin mới không chỉ giúp ngăn ngừa ung thư tái phát mà còn có thể được phát triển để ngăn chặn ung thư ngay từ đầu – giống như cách vắc-xin truyền thống bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh truyền nhiễm.
 
Ông cho biết: “Giờ đây, khi đã biết được rằng hệ thống miễn dịch có thể nhận biết ung thư, thì về mặt lý thuyết, việc phát triển một loại vắc-xin chống ung thư là hoàn toàn khả thi – giống như cách chúng ta đã tạo ra vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm. Chúng ta đang đứng trước một thời kỳ đầy triển vọng cho lĩnh vực nghiên cứu này.
 
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “What are cancer vaccines?” được đăng trên trang Livescience.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Dù được tuyên bố là đã bị xóa bỏ ở Hoa Kỳ từ 25 năm trước, bệnh sởi (measles) đang quay trở lại với tốc độ đáng báo động. Chỉ trong hai tháng, đã có 146 trường hợp mắc bệnh sởi đã được ghi nhận tại tây bắc Texas, trong đó có một trẻ nhỏ đã tử vong. Ngoài Texas, các đợt bùng phát nhỏ hơn cũng xuất hiện tại New Mexico, California, Georgia, New Jersey, Rhode Island và một số tiểu bang khác
Một nghiên cứu mới đã mang đến cái nhìn chưa từng có về cách các tế bào thần kinh trong não bộ thay đổi hoạt động trong quá trình từ trước đến sau khi trẻ chào đời. Nhóm nghiên cứu sử dụng 184 ảnh brain scan từ 140 thai nhi và trẻ sơ sinh thuộc độ tuổi thai từ 25 đến 55 tuần sau thụ thai. Thai kỳ thông thường chỉ kéo dài khoảng 40 tuần, nên với những dữ liệu này, các khoa học gia có thể so sánh những thay đổi của não bộ trước và sau khi trẻ chào đời.
Trong ba thập niên qua, thói quen sử dụng thuốc bổ sung (supplements) của mọi người đã thay đổi mạnh mẽ, từ một lựa chọn dinh dưỡng trở thành một khuynh hướng phổ biến đến mức ám ảnh. Hiện nay, hơn một nửa số người lớn ở Hoa Kỳ sử dụng supplements với hy vọng có thể chữa trị hầu hết mọi vấn đề về sức khỏe, từ thể chất đến tâm thần.
Trí nhớ kém, cơ thể mất kiểm soát, những lỗ thủng bí ẩn hình thành trong não bộ – tất cả đều là dấu hiệu của một căn bệnh hiếm nhưng đáng sợ: Bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD), tương tự như bệnh bò điên. Đây là một trong những căn bệnh gây thoái hóa não tàn khốc nhất, với tốc độ tiến triển nhanh chóng và không thể cứu chữa. CJD là một bệnh về não hiếm gặp, được đặt theo tên của hai bác sĩ người Đức, Hans Creutzfeldt và Alfons Jakob, những người đầu tiên mô tả về căn bệnh vào những năm 1920. Dù hiếm gặp và ít được biết đến so với Alzheimer hay Parkinson, CJD đáng sợ ở chỗ nó khiến não bộ bị “ăn mòn” theo đúng nghĩa đen.
Khi con gái ba tuổi của Colleen Henderson cho biết cô bé bị đau khi đi vệ sinh, các bác sĩ đã không quan tâm đến và cho rằng đó là nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc táo bón, những căn bệnh thường gặp trong những năm trẻ con ở giai đoạn tập đi vệ sinh. Sau khi hãng bảo hiểm y tế của cô Henderson thông báo họ không trả cho cô chi phí siêu âm, Henderson đã bị trừ $6.000 vào thẻ tín dụng của cô. Rồi một hung tin xảy ra: Trong bàng quang của con gái nhỏ của cô có một khối u to bằng quả bưởi.
Đồng tử đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt, tương tự như khẩu độ của máy ảnh. Do đó, nó rất quan trọng đối với tầm nhìn và cách chúng ta nhận thức môi trường xung quanh.Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng kích thước đồng tử bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố chính
Sở Y Tế Công Cộng (Department of Public Health) Quận Los Angeles vừa được thông báo về một ca bệnh sởi là người không phải cư dân Quận Los Angeles. Người này đã có mặt tại phi trường quốc tế Los Angeles International (LAX) khi đang nhiễm bệnh. Người mang bệnh sởi đã tới Los Angeles trên chuyến bay KAL11/KE11 của hãng Korean Air, hạ cánh tại ga Terminal B của phi trường Tom Bradley International (TBIT) vào ngày 19 tháng 2. Những cá nhân đã đến ga Terminal B vào ngày 19 tháng 2, từ khoảng 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều có thể có nguy cơ phát bệnh sởi do lây nhiễm với du khách này. Phối hợp với Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh (Centers for Disease Control), các sở y tế địa phương sẽ thông báo cho những hành khách được chỉ định vào những chỗ ngồi cụ thể có thể đã bị nhiễm bệnh trên chuyến bay KAL11/KE11 của hãng Korean Air vào ngày 19 tháng 2. Các cơ quan này phối hợp với nhau để điều tra các trường hợp có thể đã bị truyền nhiễm trên các chuyến bay quốc tế đến Hoa Kỳ.
Việc giảm cân luôn đòi hỏi nhiều công sức và sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, không ít người cảm thấy nản lòng khi cân nặng dần quay trở lại, dù đã nỗ lực rất nhiều. Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng các tế bào mỡ có thể lưu giữ “trí nhớ” về tình trạng mập phì trước đây, khiến chúng dễ phát triển trở lại khi tiếp xúc với các loại thực phẩm giàu chất béo.
Có lẽ hầu hết mọi người đều đã từng dùng Tylenol (acetaminophen) ít nhất một lần để giảm đau. Tylenol thực sự hiệu quả trong việc giảm các cơn đau nhẹ, từ đau đầu mãi không dứt đến chuột rút cơ bắp dai dẳng. Ngoài ra, loại thuốc này còn giúp hạ sốt, cứu nhiều người khỏi những ngày phải nằm lì trên giường.
Trà là một trong những loại thức uống phổ biến nhất thế giới, chỉ đứng sau nước lọc, và điều này hoàn toàn có lý do. Không chỉ được yêu thích bởi hương vị đậm đà và tác dụng xoa dịu tinh thần, trà còn là một nguồn dinh dưỡng dồi dào mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Whitney Linsenmeyer, chuyên gia dinh dưỡng và là phát ngôn viên của Viện Academy of Nutrition and Dietetics, cho biết: “Trà không chứa calorie và rất dồi dào chất chống oxýt hóa antioxidants.” Đây là những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não, cân bằng mức cholesterol và tăng cường hệ thống miễn dịch. Thực tế, một nghiên cứu năm 2022 chỉ ra rằng những người uống trà thường xuyên có nguy cơ tử vong thấp hơn 9-13% trong vòng một thập niên so với những người không uống trà.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.