Chuyện lẽ ra chẳng có gì. Cho đến khi bị chính trị xâm đoạt.
Vào một ngày mùa hè, Erika Lee, 35 tuổi và là một cư dân của thành phố Springfield, tức Cánh Đồng Xuân, thuộc tiểu bang Ohio, đưa lên trên trang Facebook của cô một tin đồn bâng quơ cô mới nghe được.
Điều cô nghe được là con mèo của một người hàng xóm đã biến mất, và rằng có thể một trong những người nhập cư Haiti hàng xóm của cô đã bắt con mèo đó. Cô đưa tin đồn đó lên trang Facebook của mình. Xong, suy đi tính lại, cô gọi người hàng xóm đã cho cô tin đồn hỏi để xin bằng chứng cho chắc ăn.
Springfield, có nghĩa là Cánh Đồng Xuân, thuộc tiểu bang Ohio, là một thành phố nhỏ với khoảng 60 ngàn dân, trong số đó có khoảng một phần năm là dân nhập cư gốc Haiti. Nổi tiếng là nơi chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp, bên cạnh nghề in ấn, song vì nền kinh tế Springfield có một thời gian bị sa sút, nhiều người đã bỏ đi nơi khác làm ăn. Thế nên khi kinh tế tái phát triển và kỹ nghệ sản xuất máy móc bắt đầu hồi sinh, các nhà máy thiếu người chịu làm những việc tay chân lấm láp đó. Vài người nhập cư Haiti làm việc tại các hãng xưởng này bèn thông báo cho đồng hương ở rải rác các nơi trên đất Mỹ là nên dọn về đây vì sẵn việc làm và nhà cửa thuê tương đối không đắt đỏ lắm.
Dân Haiti rủ nhau kéo về Springfield xin việc. Con số người nhập cư Haiti tại Springfield dần tăng lên đến khoảng từ 12 tới 15 ngàn hiện nay, chiếm khoảng 20 phần trăm dân số của thành phố. Sự có mặt của họ đã giúp cho nền kinh tế của Springfield phát triển, song đồng thời cũng gây tốn kém cho ngân quỹ thành phố cho các dịch vụ như y tế, trường ốc, nhà cửa và cả thông dịch vì dân nhập cư Haiti nói tiếng Creole (một thứ tiếng Pháp đã bị địa phương hóa cộng với một số ngôn ngữ từ Phi Châu), khiến một số dân chúng bất bình. Xung đột càng được hâm nóng khi, vào mùa hè năm ngoái, một người đàn ông Haiti lái xe đâm vào một xe buýt chở học sinh làm xe này bị lật, tai nạn này đã gây thương tích cho một số em và làm một em bị thiệt mạng.
Lý do dân Haiti có mặt tại Mỹ đông đảo là do từ năm 2010, sau vụ động đất kinh hoàng giết trên 100 ngàn người, nhiều ngàn người dân Haiti được phép nhập cư vào Hoa Kỳ sống và làm việc tạm thời theo luật Temporary Protected Status (tạm thời được che chở) do Quốc Hội phê chuẩn vào năm 1990. Luật này đã được gia hạn cho người Haiti nhiều lần song đã bị chính phủ ông Trump bãi bỏ vào năm 2019, nhưng hiện hoãn thi hành vì đang trải qua các vụ kiện tụng vẫn còn kéo dài tới nay chưa ngã ngũ.
Trở lại chuyện tin đồn về một con mèo của người hàng xóm mà cô Lee đã bỏ lên trang Facebook cá nhân của mình. Cảm thấy bất ổn vì đã đưa lên Facebook một tin nghe được mà không có bằng chứng, nên cô Lee gọi người hàng xóm đã cho cô tin đồn.
“Tôi đã yêu cầu chị ấy đưa ra bằng chứng” để xác định đây không chỉ là tin đồn, cô Lee nói với phóng viên của báo New York Times.
Hóa ra con mèo được cho là đã mất tích không phải là con mèo của con gái hàng xóm như cô Lee đã viết trên Facebook. Và nếu có một con mèo như vậy thì nó thuộc về bạn của con gái người hàng xóm, cô Lee hiểu ra, và quyết định xóa bài đã đăng trên Facebook. Cô cũng cho phóng viên Times biết bản thân cô không có thông tin gì về bất kỳ con mèo bị bắt cóc nào.
Thế nhưng bản tin đồn của cô Lee đã mọc chân mọc cánh bay đi khắp nơi.
Nó đã len lỏi được vào “loa phóng thanh” (echo chamber) của cánh hữu, nơi nó được nắm bắt, thổi phồng, đan kết với một sự kiện không liên hệ gì, về một phụ nữ ở tỉnh khác cũng trong tiểu bang Ohio, bị bắt và buộc tội cư xử ác với con mèo của mình. Chị này bị bắt và đang chờ ra tòa vì đã đập chết con mèo và bị nghi là đã ăn thịt nó vì cảnh sát tìm thấy miệng chị ta dính lông mèo. Chị này ra đời ở Mỹ, song trong một bài phổ biến trên mạng xã hội, chị ta thành người Haiti.
Tin đồn dân nhập cư Haiti ở Springfield ăn thịt mèo tiếp tục tồn tại nhờ người đồng hành cùng tranh cử của ông Donald Trump, là JD Vance, loan tải, mặc dù chính ông ta cũng có lúc nhìn nhận là có thể không có thật.
Vance lớn lên ở Middletown, cách Springfield khoảng 40 dặm, và là một trong hai nghị sĩ đại diện cho Ohio tại Thượng viện liên bang. Vance là tác giả của cuốn hồi ký đã được quay thành phim khá nổi tiếng, “Hillbilly Elegy,” với phần diễn xuất nổi trội của tài tử Glenn Close. Phim mô tả một thời thơ ấu khó khăn với một gia đình đổ vỡ vì mẹ nghiện ngập, nhưng Vance thành danh, sau tốt nghiệp ngành luật ở Đại học Yale, nhờ được bà ngoại (do tài tử Close thủ vai) nuôi dưỡng khuyến khích nâng đỡ. Tuy nhiên, thúc đẩy bởi cao vọng chính trị, Vance đã xa rời cái gốc khiêm tốn chân chất đó của mình, xa rời cả với những chỉ trích gay gắt một dạo của ông ta đối với ông Trump, rằng ông Trump không thích đáng với vai trò tổng thống, và là một thứ “Hitler của nước Mỹ.” Dù vậy, Vance đã được ông Trump chọn làm ứng cử viên phó tổng thống trong kỳ đại hội đảng Cộng hòa vào tháng Tám vừa qua.
Là một bậc dân cử đại diện cho người dân bất kể chủng tộc sinh sống trong tiểu bang Ohio, Vance thay vì công nhận chuyện dân Haiti ở Springfield bắt cóc chó mèo làm thịt chỉ là tin đồn, mà chính các viên chức tiểu bang Ohio và thành phố đều nói không có bằng cớ. Nhưng Vance đã làm ngược lại: đó là thổi phồng thuyết âm mưu đó lên cho to hơn, và rót vào tai ông xếp của mình là Trump, một người vốn sống và thở bằng thuyết âm mưu, dối trá, với riêng một văn khố liệt kê hàng mấy chục ngàn lời nói dối hoặc thông tin xuyên tạc.
Câu chuyện bịa đặt là dân nhập cư Haiti bắt cóc và ăn thịt các thú cưng của cư dân Springfield trở thành giống như gã thần đèn được phóng thích khỏi cái lọ nhỏ xíu, bung ra lồng lộn và cuối cùng len lỏi vào cuộc tranh biện giữa hai ứng cử viên tổng thống Trump và Kamala Harris vào ngày 10 tháng Chín vừa qua. Cuộc tranh biện đã lôi cuốn trên 67 triệu người theo dõi tại Mỹ, và có lẽ nhiều hơn thế nữa khắp thế giới vì mối quan tâm đặc biệt tới cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 tới tại Mỹ.
“Ở Springfield, người ta đang ăn thịt chó,” ông Trump nói, dựng đứng trắng trợn một chuyện nhiều nguồn đã kiểm chứng là không có thực. “Những người nhập cư ấy, họ đang ăn thịt mèo. Họ đang ăn thịt thú cưng của những người dân sống ở đó. Và đây là những gì đang xảy ra ở đất nước này.”
Ngay cả khi người điều hành chương trình tranh biện, David Muir của cơ quan ABC News, kiểm chứng tại chỗ cho biết đó là tin đồn thất thiệt, song luận điệu chống người nhập cư vô căn cứ của ông Trump vẫn tiếp tục, tại cuộc tranh biện, cũng như sau đó.
Như một trận cháy rừng trong cơn nhiệt hoá toàn cầu, chuyện dân nhập cư Haiti ở Cánh Đồng Xuân ăn thịt chó, mèo và cả ngỗng lan truyền trên mạng, trên các diễn đàn xã hội và các phương tiện truyền thông khác, và được một số người đại diện cho chiến dịch tranh cử của ông Trump ủng hộ. Người đồng hành của Trump, Thượng nghị sĩ Vance của Ohio, đã, chẳng những thế còn tăng gấp đôi thông tin sai lệch trong nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vào cuối tuần qua. Thậm chí có lúc bị phóng viên của CNN hỏi dồn về câu chuyện không bằng chứng, Vance đã nhận là mình dựng nên câu chuyện để chống việc nhận thêm di dân vào Mỹ.
Trong chỉ một sớm một chiều, Cánh Đồng Xuân của Ohio trở thành cánh đồng của 33 lời đe dọa cho ăn bom khiến trên 20 cơ sở thành phố và trường học phải tạm đóng cửa, trong đó có hai nhà thương, sáu trường tiểu học, một trường trung học trung cấp, hai đại học và ít ra hai tòa án. Một mối lo âu sợ hãi bao trùm lên cộng đồng người Haiti. Có người nghĩ tới việc dọn đi nơi khác. [Gần 50 năm trước khi người Việt tới Mỹ tị nạn cũng bị gán cho cáo buộc “ăn thịt chó,” một cậu cháu của tôi nay đã ở tuổi trung niên nhắc nhở. Chúng ta may mắn hơn nhiều, cậu ta nói, vì xã hội Mỹ hồi đó không bị chia rẽ và nhiễm độc như bây giờ.]
Vài trường đại học đã phải mở lớp học trực tuyến trên mạng sau khi nhận được đe dọa cho ăn bom. Một Lễ hội Văn hóa hàng năm dự định cho hai ngày vào cuối tuần tới nhằm nói lên sự đa dạng, nghệ thuật và văn hóa, vừa được ban tổ chức cho biết đã bị bãi bỏ “vì những mối đe dọa gần đây và những lo ngại về an toàn,” theo cơ quan thông tấn AP.
Giám đốc điều hành thành phố Springfield, Bryan Heck, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi vô cùng tiếc nuối khi phải hủy bỏ CultureFest, vì chúng tôi biết đây là một sự kiện được cộng đồng yêu thích,” ông nói. “Tuy nhiên, sự an toàn của người dân và du khách của chúng tôi phải được đặt lên hàng đầu.”
Chủ nhật vừa qua, khoảng vài chục thành viên của nhóm Proud Boys đã tổ chức diễn hành ở Springfield như một răn đe đối với sự hiện hữu của cộng đồng di dân Haiti ở đây. Proud Boys là nhóm đã đột nhập tấn công chết người vào toà nhà Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021 nhằm ngăn cản việc chuẩn nhận, theo hiến định, ông Joe Biden đắc cử tổng thống, vì tin lời ông Trump cho là cuộc bầu cử có gian lận nên ông đã thua. Cho tới lúc này ông Trump vẫn cho là mình thắng cử năm 2020. Ông Trump còn đe nếu ông thua trong kỳ bầu cử tới là do có gian lận bầu cử.
Không khí căng thẳng tới mức độ cha mẹ của em học sinh bị thiệt mạng trong tai nạn xe buýt lật do một người người Haiti lái đâm phải vào mùa hè năm ngoái, đã phải lên tiếng yêu cầu các nhóm cực hữu không được chính trị hóa cái chết của con trai họ để phun ra sự thù hận. Các nhóm cực hữu đã dùng cái chết của em này để buộc tội cả cộng đồng Haiti ở Springfield.
Thống đốc Ohio là Mike DeWine, một đảng viên Cộng hòa và sinh trưởng ở Springfield, đã họp báo thứ Sáu vừa qua, công nhận là dân Haiti nhập cư hợp pháp thay vì ngược lại như cặp Trump-Vance và đồng minh của họ đồn thổi. Ông cũng bác bỏ tin đồn về việc ăn thịt chó mèo, nói rằng không có bằng chứng nào về chuyện này, nhưng cũng từ chối không thừa nhận đây là một lời nói láo, mà chỉ nói là nó gây “tổn thương” tới Cánh Đồng Xuân.
Ông DeWine cũng đã viết một bài bình luận trên tờ New York Time vào ngày 20 tháng Chín, tựa là “Tôi là Thống đốc của Ohio. Đây là sự thật ở Springfield,” trong đó ông mô tả Cánh Đồng Xuân “mà tôi biết không phải là nơi bạn nghe thấy trong các tin đồn trên mạng xã hội. Đó là một thành phố được tạo thành từ những người tốt, đàng hoàng, hiếu khách. Họ là những người làm việc chăm chỉ - cả những người sinh ra ở đất nước này và những người Haiti định cư ở đây là những người vô tội.”
Nhìn nhận mình là người ủng hộ cặp Trump-Vance, thống đốc DeWine viết là ông “rất buồn vì cách [Trump-Vance] và những người khác tiếp tục lặp lại những tuyên bố thiếu bằng chứng và chê bai những người di cư hợp pháp sống ở Springfield. Lời lẽ này làm tổn thương thành phố và người dân của nó, và nó làm tổn thương những người đã dành cả cuộc đời của họ ở đó.”
Tuy nhiên, viên thống đốc Cộng hòa cũng nhân cơ hội chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thất bại “trong việc kiểm soát biên giới phía nam, là một vấn đề rất quan trọng mà ông Trump và ông Vance đang nói đến và là một vấn đề mà người dân Mỹ đặc biệt quan tâm. Nhưng các cuộc tấn công bằng lời nói của [Trump-Vance] chống lại những người Haiti này - những người hiện diện hợp pháp tại Hoa Kỳ - làm loãng đi và che mờ những gì lẽ ra phải đã tạo nên là một lập luận tích cực về vấn đề biên giới.”
Thực tế thì vào đầu năm nay, khối Cộng hòa trong Quốc Hội đã khai tử một đề luật khá khe khắt về di dân do các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đồng đưa ra để giải quyết vấn nạn biên giới phía nam bị tràn ngập bởi di dân từ nhiều nơi với hy vọng được vào đất Mỹ sinh sống. Các dân biểu Cộng hòa này khai tử đề luật do yêu cầu của ông Trump, vì ông ta muốn dùng vấn đề dân nhập cư như một chủ đề tranh cử của mình.
Theo tạp chí The Atlantic, “sau khi khủng bố thành phố Springfield, Ohio, với những điều vô căn cứ về việc người nhập cư Haiti bắt cóc và ăn thịt thú cưng của người dân, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, J. D. Vance, thừa nhận rằng những câu chuyện đó [chẳng qua là] nhằm mục đích thúc đẩy một câu chuyện nhất định khác,” tác giả Adam Serwer viết.
“Nếu tôi phải tạo ra những câu chuyện để giới truyền thông Mỹ thực sự chú ý đến nỗi đau khổ của người dân Mỹ, thì đó là điều tôi sẽ làm,” bài báo tường thuật lại lời Vance nói với CNN.
“Vài ngày trước đó, Vance đã thừa nhận rằng ‘tất nhiên có thể tất cả những tin đồn này sẽ trở thành không đúng sự thật’ -- một lời thú nhận ngụ ý rằng ông ta không quan tâm liệu chúng có đúng hay không,” tác giả bài báo nhận định.
Việc tiếp tục đứng đằng sau hỗ trợ câu chuyện giả dối dân-nhập-cư-Haiti-ăn-thịt-chó-mèo của cặp Trump-Vance đã làm gia tăng những căng thẳng trong dân chúng Springfield.
https://www.cnn.com/2024/09/15/politics/vance-immigrants-pets-springfield-ohio-cnntv/index.html
Bà Mary Clovis, một di dân Haiti, đã đến dự Thánh lễ vào hôm Chủ nhật tại một nhà thờ Công giáo phục vụ hàng tuần bằng tiếng Haiti Creole. Bà cho biết số lượng người đến thờ phượng chỉ bằng một nửa số thông thường. Bà kể bà đã bị xách nhiễu ngoài phố. “Mấy đứa trẻ da trắng đến gặp tôi và nói, ‘Meo, meo, bà ăn thịt mèo.’ Tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi không thấy an toàn,” theo New York Times.
Đối với viên thị trưởng của Cánh Đồng Xuân, ông Rob Rue, một đảng viên Cộng hòa mới nhậm chức cách đây chưa đầy một năm, thì đó là hai tuần trong cơn sốt xem ra vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt với dự tính sẽ tới tham quan thành phố của ông Trump.
Chức vị thị trưởng của một thành phố nhỏ như Springfield chỉ là một việc bán thời gian, với đồng lương vỏn vẹn 15,000 Mỹ kim một năm. Ông Rue đã phải xuất hiện nhiều lần trên truyền hình, và đã gặp Thống đốc DeWine, một người sinh trưởng tại Springfield. Ông đã tìm cách trấn an hàng nghìn người nhập cư Haiti trong thành phố rằng họ được chào đón và an toàn. Ông đã ban bố tình trạng khẩn trương như thời kỳ thành phố bị chung nạn đại dịch Covid. Ông cũng đã nhờ người trong đảng Cộng hòa xin ông Trump đừng đến Springfield vào lúc này, nói rằng một chuyến thăm như vậy sẽ chỉ làm gia tăng tình trạng căng thẳng.
“Công việc thị trưởng này không bao giờ lại có một cường độ như vậy,” ông Rue nói với phóng viên qua một cuộc điện đàm. “Nhưng khi bạn nhận phục vụ một thành phố, bạn sẽ không bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra.”
Mà nào đã xong, ông Rue cho biết, sự chú ý mà Cánh Đồng Xuân nhận được gần đây cũng đã khiến chính ông, một đảng viên Cộng hòa, và gia đình trở thành mục tiêu.
“Gia đình tôi cũng đã nhận được những đe dọa chống lại chúng tôi,” ông nói. “Email, điện thoại. Họ nói họ không muốn tôi tồn tại, tôi phải chết, tôi là kẻ phản bội, họ bảo ‘Tụi tao đang theo dõi gia đình mày.’ Tất cả những điều mà bạn không bao giờ muốn nghe.”
Trở lại với cô Lee, cư dân của Springfield mà ta gặp lúc vào chuyện ở trên. Cô nói với phóng viên báo New York Times là cô rất tiếc đã đưa lên Facebook một cái tin đồn chưa được kiểm chứng như vậy. Cô cảm thấy khổ tâm khi vô tình tạo ra một cảnh huống hận thù chủng tộc và làm xáo trộn nhịp sống ôn hòa lâu nay của Cánh Đồng Xuân.
Cô Lee dọn đến Springfield bốn năm trước từ California, vào cùng khoảng thời gian người Haiti bắt đầu dọn đến với một số lượng đáng kể. Cô Lee cho biết cô thông cảm với người dân Haiti và chưa bao giờ muốn làm họ đau khổ. Cô cho biết tình trạng hỗn loạn mấy ngày qua khiến cô bị mất ngủ.
Cô Lee nói: “Tôi sống cạnh người Haiti. Tôi không có vấn đề gì với họ. Với tất cả sự hỗn loạn đang diễn ra, tôi ghét chính mình vì đã đăng tin đồn đó.”
“Tôi không phải là hạng được nuôi dưỡng trong hận thù,” cô Lee nói qua tiếng khóc nức nở. “Cả nhà tôi là nhị chủng đấy chứ. Tôi không hề muốn gây vấn đề cho ai hết.”
Trùng Dương
[TD20240-09]