“Cái này giá bao nhiêu?” Tôi chỉ vào xâu chuỗi với những viên đá nhỏ, màu nâu óng ánh sắc cầu vồng.
Người đàn bà ngưng xếp mấy thứ lặt vặt trên sạp, ngước lên nói giá, rồi thêm, “Hàng hiếm đó.”
Tôi nhìn quanh. Phía sau tấm bảng Garage Sale, trên một cái sạp đặt giữa chỗ đậu xe trước nhà, chủ nhà bày áo quần đủ màu sắc, chén đĩa đủ cỡ, băng nhạc, máy hát, mấy chồng tạp chí, bút viết, bông tai, dây chuyền, vòng tay, kiềng đeo cổ… nhìn hoa cả mắt.
Tôi chạm nhẹ ngón tay vào những viên đá trên xâu chuỗi. Cái lạnh thấm qua da. Trời nóng nhưng những viên đá trong xâu chuỗi vẫn lạnh. Thấy tôi có vẻ chú ý đến xâu chuỗi, người đàn bà đon đả, “Xâu chuỗi ấy có từ đời nhà Minh bên Trung Quốc.”
“Thật vậy sao?” tôi ngắt lời người đàn bà.
Người đàn bà gật đầu tới tấp, “Vâng. Xâu chuỗi của một nàng công chúa. Khi triều đại sụp đổ, nhà vua và hoàng hậu đem công chúa trốn khỏi kinh thành. Họ giả dạng làm thường dân để khỏi bị truy lùng. Khi không còn vàng bạc, châu báu, hoàng hậu lấy xâu chuỗi này của công chúa, đem bán…”
“Đem bán hay đem ra tiệm cầm đồ?” tôi nói đùa, bởi tôi biết dân xứ này có óc khôi hài, họ sẽ không nổi nóng vì bị châm chọc.
Nhưng người đàn bà vẫn nghiêm trang, “Không có đâu. Đời nhà Minh thiệt đó.”
Tôi mỉm cười. Người đàn bà này thật giàu tưởng tượng. Tôi thầm nghĩ. Bà ta nói bằng tiếng Anh. Và có lẽ “Minh” dễ phát âm và dễ nhớ nên bà ta gán luôn xâu chuỗi cho triều đại ấy. Kẻ cả tin nào đó trong đầu bảo tôi rằng biết đâu bà ta nói đúng. Tuy nhiên với một báu vật ghi dấu cả một triều đại thì giá tiền bà ấy đưa ra nghe không phù hợp chút nào.
“Ông mua đi, về tặng bà hoàng hậu của ông,” người đàn bà khuyến khích. “Báu vật. Mùa nào những viên đá quý này cũng mát lạnh. Ông cầm thử lên mà xem. Mua cho bà nhà. Xâu chuỗi ngọc này đem lại sự may mắn…”
Tôi cầm xâu chuỗi lên, cẩn thận đặt nó trong lòng bàn tay. Cái lạnh từ những viên đá nhỏ thấm đều qua da. Những viên đá màu nâu ngả sang màu ngà phản chiếu ánh sáng mặt trời thành những sắc màu rực rỡ của cầu vồng.
“Mua xâu chuỗi ngọc ấy về tặng người yêu, cô ấy sẽ yêu ông suốt đời,” người đàn bà tiếp bằng giọng hào hứng.
Xâu chuỗi ngọc. Những viên đá quý. Tôi lại mỉm cười. Quý hay không quý tôi cũng không biết. Tôi không biết gì về vàng bạc, nữ trang. Tôi chỉ biết là tôi thích những tia màu phản chiếu lấp lánh phát ra từ những hạt đá nhỏ trong xâu chuỗi. Những tia màu như những câu chào hỏi rộn ràng. Cũng có thể xâu chuỗi làm bằng những hạt đá giả bằng nhựa. Bởi chúng rất nhẹ. Người đàn bà làm tôi xiêu lòng. Tôi sẽ mua tặng người yêu như lời bà ta nhắc nhở, dù tôi không chắc là đến ngày tháng này tôi đã có người yêu hay chưa. Tiểu Quyên là người nữ duy nhất trong thế giới tôi. Nhưng Tiểu Quyên với tôi là hai người bạn, hay đúng hơn là hai chú cháu. Chúng tôi quen và thân nhau đã mấy năm trời rồi, thân hơn cả ruột thịt, gần gũi hơn cả nhân tình. Nhưng chúng tôi vẫn chỉ là bạn. Trong trắng, thánh thiện. Tôi tin lời người đàn bà bán hàng rằng đây là xâu chuỗi ngọc. Giả hay thật tôi không cần biết. Với tôi đó là những viên ngọc quý. Và tôi vét túi trong túi ngoài cho đủ tiền trả cho bà chủ garage sale. Tôi thầm thuyết phục tôi hãy tin lời người đàn bà này rằng tặng cho người yêu, “cô ấy sẽ yêu ông suốt đời.”
Tôi đem xâu chuỗi về, lau chùi cho thật bóng. Và tôi ngồi tỉ mỉ như cô gái nào đó trong cổ tích ngồi đếm những hạt đậu. Tôi đếm được đúng một trăm viên ngọc trên xâu chuỗi.
Một buổi chiều cuối tuần, Tiểu Quyên và tôi lặn lội cả tiếng đồng hồ trong khu rừng, chúng tôi vào sâu, thật sâu trong rừng lá, đi hoài không biết mệt, bởi câu chuyện Tiểu Quyên kể cho tôi nghe từ cuốn phim Tiểu Quyên vừa xem có quá nhiều chi tiết. Kể hoài không hết. Ấy là một trong những thói quen của hai chúng tôi vào những ngày cuối tuần.
Lúc dừng lại bên gốc cây phong mà một lần Tiểu Quyên đã khắc mẫu tự đầu tên hai chúng tôi lên thân cây, tôi níu nhẹ tay áo Tiểu Quyên, “Ngừng lại đây. Có cái này cho Quyên.”
Tiểu Quyên đứng sựng lại, tròn con mắt, ngạc nhiên, “Gì vậy chú?”
Tôi moi túi áo, lấy ra xâu chuỗi. Những viên ngọc quý lấp lánh muôn mảnh sắc cầu vồng phản chiếu dưới nắng. Tôi thận trọng cầm xâu chuỗi bằng cả hai tay. Tiểu Quyên đăm đắm nhìn tôi. Câu nói nửa chừng trong ánh mắt. Nụ cười tròn đầy trên cánh môi. Tôi trang trọng đeo xâu chuỗi vào cổ cho Tiểu Quyên. “Thuở xưa có một nàng công chúa…” Tôi thì thầm. “Khi vương triều sụp đổ, hoàng gia tan tác, công chúa chỉ còn lại xâu chuỗi này…” Tiểu Quyên nghiêng đầu, chớp mắt, lắng nghe cái truyền thuyết bịa đặt tôi vớt lại từ câu chuyện của người đàn bà bán garage sale.
“Đẹp quá,” Tiểu Quyên suýt soa, những ngón tay mân mê từng viên ngọc trên xâu chuỗi vòng quanh chiếc cổ mảnh mai. “Cảm ơn chú,” Tiểu Quyên choàng hai cánh tay lên vai tôi cho một vòng ôm rất hờ, rất ngại, rồi vòng ôm ấy nới lỏng và buông lơi rất nhanh, “Chú làm Quyên nhớ câu nói của ai đó về ‘xâu chuỗi ngọc của hoàng hậu’. Câu ấy Quyên mới đọc được ở cuốn truyện nào đó bây giờ đã quên mất tiêu.” Tiểu Quyên chấm câu bằng giọng cười trong trẻo.
“Ấy là người ta ví một chuỗi những hải đảo xinh đẹp của một quốc gia nào đó, chú cũng có đọc nhưng quên mất rồi.”
Chơi thân với Tiểu Quyên biết bao lâu mà bây giờ tôi mới nhận ra một điều. Đó là ngoài những cuốn sách, tôi chưa bao giờ tặng Tiểu Quyên bất kỳ món quà quý giá nào. Xâu chuỗi này là món quà (cứ tin là có giá trị) đầu tiên cho Tiểu Quyên. Đúng hơn đó là món quà quý giá đầu tiên trong đời, tôi tặng một người khác phái.
Xâu chuỗi ngọc của hoàng hậu. Những viên ngọc lấp lánh quanh chiếc cổ thuôn dài làm Tiểu Quyên rực rỡ hẳn lên. Món quà rẻ tiền mua ở garage sale trở thành xâu chuỗi ngọc quý giá, Tiểu Quyên trong trí tưởng tượng của tôi là hoàng hậu của một thời xưa cũ và xâu chuỗi trở thành vương miện của một vương triều mà những cung vàng điện ngọc đã trở thành hoang phế. .
Đang là mùa hạ. Chiều rồi mà không gian vẫn hừng hực nóng. Rừng hoang lặng gió. Chúng tôi lại vạch lá, rẽ cành, len lỏi giữa những dây leo chằng chịt. Tiếng chim uể oải hót trên những ngọn cây cao. Con sóc nhỏ chuyền trên cành, như muốn dẫn lối cho chúng tôi vào sâu mãi trong rừng. Có tiếng xào xạc cây lá chạm nhau, chúng tôi rõi mắt nhìn. Thấp thoáng sau khóm lá um tùm, bóng chú nai vàng quen mặt mập mờ ẩn hiện. Hai chúng tôi luồn lách giữa đám dây leo chằng chịt. Đến một đoạn chợt thấy cây cối thưa hẳn đi, đất dưới chân có vẻ mềm và ẩm. Và bỗng dưng chúng tôi thấy mình đứng bên bờ một con suối nhỏ. Mặt nước lung linh một khoảng xanh của trời và rậm rạp cây lá đan nhau. Tiểu Quyên reo lên mừng rỡ, “Suối nước, chú ơi, suối nước kìa!” Và nhanh chân chạy đến sát bờ nước, tháo vội đôi quai dép, xoay người dọ dẫm nhúng một chân xuống nước.
“Nước mát quá chú ơi.”
Dòng nước như mọc ra từ rừng cây rậm lá. Khúc này của lòng con suối mở rộng. Đó đây rải rác những tảng đá xám trong lòng suối. Con nước lặng lờ vuốt ve cây lá ven bờ.
Tôi nhanh chân bước trên đám cỏ gai, theo Tiểu Quyên, khom người quậy bàn tay vào làn nước trong. Dòng nước mát rượi mơn man da thịt.
“Nước trong quá!” Tiểu Quyên suýt soa. Tiếng nước quẫy động đầu những ngón tay thuôn. Tôi nhìn những hòn sỏi rải rác trong lòng suối. Những con cá bé li ti lượn tung tăng. “Chú ơi, Quyên muốn tắm,” Tiểu Quyên nói rồi ngước nhìn tôi, chờ đợi. Cô bạn nhỏ của tôi vẫn có những phút bốc đồng như thế.
Tôi giật mình, bối rối, “Bây giờ?”
“Dạ, chú,” Tiểu Quyên nhanh nhẹn gật đầu.
“Ướt hết quần áo thì sao?”
Tiểu Quyên bật lên giọng cười trong trẻo, “Có ai mặc đồ mà tắm đâu. Chú ngây thơ quá hà.”
Tôi lúng túng nhìn quanh. Cây lá dày đặc chung quanh. Không gian xanh thẫm một màu. Những khóm hoa vàng bốn cánh thơm hương quế mọc đầy hai bên bờ nước. Loài hoa dường như chỉ mọc ở khu rừng này, lưa thưa ngoài bìa rừng nhưng chen chúc nhau bên bờ suối.
“Bây giờ chú nhắm mắt lại,” Tiểu Quyên nói.
Tôi ngập ngừng một giây rồi ngoan ngoãn nhắm chặt hai mắt.
Tiểu Quyên giao hẹn tiếp, “Chừng nào Quyên nói mở mắt thì mới được mở mắt.”
Tôi nhắm chặt hai mắt. Trời đứng gió. Không gian tĩnh lặng. Không một tiếng động gì ngoài tiếng róc rách mơ hồ của dòng nước. Rồi có tiếng vải loạt soạt cọ vào nhau. Tiếng gỡ móc khóa thắt lưng. Cái gì đó xáo xác trong lòng, hối thúc tôi mở bừng hai con mắt, nhưng tôi không dám, và chẳng muốn đánh liều ăn gian mở mắt. Tôi không dám thất hứa. Tôi không muốn mất Tiểu Quyên. Nên tôi giữ tất cả những gì mình đã hứa. Cả những điều vặt vãnh.
“Khi nào Quyên nói mở mắt thì chú mới được mở nhé,” Tiểu Quyên dặn. Tôi gật đầu. Rồi nhận ra có thể Tiểu Quyên không nhìn thấy tôi gật đầu, nên tôi ậm ừ, “Đồng ý.”
Tiếng nước quẫy động. Trong khung màu tối ám của hai con mắt nhắm, tôi thấy mờ ảo một thân hình trắng như cánh huệ. Dung nhan ấy dò từng bước và đằm mình xuống dòng suối nhỏ. Hai con mắt không thấy gì, nhưng tâm trí tôi nhìn thấy tất cả. Cả những thứ chập chờn. Cả những đường nét mơ hồ, hư ảo. Thời gian dừng lại. Tôi mù lòa không biết bao lâu. Và những chiếc răng nhọn của cái oi nồng ngày mùa hạ cắn ngập vào thịt da tôi. Cực kỳ ngứa ngáy khó chịu. Tôi thèm đắm mình vào dòng nước mát. Tôi lên cơn khát. Tôi thèm vục mặt vào lòng con suối để uống cho đầy, để nước dập tắt cơn hỏa hoạn trong tôi. Tôi chết cứng toàn thân như gã thiền sư trong buổi tịnh tâm khốn khó. Tôi không thể cho phép tôi làm bất cứ cử động nào. Tôi chỉ cho phép tôi làm tượng đá. Bởi Tiểu Quyên còn bé lắm. Bởi cô bạn nhỏ của tôi mới tròn mười sáu tuổi hôm nào.
“Mở mắt được rồi chú.” Dường như Tiểu Quyên vừa nói.
Tôi lãng đãng trôi dạt chốn nào. Tôi luồn lách theo con suối, nhập vào nhánh sông, trôi ra biển lớn.
“Mở mắt ra được rồi,” cô gái nhắc. Tôi rụt rè mở dần hai mắt. Tiểu Quyên đằm mình trong lòng suối. Nước xoáy ngang đôi vai tròn. Hoa nắng lung linh trên da ngà như khung màu lập thể đầy linh động. Áo quần Tiểu Quyên vắt trên một cành cây dăng ngang gần bờ nước.
“Có mấy con cá nhỏ chú ơi.”
Ánh nắng len lỏi qua những tàng cây, vạch lốm lốm những vạch màu trên tóc ướt, trên vai trần, với nước lấp lánh đùa ngang vai nhỏ. Nàng tiên cá và suối nước trong. Nàng tiên cá thèm bơi ra biển. Nàng tiên cá thèm vị mặn của muối ngoài biển khơi. Khúc suối hẹp, nàng tiên cá của tôi chỉ có thể vùng vẫy tại chỗ và ngâm mình dưới nước, vớt những cọng rong xanh trôi lập lờ và đùa giỡn với những con cá nhỏ. Nàng tiên cá nước ngọt. Nàng tiên cá mắc cạn.
“Con suối này chảy về đâu, chú biết không?” Tiểu Quyên nói vọng lên từ lòng con suối.
“Chẳng biết đâu.”
“Thế nó bắt nguồn từ đâu?”
“Cũng không biết luôn.”
Tôi bần thần. Tôi ngây ngất. Những câu chuyện thần thoại về những dòng suối tiên có tiên nữ xuống tắm hẳn cũng bắt đầu như thế này. Và chuyện những con suối có tiên nữ tắm không còn là chuyện bịa đặt.
“Chú phải biết. Chú ở đây lâu mà.”
Thì đúng thế. Tôi là cư dân thị trấn nhỏ bé này đã hơn mười năm rồi. Tôi có căn nhà nhỏ ở bìa rừng, nơi có tấm bảng Dead End, chỗ tôi gặp Tiểu Quyên lần đầu. Vậy mà cũng ba bốn năm rồi.
“Hở chú?”
“Chắc nó chảy vào Grand River.” Tôi lúng túng nhắc tên con sông chảy ngang thành phố kế cận.”
Tôi gỡ mớ áo quần của Tiểu Quyên khỏi cành phong. Mười ngón tay tẩn mẩn rờ rẫm những mảng rách cố tình mà người ta khoét trên chiếc quần jean làm kiểu. Rồi những ngón tay vuốt từng manh áo, từng mảnh quần, vuốt tất cả mọi thứ cho thẳng thớm. Tôi cuộn tròn chúng lại và ngồi xuống bên gốc cây, ôm cái cuộn ấy vào lòng. Ấm áp, êm đềm và thanh thoát. Mớ áo quần thấm mồ hôi và thoang thoảng mùi hương con gái làm tôi ngây ngất. Tôi nhớ câu nói của người đàn bà khi gói xâu chuỗi ngọc garage sale vào túi giấy trao cho tôi, “Xâu chuỗi ngọc này đem lại sự may mắn.”
“Sao nó không chảy ra biển nhỉ?” Vẫn giọng Tiểu Quyên.
“Cũng có thể nó chảy ra biển.”
“Quyên muốn xuôi dòng theo con suối này bơi ra biển.”
“Biển có sóng, biển không hiền hòa.”
“Quyên thích được làm nàng tiên cá.”
Tôi nhìn thân hình loang loang trong dòng nước, tôi hình dung chiếc đuôi cá của một mỹ nhân ngư, một thoáng vai thuôn, một thoáng ngực tròn, một thoáng lưng cong lấp lánh trong dòng nước mát. Ngàn hoa nắng lung linh. Và tôi không muốn Tiểu Quyên là nàng tiên cá. Dẫu là nàng tiên cá nước ngọt hay nước mặn.
“Sao chú im lặng vậy?”
Tôi giật mình, “Ồ, tại vì…”
“Lát nữa lúc Quyên lên mặc đồ chú lại phải nhắm mắt nữa nhé,” Tiểu Quyên nhắc.
“Nhớ,” tôi thở ra một lời hứa nhỏ. Tôi sẽ nhắm mắt. Tôi sẽ nhắm mắt suốt đời để nghe tiếng vải sột soạt trên da, tiếng mở khóa sợi thắt lưng da, tiếng lạch cạch những viên ngọc trong xâu chuỗi chạm vào nhau khi chiếc áo tuột ra khỏi cổ, tiếng nước quyện đôi bàn chân, tiếng suýt soa khi ngón chân vấp vào viên sỏi sắc cạnh, tiếng thở ra đầy thỏa mãn của một thân thể được tắm gội giữa trưa nồng mùa hạ. Khi nhắm mắt, tôi chìm vào một thế giới khác. Mong manh. Hiền hòa. Và bồng bềnh hạnh phúc. Tôi chợt hiểu vì sao những người khiếm thị vẫn có cuộc sống bình thường, vẫn yêu đương, giận ghét như những kẻ còn nguyên hai con mắt. Bởi thế giới của họ nhiều khi còn đặm sắc màu hơn thể giới của những kẻ bình thường. Trong thoáng chốc, tôi mang cảm giác của người sống được trong cả hai thế giới, thế giới bình thường và thế giới của người mù. Và câu nói của người đàn bà bán garage sale lại vang vọng bên tai: “xâu chuỗi ngọc này đem lại sự may mắn.”
Tôi đang là kẻ may mắn nhất trần gian. Tôi đang ngồi bên bờ con suối trong, canh giữ xiêm y cho một nàng công chúa nhỏ đến từ xứ sở nhiệt đới, xa cả một nửa vòng trái đất, nàng công chúa đồng hương, nàng công chúa lưu lạc xứ người, nàng công chúa - nếu tôi nhớ không lầm thì - vừa mới mừng sinh nhật thứ mười sáu hôm nào.
“Chú mắc dùm quần áo Quyên lên cành cây giống hồi nãy nghe chú.”
Tôi lặng lẽ làm theo.
“Bây giờ chú nhắm mắt lại nè.”
Lại tiếng thân thể quậy nước, tiếng vải áo sột soạt, tiếng gài móc sợi thắt lưng da, tiếng bước chân loạt soạt trên cỏ. Tôi nhắm mắt mãi đến khi Tiểu Quyên tạt nước vào người tôi, giọng cười vui, “Mở mắt được rồi chú ơi,” tôi mới hồi tỉnh.
Bỗng dưng tôi thèm cái nắng gắt gay mùa hạ để tôi cũng có lý do ngâm mình trong lòng suối. Tôi thèm một khung trời đứng gió để nhờ cành phong canh dùm quần áo hai người cho khỏi ướt. Tôi thầm mong con suối không bao giờ cạn, để nàng tiên cá nước ngọt tung tăng suốt mùa hạ. Và để tôi được gỡ những nhánh rong vướng trên tóc ướt, dính bết hai bờ vai thon.
“Mùa hạ ơi, hãy oi nồng thêm chút nữa”, tôi thì thầm.
Trên lối mòn len lỏi ra bìa rừng, Tiểu Quyên hí hửng, “Mình phải đặt tên cho con suối này, chú ạ.”
Tôi gật gù cố nghĩ một cái tên. Lúc Tiểu Quyên ngừng lại để gỡ những gai cỏ vướng vào gấu quần, tôi nói, “Lấy tên Quyên đặt cho con suối được không?”
Tiểu Quyên ngước lên nhìn tôi, ánh cười trong khóe mắt.
Tôi nói, “Mình sẽ gọi đó là Suối Quyên.”
Giọng Tiểu Quyên reo vui, “Tên hay đó chú.”
Suối Quyên. Từ giây phút này con suối nhỏ trong khu rừng hoang của riêng hai chúng tôi đã có một tên gọi. Tôi nghĩ đến việc viết thư yêu cầu hội đồng thị trấn đặt tên Quyên cho con suối ấy. Để mai sau cho dù chúng tôi có lạc mất nhau, con suối vẫn còn đó, và vẫn mang trên mình một cái tên quen.
Ra tới bìa rừng, sát tấm bảng Dead End, Tiểu Quyên chợt đứng sựng lại, “Có khi nào người ta đọc lộn thành Suối Quên không chú?”
Gửi ý kiến của bạn