Thời buổi nay ra đường đi chợ, đi du lịch, nếu cần mang sách hành lý nặng, người ta kéo đồ bằng cái caddie đi chợ, đi chơi xa kéo valises à roulettes. Khi cần mang theo đồ dùng nhiều hay ít, người ta đều kéo, kéo caddie… kéo tất cả bằng tay và bằng những bánh xe, thấy tiện lợi hơn khi xưa, mang, sách, đội, gánh… tất cả đã đổi thay với thời gian.
Còn khi xưa, thật xa xưa, người ta bê, đeo hay gánh. Gánh là tiện lợi khi đó, vì gánh được nhiều đồ, gánh được lợi hơn vì đồ gánh xếp cả hai bên, hai đầu đòn gánh.
Cái đòn gánh một thời lâu dài là vật dụng thân thương của người dân Việt Nam ở các thôn quê, ở cả nhiều thành thị với những người buôn bán.
Khoảng những năm 1970-1973, có ông hàng phở, luôn bán phở về đêm ở khu phố Hòa Hưng, lối khuya tối 9, 10 giờ, nghe tiếng rao “phơ phớ“ của ông là chúng tôi vác cái tô bự ra mua tô phở 5 đồng, xin thêm nhiều nước phở, về nhà, chia nhau ăn với cơm nguội, ngon ơi là ngon!
Ông bán phở gánh rất nhiều năm, và có lẽ phở rong, phở gánh đó ngon hơn phở ăn ở tiệm ngày nay. Vì lúc đó đồ ăn hiếm, xương thịt còn ít, mình ăn cũng ít nên rất ngon, nay ăn nhiều có lẽ hóa nhàm chán.
Bao năm lăn lộn với gánh phở đêm, mà ông chung thủy với một cái đòn gánh đã mòn, đã nhẵn thín, nhờ vai ông gánh, gánh phở đi rong các khu phố. Sau này, có người tò mò hỏi ông gánh nặng mãi vậy có đau vai không? Ông có vẻ thoải mái bầy tỏ với bà cụ đã lớn tuổi đã hỏi câu đó rằng:
Thưa bác là, nếu biết cách để đúng cái đòn gánh này áp vô các huyệt đạo kiên ngưng và kiên tĩnh trên vai thì không hề đau, mà còn như được tẩm quất nữa đó!
Tẩm quất là gì?
Là như xoa bóp cho khỏi đau ạ.
Ồ, hay nhỉ, để thủng thẳng tôi phải hỏi bác về các huyệt đạo này. Mà ai chỉ bác vậy?
Một ông thầy hoa ở đường Hải Thượng Lãng Ông trong chợ lớn, bác cứ xoa xoa lần lần, giữa vai có một chỗ hơi trũng xuống là trúng, nó đó nó đó!
Không hiểu rồi bà bác đó có tìm ra huyệt đạo kiên ngoại du đó không. Nhưng người Việt Nam lúc xưa kia là gánh đồ, gánh nước, gánh hàng… luôn luôn phải gánh.
Ở nông thôn miền Bắc, cái đòn gánh là ai cũng cần phải có, gánh lúa, gánh mạ, gánh phân, gánh rau…
Gánh gánh gánh! Gánh thóc về!
Gánh về, gánh về, gánh về!
Phạm Duy
Nó đơn giản chỉ là cây tre xẻ đôi, chắc chắn, bào cho nhẵn láng, hai đầu uốn hơi cong lên, và cũng ở hai đầu tận cùng đó, có cái chốt, để móc và giữ cho quang gánh đồ nặng nằm yên ở vị trí cân bằng. Phần giữa đòn gánh được bào, vuốt láng cho êm, không là đau vai.
Khi người gánh đồ đi nhịp nhàng, hơi nhún nhảy theo nhịp lên xuống ở hai đầu đòn, thì người gánh cảm thấy sức nặng như bớt đè lên vai:
Khi xưa bên lối cỏ mòn,
Ni sư gánh nước lên non tưới vườn.
Ê a câu kệ vô thường,
Rớt theo giọt nước bên đường cỏ khô.
Ngày nay lối cũ tình cờ,
Thấy Như Lai trụ bên bờ nở hoa!
Cái đòn gánh là vật rất gần gũi với nhà nông, để làm nông, để vận chuyển lúc yên bình. Còn lúc giặc giã tới, phải đi tản cư, nhiều bà mẹ vội gánh con bằng đòn gánh, đi cho mau, một bên quang thúng để con ngồi vô, một bên kia là gạo, nồi niêu, lương thực. Với cái đòn gánh thân thương, màu nhiệm, các bà mẹ chạy giặc mang theo được cả gia tài và con cái bên mình,
Còn người còn của còn con
Mất người mất cả giang san khỏi phiền!
Có những người mẹ chạy loạn từ tỉnh thành nọ sang vùng quê kia xa hút với đòn gánh với quang thúng bán buôn lặt vặt để nuôi con tới ngày hồi cư:
“Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Mươi miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài sấp giấy đẫm hoen sương buổi sớm“
Thơ Hoàng Cầm
Nói chi nhiều tới người thôn quê hay người thành thị, mà ngay nhân vật anh hùng Từ Hải của nàng Kiều:
Đường đường một đấng anh hào
Cũng còn mang hình ảnh cây đòn gánh vào văn chương:
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.
Thế đủ thấy đòn gánh gánh sâu đậm tình cảm dân gian xưa kia cả công dụng và tình cảm gắn bó nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.
Trong một bảo tàng viện văn hóa về nông nghiệp ở miền Nam người ta có treo một cây đòn gánh, được trạm trổ khắc nhiều hình vẽ rất đẹp như ngày mùa, múa lân… nó rất đẹp nhưng khác xa với những cây đòn gánh thực dụng, đã dùng… bạn hãy tưởng tượng trong một đoạn văn xuôi tả cảnh chạy loạn ở Nam Kỳ lục tỉnh, mà nhà văn Kiệt Tấn đã nói “người mẹ giầu lòng bác ái, thả cái đòn gánh xuống nước cho một đứa bé trôi sông bám vào đó, rồi bà kéo đứa bé đó lên thuyền bà!"
Miền quê Nam bộ, có nơi họ vót nhọn một đầu của đòn gánh, kiểu như thế đó, miền Bắc gọi là đòn càn, đòn càn ở Bắc nhọn cả hai đầu, để đâm sóc vào những bó lúa đã bó chặt mà mang về nhà, kiểu này chỉ những bác nông phu lực lưỡng mới làm nổi.
Còn cái đòn gánh có một đầu nhọn trong Nam, thì rất đa năng đa hiệu, đầu nhọn khi cần, được cắm chặt xuống đất, đầu kia chổng lên trời nắng, đặng phơi hay máng áo quần lỡ bị trời mưa hay rớt xuống ao, sông mà lỡ ướt… được kịp mặc cho khô ráo mà về nhà cuối ngày.
Vì thân cận và lợi ích như thế đó, chủ nhân không bao giờ lấy đòn gánh làm vũ khí, ngay cả khi cần tự vệ. Thảng hoặc chỉ để ngồi nghỉ hay gối kê đầu trên những quãng đường xa..
Khi cái đòn gánh quá cũ, người ta tháp lại, là chữa để dùng, nếu lỡ gẫy hẳn, không thể chữa, thì chủ nhân gác nó lên ránh bếp như một vật kỷ niệm, gác cất lâu quá, bề bộn, người ta cũng không mang dục bỏ mà mang đi đốt nó đi, coi như đòn gánh được hỏa thiêu, được hóa kiếp… với hy vọng mong manh nó trở thành một khúc đoạn trường ca văn chương:
“Hương ơi, sao tiếng hát em, nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào. Dù em ca những lơi yêu đương hay chuyện tình gẫy gánh giữa đường…“
Phạm Duy
Ở quê miền Trung Việt Nam, người ta vẫn có thể đi chân đất, mặc áo dài và mang đòn gánh lên vai đi bán rong các loại chè, các loại bánh nậm, bánh bột lọc… khi hạ gánh để bán, họ dựa đòn gánh vào đâu đó và không để xuống đất.
Người Hoa khi mới sang Việt Nam, họ thường nương nhờ ở cái đòn gánh mà sống, sau làm giầu:
“Cái nị là cái nị bên Tàu
Nị sang Nam Việt bán buôn làm giàu
Nị sang có cái gì đâu
Có cái đòn gánh bán buôn chè
… Chí mả phù (chè mè đen, táo tàu)
… Lục tàu xá (chè đậu xanh, bột báng)
Thời buổi cơ khí văn minh tiên tiến ào đến, chúng ta có hệ thống dẫn nước về từng nhà, tiện lợi sung sướng vô cùng nhớ đời ông cố bà cố thuở xưa, ở quê cũng như ở tỉnh, ai ai mà không dung đòn gánh, gánh nước từ giếng, ao, sông, hồ về đổ vô bể, vại, thùng, phi… để ăn, uống, tắm, rửa. Nên chúng ta tới bao giờ cũng không phủ nhận công lao của cây đòn gánh trong nhiều thập kỷ thập niên dài.
Cứ tưởng tượng mà hình dung ra hình ảnh một bà mẹ già quẩy quang gánh trên một nẻo đường mòn, bà vẫn bước đều, tự tại, kiên nhẫn, dẻo dai trong mỗi bước chân… hình ảnh đó long lanh đều đặn như những con dã tràng xe cát biển đông?
Bảo rằng nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì? Không, ý nghĩ đó có lúc không đúng chút nào, vì mẹ già tôi đang dẻo dai trong mỗi bước chân với cây đòn gánh, với hai thúng nặng kẻo kẹt trên vai, bà đang vê tròn quả phúc cho cả một dân tộc, biết đâu trong một kiếp lai sinh nào đó, chúng ta thoát khỏi đại họa cộng sản đói nghèo lúng túng!
Paris mùa hạ nóng 2024
Chúc Thanh
Gửi ý kiến của bạn