Tìm hiểu
Lời Phi Lộ: Bài viết này thuần khiết nhằm vào văn chương, sử thi, nhiều hơn là bàn về những vấn đề chính trị, kinh tế và những tác dụng trên môi trường, những mặt tích cực và tiêu cực của những tham vong của nhà cầm quyền Trung Cộng trong quá khứ cũng như trong hiện tai.
***
Năm 1956, sau 3 lần bơi vượt ba con sông lớn, Tương Giang, Châu Giang, Dương Tử Giang, Mao Trạch Đông đến dự buổi họp do Lâm Nghi Thiện tổ chức với chủ đề “Kế Hoạch Thung Lũng Sông Dương Tử”, một đề án xây đập ngang sông Dương Tử và biến đổi toàn bộ một thung lũng bao la thành một hồ chứa nước phẳng lặng. Sau khi nghe xong buổi thuyết trình, Mao Trạch Đông lấy làm thích thú vô cùng. Chiều hôm ấy, sau khi từ giã buổi họp do họ Lâm tổ chức, Mao Trạch Đông rất hứng thú sôi nổi, làm nên bài thơ “Thủy Điệu Ca Đầu Du Vịnh”, một thiên sử thi, nói lên kỳ tích bơi qua ba con sông lớn, nhất là vượt Dương Tử Giang, một con sông có nhiều ghềnh thác hiểm nghèo và cũng đồng thời nói lên quyết tâm của họ Mao cải tạo thế giới và con người. Sau đây là bản chuyển ngữ Việt của Trần Ngọc Dung về thiên sử thi ấy:
Tài Trường Sa thủy
Hựu thực Vũ Xương ngư
Vạn lý Trường Giang hoành độ
Cực mục Sở thiên thư
Bất quản thông suy lãng dã
Thăng tựa nhàn đỉnh tán bộ
Kim nhật đắc khoan dư
Tư tại xuyên thượng viết
“Thệ giả như tử phù”
Phong, tường động
Quy, xà tĩnh
Khởi hoằng đồ
Nhất kiều phi giá nam bắc
Tiêm đạp hiếm thông đồ
Cánh lập Tây Giang thạch bích
Triệt đoạn Vu Sư vân vũ
Cao giáp xuất bình hồ
Thần Nữ ứng vô thắc
Đáng kinh thế giới thù.
Dịch nghĩa:
Ta đã từng uống nước Trường Sa
Nếm cá Vũ Xương
Lên tận bầu trời Sở
Gió vùi sóng giập
Ta không sờn bước
Thân nam nhi đâu núp dưới hiên nhà
Nay ta rỗi rãnh đến đây
Trên con sông này bậc thầy đã nói
“Chết là đi vào dĩ vãng như nước sông trôi”
Gió đập cánh buồm
Rùa, rắn im hơi
Khi chí lớn dệt thành
Chiếc cầu nổi nối liền con lạch của trời đào
Để làm con đưòng nam bắc thông thuơng
Chúng ta sẽ bắt bức tường đá chặn thượng nguồn phía tây
Và kéo lùi lại mây mù và mưa bão giăng trên đỉnh trời Ngô
Cả thung lũng sẽ trở thành chiếc hồ phẳng lặng
Nếu nữ thần của núi chưa chết
Thì bà sẽ ngạc nhiên thế giới đã đổi thay.
Nhằm thuần hóa con sông Dương Tử nổi tiếng hung dữ nhất Trung Quốc, biến con sông này thành nguồn nước phát triển nông nghiệp để nuôi dưỡng người dân Trung Quốc là giấc mơ vạn đại của những bậc vua chúa của đất nước này. Nhưng suốt 4000 năm biên niên sử của Trung Quốc, chưa từng có vị nào dám nói lên quyết tâm một cách táo bạo như vậy. Hơn thế nữa, với Mao Trạch Đông, thuần hóa con sông Dương Tử còn mang ý nghĩa sâu sắc thách đố với thiên nhiên, với thần linh sông núi, thách đố với lịch sử xã hội. Họ Mao cũng thừa hiểu rằng dân tộc Trung Hoa sẽ phải chấp nhận biết bao là gian khổ và hy sinh tinh thần, của cải vật chất, nhất là phải di dời hàng triệu mái nhà đã chôn sâu nguồn cội, lich sử, truyền thống dòng họ gia đình qua mấy ngàn năm trong thung lũng bao la ấy, trong vùng thiên nhiên thuộc địa bàn qui hoạch.
Có ai ngờ dự án trên được chấp thuận trên nguyên tắc vào năm 1992, 16 năm sau khi họ Mao qua đời. Trung Quốc chính thức khởi công xây dựng dự án trên vào năm 1997 và hoàn tất thành công, thực hiện giấc mơ của họ Mao vào năm 2004.
Đó là bằng chứng có sức thuyết phục về tham vọng của Trung Quốc và phương thức thực hiện tham vọng của họ. Họ có mưu đồ, họ có cụ bị chiến lược, chiến thuật, họ có kế hoạch đoản kỳ và trường kỳ. Ta không ngạc nhiên khi thấy tất cả thế giới đều nằm trong qui hoạch của Tập Cận Binh, một nhà lãnh đạo đầy tham vọng của Trung Quốc trong thời hiện tại. (*)
– Đào Như
(May 9, 2023)
(*) Tất cả dữ liệu của bài viết trên đều được cung cấp từ tác phẩm “Bí mật cuộc đời Mao Trạch Đông” của tác giả Lý Chí Tuy.
Gửi ý kiến của bạn