“Gái Xuân Bẻ Mận – Beauty Breaking An Ume Branch*”
Tranh Suzuki Harunobu (1725-1770)
Ngày Xuân Phân là ngày chính giữa của mùa Xuân theo âm lịch và cũng là ngày đầu tiên của mùa Xuân ở Bắc bán cầu theo dương lịch (Vernal Equinox). Trong ngày này, thời gian của ban ngày và ban đêm bằng nhau, nói cách khác là âm dương cân bằng. Nhờ thế vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở, hoa sẽ dâng hương cho niệm xuân tình.
Trong một ngày lập xuân nhiều thế kỷ trước, Sư Huyền Quang [?] ngẫu nhiên bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ bên song liền viết bài “Xuân Nhật Tức Sự”. Bài thơ tả người thiếu nữ đang thêu thùa, bỗng chim hoàng oanh líu lo từ lùm tử kinh bên ngoài khiến nàng ngừng mũi kim. Không tiếng lời vì xuân tràn trong ngỏ ý, ngoại cảnh cũng như tâm tư. Nói lời gì cũng bằng thừa khi mạch mới tràn dâng. Nụ đang chúm, không chỉ hoa, nụ còn là môi bung cánh sen, đỏ hường xuân thắm. Bởi vì bây giờ đã sang xuân. Xuân đang thì...
Trong một bài thơ khác, “Xuân Cảnh” của Trần Nhân Tông, nhà vua và khách cùng im lặng trước sự diệu kỳ của núi lam xuân thì trước mặt.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thuý vi.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.
(Bản dịch của Huệ Chi)
Hai bài thơ cùng nói đến Xuân, mượn ý Xuân và sự im lặng khi đối mặt như một ẩn dụ về chân lý không thể nghĩ bàn? Cùng một cảm ứng, Mizuhara Shuoshi, nhà thơ Nhật Bản cuối thế kỷ 19, “chạm mặt” Xuân khi hé nhẹ cửa chùa, lặng người trước giàn hoa xuân phơi phới bên ngoài. Kỳ thú ở chỗ phản ứng không lời của họ, người ngừng thêu, vua quan thôi nói, kẻ chạm khẽ cửa chùa, không hẹn mà cùng giao thoa một ý. Niềm thinh lặng và tròn đầy của vô ngôn trong giờ sáng tạo – Xuân. Mênh mông bất tận nằm ở phía sau những cái không thấy được, không nói được, mênh mông ấy nào thiết đến ngôn ngữ.
Ashibi saku/ Kondo no to ni/ Waga furenu
The Japanese andromeda blooms.
The door of the kondo
I touched.
(Mizuhara Shuoshi)
Nhành đinh lăng mở sắc phơi
cửa thềm chánh điện
một tôi chạm mành. (*)
Mấy thế kỷ sau, bên cạnh “cành lê trắng điểm”, một người con gái đọc thư dưới trăng, một hình ảnh thơ mộng như chưa từng thơ mộng. Trăng đêm ấy nhất định phải sáng lắm, dạt dào như tiếng lòng em rộn rã, “Hoa lá ngây tình không muốn động / Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi” (Hàn Mặc Tử). Đó là thư tình với nhiều hẹn hứa, lời khêu mở khát dâng hay chỉ là một lá thư thường tình? Đố ai biết, có thể là một ẩn tình, một dấu hỏi trong đêm xuân, chỉ có trăng làm chứng, nhưng thật sự có cần nên biết? Buson kể lại như thế này,
nashi no hana tsuki ni fumi yomu onna ari
Pear trees in flower
a woman reads a letter
by moonlight
(Buson)
Lê trổ bông
gái hong thư
trăng ngời giấy chữ thốt thưa xuân tình (*)
Thôi thì ta cứ giả thuyết như vầy, “rồi một hai ba năm... với em anh chăn tằm, với em anh dệt vải...” (Nguyễn Bính).
Một trong những đặc tính của thơ hài cú ví như chiếc máy ảnh, thu nhiếp khoảnh khắc đang biến dịch, khi thời gian là sự vận hành liên tục từ quá khứ qua hiện tại và tiến vào tương lai trong từng sát na, đơn vị đo lường thời gian nhỏ nhất trong Phật giáo. Theo lý thuyết nhà Phật, dòng thời gian là một chuỗi vô thủy vô chung, không thể phân định được đâu là quá khứ, hiện tại và tương lai, nên cả ba thời đều có chung một tướng, đó là vô tướng. Luận sư Vô Trước quan niệm thời gian là sự tiếp nối tương tục của nhân và quả. Ánh sáng chuyền lan ánh sáng, thái dương đi xuống tiếp tay làm cuộc hôn phối ngày đêm. Ánh sáng không tắt, chỉ chuyển ngôi, như thời gian, làm sao phân định trước/sau? Chiều chưa hề chấm dứt bước đi khi nắng hóa sinh đơm ánh nguyệt lộng đêm huyền, tấu bản giao hưởng diệu kỳ nhất của một hoàng hôn mùa xuân. Buson ví tiến trình đó như hai ngọn nến luân lưu nguồn sáng, giữa mặt trời và mặt trăng, từ mùa đông đến mùa xuân, một sự liên tục của thời gian không dứt. Vi diệu thay cái đang đi không thể bắt gặp lại lần nữa...
shokunohiwo shokuni utsusuya harunoyuu
The light of a candle
Is transferred to another candle —
Spring twilight
(Buson)
Lửa hồng lạp
nến chuyền luân
lung linh thắp vòm đêm xuân giao mùa (*)
Xuân đến không chỉ báo tin bằng hoa mà còn bằng hương, hương mận và trăng lụa. Mận là mơ, là cô gái đôi tám bẽn lẽn bên vườn mang hương trinh gọi mời ong bướm. Không nồng nàn như dạ lý hay quyến rũ của ngọc lan, mận mang hơi hướm bưởi nhưng nhẹ hơn, tỏa hương về khuya nhắc nhở đôi tình nhân thời gian hẹn hò chẳng còn bao nhiêu, “Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya...” (Xuân Diệu).
Haru moya ya/ Keshiki totonou/ Tsuki to ume
The spring haze.
The scent already in the air.
The moon and ume.
(Basho)
Làn sương xuân
trời lựng hương
nguyệt soi nhánh lặng treo vườn mơ đêm (*)
Theo thông thường ước lệ, hoa nở sẽ gọi niềm vui, và hoa rụng nhắc điều mất mát. Những bài hài cú thăng hoa không chỉ diễn tả sự đến đi của xuân nhưng vượt lên trên sự đến/đi, có/không để nhắm đến chân lý hàm ngụ phía sau. Thơ tạo khí hậu an nhiên khi kể chuyện nở/tàn như sự chuyển biến của dòng sống luân lưu không ngừng, cái mất đi mở đường sinh hóa cho cái khác tồn tại. Điểm đỉnh là sự hồn nhiên vô hạn, vượt lên trên mọi ràng buộc, bình yên khi ngắm hoa bung, thản nhiên khi chứng kiến hoa mất. Basho vào cảnh giới ấy khi ông viết,
toshi doshi ya / sakura o koyasu / hana no chiri.
Year after year,
falling blossoms
nourish the cherry tree.
(Basho)
Năm tháng trôi tuế nguyệt bào,
hoa phôi pha
tụ cội đào luân sinh. (*)
Những mùa xuân đi qua, những bài hài cú ở lại, những hạt sỏi trắng lóng lánh bắt gặp đâu đó ở tuổi thơ, những chùm hoa dại khiêm nhường hé cánh vệ đường, lời hát Phạm Duy không dưng trở về gõ những nốt trầm, “Làm sao mà quên được / Đời qua vút như tên / Dăm ba hạnh phúc ngắn / Sao quên được mà quên... Người hay cười e thẹn / Miệng như trái mơ ngon / Đôi môi màu sắc pháo / Thơm như là quê hương...” Không trách Buson đăm chiêu khi mùa xuân “ấy” đi qua, “ấy” sẽ về đâu bây giờ?
arukiaruki monoomou haruno yukuekana
With pensive steps
I muse over
Spring's whereabouts.
(Buson)
Trầm ngâm bước
tư lự tôi
mùa xuân đi một tiếng hồi vô tăm. (*)
Vũ Hoàng Thư
(*) Vũ Hoàng Thư phỏng dịch haiku từ Anh ngữ. Các bài haiku trên đây được trích từ https://www.masterpiece-of-japanese-culture.com
Ngày 12 tháng 3 vừa qua, tác giả Trần Viết Ngạc vừa ra mắt cuốn sách "Bùi Huy Tín với Thực nghiệp Dân báo và Tràng An báo” tại Vườn Ý Thảo (số 3 Thạch Hãn, TP. Huế).
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Ông Bà Ly là tên mà gia đình chúng tôi nhắc đến người bảo trợ ở thành phố Perth khi nói chuyện với nhau, gọi bằng tiếng Việt cho dễ và thân mật. Tên thật của ông bà là Colin Russell và Meg Leith. Gia đình chúng tôi được chấp nhận cho đi định cư ở Úc và đến Perth, thủ phủ của tiểu bang Tây Úc vào mùa đông năm 1980...
Buổi sáng cuối tuần, tôi vừa mở facebook thấy liền mấy cái friend requests trong đó có một tên khiến tôi phải dừng lại: BS Hoàng Hùng. Cái tên rất đặc biệt khó quên cho dù bao nhiêu năm đã trôi qua. Tôi liền vào xem profile, và đúng như trí nhớ của tôi, đó chính là người đã từng “thoáng qua đời tôi”...
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Mẹ tôi kể rằng ngày mẹ tôi còn thơ ấu, ở tận miền quê xa xôi, huyện Đông Anh hay Đông An gì đó thuộc tỉnh Thái Bình của bà, có một cây nhãn cổ thụ, cành lá sum suê râm mát, cây nhãn ngự trị nguyên một góc vườn lớn, độc lập, thoải mái, không chung đụng với một cây nào khác...
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.